Chúa Nhật XV thường niên  - Năm C
YÊU NGƯỜI
SƯU TẦM

Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi mới nghe như đơn giản nhưng thực ra đó lại là mấu chốt để giải thích cho đúng đắn lề luật Maisen. Vì lẽ luật này đòi hỏi chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình.

Theo lẽ thường của người Do Thái thời bấy giờ thì quan niệm về người thân cận bị thu hẹp vào các thành phần Israel. Như vậy hạng ngoại kiều không có chỗ đứng trong những hoạt động bác ái, thành ra dụ ngôn Chúa Giêsu kể về người Samaria nhân hậu có hiệu quả như một trái bom hay như một cú đấm vào lương tâm của những kẻ tự ru ngủ bằng điệp khúc bình an vì đã làm tròn bổn phận tối thiếu của mình.

Quả thực qua dụ ngôn Chúa Giêsu đã chỉ trích gương xấu cần phải tránh mà điển hình là ông tư tế và thầy Lêvi, hai ông viên chức của phụng vụ đền thờ và được coi như là hàng đạo đức bởi đã giữ đúng lề luật. Đồng thời Ngài cũng nêu lên gương tốt phải theo mà cái khuôn mẫu là người Samaria, một ngoại kiều, một địch thủ, một tên lạc đạo. Bất chấp mọi thứ rào cản xã hội hay tập tục truyền thống, ông ta đã xông xáo tiến lại người xấu số để giúp đỡ anh ta đang bị bỏ dở sống dở chết trên đường. Chắc hẳn tình người của ông đã phát xuất từ lòng nhân từ rộng rãi của ông chứ không phải từ những bộ luật rườm rà phiền toái.

Đưa ra những nhân vật điển hình trên, chắc hẳn Chúa Giêsu nhằm giải thích một cái gì đó thiết yếu trong giáo huấn của Ngài, điều mà con người mọi thời, nhất là chúng ta ngày nay, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, cần được soi sáng. Cái thiết yếu chính là ý nghĩa của câu hỏi lật ngược: Không còn hỏi ai là thân cận của tôi, mà hỏi tôi là người thân cận của ai?

Đó là tinh thần cách mạng của Tin Mừng mà không bao giờ chúng ta múc cạn được chiều sâu của nó. Bởi vì vấn đề không còn là ngồi đó mà xem ai là kẻ thân cận của mình, như thể một số người nào đó được chỉ định trước để chúng ta sử dụng như là phương tiện làm chiếu sáng đức yêu người của chúng ta, trong khi một số những người khác có thể thoát ra ngoài những hoạt động yêu thương ấy mà không gây ra một nguy cơ nào cho lương tâm. Chúng ta đi tìm những người thân cận trong một danh sách đã lập trước. Trong khi đó chính tình yêu đòi buộc chúng ta phải đi tìm gặp những người thân cận ở trong một giới hạn vô biên vì giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Khi đó mọi người đều có thể là người thân cận, là người anh em của chúng ta, đặc biệt là những kẻ đau khổ, nghèo túng và bị ruồng bỏ. Người chúng ta phải yêu thương trước nhất phải là người chúng ta thương không nổi, phải là người sống bên lề xã hội, tức là hạng người tội lỗi, yếu đuối và bị khinh khi. Bao lâu chưa đạt tới đó, thì chúng ta hãy còn ở trong cái mức của ông tư tế, cái mức của thầy Lêvi là những người đã cố tạo khoảng cách cho đủ xa những kẻ bất hạnh.

Đừng giả đui giả điếc trước tiếng gọi của những người anh em đó, dù họ là ai, dù họ ở đâu, thì họ vẫn là những người thân cận của chúng ta, nếu chúng ta biết tiến lại gần họ với một con tim bằng hữu và với những cánh gay giơ ra để giúp đỡ như người Samaria và như Đức Kitô ngày xưa.