Chúa Nhật VIII thường niên - Năm C
NHỮNG BẬC THẦY MỚI
R. Gutzwiller

1. Tinh thần

Bản tính con người là muốn dạy bảo người khác. Có những người quyền thế luôn cho mình là người hữu lý, họ muốn chinh phục những ai nghĩ tưởng khác họ về với ý kiến của họ. Lối phê bình đó đưa họ tới chỗ xét đoán và kết án mọi chuyện, mọi người, dĩ nhiên là trừ một mình họ. Quả thực, những người ưa phê bình tỏ ra rất nhậy cảm trước những lời người ta ca thán về mình.

Trong nước Chúa, sự việc phải xảy ra khác hẳn: người ta không xét đoán, không trù rủa nhưng cho đi và tha thứ.

Điều này không có nghĩa là mọi phán đoán đều bị đình chỉ. Giữa sự đoán xét của cá nhân và sự xét đoán theo lương tâm chức nghiệp có một sự khác biệt về căn bản. Khi cha mẹ xét đoán con cái, người có bổn phận giáo dục đối với thanh thiếu niên, bề trên đối với bề dưới, quan toà với tội nhân, những người đó hoàn tất một bổn phận cần thiết và do Thiên Chúa muốn. Thái độ của họ tuỳ thuộc vào tinh thần hướng dẫn họ. Và đó phải là một tâm tình khiêm hạ: không coi mình là hay hơn, tốt hơn người khác, phải xét đoán họ theo những quy tắc của họ, và phải áp dụng cho mình những đòi buộc tương tự, nếu không muốn nói là áp dụng cho mình những đòi hỏi cao hơn…

Sự dèm pha chua chát, kiểu phê bình không chút xót thương, những cách kết án phi nhân đạo, chủ nghĩa giáo điều vênh vang tự đắc, tất cả những cái đó nghịch với tinh thần của Đức Kitô.

2. Động lực

Chúa Giêsu đưa ra ba động lực chính để điều chỉnh thái độ của chúng ta:

Thứ nhất và trọng nhất là mối liên hệ của ta với Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trước pháp đình và không thể tự bào chữa cho mình được. Do đó, hẳn ta sẽ nghĩ đến lòng nhân từ. Như vậy ta phải thông cảm với bất cứ con nợ nào, và phải có tâm hồn bao dung, không xét đoán theo những luật lệ khắc nghiệt. Nhưng hành động theo lòng trắc ẩn. Những quan hệ đứng đắn với Thiên Chúa sẽ điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với nhau.

Thứ hai là mối quan hệ giữa người với người. Ai dạy dỗ người khác thì coi mình là người hướng đạo, trường hợp này điều chủ yếu là hướng dẫn viên phải sáng suốt để tránh tình trạng mù lại dẫn mù, và cả hai đều sa xuống hố.

Chỉ có hướng dẫn viên nào biết mình và xét đoán bản thân mình cách quân bình mới có thể hiểu biết và xét đoán tha nhân. Trong việc điều khiển chính xác, những điều kiện đầu tiên nhằm vào vị thủ lãnh. Mọi sự cải tổ đúng nghĩa đều phải khởi sự từ chính bản thân mình. Ta chỉ có thể phê bình người khác sau khi đã tự phê chính bản thân ta.

Thứ ba là phải có một caí nhìn thấu suốt chính bản thân mình. Bởi vì kẻ cho mình là tốt hơn tha nhân, theo lời Chúa Giêsu, là kẻ giả hình. Y tạo cho mình vẻ bề ngoài giả dối và hành động của y cũng như vậy. Y kêu rêu vì cọng rơm trong mắt anh em như thể mắt y không có gì cả, đang khi thực sự mắt y lại có cả một cái xà che khuất.

Như vậy, lý do Chúa Giêsu đưa ra đây hạ dần từ Thiên Chúa xuống tha nhân, và rồi đến chính mình. Ai tỏ ra lạnh nhạt với động lực đạo đức (quan hệ với Thiên Chúa). Thì ít là phải tỏ ra mẫn cảm với động lực xã hội… Nếu không, hẳn sẽ phải nhận mình là dị hợm vì khi đi khiển trách tha nhân và đề cao mình khi tìm cách cải thiện những kẻ tốt hơn mình và khi để ý đến lầm lỗi tha nhân, thì lại bị mọi người chế nhạo.

3. Lửa thử vàng

Muốn biết vị thày nào đáng cho ta tin cậy hay không, nên xem xét những việc ông ta làm, đây là tiêu chuẩn chắc chắn. Xem quả thì biết cây. Những hành vi lương hảo tượng trưng cho hoa trái chín thơm trên thân cây lành mạnh; còn hành động xấu xa là hoa trái ung thối do thân cây sâu bệnh mà ra.

Sự thiếu hoạt động nơi con người, có thể ví như một cây khô héo không còn sinh hoa kết quả: bởi vì không lẽ ta hái vả nơi bụi gai và vặt nho nơi cây dâu đất. Chẳng nên căn cứ vào lời lẽ bay bướm, hứa hẹn hay chương trình ồn ào phĩnh phờ, tình cảm kiểu cách biểu lộ hấp dẫn, hàng chuỗi sưả soạn nội bộ.

Bình tĩnh nhận xét hành vi và nếp sống là tiêu chuẩn định giá trị, là bằng chứng điều họ xác tín, và như thế ta biết có thể tin vào sự hướng dẫn của họ hay không. Nói cho cùng, hành động tinh thần chỉ là một, sự nhất trí này là mức độ sự thành toàn.

Bài giảng trên núi kết thúc bằng hình ảnh đặt quan trọng ở cách cư xử. Một ngôi nhà xây trên nền đá vững chãi, bão tố không làm chi được; còn căn nhà dựng trên bãi cát, sẽ sụp đổ một khi mưa giông, bão giật đổ tới. Người nào không chỉ nghe suông, nhưng mang ra thực hành, thì giống như người xây nhà trên đá; còn người nghe và hồ hởi đón nhận, nhưng tư cách không phù hợp với giáo lý là người xây nhà trên cát.

Chỉ có cách sống được tinh thần Chúa Kitô hướng dẫn mới là một Kitô giáo chân thực mà thôi.