Chúa Nhật VIII thường niên - Năm C
BIẾT RÕ TỐT XẤU
Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Câu truyện cổ tích kể: Một hôm con cọp thấy con trâu bị con người bắt kéo cầy. Cọp bảo trâu: Mày to lớn khỏe mạnh thế, sao để thằng người nhỏ bé bắt mày kéo cầy cực khổ vậy? Trâu đáp: nó nhỏ nhưng trí khôn nó lớn. Cọp hỏi người: Trí khôn mày đâu cho tao xem? Người nói: Trí khôn tao để ở nhà, mày muốn xem, tao sẽ về nhà lấy cho xem, nhưng phải để tao trói mày lại, kẻo mày ăn thịt trâu tao. Cọp vui vẻ để người trói. Trói xong, bác nông phu vác cầy đập cọp, vừa đập vừa nói: trí khôn tao đây, trí khôn tao đây. Câu truyện nói lên người hơn vật ở trí khôn, ở hiểu biết. Hiểu biết rất quan trọng, quan trọng nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.

Tin Mừng nói: “mù dắt mù xuống hố”. Linh mục Thomas Carroll đã viết một cuốn sách được bác sĩ Chi Lan phiên dịch, nói lên những cực khổ của người mù rất tội nghiệp. Con mắt đã chết, làm chết luôn nhân cách, chết năng khiếu, chết nhận thức, chết hoạt động, chết giao tiếp với mọi người, mọi cảnh vật, cuộc đời thật tăm tối và như mất tất cả.

Mù mà Đức Giêsu nói ở đây, không phải là mù mắt, nhưng mù về trí khôn. Trí khôn mù về đạo đức, đạo lý, tâm linh, thiêng liêng. Những thứ mù này tai hại gấp bội mù thể xác. Mù mắt chỉ làm khổ người mắc bệnh và mấy người thân thuộc. Mù về trí thức khoa học cũng chỉ gây chậm tiến, lạc hậu. Còn mù đạo đức, đạo lý đã gây ra bao nhiêu tai họa khủng khiếp cho gia đình, quốc gia và cả thế giới. Một ông bố xì ke, nhiễm Sida lây lan cho vợ con và di truyền cho cả dòng giống, có khi cả làng nước. Một Hít-le đã chôn vùi cả thế giới trong chiến tranh tàn khốc.

Một giáo phái, một lý thuyết vô luân mù quáng lôi cuốn bao nhiêu thế hệ cuồng nhiệt xuống hố tiêu diệt lẫn nhau. Đó là những cây xấu, sinh trái xấu. Trái lại, một ông bố lành mạnh, sáng suốt, đạo đức để phúc cho con cháu đến bao nhiêu đời. Một Đức Khổng, một Đức Phật đã giáo hóa hàng ngàn thế hệ tốt lành. Đó là những cây tốt sinh trái tốt.

Điều cốt yếu của lời Chúa hôm nay là đưa ra những bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần, làm thế nào để biết nhận rõ tốt xấu để nên tốt và sửa xấu.

Theo Tin Mừng, bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần là:

Thứ nhất: Phải khiêm tốn để chữa bệnh kiêu ngạo. Trò tự phụ hơn thầy là thứ trò hỗn láo kiêu ngạo. Muốn học giỏi trò phải biết khiêm tốn. Người xưa khiêm tốn đến độ học được một chữ hay nửa chữ cũng đáng là thầy mình: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cả khi gặp nhau đi đường cũng nhận ra người tốt là thầy mình, người xấu là bạn mình: “Ba người đồng hành, người tốt là thầy tôi, người xấu là bạn tôi”. Kinh Dịch là sách triết lý lớn nhất của Đông phương đã đặc biệt đề cao đức khiêm nhu của người quân tử: Khiêm là đạo trời, đạo đất và đạo người. Người quân tử khiêm nhu sẽ vượt mọi sông lớn, mọi đại họa: “Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên”. Việc làm khiêm tốn của quân tử sẽ nuôi được vạn dân: “Lao khiêm quân tử, vạn dân phục chi” (Quẻ khiêm). Quân tử là bậc thầy, bậc con trời đã phải khiêm tốn, thì trò là môn đệ cần phải hạ mình xuống hết mức.

Thứ hai là bài thuốc chữa bệnh chủ quan, ta thường thấy cái xấu của người khác nhưng lại mù quáng không thấy mình xấu: Không thấy cái xà trong mắt mình, nhưng lại thấy cái rác, cái bụi trong mắt người. Mù quáng là do tính tự ái: Yêu mình quá nên dù “trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”, do ích kỷ lo kiếm lợi cho mình, nhận lỗi sẽ làm hại danh dự mình. Mù quáng còn do tính kiêu căng, tự cao tự đại che đậy trí khôn, không nhận ra tội mình. Có kẻ bao nhiêu năm không xưng tội, vợ giục đi xưng tội, chồng nói: Có tội đâu mà xưng. Trong khi Đức Piô X, một vị thánh Giáo Hoàng đầu tiên thế kỷ XX, ngày nào cũng xưng tội vì Ngài thấy rõ tí bụi bay vào mắt mình.

Thứ ba là bài thuốc xét mình: phải luôn luôn kiểm tra kết quả lời nói, việc làm của mình tốt hay xấu: “Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh ra trái xấu”. Nhà buôn phải tính sổ hằng ngày để biết mình lỗ hay lời. Lỗ phải tìm cách sửa lại, lời phải duy trì lâu dài. Mạng sống đời đời của chúng ta còn quý giá gấp triệu triệu lần lời lãi thế gian, như Đức Giêsu đã dậy: “Được lời lãi cả thế gian mất mạng sống mình nào được ích gì”. Chỉ lời lãi nhỏ thế gian, nhà buôn còn phải lo tính sổ hằng ngày, huống chi mạng sống đời đời của chúng ta lớn lao quan trọng vô cùng, sao chúng ta không lo xét mình, kiểm tra đời sống của mình: còn hay mất, lời hay lỗ.

Bài đọc I nhắc nhở chúng ta phải cố gắng kiên trì sàng lọc mình cho sạch thói xấu; phải nhiệt tâm đốt mình khỏi mọi bợn nhơ dỉ ghét như lò lửa nung luyện bình sứ, dầu phải gian nan cực khổ đến đâu cũng phải chiến thắng tử thần để nên người công chính bất tử. Lúc đó con người “xác thịt hay chết của ta mới mặc lấy sự trường sinh nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Bài II).