Chúa Nhật VII thường niên - Năm C
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
SƯU TẦM

Khi một cuộc chiến tranh vừa kết thúc, người ta nhận thấy dấu vết của nó còn để lại trên cả một dân tộc: Nào là nghèo đói và túng thiếu, nào là đổ vỡ và tan hoang, nào là những bất công và bóc lột, nào là những cô nhi và quả phụ, nào là những nhà tù và những nghĩa trang…

Thế nhưng, cùng với thời gian người ta dần dần quên đi, để rồi mọi cố gắng, mọi nỗ lực đều được tập trung vào việc kiến thiết lại xứ sở và làm đẹp cho đất nước. Phải chăng đó là một dấu hiệu tốt chứng tỏ các dân tộc đã sẵn sàng tha thứ, lấy tình thương xóa bỏ hận thù và mong muốn được chung sống trong bình an và thịnh vượng.

Còn về phương diện cá nhân thì sao?

Người ta thường diễn tả một cách đáng cay và chua xót như sau:

- Rửa tội và kitô hóa cho cả một dân tộc thì dễ hơn là rửa tội và kitô hóa cho một cá nhân đã mang nặng tinh thần thế gian, tinh thần ngoại giáo, bởi vì khó mà tha thứ cho một kẻ nào đó đã nói hành nói xấu và xúc phạm đến bản thân chúng ta.

Trong những hoàn cảnh cụ thể như thế, trí nhớ của chúng ta không còn là một khả năng hay quên, trái lại nó đã làm việc một cách hăng say và đắc lực với tất cả công suất của nó, mặc dù chúng ta không muốn.

Bởi đó, thánh Phaolô đã khuyên chúng ta:

- Đừng lấy ác báo ác.

Và Chúa Giêsu qua đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đã truyền dạy:

- Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.

Điều đó có nghĩa là đừng đánh lại kẻ đã đánh chúng ta, đừng ném lại kẻ đã ném chúng ta, bằng không chúng ta cũng đã chẳng làm gì hơn những người ngoại đạo.

Và Chúa Giêsu còn nói tiếp:

- Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Thế nhưng, có kẻ lại cho rằng:

- Hành động như vậy là hèn nhát. Phải dạy cho chúng một bài học, bằng không chúng cứ lấn át mãi. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ cho thấu đáo, chúng ta thấy đó chỉ là một cái cớ để che dấu việc chúng ta đang chạy theo tinh thần thế gian và rời xa tinh thần của Chúa.

Đừng lấy oán đền oán đã lành, người Kitô hữu chúng ta còn phải đi xa hơn thế nữa, bằng cách lấy ân đền oán, lấy tình thương xóa bỏ hận thù: Nếu kẻ thù đang đói, hãy cho ăn. Nếu kẻ thù đang khát, hãy cho uống. Chính với những việc làm như thế, chúng ta mới có thể cảm hóa được những kẻ thù của chúng ta, bởi vì cách thức hiệu nghiệm nhất để tiêu diệt kẻ thù không phải là chém giết, nhưng là làm cho họ trở thành những người bạn. Đồng thời những việc làm như thế còn là một phản ảnh trung thực cho tinh thần Kitô giáo, biến chúng ta trở thành giống Thiên Chúa, Đấn đã làm cho mặt trời mọc lên và chiếu sáng trên người lành và kẻ dữ, cũng như đã làm mưa xuống cho người công chính và kẻ bất lương. Trên một tờ báo, người ta đã đưa ra một câu hỏi như sau:

- Bạn sẽ hành động thế nào với khẩu hiệu: hãy trả lại cho họ cái họ đã làm cho bạn?

Phần đông các độc giả đã trả lời:

- Hãy trừng phạt. Hãy báo thù. Hãy trả đũa. Hãy dạy cho cho họ một bài học nhớ đời.

Tuy nhiên,trong số các thư gủi về tòa soạn, có bức thư của một em nhỏ. Em nhỏ này đã trả lời như sau:

- Hãy cám ơn.

Ba chữ “hãy cám ơn” của em nhỏ này phải chăng đã phản ảnh đúng tinh thần của Chúa mà chúng ta phải thực thi trong cuộc sống hôm nay, một cuộc sống vốn còn chất đầy những hận thù và ghen ghét.