Chúa Nhật II thường niên - Năm C
NGƯỜI CHƯA BỎ TIỆC RA VỀ
PM. Cao Huy Hoàng, 18-01-2013

“Xin mời mọi người cùng hướng mắt về cổng hoa để chào đón Tân Lang và Tân Giai Nhân đang dìu nhau bước lên đài Hạnh Phúc”

Không biết ở thành phố thì thế nào, nhưng ở nhà quê của tôi thì câu này nghe quen lắm, gần như bài thuộc lòng của các người dẫn chương trình (người ta vẫn gọi là MC, Master of Ceremony, mà không sợ lai căng, và không hề hổ thẹn). Tuy nhiên, tôi nghĩ các từ “Tân Lang”, “Tân Giai Nhân” hoặc “Chú Rể”, “Cô Dâu” luôn luôn là tuyệt đẹp. Với Hôn Nhân Ki-tô Giáo thì còn tuyệt đẹp hơn nữa, bởi vì, đời người chỉ một lần được làm chú rể, một lần làm cô dâu, không có lần thứ hai. Cũng có thể có lần thứ hai, nhưng nếu do người bạn đời qua đời thì còn vui được, nhưng nếu do chuyện tự ý xé bản giao ước hôn nhân lần thứ nhất để có thêm một lần làm “chú rể, cô dâu” thì ôi! thật là chua xót! Chẳng biết ai đó đã có lý do chính đáng nào mà vui mừng thêm một lần nữa!

Vâng, Hôn Nhân Ki-tô Giáo luôn mang một ý nghĩa siêu nhiên bởi vì đài Hạnh Phúc của họ được Thiên Chúa thiết lập, chúc phúc, và củng cố qua ơn thánh của Ngài. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể chứng minh cho chúng ta điều đó.

Hẳn là hôm Chúa Giê-su và Mẹ Người dự tiệc cưới ở Cana cũng có Tân Lang và Tân Giai Nhân, có Hai Họ, có Thân Hữu, có Quý Khách, có nhạc, có pháo hoa, có các món ngon, có bia rượu, có múa hát, có hò nhặt hò khoan, có vỗ tay, có tiếng cụng ly, có lời chúc mừng rôm rã. Ai cũng muốn cho bữa tiệc cưới trọn vẹn niềm vui và không thể có nỗi buồn nào chen vào cách vô duyên nên phải chuẩn bị thật chu đáo từ các món ngon đến chén rượu nồng. Rượu cũng được chúc phúc, vì rượu không uống để say, nhưng để cho lòng thêm phấn khởi. Như thánh vịnh 103 xác nhận: “Từ ruộng đất Chúa làm nẩy sinh cơm bánh, ban rượu ngon cho thêm phẩn khởi lòng người” (Tv 103, 14b-15a).

Thế nhưng, bữa tiệc hôm nay bống hết rượu giữa chừng . Hẳn là chủ hôn lo lắng, lứa đôi lo lắng, bởi vì sợ khách không chỉ bỏ tiệc ra về mà còn thêm lời chê trách “mời lơi, đãi lếu”. Mẹ Maria chứng tỏ một người phụ nữ biết quan tâm và đồng cảm với nỗi lo của gia đình nên nói với Chúa Giê-su: "Họ hết rượu rồi." Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến." Hiểu con mình, Mẹ nói với các gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." (Ga 2, 3-5).

Và sau đó,

Chúa Giê-su bảo họ:  "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc."  (Ga. 2, 7-8)

Người quản tiệc nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."  (Ga. 2, 10)

Thế là:

“Chúc mừng đôi lứa Ca-na, Chúa làm nước lã hóa ra rượu nồng”.

Vâng, Chúa Giê-su không bỏ tiệc ra về khi chủ hôn hết rượu, khi lứa đôi hết rượu. Ngược lại, Ngài còn ở lại đó để cảm thông với nỗi lo của lứa đôi, để chúc phúc cho lứa đôi, để làm phép lạ cho “nước lã hóa rượu nồng” cho mọi người không bỏ tiệc ra về mà nối dài niềm vui với chủ hôn và cho lứa đôi vững yên trên đài hạnh phúc.   

Thiết nghĩ, Chúa không tự dưng mà thi thố quyền năng của Ngài, nhưng một là vì sự can thiệp của Mẹ Người, hai là vì người ta đã làm đúng như lời Mẹ dặn: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Người ta đang hết rượu kia kìa, khách đang xầm xì kia kìa, có vài ông muốn bỏ về rồi kia kìa, không lo đi mua rượu mà lại bảo “Đổ nước lã vào chum” thì rõ là dỡ hơi, khó mà chấp nhận được. Thế nhưng, các gia nhân đã “Nghe Lời Người” và “Thực hiện đúng như Lời Người dạy, nên phép lạ đã xảy ra.  

-Mỗi người chúng ta, khi nhận lãnh Bí Tích Rửa tội, là cũng đã có một cuộc hôn phối kỳ diệu với Thiên Chúa. Đời sống Đức Tin không thiếu những phút giây “hết rượu giữa chừng” khiến lòng chúng ta không còn phấn khởi, rơi vào tình trạng băn khoăn, nghi hoặc, chán nản, thất vọng. Tồi tệ hơn nữa, đôi khi chúng ta đã muốn chia tay với cuộc hôn phối kỳ diệu nầy, xé rào giao ước thánh mà bắt tay với ma quỷ, với thế lực gian tà. Thật đáng tiếc! Chúng ta quên rằng Đức Giê-su, Ngôi Thiên Chúa đang làm khách dự tiệc đời ta chưa bỏ tiệc ra về. Ngài vẫn còn đó, Ngài bảo ta “đổ nước vào chum”, cộng tác với Ngài để phép lạ xảy ra, mà chúng ta không làm.

-Đời sống lứa đôi cũng vậy, sự nồng nàn của tình yêu mỗi lúc một phai nhạt dần theo năm tháng vì trăm ngàn lý do. Biết bao đôi lứa đã “hết rượu giữa chừng” mà không biết nghe lời Mẹ dặn: “Người bảo gì các anh hãy làm theo”, lại nghe theo lời xúi quẩy của ma quỷ mà nhập khẩu vào nhà mình loại rượu giả cho qua ngày đoạn tháng. Lời Chúa vẫn còn đó trong từng trang Tin Mừng, đặc biệt những Lời này: “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu”. “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người thí mạng mình vì người mình yêu”. Lời Chúa đang dặn dò dạy bảo bao điều phải làm để tình yêu luôn mới, để tình yêu luôn nồng nàn. Nhưng không có phép lạ “nước hóa thành rượu” trong nhà chúng ta vì chúng ta không làm theo Lời Người dạy.

-Chúa Giê-su chính là Tân Lang, và Giáo Hội của Người là Tân Giai Nhân trong Giao Ước Mới được gọi là Tân Ước. “Kìa Chàng Rể đến, hãy ra đón Chúa Ki-tô”. Vâng, Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Ki-tô và Chúa Ki-tô vẫn đang làm phép lạ không chỉ cho rượu nho nồng nàn mà còn làm cho rượu nho trở thành Máu Thánh Người để niềm vui bữa tiệc cưới trần gian sẽ còn kéo dài tới bữa tiệc Thiên Quốc, hạnh phúc vĩnh cửu. 

Mẹ Maria chưa bỏ tiệc ra về. Mẹ đang thôi thúc chúng ta thực hiện Lời Chúa dạy. Chúa Giê-su chưa bỏ tiệc ra về. Ngài vẫn đang chờ sự cộng tác của mỗi chúng ta trong đời sống Đức Tin, đời sống lứa đôi, trong đời sống Giáo Hội để ban cho chúng ta thứ rượu ngon nông nàn cho lòng ta thêm phấn khởi.

Chúa Giê-su chưa bỏ tiệc ra về. Ngài đang chờ bạn, chờ tôi, chờ chúng ta làm theo Lời Ngài để chúng ta được bình an hạnh phúc.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con nhận ra rằng Chúa đang hiện diện trong tâm hồn, trong nhà, trong giáo xứ chúng con và đang cho phép chúng con cùng làm phép lạ với Ngài khi chúng con tuân giữ và thực hiện Lời Ngài. A men.