Chúa Nhật V thường niên - Năm C
Tin tưỞng vào Chúa
Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Sau khi giảng dạy và làm nhiều phép lạ ở thành Ca-phác na-um, Chúa Giê-su ra khỏi thành và đi về mạn biển Ga-li-lê, tức là hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng theo Ngài rất đông. Tới bờ biển, Ngài xuống thuyền của Phê-rô, đứng trên thuyền quay vào giảng dạy dân chúng. Tin Mừng không cho biết hôm ấy Chúa giảng gì, nhưng kể tiếp ngay câu chuyện Chúa cho Phê-rô và các tông đồ bắt được một mẻ cá lớn. Trước mẻ cá lạ lùng này, ông Phê-rô sấp mình trước Chúa xin Chúa tránh xa ông vì ông là người tội lỗi. Chúng ta hãy tìm hiểu và ghi nhận bài học hữu ích cho chúng ta.


Chúng ta nên biết : trước đó ông Phê-rô và các bạn đã đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì. Sáng sớm, kéo lưới vào bờ, gặp Chúa, Chúa bảo thả lưới, các ông vâng lời thả lưới. Như vậy, các ông thả lưới là vì nghe lời Chúa thôi, chứ theo kinh nghiệm nghề nghiệp thì các ông chỉ còn việc giặt lưới rồi về nhà ngủ một giấc cho khỏe bù lại suốt một đêm vất vả. Thực vậy, Phê-rô và các tông đổ đầu tiên là những tay đánh cá nhà nghề, chuyên nghiệp, các ông dư đoán được chỗ nào có cá và lúc nào có nhiều cá. Thế mà bây giờ Chúa lại chỉ chỗ cho các ông thả lưới, không những ở gần bờ, lại vào giữa ban ngày, ít hy vọng có cá hơn ban đêm. Dầu có hơi thắc mắc, nhưng các ông vâng lời ngay, sự vâng lời của các ông đã đem lại một phần thưởng lớn là một phép lạ đầy hai thuyền cá, các ông hết sức kinh ngạc.


Như vậy, kết quả của mẻ lưới này không phải do kinh nghiệm nghề nghiệp của các tông đồ mà là do quyền phép của Chúa Giê-su, Ngài có quyền để cho mẻ cá này có ý nghĩa riêng của nó. Thực vậy, Chúa dùng mẻ cá này như là hình ảnh của công việc sắp tới mà Ngài trao phó cho các ông: từ nay các ông không thả lưới đánh cá nữa mà thả lưới đánh người, nghĩa là từ nay các ông sẽ là tông đồ của Chúa để đi chinh phục mọi người đưa vào Giáo hội Chúa. Như thế mẻ cá này có ý chỉ công cuộc truyền giáo, công cuộc tông đồ của Giáo hội. Rồi đây Phê-rô và các bạn chài lưới của ông cũng như những người kế tiếp các ông sẽ rảo khắp mặt biển thế gian, để kéo người ta ra khỏi vực thẳm tối tăm, đem ra ánh sáng, đưa vào Giáo hội, và dẫn đến thiên quốc. Thánh Gio-an Kim Khẩu, khi giải thích mẻ cá lạ lùng này đã nói : đó là phương pháp đánh cá tân kỳ, vì người đánh cá kéo cá ra khỏi nước để giết chúng, còn chúng ta thì thả lưới để cứu sống những kẻ chúng ta bắt được”.

Ngoài bài học truyền giáo, chúng ta còn ghi nhận được một bài học nữa, cũng rất có ý nghĩa và giá trị đối với chúng ta. Thực vậy, trước mẻ cá đầy ắp thuyền, với con mắt chuyên nghiệp, đúng ra Phê-rô phải vui sướng reo hò, thì ông lại quì sụp xuống dưới chân Chúa Giê-su và xin Ngài tránh xa, vì ông là kẻ tội lỗi. Cá và tội lỗi có ăn nhằm gì hay liên hệ gì với nhau ? Nhưng chắc chắn không phải vô lý mà Phê-rô run rẩy sợ hãi, chúng ta có thể tìm ra một số lý do của sự sợ hãi này : trước hết, có lẽ vì Phê-rô đã nghĩ đến con người tội lỗi đang còn thiếu tin và đầy ngờ vực của mình, chính ra vừa khi gặp được Chúa ông phải xin ngay Ngài giúp đỡ. Hơn nữa, cả khi vắng mặt Chúa, đức tin cũng đòi phải hướng lòng về Ngài, nhất là khi thất bại, Phê-rô đã không làm cả hai việc đó. Đàng khác, Phê-rô hiện đang đối diện với Đấng toàn năng toàn hảo, chế ngự được cả định luật thiên nhiên, mọi loài mọi vật trên trời dưới đất đều phải tuân phục. Sự kiện mẻ cá lạ lùng vừa mới xảy ra là một bằng chứng làm cho ông hết sức kinh ngạc : cả đêm, một thời gian dài vất vả mà không bắt được con cá nào so với trong phút chốc số cá bắt được hai thuyền chở không hết, Phê-rô sợ hãi là tất nhiên thôi.


Tuy nhiên, các môn đệ thả lưới suốt đêm không được con cá nào là vì không có Chúa ở trong thuyền, nhưng khi có Chúa cùng đi thì họ được đầy hai thuyền cá. Đây là một bài học thiết thực cho cuộc đời chúng ta, có thể cuộc đời chúng ta gặp cảnh huống éo le, phức tạp, cuống cuồng không biết cậy nhờ vào ai hay cậy dựa vào đâu, rồi hữu sự vái tứ phương. Hình ảnh ban đêm của các tông đồ là hình ảnh đời con người trong những lúc hết hy vọng, những lúc cực nhọc, vất vả, mệt mỏi, rã cánh mà không kiếm đủ nuôi thân và gia đình. Giữa những lúc ấy chúng ta càng cần phải có Chúa : “Không có Ta, các con không làm gì được”, thánh Phao-lô thì nói : “Với Chúa, tôi có thể làm được tất cả”.


Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa hôm nay : “Hãy cứ thả lưới”, nghĩa là hãy kiên nhẫn, hãy trung thành, hãy vâng lời mà làm việc thì kết quả sẽ đến, một khi Chúa ban, kết quả sẽ quá sức chúng ta mong tưởng. Chúng ta thấy đó, giữa lúc các tông đồ mệt mỏi nhất, thất vọng nhất, thì Thiên Chúa đã can thiệp đúng lúc, ban cho các ông một mẻ cá lạ lùng. Chúng ta cũng vậy, hãy kiên nhẫn cầu xin, hãy vâng lời chu toàn bổn phận mình, Chúa sẽ ban cho chúng ta không những như chúng ta cầu xin mà còn hơn cả chúng ta cầu xin nữa.


Qua mẻ cá lạ lùng này, Chúa muốn dạy cho các tông đồ và mọi người biết : việc đánh cá suốt đêm mà không được gì, đó là sự giới hạn của con người : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nếu con người cứ thành công mãi như ý mình, người ta sẽ tưởng mình là vô địch, mình có thể làm được mọi sự mà không cần đến Chúa. Nhưng rất may, ở trần gian này có một định luật là sự giới hạn : giới hạn của vật chất chung quanh chúng ta, giới hạn của khả năng con người, giới hạn của chính đời sống chúng ta, không ai có thể sống vượt ra ngoài những giới hạn đó. Cho nên, chúng ta tin Chúa là chúng ta nhận biết thế đứng của mình trước Thiên Chúa, biết sự giới hạn của mình trước Đấng toàn năng đã phán : “Không có Ta, các ngươi không làm gì được”. Vậy hôm nay và luôn mãi trong suốt cuộc sống, chúng ta hãy xin Chúa thực thi chương trình của Ngài nơi mỗi người chúng ta, và xin Chúa cho chúng ta biết thân phận mình, biết sự giới hạn của mình, để chúng ta luôn tin tưởng và cậy trông vào Chúa.