Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm C
NẾU ÔNG LÀ VUA
Lm Âu Quốc Thanh

Các thánh sử đều kể lại câu truyện tang thương của cuộc khổ nạn một cách hết sức vắn gọn, mặc dù trong truyền thống Do Thái tường thuật những vụ tử vì đạo rất tỉ mỉ (2Mac 7,3-19). Phúc âm theo thánh sử Luca kể lại cách sơ sài sự kiện một tử tội mang danh là Giêsu thành Nazareth đang hấp hối trên cây thập giá. Thánh Luca còn bỏ cả chi tiết cho ông Giêsu uống rượu pha mật đắng. (Mc 15,22; Mt 27,33). Tuy nhiên trong bài trích Phúc âm cho Lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, thánh Luca đã tỉ mỉ nói lên bốn phản ứng của những người hiện diện tại đồi Golgotha để chứng minh con người và căn tính siêu việt của Chúa Giêsu.

Thái độ thứ nhất là thái độ dửng dưng của những người qua đường. Là khách bàng quang, họ đến xem cho biết chuyện gì đang xảy ra. Thánh Luca phân biệt rõ những người dân và các vị lãnh đạo. Đám dân thường chỉ đứng quan sát sự việc cách thụ động. Họ không biết rõ căn tính và con người ông Giêsu. Chính vì thế mà họ được ơn thống hối ăn năn. (Lc 23,48)

Còn hàng lãnh đạo tôn giáo thời đó thì chủ động nhạo báng ông Giêsu. Họ không tin ông Giêsu là Vua dân Do thái, đấng được tuyển chọn để cứu dân Chúa khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự dữ. Họ chế nhạo: “Nếu ông là vua dân Do thái. ông hãy tự cứu mình đi.” Họ hiểu “Vua” theo nghĩa trần gian, một vị lãnh đạo chính trị sẽ giải thoát dân Chúa thoát ách thống trị của Đế quốc Rôma. Một tử tội đang hấp hối trên thập tự không thể giúp họ thực hiện ước mộng đó của họ.

Thái độ của người trộm dữ cũng giống như thái độ của đám lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Hắn buông lời hằn học và sỉ nhục: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa.” Hắn biết mình đã rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” và biết chẳng còn ai có thể cứu mình khỏi chết. Có thoát lời thóa mạ ai cũng chẳng thiệt thòi gì hơn. Đối với hắn, chết là hết.

Nhưng người trộm lành đã thực sự được ơn giải thoát khỏi sự ngu muội và sự không tin. Hắn nhận ra Đức Giêsu là người vô tội nhưng lại bị án tử hình như những kẻ phạm trọng tội như hắn. Hắn nhận ra rằng vị Vua này không phải là một nhà lãnh đạo chính trị, nhưng là một lãnh đạo tinh thần, và nước của Ngài chính là thiên đàng vĩnh cửu. Chính vì được ơn giác ngộ và thống hối, hắn đã thốt lên lời đầy tin tưởng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.” (Bản dịch mới của nhóm Phiên Dịch VN, 1998, có lẽ chính xác hơn: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Người trộm lành đã kêu đích danh của Chúa Giêsu, danh hiệu có nghĩa là “Chúa chữa.” Chính vì niềm tin nơi Chúa Giêsu, người trộm lành đã được tha thứ mọi lỗi lầm và được hưởng phúc thiên đàng.

Chúng ta là những Kitô hữu có lẽ chúng ta không bao giờ dám nhạo báng Chúa Giêsu như tay trộm dữ và những vị lãnh đạo cứng lòng tin. Cùng lắm khi vì tính yếu đuối xác thịt để cho mình rơi vào tình trạng dửng dưng với Chúa Kitô và công việc của Giáo Hội, nhiệm thể của Ngài. Đôi khi chúng ta muốn Chúa Giêsu trở thành một vị lãnh đạo chính trị giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ phần xác và những bất công xã hội. Bằng chứng của lòng mong ước này là phong trào thần học giải phóng, là phong trào phụ nữ bình quyền... Dĩ nhiên khi còn ở thế gian, Chúa Giêsu đã cứu chữa biết bao nhiêu tật nguyền và đả phá những hủ hóa của giới lãnh đạo. Nhưng Ngài đã không giải phóng dân Israel khỏi ách thống trị Rôma và không làm phép để giải vòng vây cho chính Ngài. Lý do: vì Ngài không phải là Vua trần gian. Như Chúa Giêsu nói rõ với Philatô khi Ngài bị bắt: “Nước ta không thuộc về thế gian này.” (Ga 18,36) Nước của Ngài là Thiên đàng mai sau, chỉ có nơi đó mới không còn đau khổ phần hồn phần xác, không còn áp bức và bất công xã hội.

Chắc hẳn, chúng ta đều muốn được ơn giác ngộ và trở lại như người trộm lành. Chúng ta muốn tôn thờ Chúa Giêsu là Vua của vũ trụ và là vị Vua của từng tâm hồn mỗi người. Lời nguyện nhập lễ trong thánh lễ Chúa Kitô Vua: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô là Người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng.”