Chúa Nhật V thường niên - Năm C
 
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Để dễ đọc, tôi trình bày riêng rẽ bản văn nổi tiếng này vì nó là phần mở đầu của Bài giảng trên cánh đồng. Một sự kiện đáng chú ý: Luca đặt hai nhóm người và hai mẫu tình huống tương phản một cách có hệ thống “các mối phúc” và “các mối hoạ”. Tôi dùng từ “hoạ” bởi vì ở đây không phải là lời nguyền rủa mà là những lời thở than ái ngại; Chúa Giêsu than tiếc cho những kẻ lao mình vào thảm hoạ: “Khốn cho các người?”. Ngài đối lập họ với những người được Chúa ưu đãi, những mối hoạ là những mối phúc bị đảo ngược:

 

Phúc cho những kẻ nghèo

Phúc cho những kẻ bây giờ

đang đói

Phúc cho những kẻ bây giờ

đang khóc lóc

Phúc cho anh em, khi người ta

xoá tên anh em như đồ xấu xa

Nhưng khốn cho các người, những kẻ giàu

Khốn cho các người bây giờ

đang no nê

Khốn cho các người bây giờ

đang vui cười

Khốn cho các người được

được mọi người ca tụng

 

Cũng thế, đối lập nhau:

Nước Thiên Chúa đến                 và        sự an ủi hiện tại

Sự no thoả tương lai                    và        cái đói tương lai

Sự vui cười tương lai                   và        sự xấu hổ tương lai

Phần thưởng trên trời      và        [tương lai vô vọng]

Ba cặp hoạ-phúc đầu tiên được cấu thành một cách đối xứng và những kẻ nghèo khổ, đói khát và khóc than ám chỉ cùng những con người như nhau; những kẻ giàu có, no nê và vui cười cũng vậy. Sáu từ thực tiễn chỉ hai loại người trong xã hội. Cặp thứ tư cũng là cặp cuối cùng có một cấu trúc hoàn toàn khác; nó được khai triển thành ba phần. Trước hết là thử thách phải chịu trong tương lai, một cách như ở các mối phúc trước đó: bị oán ghét, khai trừ khỏi hội đường và sỉ vả (c.22). Rồi lời mời gọi hãy hân hoan vui mừng. Điều này không phải là trong tương lai nhưng bắt đầu đồng thời với sự bách hại; được đảm bảo phần thưởng cuối cùng –ơn cứu độ và sự sống- gây ra niềm vui cánh chung, cuối cùng ngay giữa lúc bị thử thách (c. 23a-b). Sau hết, các người bị bách hại được đồng hoá với các ngôn sứ thời Cựu Ước. Sự kiện đáng lưu ý: nếu người giàu đối lập với người nghèo, thì không phải những người bách hại đối lại với những người bị bách hại, mà là những kẻ được ca tụng; họ được đồng hoá với các ngôn sứ giả.

Bản song đôi của Luca công bố một sự đảo ngược cánh chung, cuối cùng, của các trạng huống hiện thời; thực ra thời kỳ sau hết đã bắt đầu rồi. Trong câu 21, bây giờ và tương lai đối kháng nhau rõ ràng. Ngược lại trong mối phúc thứ nhất điều kiện của việc đảo ngược đã được thực hiện: “Nước Thiên Chúa là của anh em!”. Cũng giống như vậy ở mối phúc cuối cùng. Một sự đảo ngược như vậy giữa các tình huống là một đề tài được Luca ưa thích; chúng ta đã gặp cấu trúc này trong kinh Magnificat (1,51-53) và chúng ta sẽ còn gặp trong một bản văn khác cũng riêng của Luca: dụ ngôn người nghèo Ladarô (16,19-31).

Ở đây trên môi miệng Đức Giêsu thành Nagiaret, từ ngữ những kẻ nghèo phải được ưu tiên hiểu theo nghĩa kinh tế và xã hội; nó chỉ những người không được bảo vệ và không quyền lợi, bị khinh dể và là những kẻ chỉ trông chờ được cứu độ nơi một mình Thiên Chúa. Chính Ngài tự lãnh bổn phận bênh vực quyền lợi của họ và vì vậy, Ngài phải đến nắm quyền bình (“xin cho triều đại Cha mau đến!” 11,2). Thái độ giải phóng của Chúa Giêsu đã là dấu chỉ hữu hiệu rằng Thiên Chúa ra tay hành động; nơi Chúa Giêsu và nơi công trình của Thiên Chúa, “triều đại” của Người. Vì vậy dường như Luca không thoải mái hơn chúng ta trước những mối phúc của Chúa! Nếu vấn đề của cải được nêu rõ trong Luca và Công vụ, chính vì giữa lòng Giáo Hội vào thời Luca có những người túng thiếu và những người giàu có. Như vậy đâu là tính thời sự của Tin Mừng? Luca hiểu thế nào điều mà Chúa Giêsu đã nói về người nghèo?

Nếu người ta tách rời những mối phúc và hoạ khỏi tác phẩm của Luca, người ta sẽ sai lầm lớn trong công việc diễn giải. Trong trường hợp đó, sự đối kháng rõ rệt và được lặp đi lặp lại giữa bây giờ và thời tương lai sẽ đề xuất việc đảo lộn các giá trị về sau này; người nghèo sẽ được khuyến khích tự an ủi về sự khốn khó hiện tại khi nghĩ đến một tương lai huy hoàng… Và trong lúc đó, người giàu có thể tiếp tục chè chén say sưa mà không sợ người nghèo Ladarô tìm cách lật đổ cái hiện tại (x. 16,17-31). Như vậy, Luca sẽ chuốc lấy lời chỉ trích của Karl Marx liên quan đến tôn giáo, thuốc phiện ru ngủ nhân dân!

Các mối phúc ấy đòi hỏi phải được đọc dưới ánh sáng của phần còn lại của Luca và Công vụ. Nếu Luca có thể nhắc lại các mối phúc chính vì ông tô vẽ Giáo Hội lý tưởng như cộng đoàn nơi mà “không một tín hữu nào coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, bởi vì người ta phân phát một phần tiền bạc để làm của chung cho mỗi anh em tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,32-35). Những bản văn sẽ cho chúng ta thấy việc chia sẻ với người nghèo –tuy khiêm tốn hơn- phải được thực hành ngay ngày hôm nay, trong cộng đoàn Giáo Hội. Nếu không cộng đoàn sẽ không có khả năng để loan báo các mối phúc và biểu lộ thực tại của ơn cứu độ đã bắt đầu.