Chúa Nhật XXII thường niên  - Năm C
KHIỀM NHƯỜNG
Chú giải của R. Gutzwiller

Lời khuyến dụ thứ hai của Đức Giêsu trong bữa tiệc có nhiều điểm khác lạ. Bề ngoài đó chỉ là vấn đề lịch sự. Ở đây Ngài còn nhận định trong phạm vi hoàn toàn tự nhiên. Ngài thấy khách dự tiệc chọn chỗ tốt nhất, nên mới lên tiếng nhắn nhủ: ‘khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, nhưng hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết. Trong trường hợp này, gia chủ sẽ đến và nói: ‘này bạn, xin mời bạn lên trên’.

Theo phép lịch sự, không nên ngồi trên mà trái lại nên tế nhị kín đáo tìm chỗ thấp. Sắp xếp chỗ ngồi là phận sự của gia chủ chứ không phải khách tiệc. Khi nhấn mạnh về xã giao, Đức Giêsu đã xử sự khác thường: người ta cũng có thể nói Ngài giả hình vì Ngài khuyên thực khách mưu mô ở dưới để được đưa lên hàn trên: ‘Khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: ‘này bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được vinh dự trước mặt những người dự tiệc’.

Tuy nhiên nếu tìm chỗ dưới với hậu ý hay hy vọng được lên cao, đó chẳng phải là khiêm tốn giả tạo và nhún nhường một cách tinh vi sao?

Tự cao là điều không nên có nơi Kitô hữu.

Thực sự đối với Đức Kitô thì hoàn toàn khác. Chắc chắn lời cảnh cáo những người biệt phái của Ngài hoàn toàn có tính cách tự nhiên, nhưng còn tiềm ẩn trong đó một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Đối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng nước Thiên Chúa, một đề tài đã được Thánh Luca nói đến trong đoạn trước. Thực vậy, Thánh Luca đã viết: ‘và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa’. Lời đó cũng ám chỉ những người sau hết sẽ trở thành trước hết và ngược lại.

Chúng ta phải hiểu lời đó của Đức Giêsu trong tương quan với ý tưởng này: ‘Vì hễ ai nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên’. Trong tương giao giữa người với người, khiêm nhường thường quá chịu ảnh hưởng phức tạp của mặc cảm thua kém, yếu hèn tự nhiên, ảo tưởng sai lầm và nhận định thiếu thực tế. Không thể ngây ngô nghĩ rằng mình thua kém tha nhân. Có thể người này hơn người kia về sức mạnh thể xác, sắc đẹp, thông minh, năng lực, ưu điểm, tinh thần, và các đức tính luân lý. Dẫu thế họ vẫn phải đối đáp với người khác với tinh thần khiêm nhu.

Thái độ đó chỉ có ý nghĩa –ý nghĩa đích thực- khi ta biết đối chiếu không phải giữa người này với người kia, nhưng là giữa Thiên Chúa với con người và rút ra những qui tắc cho mối tương quan đó. Khi đó khiêm nhượng trở thành chân lý và giúp ta hiểu đứng đắn con người mình.

Trước nhan Thiên Chúa, con người là tạo vật sánh với Đấng Tạo hoá, tạm thời với Vĩnh cửu, tương đối với Tuyệt đối, bất tất đối với tất yếu, hữu hạn đối với Vô hạn, cho nên dưới mọi khía cạnh vẫn là bé nhỏ trước vĩ đại. Hơn thế, con người còn khiếm khuyết nữa và đã mang thân phận tội lỗi, con người như tội nhân ra trước quan toà, con nợ đứng trước chủ nợ, dơ bẩn trước vẹn sạch, tội nhân trước Đấng Thánh.

Xét như thế –và như thế mới là cái nhìn chính xác- khiêm nhường là một thái độ tất yếu duy nhất. Ước mong con người, dù có khiếm khuyết cũng được mời tham dự bàn tiệc nước trời với sự khoan hồng đặc biệt. Và với tâm tình tri ân, hẳn họ sẽ hoan hỷ chấp nhận chỗ kém.

Nếu Thiên Chúa mời gọi họ đến với Ngài, thì hẳn Ngài sẽ cho họ chỗ trọng hơn. Đó là một ân xá mà không thể không ngạc nhiên. Đấy là một vinh dự mà Thiên Chúa ban, lẽ ra họ không đáng được. Chỉ có ai tự hạ với ý thức mình là hư vô mới có thái độ chân chính, mới biết rõ lời mời gọi là ân sủng. Như thế, họ mới ở trong tình trạng sẵn sàng nhận ân sủng đó, ân sủng sẽ nâng họ lên cao.

Trái lại, ai tưởng mình cao trọng –họ nghĩ như thế vì ảo tưởng nào không rõ- thì chiếm lấy cho mình những điều thuộc về Thiên Chúa, thiếu ý thức về tính nhưng không của việc tuyển chọn, thiếu tư cách và thiếu chuẩn bị tư tưởng để đón nhận ân sủng.

Như thế, trong nước Thiên Chúa, khiêm nhường là điều kiện tiên quyết và cơ bản, là nhân đức chính danh Kitô giáo, bắt nguồn từ tinh tuý sâu xa nhất của cử chỉ đạo đức.

Lời nói của Đức Giêsu vượt ra ngoài tầm yêu sách của phép lịch sự và cách xử thế bên ngoài, nó đem lại cho nhân loại đi xuống chiều sâu khôn dò của lòng khiêm hạ, và tiến lên chiều cao thăm thẳm của ân sủng Thiên Chúa.

VÔ VỊ LỢI (14, 12-14)

Đức Kitô đòi hỏi gia chủ phải vô vị lợi. Ông không nên mời bằng hữu và những người giàu có quen biết để họ sẽ đãi lại hay dễ dàng lợi dụng cho mình: Không: ông ta nên mời những người không hy vọng đền đáp hay không thể đối xử lịch thiệp với mình: người ăn xin, què quặt, tàn tật và mù loà.

Ngay lúc đó Đức Giêsu đã quy hướng về đời sau: ‘Vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn’. Ở đây có hai điểm nổi bật:

Trước hết, quan điểm của Đức Giêsu về đời sau. Đang lúc dự tiệc trần gian, Ngài liên tưởng đến bữa tiệc trong nước Thiên Chúa sẽ thành tựu hoàn toàn trong vinh quang của Ngài.

Tiến về thành thánh Giêrusalem thiên quốc. Sự viên mãn trần gian là mục tiêu viên mãn của siêu nhiên. Thế nên, Ngài để hết tâm tư vào thời sau hết, điểm này cho thấy lý do những điểm khai triển của Ngài trong suốt bữa tiệc.

Khi nói về việc chữa lành trong ngày Sabat và về luật nghỉ lễ, Ngài đã nghĩ đến ngày Sabat vĩnh cửu, trong ngày đó, mọi người sẽ được lành mạnh và được nghỉ ngơi trong Chúa. Ngày Sabat phàm trần có lẽ chỉ là sự tiền dự, là ánh chớp ngắn ngủi của ngày Sabat vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao được phép chữa lành và sự chữa lành đáp ứng tinh thần của ngày này.

Khi đề cập đến vấn đề chỗ hơn chỗ kém, điều này chính yếu ám chỉ môt cuộc đảo ngược giá trị và địa vị trong thế giới bên kia.

Những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế phải hạ xuống. Người giầu có trở về tay trắng và kẻ nghèo nàn sẽ được giầu sang. Quyền thế trần gian đối với Thiên Chúa chỉ là yếu hèn, và Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà ban sức mạnh cho người yếu đuối.

Những người mù loà và bất toại trong tiệc cưới cũng được như vậy. Xét theo bề ngoài họ là những người có vẻ tàn tật và bạc phận, nhưng đối với Thiên Chúa, trong tâm hồn, họ có thể là một người giàu có, một kẻ mạnh mẽ tiến đến Thiên Chúa, một người tinh mắt được cái nhìn của đức tin soi chiếu. Họ đúng là một thực khách được mời dự tiệc của Chúa.

Trái lại, một người lân cận ‘tư sản’, một người bạn (có thể là bạn đãi bôi), một thân nhân, có thể thực sự lại là người xa cách Thiên Chúa; nói theo lối tu đức, có lẽ giao du với họ cũng chẳng được ích lợi gì.

Thứ nữa, người ta có thể tự hỏi xem việc ám chỉ về đời sau là thời mà ‘khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn’ đã không che dấu tâm trạng ích kỷ, đạo đức hơn lòng vô vị lời chân thành sao? Phần thưởng hứa ban là gì nếu không phải là việc chiếm hữu Thiên Chúa.

Con người có thể và phải ao ước đến gần Ngài bao nhiêu có thể, kết hợp với Ngài một cách sâu xa để được nhận biết Ngài một cách sâu thẳm nhất trong cuộc sống mai hậu.

Con người được sáng tạo vì Thiên Chúa và sống bởi Thiên Chúa, khát khao Ngài mãnh liệt. Vì niềm vui và hạnh phúc là hiện thân của Thiên Chúa mà tâm tư con người luôn khát khao những thứ này.

Đức Kitô đề cập đến điều đó. Chính Thiên Chúa ấn định những ước vọng đó trong bản tính nhân loại. Con của Ngài còn củng cố và khai triển thêm. Vinh danh Thiên Chúa và hạnh phúc của thụ tạo đều hợp với nhau và biến nên một trong thế giới bên kia.

Cho nên, ước vọng đó của con người thật chính đáng. Trong bàn tiệc vĩnh cửu, niềm vui sẽ ngự trị mà không bị hạn hẹp. Do đó, con người có thể và phải mong ước được tham dự bàn tiệc đó và ở đây sẽ nhận được phần thưởng mà Đức Kitô luôn nhắc nhở và mới thực là mục tiêu chi phối hành vi cuả chúng ta.