Chúa Nhật XX thường niên  - Năm C
ĐEM GƯƠM GIÁO TỚI
SƯU TẦM

Chúa Giêsu đã cảnh cáo dân chúng về hiểm hoạ của đời sống hưởng thụ - qua dụ ngôn phú nông ngu dại. Rồi Ngài lại khuyên những kẻ theo Ngài - qua dụ ngôn ông chủ về và kẻ trộm đến. Nhưng Ngài không muốn cho họ lầm lạc mà cho rằng nước ấy sẽ thiết lập ngay mà không cần phải tranh đấu và chờ đợi. Thời hiện đại là thời của tranh giành chia xé, mà nguyên nhân chia rẽ ấy lại là chính Chúa. Một ngày kia Ngài sẽ trở lại đem lại sự công bình, an lạc đến chỗ toàn thắng và lúc ấy Ngài sẽ là Vua của Hoà Bình. Còn bây giờ Ngài đến thế gian quẳng lên nó một đốm lửa chia rẽ, xung đột. Đó là điều không thể tránh được, nên Chúa Giêsu không ân hận gì khi thấy lửa bén cháy, nhưng cho đến khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá lửa ấy mới bùng lên thành hoả hoạn. Ngài cảm thấy bồn chồn mong cho xong cái kỳ hạn khủng khiếp ấy, Ngài sẽ là cây đuốc châm vào thế gian, ngọn lửa của xung đột và chia rẽ. Sự chia rẽ sẽ xảy ra dầu ngay trong hàng ngũ những người thân yêu nhất.

1. Trong tư tưởng của người Do-thái, lửa là biểu tượng của phán xét.

Vì thế Chúa Giêsu nói Nước Ngài đến như một thời kỳ phán xét. Người Do-thái tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ phán xét các dân tộc thế gian theo một tiêu chuẩn và phán xét, họ theo một tiêu chuẩn khác. Và sự kiện họ là người Do-thái cũng đủ cho họ thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Đối với những người đang nhìn biết Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a, Đấng Xức Dầu của Thiên Chúa, thì những lời này khiến họ phải ngỡ ngàng, sững sờ. Họ đã coi Đấng Mê-si-a là Đấng Chiến Thắng, là Vua, và thời đại của Đấng Mê-si-a là hoàng kim thời đại… Mặc dầu tư tưởng chúng ta cũng muốn loại bỏ yếu tố phán xét ra khỏi sứ điệp của Chúa Giêsu nhưng nó vẫn tồn tại một cách bất di bất dịch.

2. “Có một phép rửa mà Ta phải chịu”

Động từ Hi-lạp baptizein có nghĩa là dìm xuống nước. Trong thể thụ động nó có nghĩa là chịu dìm xuống nước. Thường thường từ ngữ đó được dùng theo nghĩa bóng. Chẳng hạn dùng để chỉ về một chiếc tàu bị sóng biển vùi dập và chìm xuống. Cũng có thể dùng chỉ một người “uống rượu như hũ chìm” và say đến chết. Cũng có thể dùng để chỉ một thí sinh bị tấn công bởi các câu hỏi dồn dập của các giáo sư khảo hạch. Nhưng đặc biệt nó được dùng để chỉ về một người nhận chìm trong một kinh nghiệm rùng rợn, khủng khiếp, đến nỗi có thể nói “các đợt sóng ba đào bao phủ lên tôi”. Nó có nghĩa của từ mà Chúa Giêsu dùng ở đây. Ngài muốn nói “Ta có một kinh nghiệm khủng khiếp mà Ta phải trải qua và đời sống đầy căng thẳng cho đến khi Ta qua khỏi nó và xuất hiện cách toàn thắng”. Thập giá hằng ở trước mặt Ngài luôn. Ý tưởng đó thật khác xa với ý tưởng của người Do-thái về vị Vua của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến, không phải với những đạo binh báo thù và những ngọn cờ phấp phới, nhưng Ngài đến để phó mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

3. Sự đến của Ngài chắc chắn mang lại sự chia cách.

Thực tế điều đó đã xảy ra. Đó là lý do khiến người La-mã ghét Kitô giáo, bởi vì nó khiến gia đình phân rẽ. Perpetua thuộc gia đình quý tộc, bị bắt vì đạo. Cha của nàng vẫn là dân ngoại, thuyết phục nàng bỏ đạo. Chỉ vào chiếc bình nàng lễ phép nói với cha: “Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu”. Tức quá, ông đánh đập nàng tàn nhẫn, rồi bỏ đi nhiều ngày không tới. Perpetua có một đứa con còn đang bú, rất khổ vì phải xa con. Đứa bé kiệt sức nên người ta đưa lại cho mẹ nó, và nàng quên hết đau khổ vì có con bên cạnh.

Vì biết con gái mình sắp bị án tử, người cha lại đến với những lời thảm thiết: Con ơi, hãy thương đếm mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đến con nhỏ của con nữa, nó sống làm sao nếu không có con. Con hãy bỏ đạo, bỏ đi điều đã làm cho chúng ta mất tất cả.

Tuy rất cảm động và đau khổ, Perpetua chỉ nghẹn ngào trả lời: Thưa cha, tại toà án sẽ xảy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình. Người cha còn cho đem đứa trẻ đến năn nỉ: con hãy thương đến đứa con nhỏ của con.

Ngay cả trong gia đình tin Chúa cũng xảy ra chia rẽ. Cha của Phan-xi-cô muốn chàng theo nghề buôn bán để được giàu sang, còn chàng lại quyết tâm theo tiếng Chúa gọi sống nghèo khó tận cùng, thế là bố con chia rẽ nhau.

Mỗi người tin Chúa phải quyết định hoặc yêu mến gia đình hơn hoặc yêu Chúa Giêsu hơn. Bản chất của Ki-tô giáo là phải đặt sự trung thành với Chúa Giêsu lên trên tất cả cá sự trung thành khác của thế gian. Người ta phải sẵn sàng coi mọi sự như thua lỗ vì cớ cao trọng tuyệt đối của Chúa Giêsu.