Chúa Nhật VIII thường niên - Năm C
"HÃY BIẾT MÌNH"
                    Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Tin mừng tuần trước lời Chúa dạy: “Các con hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình”. Còn Tin mừng tuần này, Chúa dạy chúng ta hãy tự biết mình, có nghĩa là biết thân phận con người “nhân vô thập toàn, có nhiều giới hạn”, chứ đừng cho mình là mẫu mực mà lên án hay phê bình chỉ trích người khác.

 Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Thần Du-pi-te khi dựng nên con người thì ngài đeo cho họ hai cái túi: Một cái trước ngực, đựng những lỗi lầm của người khác, một cái sau lưng đựng những lỗi lầm của mình. Như vậy, người ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác mà không nhìn thấy những khuyết điểm của mình.

Câu chuyện ngụ ngôn trên thật đúng cho câu tục ngữ cha ông mình nói: "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Và đây cũng là một nguyên tắc mà Đức Giêsu đưa ra để sửa lỗi anh em, nghĩa là: bản thân mình phải tốt mới có thể sửa dạy người khác.

Để có khả năng hướng dẫn, chỉ bảo, sửa sai người khác, trước hết phải tự xét mình, phải biết mình trước đã, nhưng biết được mình không phải là chuyện dễ, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó hơn. Chính vì thế triết gia Socrate rất chí lý khi nhắn nhủ các môn sinh của mình "Hỡi ngươi, hãy tự biết mình". Còn tác giả Thánh vịnh đã nói: “Người công chính mỗi ngày còn sai lỗi tới bảy lần, huống hồ là chúng ta”. Và người xưa đã từng khuyên nhủ: “Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Có nghĩa là biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.

Vậy, để biết rõ mình hơn, chúng ta cần phải khiêm tốn hồi tâm xét mình, nhìn nhận mình dù có tài giỏi đến đâu đi nữa, nhưng vẫn còn có nhiều lãnh vực mù mờ.

Vì thế, điều quan trọng là phải biết nhìn nhận những sai lỗi khuyết điểm của mình, để rồi cố gắng nỗ lực sửa đổi, thăng tiến bản thân mình trước đã.

Bởi lẽ, thân phận con người thật là yếu đuối mong manh như chiếc bình sành dễ vỡ, chúng ta có thể vấp ngã bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Sở dĩ chúng ta được như ngày hôm nay, tất cả đều do ân sủng và tình thương Chúa nâng đỡ mà thôi.

Vậy mà, đôi khi chúng ta rất tích cực sửa lỗi người khác vì nghĩ rằng muốn cho người khác được nên hoàn thiện hơn. Trong khi đó, chúng ta rất khó chịu khi bị người khác góp ý sửa lỗi cho mình.

Lẽ ra chúng ta phải cư xử nghiêm khắc với bản thân mình mà rộng rãi với tha nhân, thì chúng ta hành động trái ngược lại, là cư xử nghiêm khắc với tha nhân nhưng rộng rãi với chính bản thân mình.

Đáng lẽ ra chúng ta phải lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi mới lấy cái rác ra khỏi mắt người khác, nhưng trái lại, chúng ta chỉ thấy cái rơm, cái rác trong mắt người khác, mà quên đi cái xà còn đang ở trong mắt mình.

Mặc khác, chúng ta thường thích được khen thưởng hơn là biết lắng nghe những lời thành thật giúp chúng ta thanh luyện khỏi những điều tiêu cực, nhất là khi chúng ta có chút ít quyền hành. Bởi thế, muốn biết rõ về mình nhiều hơn, chúng ta cần phải can đảm, lắng nghe những lời góp ý chân thành của người khác để biết sửa mình mỗi ngày nên tốt hơn.

Tiếp đến, Chúa bảo muốn cho lời dạy của mình có sức thuyết phục được người khác, thì trước tiên phải sống những điều mình dạy trước đã "Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình. Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em"(Lc 6,42).

Cũng như cha mẹ muốn con cái siêng năng đạo đức, thì chính cha mẹ hãy siêng năng đạo đức trước. "Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người" thì không được.

Vì thế, kẻ muốn làm thầy người khác thì trước hết phải biết mình. Biết mình với những tính hư tật xấu của mình, để chấn chỉnh bản thân mình: “Tiên trách kỷ” sau đó mới có thể làm thầy, sửa dạy người khác “hậu trách nhân”. Nếu không biết mình để tu thân thì giống như lời Đức Giêsu nói: “Mù dắt mù” cả hai sẽ lăn cù xuống hố.

Anh chị em thân mến,

Những lời Chúa dạy hôm nay không đơn thuần là bài học có tính cách luân lý khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, nhưng còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có quyền xét xử con người mà thôi. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là nhìn nhận thân phận bất toàn của mình trước.

Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi người chúng ta bắt chước Thánh Augustinô cầu nguyện với Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con để con khiêm tốn không ngừng sửa lỗi của mình, hầu luôn sống đẹp lòng Chúa”. Amen.