Chúa Nhật XVIII thường niên  - Năm C
TÍCH LŨY KHO TÀNG TRÊN TRỜI
Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh

Các thiếu nhi thân mến,

Ai trong các con có thể kể cho Cha và các bạn nghe câu chuyện cổ tích "Ăn Khế Trả Vàng " cho Cha và các bạn nghe nào?

-                   Thưa Cha Con.

Cha mời bạn Phương Anh.

"Ngày xưa gia đình kia có hai người con, Cha mẹ mất để lại gia tài cho hai con. Người Anh tham lam lấy hết gia tài chỉ để cho người em một căn lều mái chanh và cây khế ......."

Cha cám ơn con. Thế trong câu chuyện các con vừa nghe các con thấy ai là người tham lam? thưa Cha người Anh cả.

Hậu quả thế nào? thưa Cha người anh cả tham lam nên đã chết rơi xuống sông ạ....

Cám ơn con con, các con giỏi lắm.

Lời Chúa ngày hôm nay các con vừa nghe và các con sẽ thấy:

Ðức Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế.

Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, thì Chúa từ chối ?

Người đã trả lời: "Ai đặt Ta làm quan án cho các ngươi?" (Lc 12,14).

Chúa đã từ chối phân xử vì những lý do sau đây :

•        Như lời Chúa đã phán:”Ta đến không phải để làm quan án luận phạt mà là để giúp con người tự xét xử,tự lên án mình”.

•        Do đó sự giải quyết những tranh chấp bất công cách tạm thời không phải là mục tiêu lâu dài của Chúa,trái lại công việc chính của Ngài là cảnh giác,lên án sự tham lam và giúp con người bỏ tính xấu đó thì sự bất công hết chỗ đứng trên trái đất.

 Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau. Nhưng Ðức Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi nói với đám đông: "Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu"(Lc 12,15). Ðức Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Ðời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.

Dụ ngôn nói tới người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.

Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó : hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

 

Các thiếu nhi mến, tại sao Chúa lại cảnh giác chúng ta về tính tham lam ?

Cái ngu của người giàu có về đời sống của mình để chống lại cái chết.

Và Cái ngu dại của người giàu có  này hệ tại điều gì ?

Chúa cảnh giác anh ta về tính tham lam là vì dù ta có giàu có đến đâu thì cuộc sống của ta không hoàn toàn tùy thuộc vào của cải vì của cải nay còn mai mất bất cứ lúc nào.

Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (câu 21).

Cha kể cho các con câu chuyện:

Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói : “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhín vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói : “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả” (Aesop).

Nên hôm nay, Chúa Giêsu khuyên người thanh niên và chúng ta hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa là làm sao ?

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa nghĩa là mua ân nghĩa,mua tình thương bằng cách bố thí, giúp đở, làm việc thiện là để gởi vào nhà băng trên trời mà dùng sau khi qua đời.

Và Chúa Giêsu kết luận: nếu của cải bất lực trong việc tạo hạnh phúc cho ta, không thể cho ta sống lâu trường thọ, thì cách tốt nhất là hãy sử dụng và biến chúng trở nên những của cải trường tồn đem ký thác ở ngân hàng TC để sinh lời, bằng cách dùng chúng để phục vụ tha nhân.

Thiếu nhi thân mến, Tiền bạc, tự nó không tốt không xấu. Nó chỉ là phương tiện, một khí cụ, một đồ dùng, như con dao chẳng hạn. Cái làm cho nó tốt hay xấu chính là sự xử dụng. Con dao có thể giúp người mẹ dùng để sửa soạn hay giúp bác sĩ giải phẫu cứu sống bệnh nhân nhưng nếu chúng ta dùng nó sai thì nó cũng có thể dùng để sát nhân hại mình và hại người khác.

 Tiền bạc cũng thế, cái bị lên án trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, là lòng tin tưởng quá đáng vào tiền bạc và việc người giàu có xử dụng tiền bạc cách quá ích kỷ. Nếu được dùng để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân, tiền bạc có thể là một phương tiện làm cho ta trở nên vĩ đại trước mặt Chúa và nhờ đó được sống muôn đời.

Chớ gì lời Chúa hôm nay soi sáng hướng dẫn cho mỗi người chúng ta biết chận đứng ngay lòng tham lại, biết dùng của cải để mua lấy những giá trị vĩnh cửu của Nước trời : đó là công bằng, bác ái, chia sẻ, bố thí, làm việc lành phúc đức.