Chúa Nhật V thường niên - Năm C
THẾ GIỚI CỦA CÁC MỐI PHÚC
McCarthy

Suy Niệm 1. SỰ TỈNH THỨC TÂM LINH

Đức Kitô đã đặt con người đối diện với một chọn lựa căn bản: sống theo những giá trị của thế gian (theo đuổi tiền bạc, lạc thú, sự nổi danh, quyền lực, địa vị) hoặc sống theo những giá trị của Nước Trời (sự nghèo khó tâm linh, sự trong sạch của tâm hồn, khả năng bày tỏ lòng thương xót, chịu đựng đau khổ vì công lý…).

Trong cuốn truyện The Forst Circle, Salzhenisyn kể lại câu chuyện của một nhà ngoại giao tên Innokenty. Trong suốt thời kỳ Staline cầm quyền, Innokenty và vợ ông, Dottie, sống một cuộc sống được ưu đãi. Ở mỗi nhiệm sở ông được gởi đến, một căn nhà đầy đủ những đồ dùng hoang phí đang chờ đợi họ. Và họ xum xoe thoả mãn. Họ có mọi thứ họ muốn, và vào một thời kỳ mà Thế Chiến II tàn phá khắp nơi. Nhưng không có một tiếng thở dài lo âu nào của thế giới làm động lòng họ.

Tuy nhiên, trong năm thứ sáu của cuộc hôn nhân của họ, Innokenty bắt đầu có cảm giác bất ổn về mọi vật chất. Cảm giác ấy làm ông bối rối và lo sợ. Ông có tất cả nhưng ông thiếu một điều gì đó. Cả người vợ yêu quý Dottie cũng trở thành một người xa lạ với ông. Cách sống xu thời làm ông lúng túng. Ở đâu, người ta cũng giống nhau và ở đâu, người ta cũng nhảy cẫng lên và nâng ly chúc tụng người Stalin mà trong thâm tâm họ sợ hãi và khinh miệt.

Một ngày kia, ông bắt đầu xem kỹ những bức thư và sách vở mà người mẹ quá cố của ông để lại. Khi đọc những bức thư ấy, ông đã khám phá ra một bảng giá trị hoàn toàn trái ngược với những giá trị của tầng lớp xã hội trong đó có ông.

Những giá trị của mẹ ông bắt đầu làm ông thức tỉnh. Trong các bức thư của bà, bà nói về những điều như lòng thương xót, chân lý, lòng nhân hậu, v.v… Và rồi ông đọc đến một đoạn thư lạ lùng này: “Điều quý giá nhất trong thế giới này là luôn ý thức rằng mình không được dự phần vào sự bất công”.

Bỗng nhiên, ông khám phá điều mà đời sống ông còn thiếu. Và trong nhiều ngày đêm, ông đã tiếp tục ngồi đó để hít thở những giá trị của thế giới mẹ ông như một người hít thở không khí trong lành. Ông khám phá một phương thế mới để nhìn và phán đoán đời sống. Cho tới lúc đó, triết lý sống của ông là chúng ta chỉ sống có một lần. Đem chính mình để phục vụ người khác là hoàn toàn điên rồ. Giờ đây, ông hiểu rõ một sự thật khác: chúng ta chỉ có một lương tâm và nếu lương tâm trở nên què quặt thì đời sống coi như đánh mất không gì bù đắp lại.

Bà mẹ ông có một bác sĩ đứng tuổi là người điều trị căn bệnh cho bà trước khi bà mất. Một ngày kia, ông này sắp lên đường sang Pari nơi đó ông định trao cho Phương Tây một số bí mật về y khoa bởi vì ông cho rằng thế giới có quyền biết những bí mật ấy. Nhưng một cái bẫy đã được giăng ra để bắt ông bác sĩ. Innokenty biết được điều đó. Ông tìm cách gọi điện cho ông bác sĩ. Nhưng cuộc gọi ấy đã bị theo dõi và Innokenty bị bắt.

Innokenty đã biết giàu sang như thế nào. Khi bạn giàu có tiếng tăm, bạn là một thành viên của một nhóm được kính trọng, và thật sự bạn không bao giờ bị đàn áp. Một cuộc gọi điện thoại là một quyết định. Nhưng giờ đây ông đánh mất việc làm, địa vị, sức khoẻ, và mất cả vợ mình, ông khám phá sự nghèo khó có ý nghĩa gì. Nghèo khó là không có bạn bè và không có sự an toàn.

Tuy nhiên Innokenty đã tìm được một kho tàng và ông biết điều đó. Ông có kinh nghiệm về sự thức tỉnh tâm linh. Và như Kahlil Gibran đã nói: “Sự tỉnh thức tâm linh là điều quan trọng nhất trong đời sống; nó là mục đích duy nhất của bản thân chúng ta”.

Có bao nhiêu Kitô hữu có thể nói được rằng mình sống theo những giá trị các mối Phúc thật? Trong những sự việc tác động trực tiếp đến với chúng ta –việc làm, xe cộ, tiện nghi, nhà ở, tương lai của con cái- chúng ta không sống như mọi người đó sao? Ngày nay các môn đệ của Đức Giêsu thường sống trong tiện nghi sang trọng trong khi nhiều người còn sống trong cảnh khốn cùng.

Của cải và tiện nghi sau cùng rồi cũng để chúng ta lại trong sự trống vắng của tinh thần. Chỉ khi sống bằng những giá trị của Tin Mừng, khát vọng sâu xa nhất của chúng ta mới được thoả mãn. Để hiểu biết các mối Phúc Thật, chúng ta cần một sự thức tỉnh tâm linh.

Suy Niệm 2. NGHÈO KHÓ NHƯNG LẠI GIÀU CÓ TRONG ĐỨC TIN VÀ PHÓ THÁC.

Ở trung tâm của Bài đọc hôm nay là chủ đề về sự tín thác vào Thiên Chúa. Bài đọc 1 đối chiếu số phận của những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Những người tin tưởng và con người như cây gai cằn cỗi trong sa mạc; trong khi những người tin tưởng vào Thiên Chúa giống như cây sai trái trồng gần dòng sông nhiều nước.

Tín thác vào Thiên Chúa là trông cậy nơi Người vốn là suối nguồn sức sống. Những người tín thác vào Thiên Chúa là những người nghèo được Thiên Chúa chúc phúc trong các mối Phúc thật (Tin Mừng).

Khi Đức Giêsu nói: “Phúc cho những người nghèo khó”, Người đã không chúc phúc cho sự đói khát và khốn cùng. Đói khát và khốn cùng là điều xấu. Điều được chúc phúc là lòng trông cậy, tín nhiệm Thiên Chúa. Những người đặt tín nhiệm của họ vào Thiên Chúa sẽ không bị thất vọng. Chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta; chỉ Thiên Chúa mới có thể thoả mãn khát vọng của tâm hồn chúng ta. Nhưng thường chúng ta chạy đến Thiên Chúa sau cùng, thay vì chạy đến Thiên Chúa trước tiên.

Thánh Giacôbê nói rằng những người nghèo khó đối với thế gian này sẽ được Thiên Chúa làm cho giàu có trong đức tin (2,1-5). Bất cứ ai thực thi tác vụ trong đôi ba năm đều có thể xác nhận chân lý ấy.

Những người giàu có xu hướng dựa vào của cải họ có. Đối với họ, chính thế gian này mới quan trọng. Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi, và đời sau thì xa vời và mơ hồ. Trái lại, những người nghèo có xu hướng tự nhiên quay về với Thiên Chúa. Đối với họ, mọi nguy cơ và khó khăn của đời sống làm cho Thiên Chúa và đời sau gần gũi và hiện thực.

Sự nghèo khó ấy tự nó không phải là điều tốt. Nhưng khi đời sống trở nên khó khăn hơn và luôn bị đe doạ, nó cũng trở nên phong phú hơn bởi lẽ khi chúng ta càng ít mong đợi thì những điều tốt lành của đời sống càng trở thành những ân huệ bất ngờ mà chúng ta đón nhận với lòng biết ơn. Đó là lý do Đức Giêsu nói; “Phúc cho những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Một ngày kia một người nghèo đi dọc theo một con đường, tình cờ ông gặp một người ăn mày đến xin ông bố thí. Xấu hổ vì không có gì để bố thí, người nghèo đáp: “Tiếc thật, nhưng tôi cũng nghèo như anh thôi”.

Khi nghe nói điều đó, người ăn mày nói: “Cám ơn bạn, vì món quà của bạn”.

Không hiểu người ăn mày muốn nói điều gì, người nghèo hỏi: “Tại sao ông cám ơn tôi? Tôi có cho ông cái gì đâu”.

“Ồ có chứ”, người ăn mày đáp: “Ông cho tôi sự lương thiện của ông, sự nghèo khó của ông và lòng tín thác của ông”.

Thiên Chúa không nghèo, nhưng chúng ta nghèo. Thế mà chúng ta có cái để cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể cho Người sự lương thiện, nghèo khó và lòng tín thác của chúng ta.