Chúa Nhật XIV thường niên  - Năm C
LOAN BÁO TIN MỪNG TRƯỚC
Suy niệm của JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Ngoài 12 tông đồ, còn có 72 môn đệ được Đức Giê-su sai đi tiếp nối sứ mạng của Ngài. 72 môn đệ đó tượng trưng cho ơn gọi nào trong Giáo Hội?

2. Tình hình nhân sự trong việc tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su trên thế giới hay trong xã hội chúng ta đang sống như thế nào? Khi ý thức điều ấy, bạn có nghe thấy Đức Giê-su mời gọi bạn làm gì không?

3. Để làm tông đồ, tức tiếp tục công việc cứu thế của Đức Giê-su, chúng ta phải làm gì? Chúng ta đã làm gì? Có gì cần sửa chữa trong quan niệm của chúng ta?

Suy tư gợi ý:

1. Ơn gọi làm tông đồ giáo dân

Ngoài số 12 môn đệ được Đức Giê-su huấn luyện đặc biệt để sau này tiếp nối sứ mạng của Ngài, Tin Mừng Luca còn nói tới số 72 môn đệ được Ngài sai đi. Người ta thường ví ơn gọi của 12 môn đệ với ơn gọi tông đồ của hàng giáo phẩm và giáo sĩ, là những người thường được huấn luyện đặc biệt có trường lớp để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giê-su. Và ví ơn gọi của 72 môn đệ với ơn gọi tông đồ của giáo dân, là những người được huấn luyện ở trình độ phổ thông để làm tông đồ.

Đấy cũng là một cách hiểu khá hợp lý. Thực ra, bất kỳ người Ki-tô hữu nào một khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, đều được Đức Giê-su mời gọi tiếp tục sứ mạng của Ngài là cứu độ nhân loại. Vì thế, việc cứu độ nhân loại không phải là công việc dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà là nhiệm vụ của bất kỳ người Ki-tô hữu nào, dù là giáo dân, đạo gốc hay tân tòng. Bài Tin Mừng hôm nay là một dịp nhắc nhở người giáo dân nhiệm vụ tông đồ hay cứu thế của mình. Đặc biệt những Ki-tô hữu đã có từng được đào tạo để làm tông đồ trong các chủng viện hay tu viện, mà nay lại đứng trong hàng ngũ giáo dân. Những người này thường được Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt hơn những giáo dân khác.

2. Sứ mạng của Đức Giê-su còn bao nhiêu việc phải làm

Hễ nói tới câu Tin Mừng «Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về», chúng ta thường nghĩ ngay tới cánh đồng truyền giáo, làm như Giáo Hội chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là truyền giáo. Thực ra, Đức Giê-su đến là để cứu chuộc nhân loại, mà trong đó việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng chỉ là một phần, và chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích cứu thế của Đức Giê-su. Nhiều khi người Ki-tô hữu quá quan tâm đến phương tiện này mà quên đi mục đích của nó, nghĩa là lấy chính việc loan báo Tin Mừng làm mục đích của việc tông đồ. Mục đích của Giáo Hội cũng như của Đức Giê-su không phải là loan báo Tin Mừng, mà là cứu nhân loại, không chỉ đời sau mà còn cả đời này nữa. Cứu nhân loại là làm cho nhân loại hay con người thoát khổ và hạnh phúc hơn. Loan báo Tin Mừng chỉ một trong những phương tiện phải làm để đạt được mục đích cứu độ đó.

Ý thức lại vấn đề như vậy, chúng ta thử tự hỏi: chúng ta đã quan tâm tới vấn đề cứu độ con người như Đức Giê-su chưa? Một cách cụ thể, chúng ta đã làm gì để những người chung quanh ta bớt đau khổ và hạnh phúc hơn? Sự hiện diện của ta, với tư cách người Ki-tô hữu hay tập thể Ki-tô hữu, có làm cho gia đình ta, những người chung quanh ta, xã hội ta đang sống bớt khổ đau và hạnh phúc hơn không?

Thế giới và xã hội con người hiện nay còn biết bao tội lỗi, đau khổ, bất công. Sứ mạng cứu thế của Đức Giê-su chưa thực hiện được bao nhiêu, và còn biết bao việc phải làm. Nhưng có được bao người muốn dấn thân tiếp nối sứ mạng của Ngài? Việc thì nhiều mà nhân sự thì ít. Người Ki-tô hữu, dù là giáo dân hay giáo sĩ, có nghe thấy lời mời gọi tha thiết của Ngài không? Và nếu muốn tiếp tục sứ mạng của Ngài, chúng ta phải làm gì?

3. Trình tự những việc phải làm của người môn đệ Đức Giê-su

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su sai 72 môn đệ đi. Hãy coi lại xem Ngài truyền bảo họ những gì. Có những điều chính yếu được xếp theo trình tự thời gian mà cũng có thể là theo thứ tự quan trọng như sau:

1. «Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép»: ý nói đừng quá lo toan về những nhu cầu vật chất, mà hãy chú tâm vào sứ mạng của mình. Việc này được đề cập đến đầu tiên, ắt nhiên là một điều rất quan trọng. Muốn cứu rỗi người khác mà lại quan tâm đến những nhu cầu vật chất của mình, vốn đòi hỏi rất nhiều tâm trí và năng lực của mình, thì còn đâu tâm trí và năng lực để cứu rỗi người khác?

2. «Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường»: ý nói sứ mạng khẩn cấp, cần tập trung thì giờ và năng lực vào sứ mạng của mình. Ngoài nhu cầu vật chất, còn những nhu cầu cá nhân khác, cũng cần phải dẹp bớt để tập trung thì giờ và năng lực vào việc cứu rỗi con người.

3. «Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”»: ý nói phải quan tâm tới sự bình an, thoải mái cho người mình gặp. Sự bình an, không phải sống trong lo âu, sợ sệt… về tinh thần cũng như thể chất là điều mà người môn đệ Chúa cần phải quan tâm thực hiện đầu tiên cho mọi người mình được sai đến. Đây là nhu cầu căn bản và cần thiết nhất của mọi người sống trong trần thế.

4. «Hãy chữa những người đau yếu trong thành»: ý nói hãy quan tâm đến đau khổ và hạnh phúc của mọi người, và cứu giúp họ trong khả năng của mình. Người môn đệ của Chúa cần phải quan tâm đến những nhu cầu hết sức cụ thể của con người. Phải cảm thông với niềm vui nỗi buồn, với hạnh phúc và đau khổ của mọi người, đồng thời phải cứu khổ và tạo điều kiện hạnh phúc cho họ một cách hữu hiệu.

5. Và sau cùng mới là «nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”»: ý nói là phải loan báo Tin Mừng cho họ, tức nói với họ về Thiên Chúa, về nhu cầu tâm linh, về những gì thiêng liêng.

Ta thấy trình tự trên thật là hợp lý. Người chung quanh ta có được ta quan tâm tạo bình yên và thoải mái cho họ, thì họ mới dám đặt niềm tin tưởng vào ta, và mới có điều kiện thoải mái để nghe ta nói những chuyện xem ra có vẻ ít thực tế hơn đối với đời sống của họ. Thế mà rất nhiều khi người Ki-tô hữu lại làm ngược lại trình tự mà Đức Giê-su đã đề nghị. Chúng ta lo loan báo Tin Mừng trước, và coi những việc đáng quan tâm hàng đầu kia vào hàng thứ yếu. Chính vì thế mà việc loan báo Tin Mừng của chúng ta trở thành thiếu thực tế, kém hữu hiệu, nên không được đón nhận bao nhiêu từ nhiều thập kỷ nay tại Châu Á. Do đó, chúng ta cần phải sửa lại quan niệm về cách làm tông đồ của chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Công Đồng Vatican II nhắc nhở người Ki-tô hữu phải nhập thể nhiều hơn vào những lãnh vực trần thế để biến cải môi trường mình sống nên tốt đẹp hơn một cách hữu hiệu. Xin giúp con xét lại xem sự hiện diện của con đã biến cải môi trường con sống tới mức độ nào? Có làm cho những nơi mà con hiện diện tốt đẹp và hạnh phúc hơn không? Xin cho con biết quan tâm sống tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương trước đã, trước khi loan báo nó ra để người khác cùng sống theo. Xin giúp con biết yêu thương để quan tâm tới đau khổ và hạnh phúc của những người chung quanh con, và biến con trở nên một đấng cứu thế nho nhỏ trong môi trường nhỏ bé con đang sống, là gia đình con, là môi trường nghề nghiệp của con, khu xóm của con, v.v… Amen.