Chúa Nhật XX thường niên  - Năm C
NÉM LỬA
SƯU TẦM

“Thầy đến để ném lửa trên mặt đất… Thầy đến không phải để đem hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ”.

Những lời lạ lùng mà chúng ta vừa nghe đến từ Đức Giêsu! Chúng ta không muốn chờ đợi Người dùng lửa và gươm (sự chia rẽ). Người cũng không muốn. Khi Giacôbê và Gioan muốn Người khiến lửa và diêm sinh từ trời xuống trên một ngôi làng người Samari, Người nói với hai ông ấy rằng họ không biết điều họ nói. Và khi Phêrô rút thanh gươm ra trong vườn cây dầu, Đức Giêsu nói với ông hãy cất gươm đi.

Đức Giêsu không đến để gây ra xáo trộn hoặc làm cho các gia đình tan vỡ. Nhưng thỉnh thoảng điều ấy đã xảy ra. Trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, hoán cải theo Kitô giáo hầu như dẫn đến việc bị gia đình từ bỏ, do đó người trở lại đạo phải chọn lựa giữa Đức Kitô và gia đình mình.

Rõ ràng khi Đức Giêsu nói về việc ném lửa và gây chia rẽ từ ngữ của Người không được dùng theo nghĩa đen. Tuy nhiên những lời ấy có ý nghĩa thực tế đối với Người. Đức Giêsu hiền lành nhưng không có nghĩa Người yếu đuối. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, Người cũng rất quả quyết như khi Người đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ.

Những lời ấy cũng thể hiện những điều rất mạnh mẽ trong giáo huấn của Người. Giáo huấn của Người gây ra chia rẽ. Người dạy rằng Vương quốc của Thiên Chúa mở ra cho mọi người, thánh nhân và người tội lỗi, người Do thái và dân ngoại. Điều này đưa đến sự xung đột của Người với cơ chế tôn giáo của thời đó. Người gọi các kinh sư và người Pharisêu là những kẻ giả hình và những người mù dẫn đường. Họ gọi Người là một kẻ làm loạn và một người bị quỉ ám.

Nếu Đức Giêsu đã nịnh hót đám đông, và chỉ nói với họ những điều “dễ nghe”, hẳn Người đã trở thành một người được quần chúng ưa thích. Nhưng Người đã chọn cách làm cho quần chúng bối rối. Bởi lẽ họ cần có người làm cho họ phải bối rối. Lời Người làm tổn thương một vài người và làm những người khác tức giận. Những lời Người nói với người nghèo khác với những lời Người nói với người giàu. Những lời Người nói với người tội lỗi khác với những lời Người nói với Pharisêu. Chúng ta sẽ phản bội lại Tin Mừng nếu chúng ta giản lược nó thành một sứ điệp dịu dàng, từ tốn cho tất cả mọi người không cần biết đến những khác nhau giữa người giàu và người nghèo, giữa người có đặc quyền và người cùng khổ. Một Tin Mừng nhạt nhẽo như thế không thể trở thành men làm dậy bột thế gian.

Có một xu hướng “thuần hoá” Tin Mừng, giản lược nó vào những lời nói hay đẹp và những kinh nghiệm an toàn dễ chịu. Khi điều ấy xảy ra thì lửa tàn lụi, men mất hết sức mạnh, muối mất hết mùi vị, ánh sáng trở nên mù mờ.

Các Kitô hữu không nên ngạc nhiên nếu Tin Mừng chia rẽ người ta. Ý thức về công lý đã đưa Người đến chỗ xung đột với những người bất lương. Lòng khoan dung của Người khiến Người phải xung đột với người có đầu óc hẹp hòi và tin tưởng mù quáng. Ánh sáng càng sáng tỏ thì bóng tối mà nó đẩy lùi càng thêm tăm tối.

“Khi tôi cho người nghèo lương thực, họ gọi tôi là một ông thánh. Nhưng khi tôi hỏi tại sao người nghèo không có lương thực, họ gọi tôi là một người cộng sản”. Cố Tổng giám mục Helder Camara, người chiến sĩ đấu tranh cho người nghèo ở Braxin đã nói như thế.

Đức Giêsu nói rằng Người đến để thắp lửa trên mặt đất. Đây chỉ là một hình ảnh, một ẩn dụ nhưng là một ẩn dụ mạnh mẽ. Đó là một biểu tượng của sự phán xét và thanh luyện. Lửa đốt cháy những gì vô ích, và thanh lọc những gì còn ô uế.

Sứ điệp Tin Mừng là một ngọn lửa thanh luyện, nó là men cho xã hội và thế gian. Ngọn lửa ấy không chỉ được đốt lên mà còn được giữ gìn. Chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu là những người chăm sóc giữ gìn ngọn lửa ấy.