Chúa Nhật III thường niên - Năm C
NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA
Lm Giuse Đinh tất Quý
 

"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh

 quý vị vừa nghe"(Lc 1,21).

A. Khi đã khá có tiếng tăm ở vùng Galilê, Ðức Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng.

Làm sao Người quên được mảnh đất làng quê nơi đã đã ấp ủ mình, nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.

Hơn nữa Người cũng không cắt đứt hẳn với tôn giáo của cha ông. Người vẫn tôn trọng những luật lệ, tập tục và truyền thống của cha ông.

Người vẫn là một người Do Thái ngoan đạo, quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sa-bát, để thờ phượng Thiên Chúa mà Người âu yếm gọi là Cha.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Ðức Giêsu đứng đọc Sách Thánh rồi ngồi xuống giải thích Lời Chúa cho mọi người.

Tin Mừng hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”.

Người vẫn quen nghĩa là Người thường xuyên đọc sách Thánh.

Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh họat với mọi người trong hội đường.

Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh.

Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người.

Đó là nếp sinh họat bình thường của Người. Nếp sinh họat này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong đền thờ Giêrusalem.  

Chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh như thế nào. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn.

Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”.

Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người đều chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại,  cử chỉ của Người thật trang trọng, đĩnh đạc, Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.

Mọi người đều chăm chú nghe lời Người giảng.

Ðoạn sách Người đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia.

Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.

Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do.

Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này.

Người thấy nó phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình.

Ðây là một hướng đi mà Người phải theo đuổi, một chương trình hành động mà Người muốn hoàn thành.

Khi nói với mọi người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói hai điều.

Điều thứ nhất : Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đọan Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình.

Và điều thứ hai : Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đọan sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu được sai đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Người.

Người được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói.

Người được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam.

Người cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin.

Người trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn người gây áp bức bóc lột.

Người mời gọi cả hai sống thanh thoát như Người, sống như con của Cha và anh em của nhau.

Người khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ.

B. Còn chúng ta, khi nghe Chúa Giêsu nói: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." hỏi chúng ta phải có thể nói một câu tương tự như Ðức Giêsu hay không?

Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ vì thiếu sự cộng tác của bản thân tôi.

Ngày nọ, Dwight Moody thuyết giảng trước một đám đông. Ông để hết tâm hồn vào bài giảng và chỉ nghĩ tới nội đung cũng như hiệu quả Lời Chúa nơi các tâm hồn hơn là quan tâm đến văn chương bóng bẩy. Khi giảng xong, một văn nhân đến gặp Moody và nói:

- Tôi phải thành thực nói rằng trong bài giảng tối nay, ngài đã phạm ít là 11 lỗi văn phạm.  

Moody đáp:

- Rất biết ơn ông: Điều ông nói tôi không nghi ngờ gì. Khi còn bé, tôi học kém lắm. Tôi vẫn muốn có giờ học thêm. Nhưng tôi đã dùng tất cả vốn liếng văn phạm của mình để phục vụ Đức Kitô. Vì vậy Lời Chúa có tác động gì đối với ông không?

Con người hôm nay khao khát niềm vui, ánh sáng, tự do, nhưng ít người chịu tin vào Ðức Kitô
chỉ vì cuộc đời đầy sầu muộn, bóng tối và nô lệ, thậm chí có khi còn trở thành người áp bức anh em, bịt mắt và giam hãm anh em nhân trong ngục tù.

Lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm trong đời Ðức Giêsu.

Ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong đời tôi, để ngày hôm nay của Chúa được kéo dài đến tận thế.

Một công nhân hầm mỏ được một anh bạn hỏi:

- Anh làm gì trong Hội Thánh Kinh Hải Ngoại?

- Tôi làm việc dịch thuật.

- Anh mà đòi dịch thuật? .

- Đúng, tôi lo dịch Lời Chúa trong Thánh Kinh vào đời sống hằng ngày của tôi.

 

Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người
giữa lòng thế giới,
trong lòng mọi người.

Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối,
nhưng vẫn có những đóm sáng rực rỡ:
khi con người ngồi lại gần nhau
để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hòa bình;
khi cả thế giới lo chung một mối lo:
bảo vệ trái đất, ngăn chận sida,
tận diệt ma tuý;
khi có những người nghèo
quan tâm đến những người nghèo hơn;
khi trẻ thơ và người già được chăm sóc;
khi hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ;
khi không còn nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da;
khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật
làm cho con người sống hạnh phúc;
khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau,
liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau,
sống trên cùng một hành tinh,
dưới mái nhà bầu trời.

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin cho chúng con thấy Người
nơi nụ cười người ta trao cho nhau trên đường phố,
nơi những hy sinh vô vị lợi,
và cả nơi những thao thức của ai đó,
muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.