Chúa Nhật VI thường niên - Năm C
HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
                Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Phụng vụ lời Chúa hôm nay đề cập đến một vấn đề mà mọi người trên trần gian này ai ai cũng đều quan tâm, đó là hạnh phúc. Thế nhưng, theo quan điểm của Đức Giêsu về hạnh phúc rất khác biệt với quan niệm của nhân loại.

Bởi vì sống trên trần gian này, tự nhiên ai trong chúng ta cũng khát mong được hạnh phúc, được thoải mái, được dễ chịu, được mọi điều như ý.

Chính vì niềm khát mong đó mà có những người đã tận dụng mọi cách, áp dụng mọi phương thế, bất chấp mọi thủ đoạn, dù tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính, miễn sao đạt được điều khát mong, nhưng đôi khi thay vì hạnh phúc thì lại gánh chịu tai họa lớn mai sau.

Những ngày đầu năm mới, chúng ta thường chúc cho nhau “làm ăn phát tài, tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, thì Chúa lại chúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”, nghèo rớt mồng tơi, thì làm sao mà phúc được?

Chúng ta chúc cho nhau “gạo chất đầy bồ, thóc phơi đầy sân, vàng đựng đầy hủ”, thì Chúa lại chúc “Phúc cho anh em là những người đang đói khát…”. Đói khát cồn cào trong bụng đi không nổi thì làm sao mà gọi là phúc được?

Chúng ta chúc cho nhau: “An khang thịnh vượng, vạn sự như ý, tỷ sự như mơ”, thì Chúa lại chúc “Phúc cho anh em là những người đang than khóc…rồi lại bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, bị coi như đồ xấu xa,”.

Có khi một ý khấn xin hoài mà chẳng được, nói chi đến là vạn sự như ý…, vậy thì làm sao mà phúc được? Nghe thật khó hiểu.

Thế nhưng, lại còn khó hiểu hơn khi Chúa tiếp tục nói: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…. Khốn cho các ngươi là những kẻ đang được no nê….Khốn cho các ngươi là những kẻ đang vui cười… và đang được người ta ca tụng…v.v.”

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi lắng nghe và đón nhận sự chỉ dạy của Chúa, để đạt được hạnh phúc thật và tránh được các mối họa thật sự nguy hiểm. Vậy hạnh phúc là gì?

Trong bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia giới thiệu cho chúng ta con đường hạnh phúc, đó là đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, nghĩa là sống theo Thánh chỉ của Ngài, ngược lại ai đặt niềm tin nơi người đời hay bất cứ đối tượng nào khác, thì e rằng họ chỉ có hạnh phúc đời này, hay hạnh phúc chỉ nhất thời mà thôi.

Trong bài đáp ca ngày lễ hôm nay, tác giả Thánh vịnh có đưa ra một phương thế: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thỏa trong lề luật Chúa và suy gẫm lời Chúa đêm ngày.

Còn lời Chúa dạy để được hạnh phúc, thì chúng ta đừng để lòng mình quá dính bén với của cải trần gian, nhưng hãy sống phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, cho dù có phải nghèo khổ, khóc lóc, bách hại, thì vẫn vui, vẫn là hạnh phúc trong Chúa.

Anh chị em thân mến,

Xem ra, thánh sử Luca ảnh hưởng truyền thống lời rao giảng của các ngôn sứ thời Cựu Ước, vì các ngài thường loan báo những kẻ nghèo khó sẽ được Chúa yêu thương hơn, và được phúc đón nhận Tin Mừng đầu tiên, bằng chứng là các chú mục đồng.

Chính Đức Giêsu cũng xác nhận Ngài được Thiên Chúa Cha xức dầu Thánh Thần, và sai đi rao giảng Tin mừng cho những người nghèo (Lc 4, 18).

 Thật ra, tự bản chất giầu có không phải là xấu, và nghèo khổ chưa chắc là một nhân đức. Đức Giêsu không hề lên án sự giầu có, nhưng lên án những ai giầu có mà không biết sử dụng của cải cho đúng theo ý Chúa mà thôi.

Nếu giầu có là bất hạnh, thì tại sao Thiên Chúa lại chúc phúc cho tổ phụ Abraham? Và phần đông các tổ phụ thời Cựu ước là những người giầu có. Ông Giakêu giầu có mà vẫn được ơn cứu độ. Nhờ có của mà ông Arimathia đứng ra lo việc tẩn liệm mai táng cho Chúa.

Thiên Chúa dựng nên trái tim con người để rung lên những nhịp đập yêu thương, và tặng cho con người đôi tay để ban phát. Thế nhưng, có những người giầu lại đóng trái tim và nắm chặt đôi tay, co cụm vào trong vỏ ích kỷ của mình.

Như thế, người ấy giầu về tiền bạc nhưng lại thật nghèo về lòng nhân ái, giống như dụ ngôn nhà phú hộ đối với anh Lazarô nghèo khổ. Những người giầu họ quên rằng: hạnh phúc không nằm nơi của cải nhưng là sự cho đi như lời Thánh Phaolô nói “cho thì có phúc hơn là nhận”.

Như vậy, hạnh phúc hệ tại ở tinh thần, cho nên dù nghèo về của cải mà giầu tinh thần, và hạnh phúc luôn luôn pha lẫn với mồ hôi nước mắt. Có hạnh phúc đích thực nào mà không phải trả giá bằng đau khổ? Và điều này giải thích cho lời Đức Giêsu nói “phúc cho những ai bây giờ khóc lóc…họ sẽ được an ủi”.

Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm và sống được ý nghĩa lời chúc phúc của Chúa, thì chúng ta mới có hạnh phúc thật. Và khi nào chúng ta cảm thấy mình giầu lên khi nghèo, no thỏa khi đói, vui cười trong nước mắt và hân hoan khi bị bách hại vì danh Đức Kitô, lúc ấy chúng ta mới thực sự nếm cảm được hạnh phúc của Nước Trời.

Điều được Thiên Chúa chúc phúc chính là sự cậy trông vào Chúa. Có thể, vì nghèo dễ bị người đời khinh dễ coi thường, nhưng được Thiên Chúa yêu thương, vì càng nghèo họ càng cậy dựa vào Chúa.

 Như thế, hạnh phúc là mãn nguyện với những gì mình được ban, hạnh phúc là niềm vui nhẹ nhàng, là bình an sâu lắng, là niềm vui giữa ta với Chúa, và có ảnh hưởng với những người chung quanh.

Ước gì, mỗi người chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, để những điều Chúa chúc phúc được thể hiện ngay trong cuộc sống của mình. Khi chúng ta biết cho đi như lời hát của thánh Inhaxiô “ Biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không sợ thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng…”. Lúc đó, chúng ta cảm nếm được hạnh phúc đích thực ngọt ngào biết bao.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thực hiện Lời Chúa, để lời chúc phúc của Chúa được thể hiện nơi chúng con, và làm cho lời chúc phúc đó mỗi ngày một lan rộng khắp nơi trong tâm hồn mọi người. Amen.