Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm C
VUA VŨ TRỤ
SƯU TẦM

Các tông đồ ngày xưa, từ khi bắt đầu theo Chúa cho đến khi được Chúa Thánh Thần biến đổi sau biến cố Phục sinh, và chúng ta hôm nay nếu không được Chúa Thánh Thần soi sáng thì không thể nào hiểu được mầu nhiệm thập giá. Trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của mỗi lần Chúa mạc khải mầu nhiệm thập giá mà chính Ngài đã thực hiện là mỗi lần các tông đồ hoặc né tránh hoặc hiểu sai ý nghĩa và tranh nhau chỗ vinh quang tả hữu, nhất nhì trong Nước Chúa.

Trong ngày lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, kết thúc năm phụng vụ theo chu kỳ C, để rồi vào tuần tới Chúa nhật I Mùa vọng, khai mào năm phụng vụ mới theo chu kỳ A, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm và sống mầu nhiệm Nước Chúa, tôn vinh Chúa Kitô làm Vua vũ trụ dựa theo Tin Mừng thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, mô tả cảnh Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá giữa hai kẻ trộm, một kẻ dữ buông lời xúc phạm và một kẻ lành thành tâm thống hối ăn năn và nhận được lời bảo đảm của Chúa: “Hôm nay con sẽ được ở với Ta trên thiên đàng”.

Tại sao trong ngày lễ Chúa Kitô Vua mang màu sắc đầy vinh quang chiến thắng, Giáo Hội lại nêu cao biến cố đau thương Chúa chịu chết treo trên thập giá như vậy? Chúng ta không có nhiều giờ để chú giải sâu rộng đoạn Phúc âm trên, nhưng một cách vắn tắt chúng ta có thể nói trước hết bản chất của Nước Chúa được Chúa Giêsu mạc khải nơi đây cho người trộm lành, đó là được ở với Chúa. Nước Chúa là nơi Chúa ở với ta, ta ở với Chúa, được vui hưởng sự hiện diện của Ngài và Chúa Giêsu đã thực hiện Nước Chúa là ban ơn cứu rỗi cho con người qua cái chết hy sinh trên thập giá, không có con đường nào khác và Chúa Giêsu đã nhiều lần xác nhận: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

Chúa Giêsu chiến thắng những sự dữ, những bạo lực, những sự ác ôn âm mưu mánh mung trong tâm hồn con người bằng cái chết hy sinh trên thập giá và Chúa vẫn còn tiếp tục làm như vậy, tiếp tục chịu chết như vậy, cả trong ngày hôm nay nữa để thực hiện quyền làm chủ của Ngài trên mọi sự.

Thật ra, là Đấng Tạo Hóa mọi loài, mọi vật, Chúa làm chủ mọi loài mọi vật, Chúa đã làm vua mọi loài mọi vật, nhưng Chúa đã tạo dựng con người có tự do và con người đã dùng tự do này để thoát ra khỏi bàn tay Chúa, thoát ra khỏi quyền làm chủ của Ngài. Không những con người thoát ra khỏi quyền làm chủ của Ngài, mà con người còn dùng quyền tự do của mình để làm cho vạn vật này thoát ra khỏi quyền làm chủ của Thiên Chúa.

Chúa làm vua, nhưng Chúa muốn cho con người nhìn nhận Ngài làm vua qua con đường thập giá. Chúa biết rõ đây là cách thế duy nhất để chiến thắng sự tự do của con người, để chiến thắng sự dữ mà tự do của con người gây ra trên trần gian này đó là cái nhìn từ Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha luôn nhìn về lịch sử của con người từ trên cao xuống qua thập giá của Chúa Giêsu.

Nói đến đây tôi nhớ lại một bức tranh của một nghệ sĩ tài ba về cảnh Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá không theo cách thông thường nhìn từ dưới lên, mà một cách đặc biệt nhìn từ trên cao xuống. Thiên Chúa Cha nhìn vào trần gian qua thập giá của Chúa Giêsu từ trên cao xuống và nhìn từ phía con người thì sao?

Bài Phúc âm hôm nay cũng gợi lại cho chúng ta một khía cạnh căn bản thường bị bỏ quên, đó là khía cạnh được người trộm lành thực hiện việc ý thức về tội lỗi của mình, anh đã thống hối nhìn nhận lỗi lầm, khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Thiên Chúa không thể cứu rỗi con người, nếu con người không muốn được cứu rỗi. Con người có tự do, họ có thể chống lại Ngài, khước từ ơn cứu rỗi Ngài ban, hoặc lãnh nhận một cách tích cực và sốt sắng. Chúa Giêsu chỉ thực hiện quyền làm vua của Ngài, quyền làm Chủ của Ngài trên con người, khi con người biết thống hối ăn năn quay trở về với Ngài. Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận Chúa Giêsu là Vua, nhìn nhận ơn cứu rỗi của Chúa để Chúa thực hiện nơi mình và để mình được hiện diện với Chúa.

Đây là bước đầu tiên căn bản không thể thiếu được. Chính vì thế mà tác giả Phúc âm thánh Marcô khi mô tả giây phút khởi đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa đã xác nhận một cách mạnh mẽ qua lời Chúa Giêsu: “Nước Trời đã gần đến. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng”.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, chúng ta không nên dừng lại ở nơi những khẩu hiệu hoan hô bên ngoài: “Chúa là Vua”, nhưng mỗi người chúng ta cần phải ý thức về những lỗi lầm của mình và thống hối ăn năn trở lại xin Chúa tha thứ. Xin Chúa thực hiện quyền làm chủ của Chúa trên con người của chúng ta, trên cuộc đời chúng ta. Xin Chúa tha thứ tất cả tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến Chúa, để chúng ta được trở nên con cái Chúa, để Chúa thực sự là chủ, là Vua trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Xin Chúa củng cố đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.