Chúa Nhật XXII thường niên  - Năm C
SỐNG YÊU THƯƠNG
Chú giải của Noel Quesson

Một ngày sa-bát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa

Luca, môn đệ của Phaolô nguyên là một người Pharisêu nên ngài dễ dàng phá bỏ hình ảnh quá đơn giản của một Đức Giêsu được trình bày một cách có hệ thống như người chống lại nhóm Pharisêu. Một cách tiên thiên, Đức Giêsu không chống lại một ai: Người là Người tự do, có thể giao du với tất cả mọi người: Các người thu thuế Pharisêu (Lc 7,36; 11,37; 14,1). Ở đây, chúng ta thấy Người được mời đến nhà “một thủ lãnh nhóm Pharisêu”, một trong các vị thân hào này đóng vai trò lãnh đạo trong đảng của những người công chính. Nhóm này thường chống đối Đức Giêsu mạnh nhất.

Luca ghi nhận đó là một ngày Sabát. Ngày này, các bữa ăn có một sự quan trọng đăc biệt. Bữa ăn trưa liền sau thánh vụ ở Hội Đồng. Sau một kinh cộng đoàn dài, bữa ăn mang một tính cách sang trọng hơn, vui vẻ hơn bữa ăn của các ngày làm việc. Thật vậy, vì thời gian nghỉ ngơi trong ngày Sabát phải rất chuẩn xác nên mọi món ăn phải được chuẩn bị vào tối ngày thứ sáu, đây là ngày “chuẩn bị” (Máccô 15,42). Như thế, tách khỏi mọi lo lắng về vật chất, những ai tiếp đãi bạn bè hoặc gia đình họ có thể hoàn toàn sống cho tình bằng hữu, cho việc trao đổi đối thoại. Ngày Sabát, người ta sẵn sàng mời khách. Và những “câu chuyện ở bàn ăn” là một cơ hội để vui vẻ và để suy tư.

Những ngày Chúa nhật của chúng ta chẳng phải đã đánh mất một cái gì đó sao?

Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.

Vậy Đức Giêsu đã quan sát. Người đã thấy có những người khéo luồn lách để được ngồi vào chỗ tốt. Trong mọi xã hội, người ta thừa nhận cuộc chạy đua để dành các chỗ nhất đó. Ngày nay có hàng ngàn dấu hiệu phân biệt, và không chỉ ở bàn ăn, để tôn cao giá trị. Từ cách trang phục cho đến xe ôtô của một địa vị xã hội nào đó, rồi đến thói bọc làm sang trọng các đề tài phải đề cập khi trao đổi câu chuyện vì đó là thời thượng!

Trước tiên, rõ ràng Đức Giêsu không kể lại dụ ngôn để khuyến khích chúng ta tôn trọng các quy tắc thế tục của sự tương xứng về xã hội và cấp bậc.

Người muốn khuyến khích chúng ta phải hạ mình, khiêm tốn. Nhưng trước hết, như thường lệ, Người nói với chúng ta về “Thiên Chúa”: Điều kiện nào là chủ yếu để được nhận vào Nước Thiên Chúa?

Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn

Vâng, để được nhận vào Nước Chúa, điều kiện căn bản chính là phải đón nhận, phải tiếp đón Nước Trời, phải làm cho mình trở nên hoàn toàn bé nhỏ: Chính người “Chủ tiệc” sẽ có sáng kiến và nói “hãy đến, hãy tiến lên cao hơn”. Và thật nghịch lý, người nào coi mình là “người sau rốt” sẽ sẵn sàng hơn người kiêu ngạo, để nhờ ân sủng, đón nhận ơn mà mình nghĩ rằng mình không xứng đáng được hưởng. Chính những tội lỗi của chúng ta làm chúng ta cảm nhận sâu sắc sự kém cỏi triệt để của mình: Người “tội lỗi” trở về nhà và được “công chính hóa”, trong lúc kẻ tự phụ công chính tiếp tục đứng thẳng trước mặt Thiên Chúa kể lể những hành động tốt của mình; “Chúa thấy đó, con không cần đến Ngài, con không phạm tội, không trộm cắp, bất chính, ngoại tình... con làm điều lành, con ăn chay và bố thí...” (Lc 18,9-14).

Không phải tội lỗi chống lại ơn cứu độ nhiều nhất mà chính là tình cảm về sự “công chính của bản thân”: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Thánh Phao lô, lấy lại mạc khải này của Đức Giêsu, sẽ chứng minh rằng không một ai có thể đòi hỏi sự cứu độ đời đời như một quyền lợi căn cứ vào các công nghiệp của riêng mình qua việc hoàn thành Luật (Rm 3,21-31; Gl 2,16-21).

“Anh hãy ngồi vào chỗ cuối!” Đức Giêsu không nặng lặp lại điều đó; trước thánh Phaolô. Trước mặt Thiên Chúa phải biết mình “yếu đuối” “nhỏ bé” và “ở chỗ cuối”, để hoàn toàn trông cậy vào Người, đồng thời hoàn toàn từ bỏ niềm cậy trông vào sức lực của riêng mình (Lc 17,10; 18,10-14).

Phải nhỏ bé như một trẻ thơ để có chỗ trong Nước Trời (Lc 9,48). Bạn hãy đặt mình vào chỗ cuối? ông chủ sẽ cho mời bạn lên chỗ cao hơn.

Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên

Tính kiêu ngạo là tội nặng nhất trước mặt Thiên Chúa. Ai tưởng rằng mình xứng đáng không thế có chỗ trong Nước Thiên Chúa. Kinh nghiệm lịch sử của Israel rõ ràng là sự lật ngược các giá trị của trần gian này: Thiên Chúa đã chọn dân tộc nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất trong các dân tộc trên mặt đất... “Không phải vì anh em công chính hay vì lòng anh em Ngay thẳng mà anh em sắp được vào chiếm hữu đất ấy đã hứa cho anh em, bởi vì anh em là một dân cứng cổ... (Đệ nhị luật 9,5~ - 4,37-38; Edêkien 21,31; Thánh Vịnh 147,6). Hạ mình xuống ư. Thế giới hiện đại không chấp nhận thái độ ấy. Ngày nay, người ta diễn tả, thái độ ấy bằng không từ ngữ có nghĩa xấu? Nằm bẹp xuống... đào nhiệm... bò lết... nhượng bộ... đầu hàng... Trái lại người ta ca ngợi sự phát triển, mở mang, thăng tiến.... Tuy nhiên, sự hạ mình phải là một điều rất cao cả để Đức Giêsu khuyên chúng ta làm và trước hết chính Người đã sống sự hạ mình ấy như thái độ của chính Thiên Chúa ở giữa chúng ta! “Người đã chọn chỗ sau rốt đến nỗi không bao giờ và không một ai có thể cướp lấy của Người”. Đó chính là ý nghĩa của Nhập thể: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế: Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Nhưng để nhổ bỏ mọi xu hướng khỏi thái độ ấy, chúng ta phải biết rằng khi đặt mình vào chỗ sau rốt, chỗ của người bị đóng đinh, Đức Giêsu không giảm giá trị của minh, Người không thua kém chính mình. Trái lại, bằng sự hạ mình ấy, Người đã biểu lộ trọn vẹn sự cao cả tối thượng của Người. Người đã trở thành Tình Yêu Tuyệt Đối? Người đã trở thành “con người vì những người khác!” “con người vì Chúa Cha”. Chính trong ý nghĩa ấy, sự sống lại trong vinh quang không còn là điều trái ngược với thập giá. Sự quên mình hoàn toàn của Người đã trở thành vinh quang của Người. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên!

Chúng ta không chứng kiến những nguyên tắc về lễ độ nơi bàn ăn! Chúng ta được mời gọi đến được Nước Thiên Chúa, bằng cách noi gương Thiên Chúa, Đấng kín nhiệm, ẩn giấu, khiêm hạ; Đấng đã làm mình thành người sau rốt, người phục vụ cho mọi người! Không có sự đào nhiệm nào trong thái độ thánh thiêng ấy. Đó là sự cao cả của Người. Trái lại, chính nhu cầu khẳng định mình chống lại những người khác, thống trị họ bằng sức mạnh hoặc bằng sự mua chuộc, thúc cùi chỏ vào họ để được đứng ở hàng đầu tiên; chính bản năng sinh vật ấy muốn là kẻ mạnh nhất thể hiện sự yếu đuối nguyên thủy của chúng ta, tội nguyên tổ của chúng ta: Muốn được như các thần linh... như Thiên Chúa giả hiệu ấy; ở đó chúng ta quy chiếu bản năng chúng ta.

Trong bữa ăn cuối cùng để chia tay ở nhà Tiệc ly, những khách mời của Đức Giêsu vẫn chưa hiểu: “Các ông còn cãi, nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân... Anh em thì không như thế, trái lại ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ... Thầy đây Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22,24-27).

Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi

Xung quanh đề tài về “bàn ăn” đây là một dụ ngôn mới. Dụ ngôn này mời gọi chúng ta có thái độ vô tư, phải cho và phục vụ không chờ đền đáp lại. “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. (Lc 6,32-35).

Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ

Đây cũng là một trong các nghịch lý của Tin Mừng đi ngược nhiều với thế gian. Những lời này thật sự là cách mạng. Thật vậy ở đây, phải hiểu rằng Đức Giêsu kể ra những hạng người bấy giờ bị coi là những hạng người ô nhục. Một cấm kỵ lâu đời trong nghi lễ cấm những người dị dạng tham dự các buổi lễ ở Đền Thờ (2 Samuen 5,8; Lê vi 21,18). “Luật Qumram”, thời Đức Kitô quy định như sau: “Không một người mắc phải sự ô uế của con người được vào trong Hội đường của Thiên Chúa! Mọi người bị tì vết trong da thịt mà người ta có thể nhìn thấy, bị liệt ở bàn chân, bàn tay, bị thọt, mù hoặc điếc, hoặc câm. Những người này không được vào để tham dự ở giữa Hội đoàn của những con người danh tiếng!”. Vả lại, theo Đức Giêsu, chính những con người bị khinh miệt ấy, những người tàn tật ấy lại là đối tượng của các ơn huệ thiêng liêng và được mời đến Bàn Tiệc của Người (Lc 14,21). Bệnh nhân, người đau khổ, nghèo khó, bị nhục mạ, xấu hổ, đáng thương, thương tích, đựng sau rốt, bạn đang được Chúa yêu thương. Tấm lòng của Thiên Chúa chúng ta lớn hơn tấm lòng của chúng ta. Sự yếu đuối của Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn sự mạnh mẽ của chúng ta! Khôn ngoan của Nước Thiên Chúa là sự điên rồ đối với con người. Ai khiêm nhường ấy là phúc thật, họ sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy…

Như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại

Người ta thấy rằng bởi việc nhắc đến ngày sống lại sau cùng, những lời nói về bàn ăn của Đức Giêsu đi xa hơn những lời khuyên tầm thường khi mời khách. Nhưng điều đó không có nghĩa là không được áp dụng vào các bình diện cụ thể hơn. Thật vậy, những lời của Đức Giêsu nhắm đến ba loại bữa ăn:

Trước tiên những bữa ăn của bàn ăn con người: phải chăng là điều Đức Giêsu nói với chúng ta?

Kế đó là bữa ăn Thánh Thể: có phải là không phân biệt ngôi thứ, mở ra cho tất cả mọi người?

Sau cùng, bữa ăn thời thế mạt: Thiên Chúa đã dự trù sự no nê cho những lũ tội lỗi, với điều kiện duy nhất là họ noi gương Thiên Chúa để sống yêu thương mà không chờ đền đáp lại.