Chúa Nhật VII thường niên - Năm C
THA THỨ
SƯU TẦM

Chuyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:

Có hai người anh em ruột bắt trói được thủ phạm giết gia đình. Họ đem tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật “ Mắt đền mắt răng thế răng”. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật định.

Trước mặt quan tòa, tên sát nhân nhận tội và sẵn sàng chịu hình phạt. Chỉ xin hoãn ba ngày để hắn về giải quyết vẫn đề liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trong coi từ nhỏ. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì từ trong đám đông dự phiên tòa, có một người giơ tay cám kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thay cho hắn”.

Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Đúng kỳ hạn, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang tiến ra pháp trường, dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết việc gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tôi xin trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của mình để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này”.

Sau lời phát biểu hùng hồn của tử tội, người đàn ông bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này vì tôi không muốn để cho người ta nói: “Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này”.

Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quí nhất trong trái tim con người.

Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra nói với quan tòa: “Thưa Ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: “ Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này”.

Tha thứ là một cử chỉ anh hùng, là một lỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, phản ứng thường tình của con người, để bước vào thế giới siêu nhiên của những người con Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Tha thứ là thể hiện cao cả nhất của tình yêu. Nếu yêu thương là trao ban thì tha thứ còn lớn hơn cả trao ban, vì tha thứ là trao ban cho kẻ thù của mình.

Quả thật, tha thứ là trao ban hai lần. Nếu chúng ta có thể cho đi của cải mình, có thể cho đi mạng mình vì người mình yêu, thì tha thứ còn cao c hơn rất nhiều, vì tha thứ là trao ban cho kẻ thù của mình.

“Hãy yêu kẻ thù”. Đó là lệnh truyền đã được Đức Giêsu nhắc lại hai lần trong bài tin mừng hôm nay. Đó cũng là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Người. khó như không phải là không có thể. Chính Người đã làm gương cho chúng ta khi Người xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. hơn nữa, Người còn minh oan cho họ: “Vì họ lầm chẳng biết”.

Chính hành vi cao cả này mà Đức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. và đó cũng là nét cao quí nhất trong dung mạo của Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người, Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân, để tái tạo và phục sinh với Ngài.

Nhưng tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù? Yêu người yêu mình thì dễ, ai lại đi yêu kẻ làm hại mình bao giờ? Theo triết gia Nietzsche thì lời khuyên “Hãy yêu kẻ thù” chỉ dành cho người bạc nhược, nhát đảm. và Đức Giêsu chính là con người quá lý tưởng, thiếu thực tế.

Không, Đức Giêsu không phải là con người quá lý tưởng để quên mất thực tế, Người là con người thự tế đích thực.

Người xưa có câu: “Ác giả ác báo”, làm điều ác thì sẽ gặp điều ác. Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu chúng ta không sống theo lời dạy của Đức Giêsu thì phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ tăng thêm hận thù, bạo lực sẽ kéo theo bạo lực, và tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố sâu diệt vong, như cơn lốc xoáy ập tới tiêu diệt mọi người.

Hận thù gây tác hại cho chính con người oán ghét kẻ khác. Nó làm tổn thương tinh thần của người oán thù, đồng thời, hủy diệt nhân cách của chính họ. Bacon viết: “Khi trả thù, người ta biến mình bằng kẻ thù. Còn khi tha thứ, người ta vượt cao hơn họ”.

Tâm lý học ngày nay khẳng định: “Hận thù thì hủy diệt, còn yêu thương thì phát triển nhân cách hết sức lạ lùng và hữu hiệu”.

Cuối cùng, tình yêu có phép mầu sẽ biến kẻ thù thành bạn hữu. Nếu hận thù là hủy diệt, tình yêu là xây dựng. Abraham Lincoln có nói: “biến thù thành bạn, phải chăng là tiêu diệt kẻ thù rồi?” Đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có tính sáng tạo và cứu độ.

Đối với người tín hữu Kitô, lý do căn bản nhất để chúng ta yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa trong Luca đoạn 6 câu 35: “Anh em hãy yêu kẻ thù… Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao”. chúng ta sẽ không bao giờ là con cái đích thực của Cha trên trời, nếu chúng ta không yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi chúng ta.