Chúa Nhật VIII thường niên - Năm C
LỜI NÓI - VIỆC LÀM - ƠN CHÚA
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Ðọc và nghe lần đầu, chúng ta khó bắt được ý tưởng của các bài Kinh Thánh hôm nay. Ðó không phải là những lời khó hiểu. Những ý tưởng sở dĩ không dễ bắt vì cấu trúc của những đoạn văn này không chặt chẽ, và các tác giả dường như nói đến những vấn đề rất khác nhau. Chúng ta đừng lấy làm lạ vì trong các Chúa nhật quanh năm, phụng vụ muốn giáo dục chúng ta về đời sống đạo mỗi lần một tí và không cần theo một hệ thống nào. Vì đạo là sự sống chứ không phải là một hệ tư tưởng. Ðối với một hệ tư tưởng, muốn thuyết minh người ta phải theo luận lý đầu đuôi chặt chẻ. Còn đối với sự sống, không có quy luật tăng cường cố hữu nào. Mỗi chân lý đều co thể biệt lập mà vẫn có thể mồi thêm cho sự sống tinh thần của con người.

Tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng ba bài Kinh Thánh hôm nay đều muốn nói đến việc phân biệt con người đạo đức thánh thiện, nhờ lời nói, nhờ việc làm, và nhất là nhờ ơn Chúa.

1. Lời nói

Bài sách huấn ca không có vẻ gì là đạo đức cả. Ðó là mấy câu kinh nghiệm. Nó thuộc loại văn khôn ngoan, dạy cách xư xử ở đời. Nhưng nếu đặt những câu dạy khôn ngoan này vào văn mạch và luận lý của tác giả, chúng ta thấy chúng phục vụ đạo đức và rất có giá trị.

Tác giả Ben Sira là một học giả Do Thái, sống ở đầu thế kỷ II trước công nguyên. Như các nhà trí thức đương thời ông hiểu biết nền văn minh Hy Lạp đang thịnh hành ở mọi nơi. Nhưng vì là con người có đạo, ông biết dùng lời Chúa để phê phán nếp sống do nền văn minh ấy tạo ra. Và ông muốn chia sẻ các suy nghĩ của mình với đồng đạo và đặc biệt với lớp trẻ Do Thái đang lớn lên và hít thở nền văn minh Hy Lạp. Ông đã đưa ra nhiều nhận xét mới về đời sống gia đình (25,1-26,18). Ông đã đề cập tới nhiều nét trong đời sống xã hội, mà nổi bật nhất là nền mậu dịch, thương mại thời bấy giờ (26,28-27,15).

Ðây là điểm bén nhậy đối với người Do Thái. Họ biết làm ăn. Có thể nói họ có máu buôn bán. Việc tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp đã tạo nên nơi các cộng đồng Israen nhiều trung tâm thương mại nổi tiếng.

Tại đây người Do Thái buôn bán với dân ngoại. Họ không còn sợ luật pháp và để ý đến các tiêu chuẩn đạo đức nữa. Có thể nói họ như cảm thấy được ra khỏi đạo và các ràng buộc xưa nay của lương tâm công giáo. Chỉ còn một luật chi phối công việc làm ăn của họ là: mua rẻ bán đắt. Và cho được như vậy, môi mép và lời nói là phương tiện được sử dụng tối đa. Các tiên tri đã nhiều lần lên án các thói buôn gian bán lận và đời sống bê bối của các thương gia. Ben Sira cũng nhất trí cảnh cáo: giữa bán và mua tội chen vào giữa. Ông không thích doanh thương vì buôn bán làm sao vô tội? Nhưng ông chẳng cấm được. Và dường như ông biết lời khuyên chẳng công hiệu gì nơi tại kẻ đếm tiền. Có lẽ vì vậy ông quay sang nói với khách hàng, với những người dân vô tội phải đến mua ở các cửa tiệm. Ông thấy họ nhiều khi đã trở thành mồi ngon của các con buôn. Và như vậy chỉ vì họ dễ bị lời nói mua chuộc. Vừa nghe con buôn quảng cáo hàng hóa là họ đã sa bẫy. Thế nên trong đoạn văn vắn tắt này Ben Sira khuyên người ta đừng vội tin lời nói của con buôn. Hãy để cho nó nói mãi đi, cuối cùng điều nó che giấu sẽ lòi ra. Chẳng khác gì cứ sàng mãi, trấu bẩn sẽ còn lại và gạo sẽ lọt xuống... Và cũng như cứ đi qua lò, thì đồ sành thợ gốm sẽ được hay không. Hoặc cũng như phải chờ khi có quả mới biết cây dại hay cây tốt. Và Ben Sira kết luận cứ thong thả nghe lời biện luận của con người sẽ biết tâm tư của họ. Thành ra không nên vội phán đoán một ai trước khi nghe nhiều lời người đó nói.

Như vậy từ thái độ phải có đối với người mua bán, tác giả đã dẫn chúng ta sang thái độ phải có đối với mọi người: đừng vội tin ai và phê phán ai trước khi nghe người đó nói, bởi vì tâm tư con người lộ bày khi biện luận. Tác giả có lạc quan quá không? Có thể luôn luôn căn cứ vào lời nói của con người mà đánh giá họ không, cho dù không phải là tin vào một lời, nhưng là đã nghe người ấy luận lý rất nhiều? Tác giả Luca dường như không hoàn toàn tin như vậy. Người đưa thêm một số tiêu chuẩn nữa để hiểu biết con người như trong bài Tin Mừng sau đây.

2. Việc làm

Chúng ta bảo Luca là tác giả của bài Tin Mừng này, mặc dù đây là Lời Chúa đã thốt ra từ miệng Chúa Giêsu Kitô. Chắc Chúa đã không nói tất cả những lời này một lần và không theo một thứ tự như ở đây. Rõ ràng chẳng có một thứ tự luận lý nào để khẳng định Chúa đã nói luôn một lần những điều ít ăn khớp với nhau. Cũng như tư tưởng này và những câu văn như thế, trong sách Tin Mừng Mátthêu chẳng hạn, lại nằm ở những chỗ khác và phục vụ những chủ đề khác. Như vậy chúng ta có thể nói được rằng, tác giả Luca đã dùng những câu Chúa nói ở những trường hợp khác nhau đem xếp cả vào chỗ này để phục vụ một chủ đề nào đấy.

Nếu chúng ta còn nhớ, thì Chúa nhật trước chúng ta cũng đã đọc sách Tin Mừng của Luca. Ðoạn trích hôm nay tiếp theo bài đọc lần trước. Thế mà hôm đó chúng ta đã thấy rằng Chúa dạy chúng ta phải yêu thù địch, không còn được duy trì đầu óc kỳ thị và phân biệt, và phải coi mọi người là con cái một Cha trên trời và hết thảy là anh em của nhau. Hôm nay dường như tác giả Luca muốn tiếp nối tư tưởng trên và nói đến thái độ bác ái ngay trong cộng đoàn các môn đồ của Chúa, tức là chính trong lòng Hội Thánh và Giáo Hội.

Chắc chắn câu đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay phải hiểu về các người lãnh đạo cộng đoàn tức là hàng giáo sĩ: linh mục, giám mục hiện nay của chúng ta. Thực ra câu văn có thể dùng trong một trường hợp khác. Và trong Mátthêu câu này đã được tuyên bố về giới tư tế, lãnh đạo trong Do Thái giáo. Họ là những người mù dẫn đàng cho người mù. Nguyên khởi đó chỉ là một câu cách ngôn. Chúa Giêsu có lần dùng để nói về luật sĩ và biệt phái vì họ không biết mở mắt đón nhận đường lối của Thiên Chúa đang bày tỏ nơi công việc của Ðấng Ngài sai đến. Họ ở cương vị lãnh đạo mà mù thì dẫn đàng chỉ lối cho người khác sao được?

Tác giả Luca nhớ có lần Chúa nói như vậy. Nay đang viết những lời Người khuyên bảo môn đồ, Luca sực nhớ câu đó. Người thấy nó vẫn hợp để nói với giới lãnh đạo trong Hội Thánh. Những người này cần nhớ rằng: ở cương vị lãnh đạo, họ phải sáng suốt. Ðó là thái độ bác ái quan trọng nhất họ phải thi hành cho những người được trao phó cho họ.

Nhưng trong Hội Thánh, không phải chỉ có các nhà lãnh đạo. Ðại bộ phận Dân Chúa được gọi là môn đồ. Và tư cách đầu tiên, thái độ bác ái cơ sở của người môn đồ nằm trong quan hệ với Thầy mình. Môn đồ không lẽ hơn Thầy, hoàn bị là mọi kẻ sẽ được như Thầy. Lời này thoạt nghe có vẻ chua chát, nhưng nếu nhớ Thầy của các môn đồ chính là Chúa Giêsu Kitô, thì đây là cả một lý tưởng cao cả: môn đồ phải cố gắng nên hoàn bị như Thầy.

Sau hai câu nói với hai hạng người trong Hội Thánh, những câu sau có thể nói, mới thật sự vào đề và muốn dạy dỗ mọi thành phần trong cộng đoàn tín hữu. Họ không nên để ý đến khuyết điểm của anh em trước, nhưng trước hết hãy muốn nhờ anh em giúp mình sửa đổi tính hư nết xấu. Nếu làm như vậy chắc chắn sẽ không có cãi cọ bất bình; một cộng đoàn như thế chắc chắn mỗi ngày một hoàn toàn hơn. Ai mà không có cảm tình yêu thương đối với người muốn sửa mình? Bác ái cộng đoàn được xây dựng chắc chắn nhất, khi các phần tử trong cộng đoàn luôn ý thức bổn phận phải sửa mình, trước khi nói đến các khuyết điểm của anh em. Nhất là khi trong cộng đoàn ấy, ai cũng theo gương Chúa mà sửa mình như trên vừa nói: hoàn bị là mọi kẻ sẽ được như Thầy?

Thế nên người tốt phải chứng tỏ qua việc làm. Chúng ta đừng tưởng ở đây Luca mâu thuẫn hoặc nói khác với tác giả sách Huấn Ca. Cả hai đã trích câu tục ngữ: Xem quả biết cây. Nơi tác giả sách Huấn Ca, lời nói và biện luận là quả do tâm tư con người. Luca công nhận điều ấy vì ở đây người cũng viết: lòng ứa đầy những gì thì miệng nói ra. Nhưng lời nói nơi Luca không phải chỉ là các âm, các tiếng, mà còn là tất cả mọi việc mà con người làm. Các việc này cũng bày tỏ "lòng" người ta, vì "người lành tự kho lành lòng mình mà đem ra sự lành, và người dữ tự tính ác mà đem ra sự ác".

Như vậy Luca muốn đầy đủ hơn tác giả sách Huấn ca. Người khiến chúng ta nên giải thích bài sách này một cách rộng rãi nhưng vẫn hợp ý với tác giả. Như chúng ta biết, ông viết những lời trên là để cảnh giác con cái Israen đề phòng sự gian dối của phường mua bán. Và sở dĩ như vậy vì ông thấy quá nhiều bất công và tội lỗi trong việc mua đi bán lại. Ông muốn xã hội công bằng huynh đệ hơn.

Vì thế chúng ta có thể hiểu bài sách Cựu Ước hôm nay về lòng bác ái. Cũng như bài Tin Mừng vậy. Nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn. Tác giả sách Huấn Ca thấy thiếu bác ái trong việc mua bán. Tác giả Luca còn nhìn thấy trong thái độ người ta hay phê bình và chỉ trích nhau. Cuối cùng cả hai đều công nhận phải sửa chữa từ tâm tư và từ "lòng" con người. Do đó muốn biết người tốt, phải xem lời nói, phải xét việc làm. Nhưng muốn có lời tốt và việc lành, phải sửa đổi tâm tư và lòng trí, là con người bên trong của chúng ta. Có thể làm công việc này không?

3. Ơn Chúa

Theo thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì bấy giờ con người mới thực sự công chính. Và đức bác ái yêu thương mới trọn vẹn. Ðối với chúng ta dĩ nhiên là như vậy rồi. Nhưng các độc giả trực tiếp của thánh Tông đồ, tức là những người Côrintô thời bấy giờ, chân lý ấy nên được giải thích rõ ràng hơn. Bởi vì họ là những người Hy lạp tòng giáo. Ít ra họ là các tín hữu mới mẻ đang hít thở bầu khí văn hóa Hy Lạp. Những người này quan niệm xác và hồn nơi con người là hai yếu tố rất dị biệt, chẳng thể hòa hợp với nhau. Hồn ở trong xác như ở trong tù, chỉ chờ đợi ngày thoát ra khỏi xác để được trở về sống như những thần linh, bởi vì trước kia linh hồn cùng ở chung với các thần thánh, nhưng đã sa đọa nên rơi vào xác thịt và bị giam ở đó. Thành ra bao lâu còn sống trong xác thể, linh hồn còn khổ sở và ấm ức. Con người không có sự hòa hợp ngay trong chính mình, nên cũng chẳng có hòa hợp được trong xã hội. Linh hồn đợi ngày giải thoát ra khỏi thân xác.

Quan niệm như vậy không hợp với đức tin. Ðành rằng xác thịt con người hiện nay là mồi cho sự chết. Nhưng chết không phải là hết. Nhờ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, thân xác con người cũng sẽ sống lại. Không phải để rồi lại sống như trước đây, nhưng để trường sinh bất tử như "thần thánh". Và sở dĩ như vậy là vì xác thể con người sẽ mặc lấy sự bất hoại, là đặc tính của Thiên Chúa. Lúc ấy con người sẽ ca khúc khải hoàn chế nhạo sự chết: Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu, ngươi đã dùng tội lỗi làm nọc sát hại con người. Và tội lỗi đã tỏ ra mãnh liệt trong chế độ Lề luật, toàn là cấm đoán mà không có cứu độ. Nhưng nay Chúa Giêsu Kitô đã đem ơn cứu độ đến, tẩy sạch tội lỗi, làm vô hiệu nọc của tử thần, khiến con người có Ơn Chúa không còn chết nữa.

Như vậy ơn của Chúa Giêsu Kitô cứu sống chúng ta khi tiêu diệt tội lỗi, và ban cho ta sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa thay thế sự sống của xác thịt tội lỗi trước đây. Do đó ai muốn nên công chính, muốn sống bác ái yêu thương phải để cho Ơn của Chúa Giêsu Kitô biến đổi tâm tư và lòng trí. Và công việc này phải làm trong kiên nhẫn, không nao núng. Phải nhờ làm thêm nhiều việc lành, mà thánh Phaolô gọi là việc của Chúa.

Như vậy, người tốt không phải ở lời nói, nhưng ở việc làm, và nói rõ hơn, ở việc làm của Chúa. Ơn của Chúa là yếu tố cuối cùng quyết định sự công chính của con người chúng ta vậy. Và ơn của Chúa phong phú nơi các Bí Tích, đặc biệt trong mầu nhiệm thánh lễ. Nơi đây Chúa ban cho chúng ta bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng, để chúng ta có sức sống của Thiên Chúa, làm được các việc Chúa là các việc lành, hầu tâm tư, lòng trí chúng ta dần dần được cải hóa nên công chính. Chúng ta sẽ có những lời nói việc làm đầy bác ái yêu thương. Không những đời sống bản thân sẽ đạo đức hơn mà đời sống xã hội cũng công chính hơn. Bài thư Phaolô giúp ta đạt được những điều nhắn nhủ trong hai bài sách Huấn Ca và Tin Mừng vậy.