Chúa Nhật XX thường niên  - Năm C
NGƯỜI GIỮ NGỌN LỬA
SƯU TẦM

Cách đây ít lâu, tờ Los Ageles Times có đăng một câu truyện của phóng viên Dane Smith, về một Kitô hữu tên là Charlie Deleo.

Sau khi từ Việt Nam trở về Charlie kiếm được chân giữ tượng Nữ Thần Tự Do. Anh kể cho phóng viên rằng, một phần công việc của anh là lo chăm sóc ngọn đuốc trong tay bức tượng Nữ Thần Tự Do và cái mũ triều thiên trên đầu bức tượng. Anh phải lo làm sao cho các tia hơi nước có chất natri luôn hoạt động, đồng thời 200 cửa sổ bằng kính nơi ngọn đuốc và mũ triều thiên lúc nào cũng phải sạch sẽ.

Chỉ vào ngọn đuốc trong tay bức tượng Nữ Thần Charlie hãnh diện nói:

“Đó là nguyện đường của tôi. Tôi dâng hiến nó cho Thiên Chúa và thường lên đó suy niệm vào lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi”. Ngoài ra, Charlie còn làm cho Chúa những điều khác nữa. Anh đã nhận được bằng khen của Hội Chữ Thập Đỏ từ sau khi anh hiến nửa lít máu lần thứ 65. và sau khi nghe biết công việc của Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ, anh đã gởi tặng Mẹ trên 12 ngàn đô la.

Charlie kể rằng, khi Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nói chuyện tại công viên Battery cách bức tượng Nữ Thần Tự Do hơn hai cây số, thì anh đứng trên lối đi nhỏ viền quanh ngọn đuốc và lắng nghe bài nói chuyện của Đức Thánh Cha. Tại lối đi nhỏ ấy, anh cũng sốt sắng cầu nguyện cho chuyến viếng thăm mục vụ của Ngài được thành công.

Charlie vẫn sống độc thân và sau khi kiếm được việc làm, anh đã bảo trợ cho 6 trẻ mồ côi thông qua các tổ chức xã hội, không giữ lại đồng làm của riêng. Cuối cùng, Charlie kể cho phóng viên rằng, anh thường tự cho mình là “người giữ ngọn lửa”.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã đem ngọn lửa xuống trần gian. Ngọn lửa tình yêu vĩnh cửu bốc cháy trong trái tim Ngài. Khi hiến mạng sống cho con người chỉ vì quá yêu thương con người, Ngài đã châm ngọn lửa yêu thương vào lòng con người. Và Ngài thốt lên với tất cả nỗi lòng khắc khoải: “Thầy đã đến đem lửa xuống trần gian. Nào Thầy có mong muốn gì hơn là mong cho lửa ấy cháy bùng lên”. Cháy bùng lên, không phải để rồi tắt ngấm. Nhưng cháy lên để tiếp tục cháy mãi.

Mỗi Kitô hữu chúng ta đều đã được Chúa Kitô châm ngọn lửa tình yêu của Ngài vào lòng. Ngọn lửa tình yêu ấy cần phải được chăm sóc, giữ gìn và làm cho cháy sáng hơn mãi.

Anh Charlie trong câu chuyện trên thật là một mẫu gương sáng ngời cho chúng ta. Anh đã biết giữ ngọn lửa tình yêu, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, luôn cháy sáng như chính ngọn lửa của ngọn đuối trong tay bức tượng Nữ Thần Tự Do mà ngày đêm anh có bổn phận canh giữ. Cách sống của anh cũng mời gọi cho chúng ta hãy là những người giữ lửa. Giữ cho ngọn lửa tình yêu trong lòng mình luôn cháy sáng trước nhan Thiên Chúa và giãi toả hơi nóng sưởi ấm con tim anh chị em chúng ta, nhất là những người đau khổ và bất hạnh.

Tuy nhiên, ngọn lửa tình yêu Chúa Giêsu đem xuống trần gian chỉ bùng cháy và lan rộng cùng khắp khi có máu đổ ra trên Thập giá. Máu đổ ra là dấu hiệu của tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta. Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, đã thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi bằng ngọn lửa và Máu của Ngài: “Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất”. Phép rửa nầy là phép rửa nào? Phải chăng là phép rửa bằng máu của cuộc tử nạn thập giá? Như lửa thử vàng, lửa phải thấm vào bên trong làm cho cả khối kim loại “đỏ như lửa”, trở nên tinh tuyền hơn, chất lượng cao hơn.

Đứng trước tình yêu và cái chết thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta phải tỏ thái độ dứt khoát, thưa anh chị em. Hoặc theo Chúa hoặc chối bỏ hay chống đối Ngài. Không thể có thái độ lưng chừng hay trung lập được: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng đúng là để gây chia rẽ”. Bởi vì Lời Chúa luôn chất vấn, hạch sách chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi não trạng, cách suy nghĩ, lối sống. Và mỗi lần thay đổi, chúng ta đều phải chấp nhận có sự xáo trộn, sự bất đồng ý kiến, chia rẽ nội bộ.

Nhiều khi chúng ta sợ gây xáo trộn, sợ mất lòng nhau, sợ bất hoà nên đã tránh né đặt lại vấn đề một cách chính xác, sửa đổi một thái độ, một lối sống sai trái của mình hay của anh em. Cần phải tranh đấu nội bộ giữa cá nhân, giữa tập thể để sửa đổi những lỗi lầm, sai trái, mặc dù biết rằng phải qua những bất hoà, xáo trộn, nhưng rồi sẽ đi đến chỗ đổi mới tốt đẹp hơn, phù hợp với ý muốn của Chúa hơn.

Nhiều khi chúng ta nhân danh sự hoà thuận, sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong Giáo Hội, hoặc vịn cớ không muốn gây hoang mang, chia rẽ, để duy trì một lối cử hành phụng thụ động, nhàm chán, một lối sống đạo vụ lợi, hình thức, một quan niệm lệch lạc về đạo. Người ta cũng đã từng nhân danh sự hiệp nhất để phủ nhận những nỗ lực đấu tranh cho công bằng, đấu tranh giải phóng những kẻ bị áp bức. Sự hiệp nhất đó chỉ là sự đồng loã, hiệp nhất trong tội lỗi…

Những ai theo Chúa Giêsu phải quý trọng công bình, quý trọng tình thương yêu đích thực, coi trọng con người và chấp nhận đấu tranh cho những giá trị cao quý đó, dù có phải vì đó mà phải chống lại những người trong gia đình của mình, chống lại bạn bè và cả những người đồng đạo với mình.

Anh chị em thân mến,

Chúa Kitô đã đem lửa tình yêu để thiêu đốt, thanh luyện những thứ bình an, hiệp nhất giả tạo che đậy những bóng tối tội lỗi, Ngài là con người gây xáo trộn, gây chia rẽ; bởi vì Ngài luôn luôn là ánh sáng chiếu soi vào trong bóng tối. Ngài muốn cho trong lòng mọi người đều bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu nhiệt thành của Ngài để đổi mới, để sống cho cái mới mà Ngài gọi là Nước Trời. Phải đấu tranh mãi để thế giới luôn tốt hơn, con người luôn hạnh phúc hơn. Người Kitô hữu không bao giờ được phép bằng lòng với nguyên trạng, cho dù trong đạo hay ngoài đời, bởi vì tất cả đều phải tiến đến Trời Mới Đất Mới.