Chúa Nhật III thường niên - Năm C
LỜI TỰA CỦA THÁNH KÝ
Chú giải của R. Gutzwiller

LỜI TỰA CỦA THÁNH KÝ.

Lời mở đầu Tin mừng của Thánh Luca đưa ra ánh sáng hai ý niệm quan trọng:

1. Tin mừng muốn chuyển đạt một sự xác thực. Điều này được nói rõ như là mục đích riêng của Tin mừng. Sự xác thực này dựa trên những yếu tố khác biệt nhưng trước hết dựa trên chính nội dung của Tin mừng. Tin mừng trước hết không phải là một giáo thuyết, nghĩa là không phải là một kiến trúc trí thức, cũng chẳng phải là một bộ luật với những giới luật và cấm đoán, hay là một vòng hoa gồm những chuyện thần tiên mà một thế hệ sau đã thêu dệt lên chung quanh con người Giêsu; hơn thế Tin mừng càng không phải là một huyền thoại, nói khác đi, là một tư tưởng viết lên thành kịch. Trái lại, trong Tin mừng, các sự kiện thực sự đã được kể lại. Lòng đạo đức đích thực phải khách quan, xây trên những thực tại.

Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên, và việc Ngài đến trong thếù gian này là một việc lớn lao nhất, chính yếu nhất trong các chân lý. Ở đây phát sinh một sự kiện hiển nhiên, có thể sờ thấy đuợc, nhờ đó mà tất cả mọi hoạt động của nhân loại và tất cả các sự vật khác có được một giá trị và một ý nghĩa mới mẻ. Đó là những sự kiện cụ thể mà Tin mừng kể lại.

Tiếp đến là chủ ý nói tới những biến cố xảy ra giữa chúng ta, ‘trong môi trường của chúng ta’. Thánh Luca không phải như là một sử gia cố gắng tái lập những biến cố cổ xưa từ nhiều thế kỷ nhờ vào các nguồn mạch. Ngài viết trong chính miền mà những sự việc đã xẩy ra và thuộc về thế hệ chứng nhân của những việc đó.

Những nguồn mạch Ngài múc ra bảo đảm được sự đích thực. Ngài không trực tiếp là Tông đồ hay môn đệ của Đức Giêsu. Ngài cũng chẳng hề được diện kiến Thày hay nghe chính lời Thày. Nhưng những cái Ngài biết, dựa vào những chứng nhân tận mặt, họ làm chứng về những cái họ đã chứng kiến, mà không phải chỉ là đứng ngoài nhìn, nhưng còn được tham gia việc phục vụ Lời Chúa nữa. Nhiệm vụ chính của họ là truyền đạt Tin mừng và tất cả hoạt động của họ đều nhằm vào viễn tượng này. Họ không nói lại lời nào khác mà trao lại ‘lời’, trao lại ‘những lời của Ngôi Lời’, những ngôn từ thần linh nhân loại của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể.

Thánh Luca đã dùng đến nhiều nguồn khác nhau. Ngoài những bản văn chính lục của Matthêu và Máccô, Ngài còn sử dụng những nguồn khác và hơn thế, Ngài đã dùng một số lớn những bằng chứng khẩu truyền. Một khi biết được sự chính xác của trí nhớ người Phương đông cổ xưa, người ta sẽ hiểu được những chuyện kể truyền khẩu được quy định nhanh chóng trong một hình thức cố định được truyền lại hết sức là chính xác.

Cuối cùng, chính Thánh Luca là con người được coi là chắc chắn. Ngài chú trọng đến tất cả những gì được cung cấp từ nguồn ngọn, Ngài không phải là con người dễ tin và nhẹ dạ: là người Hy lạp và là thày thuốc, Ngài là một quan sát viên biết cân nhắc, có tài đánh giá thực tại, không ưa những chuyện mơ mộng và huyền hoặc. Ngài không hài lòng với việc chỉ nhắc lại cái chính yếu thôi, nhưng nhấn mạnh tới các nguồn mạch. Tin mừng của Thánh Luca không bắt đầu như Thánh Máccô bằng cuộc đời công khai của của Chúa Giêsu. Nhưng hơn ai hết, Ngài thuật lại với nhiều chi tiết, những khởi đầu của một sứ điệp lạ lùng: truyền tin, giáng sinh và hơn thế nữa sự mong đợi và sinh nhật của Vị Tiền hô.

Cuối cùng, Ngài quyết định ‘cứ tuần tự’ kể lại các biến cố, không phải kéo dài từ đầu chí cuối mà sắp xếp theo một lược đồ rõ rệt, một tổng hợp gồm nhiều yếu tố được thích ứng một cách rành mạch, hợp lý.

Như vậy, dưới cái nhìn thế trần, Tin mừng theo Thánh Luca đã làm thành một văn phẩm chính xác. Còn với các tín hữu, chúng ta chỉ biết dưới những lời này Thần Khí Thiên Chúa, Đấng linh ứng cho tác giả Tin mừng, tuy dấu mình, chính Thần khí này là tác giả thực sự của Tin mừng, Đấng ban cho chúng ta niềm chính xác hoàn toàn do sự thật bất-khả - ngộ.

2. Cùng với mục đích của nó, lời tựa này còn cho chúng ta thấy ít nhiều đặc tính cá biệt của Tin mừng. Tác giả là người Hy lạp và là một y sĩ. Hai sự việc này có tầm mức quan trọng đặc biệt: là thày thuốc, Thánh Luca đã chú trọng rất nhiều tới tác động cứu độ và chữa trị của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài đã học lại cho chúng ta cách dồi dào những cử chỉ giúp đỡ và chưã lành bệnh nhân thể xác, khuyên nhủ và thứ tha bệnh nhân tinh thần, những tội nhân.

Vậy hình ảnh Đức Kitô đây mới là dung mạo của Đấng Cứu đời đích thực. Đức Giêsu chữa cả xác lẫn hồn. Qua các cuộc tranh luận, chiến đấu hay qua đau khổ, tử nạn và sống lại hoặc qua sự thảm bại hay chiến thắng, tất cả đều được biến đổi dưới sự từ tâm sáng ngời đầy nhân đạo và lòng bác aí của Ngài.

Thánh Luca không phải là một dân thường như Thánh Máccô hay một nhà tranh luận học thức như Thánh Matthêu, hoặc một thần học gia và một nhà thần bí như Thánh Gioan, nhưng là một y sĩ, hiểu được nỗi thống khổ của con người và sự trợ giúp của Thiên Chúa, hiểu được bệnh tật và việc chữa trị được tội lỗi và ơn tha thứ.

Thánh Luca là người Hy lạp, là dân ngoại chứ không phải là Do thái. Vì thế sứ điệp của Ngài đã làm nổ tung những khuôn khổ chật hẹp của người Do thái. Cái nhìn của Ngài bao gồm cả nhân loại, chân trời của Ngài rộng như vũ trụ. Ngài nhấn mạnh tới yếu tố mới mà Chúa Giêsu đem đến, đó là Tân ước và việc tạo dựng một dân mới của Thiên Chúa; Lời mời gọi được trao đến tất cả mọi người như đã âm vang tới cả hoàn vũ, đến nỗi Giáo Hội phổ quát trở thành công việc của Đấng cứu độ toàn cầu.

Lời tựa ngắn gọn và trọng yếu này thực sự sửa soạn cho yếu tố cấu thành nên mục đích và nguồn gốc của Tin mừng theo Thánh Luca. Vì thế nó cho thấy nơi tác giả thái độ trí thức xứng hợp và việc chuẩn bị nội tâm.

Chúa Giêsu tới, đòi hỏi một sự thay đổi toàn bộ cả bên ngoài lẫn bên trong.. Con người sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi đó nếu nó dựa trên sự chính xác và mở rộng ra được những viễn tượng lớn lao và rộng rãi. Mục đích, đặc tính của Tin mừng Luca đã bảo đảm được cả hai điểm đó.

TRỞ VỀ GALILÊ

Trước khi thuật lại một giai đoạn quan trọng trong việc giảng Tin mừng ở Galilêa, Thánh Luca đã viết một dấu nhập nhắn làm nổi bật tất cả hành năng của Chúa Giêsu trong giai đoạn này.

‘Chúa Giêsu trở về Galilêa’. Điều này tự nó không hiển nhiên. Hoạt động có tính cách chờ mong Đấng Messia đã được Gioan Tẩy giả mở đầu ở xứ Giuđêa; như vậy, khởi đầu công cuộc giảng Tin mừng ở đó hợp lý biết bao.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn được chuẩn bị để đi vào xứ này bằng bao biến cố xảy ra bên bờ sông Giođan, vì xứ Giuđêa với thủ phủ là Giêrusalem, quê hương riêng của dân Thiên Chúa. Chính ở đây có đền thờ, ở đây các lễ hy sinh được dâng tiến và muôn dân tuôn về đó, ở đây người ta thấy có giai cấp tư tế, các trường phaí bác học và rồi truyền thống các tiên tri cũng được lưu giữ ở đây.

Thế nhưng, trái với sự mong chờ, Chúa Giêsu lại trở về Galilêa. Sau này, Ngài mới lên Giuđêa, ở đó Ngài sẽ đương đầu với các thù địch, sẽ hiến mạng sống mình làm lễ hy sinh và kết thúc công trình cứu độ của Ngài. Nhưng giờ ấy chưa đến.

Trước hết, Ngài muốn thư thả để tiếp tục loan báo Nước Thiên Chúa, đặt nền móng cho Giáo Hội, thu họp những người tin. Ngài thấy xứ Galilêa có số dân chúng sẵn sàng hơn. Nước Thiên Chúa là một hồng ân: vì thế, những người quyền cao chức trọng, những người giàu có, những đầu óc kiêu căng không thể chấp nhận được. Họ ngỡ rằng mình có thể giúp mình được rồi; kẻ tự tin ở sức riêng mình đâu có hy vọng nơi Đấng Cứu Chuộc. Kẻ câỵ dựa vào sức lực riêng mình, thì không biết chuẩn bị để đón nhận ơn sủng.

Từ đây, những nét chính trong bố cục Tin mừng của Thánh Luca đã lộ ra. Xứ Galilêa là điểm khởi hành. Những phân chia chính yếu trong cuốn sách Thánh này được sắp xếp theo những nơi chốn địa dư: phần thứ nhất diễn biến trong xứ Galilêa, phần thứ hai trên đường từ Galilêa đến Giuđêa, phần thứ ba ở ngay trong xứ Giuđêa.

Bên trong hai miền trên, Thánh Luca xen lẫn và phối trí theo một mức độ nào đó, một loạt các biến cố theo thứ tự niên biểu, nhưng chỉ phác hoạ những nét chính, vì đó bao giờ cũng là sự liên tục có tính cách luân lý hơn là vấn đề niên biểu.

‘Trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng một Thần trí đã đưa dẫn Chúa vào chốn cô tịch, bây giờ lại đưa dẫn Ngài đến giữa loài người. Điều này có ý nói Chúa Giêsu hoàn toàn để cho Thần trí hướng dẫn.

Ai muốn hướng dẫn đời mình chỉ bằng những ý tưởng của riêng mình, và tin tưởng ở cảm hứng của mình thì sẽ không tìm được vị thế đúng đắn của mình trong trật tự cao sang và thánh thiện của Thiên Chúa. Còn người nào biết cầu nguyện, mở cửa lòng mình đón nhận những sự trên cao, hẳn được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, dầu trong cảnh tĩnh mịch hay giữa lòng đại chúng. Chúng ta đã đánh mất tâm tình sẵn sàng để được dẫn dắt như thế, đó là căn cớ của mọi hỗn độn, vô trật tự.

Thánh Thần Thiên Chúa đồng thời cũng tượng trưng cho mầu nhiệm riêng tư thâm tình nhất của Chúa Giêsu. Ngài hoàn toàn thấu suốt bí nhiệm đó, hành động và quyết định của Ngài.

Tin mừng nói về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Những lời giảng mạnh mẽ của Chúa Giêsu, sức mạnh của các phép lạ Ngài làm hết thảy đều phát xuất từ nguồn phong phú mãnh liệt là Thánh Thần Thiên Chúa. Từ ngữ Hy lạp ‘dunamis’ gồm có ý tưởng chuyển động. Ở đâu Thần trí Chúa hoạt động, ở đó hẳn sẽ có chuyện lạ. Đây không phải là sự yên nghỉ suông, mà là một hoạt động đang trên đường đi đến hiện thực.

Những khả năng thực hiện việc lớn, khả năng sáng tạo của Thánh nhân không thể đem đồng hoá với hoạt động bên ngoài; đó là một năng động, một năng động tính thực sự, kín múc từ trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nhiều vị thánh nhân xác yếu đuối, dễ bị bệnh tật, thế nhưng sức làm việc của các Ngài chưa chắc người khoẻ mạnh cường tráng có thể theo đuợc. Sức mạnh của các Ngài là sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng muốn làm những việc vĩ đại bằng những công cụ mỏng dòn.

‘Tiếng tăm Ngài lan ra khắp miền xung quanh’. Vẻ tĩnh mịch của làng Nagiarét, sự cô tịch của vùng hoang địa từ nay thuộc về quá khứ. Chúa Giêsu đã xuất hiện giữa con người. Sứ điệp của Ngài không còn chi bí mật cả: tiên vàn lời kêu gọi được chuyển từ làng này qua làng kia, sau được truyền từ xứ này qua xứ nọ và rồi từ dân này tới dân khác.

Viên đá được ném xuống mặt hồ: những gợn sóng, những vòng đồng tâm cứ lan rộng cho đến khi đụng vào ngưỡng cửa của vĩnh cửu. Một âm điệu mới đã vang lên và sẽ chẳng bao giờ ngưng đọng nữa dù là trong thời gian, dù là trong thế giới bên kia.

Sự lan tràn của Tin mừng này ngay từ khởi đầu, công cuộc giảng phúc âm ở Galilêa đã mang lại cho lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Giêsu trước quần chúng một tính chất mạnh mẽ vô địch, một vẻ tươi mát của mùa xuân, của giọt sương mai và niềm vui khi hừng đông xuất đầu lộ diện. Một đàng người ta cảm thấy có sự trao ban, một đàng là sự đón tiếp đầy nhiệt tình hoan hỷ. Những dân cư khiêm tốn, quê mùa, những ngư phủ mộc mạc tỏ ra rất sung sướng vì có một vị tiên tri xuất hiện giữa họ, xuất thân từ giai cấp họ; một người hiểu được họ, biết được nếp sinh hoạt của họ, chia sẻ số phận của họ, đồng thời lại cao cả hơn họ, nói năng rõ ràng, hướng dẫn sáng suốt và hành động vì lòng thương yêu.

‘Ngài giảng dạy trong các hội đường của họ’. Chúa Giêsu còn dạy dỗ ở nhiều nơi khác nữa: ở bờ hồ, trên triền núi, trong tư gia; nhưng tiên vàn Ngài năng dạy dỗ trong các hôị đường, bởi chính ở nơi đây, dân chúng tụ tập lại để nghe đọc lề luật và các tiên tri.

Đối vời giáo lý của Thày, lề luật và các tiên tri tượng trưng cho điểm gặp gỡ bề ngoài lẫn bề trong. Nhưng trước hết nhấn mạnh đến giáo huấn. Đấy không phải là điểm quan trọng nhất trong cuộc đời Chúa Giêsu. Cái chết và Phục sinh của Ngài còn vĩ đại hơn nhiều. Nhưng dầu sao, nếu giáo huấn có được đặt lên hàng đầu thì cũng là để chứng tỏ giá trị của Lời giảng.

Ngài tỏ mình ra như một tiến sĩ luật, bởi vì Ngài công bố quan niệm đúng đắn về luật cũ và về luật mới của Tin mừng.

Chúng ta luôn phải lắng nghe Lời Thiên Chúa để khỏi bị những lời của nhân loại dẫn vào mê lộ. Chính Lời của Thiên Chúa, giáo lý của Chúa Giêsu, chứ không phải khoa học, sẽ giúp giải quyết những bí ẩn tối hậu, và giải đáp những vấn đề thâm sâu nhất.

‘Ai nấy đều ca tụng Người”. Con người của Ngài, cách Ngài nói, cách Ngài tỏ mình, thái độ, hành năng của Ngài có một cái gì hấp dẫn khó cưỡng lại được. Ai lắng nghe Ngài mà lòng không thành kiến và nội tâm không chai đá thì hẳn phải thán phục và mến yêu Ngài. Vì Ngài có sức bắt buộc phải chọn lựa. Quần chúng xôn xao, nọi người và mỗi người phải chọn lựa cho mình một thái độ theo hay không theo, không ai được kính nhi viễn chi, dửng dưng, trung lập… Một sự hồ hởi nổ tung. Đây là phản ứng đầu tiên. Từ từ sự chống đối manh nha và rồi lớn mạnh thành cả một mặt trận phản kháng. Nhưng ở khởi đầu, thì chỉ có một đám đông dân cư vui mừng hoan hỉ. Mọi người đều vang tiếng hát bài ca mới; Người ta nói đến cuộc khởi hành mới… Thần khí của Chúa Giêsu Kitô làm phát sinh nhiệt tình phấn khởi.

Bằng vài lời đó, công cuộc rao giảng Tin mừng ở Galilêa được phác hoạ như là một giáo lý và hành năng có sức mạnh lớn lao, một khơi động niềm vui và là công trình của Chúa Thánh Thần.

NAGIARÉT

Theo Thánh Luca, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ chính thức ở Nagiarét. Thánh ký không muốn nói rằng Chúa Giêsu giảng ở đó lần đầu, vì Ngài có nói đến bản văn viết về Chúa đã giảng dạy ở Caphanaum. Nhất là vì Thánh Luca muốn chứng tỏ bằng một thí dụ, và ngay từ đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu cho thấy lý do hành năng của Ngài đã gây ra sự phân cách, người chấp nhận, kẻ từ bỏ.

Vì thế, quang cảnh tả ở đây cấu thành một thứ lời tựa và mở đầu cho hoạt động của Chúa ở Galilêa, nhờ việc khai triển trình thuật đó cùng với bầu khí của nó.

NHIỆT TÌNH ĐÓN NHẬN.

Trong hội đưỡng, khi hai bài đọc về lề luật và tiên tri chấm dứt, thì một cử toạ có thể đứng lên chú giải bản văn, hoặc là giải thích, hoặc là đưa ra bài giáo huấn xây dựng. Chúa Giêsu cũng làm như thế. Ngài bảo người ta đưa cho Ngài cuốn sách tiên tri Isaia, Ngài đọc bản văn Ngài đã chọn rồi ngồi xuống để giáo huấn. Mọi người chờ đợi với sự kinh ngạc khôn tả. Chúa Giêsu chưa làm gì ở Nagiarét khiến người ta chú tâm đến Ngài. Ngài cũng chẳng là một Ra-bi đã từng tra cứu sách này sách nọ… Bỗng dưng người ta nghe đồn Ngài đã khởi sự giảng dạy trong những thành khác ở xứ Galilêa.

Đây là lần đầu tiên Ngài trở về ngôi làng nơi Ngài sinh trưởng, nơi mà ai nấy đều biết Ngài tỏ tường. Ngài sắp nói gì đây?. Trong bản văn Ngài vừa đọc, tiên tri Isaia mô tả thời cuối cùng kết thúc cuộc lưu đày và mở đầu cho một thời kỳ huy hoàng tương lai, thời kỳ Đấng Cứu Thế xuất hiện. Với một vẻ đơn sơ nhưng trang trọng, Chúa Giêsu đã áp dụng những lời tiên tri vào chính bản thân Ngài cách rất tự nhiên: ‘Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe’.

‘Thánh Thần Chúa ngự trên tôi’. Nếu ai có thể nói được điều đó thì hẳn phải là Chúa Giêsu. Không phải Ngài chỉ xem thấy Thần khí ngự xuống trên mình dưới hình thức mắt trần xem thấy được khi chịu phép rửa ở sông Giođan, đến độ nói theo loài người thì hiển nhiên Ngài đã được tràn đầy Thần Linh Chúa. Nhưng nhờ sự kết hợp bản tính Thiên Chúa với bản tính nhân loại nơi một chủ vị, Ngài còn tràn đầy Thần Linh Thiên Chúa đến độ Thần Linh đồng hoá với Thần Trí của Ngài tự nhiên và ngự lại ở trên Ngài không phải trong chốc lát nhưng là cách chủ yếu và thường tồn. Hơn ai hết, Ngài tỏ ra là một người của Thiên Chúa và một người thiêng liêng.

‘Người đã xức dầu cho tôi’. Chúa Kitô là dầu tuyệt hảo bởi vì Ngài trổi vượt hơn hết thảy mọi tiên tri, và tỏ mình ra cả về phần Thiên Chúa lẫn phần riêng của Ngài, như chưa từng có vị nào trong số các tiên tri đã làm. Ngài là Lơì của Thiên Chúa đã nhập thể; vì là Dầu, nên Ngài là Vua trên hết các vua, là Đấng Thống trị tối cao, bởi vì Nước của Ngài là Nước Thiên Chúa, Đấng không hề biết giới hạn là gì cả về không gian lẫn thời gian. Ngài là vị Tư Tế đã được hiến thánh bởi vì xét như là Người-Chúa, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, một hiến lễ của Ngài đã có giá trị mang lại hiệu quả và ý nghĩa cho mọi hiến lễ khác. Ngài là Đấng Messia dân Israel mong đợi, nay đã đến rồi.

‘Người đã sai tôi’. Một ơn gọi trong Tôn giáo bao giờ cũng kèm theoi một sứ mạng Xức dầu không phải để cho riêng ngươì-được-xức-dầu, nhưng là cho những người mà vị này được phái tới. Tự căn bản, Chúa Giêsu là Đấng được sai đi. Sứ vụ của Ngài là một sự kéo dài việc Ngài sinh ra từ Thiên Chúa: Đấng xuất phát từ Cha qua việc nghĩa tử nay đi vào trần gian để đưa dẫn thế gian về với Cha. Cốt tuỷ của sứ vụ Ngài là như thế đó.

‘Đem Tin mừng cho người nghèo khó’. Đây là những người nghèo khó về vật chất, nhưng trước hết là những người nghèo về phần thiêng liêng. Chỉ có ai ý thức được sự khốn khổ của mình mới biết chuẩn bị đón nhận ‘Tin mừng’ ban phát ân sủng. Chúa Giêsu biết không được sai đến với những kẻ ngỡ rằng mình đã đầy đủ rồi, nhưng là đến với những người đau khổ vì hoàn cảnh của bản thân mình và hoàn cảnh của trần gian. Đối với những người này sứ điệp của Ngài thực là một Tin mừng.

‘Loan truyền sự giải thoát cho kẻ tù đày’. Tù đày bề ngoài ở Babilon, rồi được trở về tự do chỉ là một dấu chỉ phớt qua của ý định lớn lao này: ‘giải phóng con người khỏi ách tù đày bề trong do tội lỗi và quỷ ma trói buộc. Nói theo nghĩa chặt, đây mới chính là tù đày và giải phóng. Chúa Giêsu là một chiến sĩ giải phóng vĩ đại nhất của loài người. Vì thế tự do là một trong những chân lý chủ yếu, là một trong những yếu tố căn cơ của sứ điệp Kitô giáo. Ở đâu người ta không còn cảm thấy hơi hướng của tự do này, ở đó câu nệ hình thức, lo âu, sợ hãi một lần nữa lại làm cho mọi sự tê liệt, Tin mừng bị bóp méo ngay từ trong bản chất của nó.

‘Cho người mù được thấy’. Ở đây cũng lại có ý chí sự mù loà nội tâm, sự tối tăm nghi hoặc đối với những vấn đề trọng đại, đêm đen của tâm hồn vì xa cách ánh sáng Thần Linh. Chúa Kitô soi chiếu trần gian. Nhờ Ngài ánh sáng bừng lên trong tâm trí người đi tìm kiếm; soi sáng tâm hồn bị áp bức, soi sáng đêm đen tội lỗi. ‘Người mù loà được xem thấy’. Đức Kitô chỉ cần đụng tay là ánh sáng trở lại với người mù: đây là dấu chỉ mãi mãi mới mẻ về sự soi sáng thật mà Chúa Kitô đã mang đến cho những ai bị mù loà phần linh hồn.

Nhờ ánh sáng mạc khải, ánh sáng của lý trí sẽ trở nên ánh sáng có bản chất đặc biệt cho đến khi nó rạng soi trong ánh sáng vinh quang, không còn pha lẫn chút tăm tối nào nữa. ‘ánh sáng của lý trí’, ‘ánh sáng của mạc khải’ và ‘ánh sáng của vinh quang’ rốt cuộc đều là hoa trái của ‘Ánh Sáng Chúa Kitô’.

‘Trả tự do cho kẻ bị áp bức’. Đức Kitô đứng về phía những người yếu, phía kẻ cô thế, bị bóc lột, áp bức. Sứ điệp của Ngài có tính cách xã hội. Nhưng, ở đây còn có một cái gì thâm thuý hơn. Quyền lực ma quỷ, Satan, áp bức và đe doạ tâm hồn. Một sự áp bức đè nặng con người và làm cho cuộc sống bị bất ổn. Satan là thủ lĩnh thế gian: đó là lý do tại sao Kitô giáo là một cuộc cách mạng tôn giáo, vì nó lật nhào kẻ muốn chiếm đoạt địa vị không thuộc về mình; thay vào đó là quyền năng tối cao của Thiên Chúa, không áp bức nhưng giải phóng.

‘Loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa’. Hừng đông của thời kỳ vĩ đại của ơn cứu độ mở đầu với việc Đức Messia đến. Tất cả mọi năm hoan hỷ của Israel chỉ là điềm báo cho thời tương lai này, thời mà sự vui mừng vô tận phát sinh từ âm hưởng của Tin mừng.

Như thế, khi áp dụng những lời tiên tri vào bản thân mình, Chúa Kitô mô tả con người và sứ vụ của Ngài bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng uy nghiêm đến độ dân chúng nín thở, hồi hộp lắng nghe và cảm kích. Họ ngạc nhiên về sự kiện Ngài dạy dỗ, con người chưa bao giờ học hành ở đâu cả; họ kinh ngạc về cách Ngài dạy dỗ, hoàn toàn khác với lề thói của các thày dạy lề luật họ đã quen; và họ bị những điều Ngài giảng dạy hấp dẫn, vì đây là sứ điệp ban ơn cứu độ, ánh sáng, sự trợ giúp và tự do.

Theo sau Lời Chúa Giêsu giải thích là một hồi thinh lặng. Cử toạ nói với nhau, trao đổi cảm tưởng. Trước hết đây là một sự lôi cuốn pha lẫn vui mừng, rồi lần lần có nhiều tiếng nói khác nổi lên, trước tiên là tiếng của các luật sĩ có mặt trong buổi họp ấy. Bầu khí từ từ đổi thay, rồi biến đổi hẳn. Phần thứ hai trong hoạt cảnh này diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn ngược hẳn.