LÊ THÁNH GIA - Năm C
THÁNH HÓA  GIA ĐÌNH
                      Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Giáo hội mừng lễ Thánh gia thất ngay trong tuần Bát Nhật giáng sinh là có ý nhấn mạnh Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài sinh ra trong một gia đình có cha có mẹ. Như vậy, gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong mầu nhiệm giáng sinh, mầu nhiệm con Thiên Chúa xuống thế làm người. Chỉ cần nói như thế cũng đủ cho chúng ta thấy rằng: gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội.

Gia đình là cái nôi sự sống, là mái ấm tình thương, là nơi mà mỗi người chúng ta được sinh ra và lớn lên, được dưỡng dục, được trải nghiệm những giây phút thần tiên đầu đời. Còn gì đẹp hơn hình ảnh vợ chồng và con cái xum họp nhau.

Ngày nay, người ta quan niệm gia đình lý tưởng, là người chồng có công ăn việc làm thu nhập cao, người vợ xinh đẹp và việc làm cũng ổn định. Có nhà lầu xe hơi và con cái chăm chỉ học hành.

Thế nhưng, Tin mừng lại trình bày cho chúng ta một gia đình lý tưởng theo khuôn mẫu khác. Thánh Giuse không phải là người có học vị tiến sĩ, cũng không phải là một nhà kinh doanh. Còn Mẹ Maria không phải là một hoa hậu hay thiếu nữ học thức ở thành phố biết ăn diện sành điệu, nhưng thánh Giuse chỉ là một bác thợ mộc nghèo, và Mẹ Maria là thiếu nữ âm thầm trong làng quê Nazareth. Vậy mà, cả hai đã thực sự sống trọn vẹn lý tưởng của đời sống hôn nhân hơn mọi gia đình khác.

Thế thì, con xin hỏi quí ông bà và anh chị em: thời gian tuổi ấu thơ của Đức Giêsu, Ngài có đi học như chúng ta không?. Mặc dù Thánh Kinh không kể lại Đức Giêsu đi học ở trường nào, nhưng dựa vào lời thánh Phaolô nói " Ngài giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi". Như vậy, Đức Giêsu học ở mái trường Nazareth, thánh Giuse và Đức Mẹ là thầy cô giáo đầu tiên, tập cho Chúa đi, tập cho Chúa ăn, tập cho Chúa nói…. Bởi vì sinh con và giáo dục con cái là trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ.

Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam có  nhắn nhủ: " Chính cha mẹ là những Giáo lý viên đầu tiên, dạy cho con cái mình biết Chúa ngay từ tấm bé bằng những lời cầu nguyện đơn sơ. Tập cho con cái mình biết làm dấu Thánh giá, rồi khi chúng lớn lên, cha mẹ dẫn chúng đi tham dự thánh lễ, đi học Giáo lý, tham gia nhưng việc đạo đức để lớn lên trong đời sống đức tin" (số 14).

Như Tin mừng hôm nay ghi lại, hằng năm thánh Giuse và Đức Mẹ dẫn Chúa Giêsu đi hành hương lên đền thờ Giêrusalem. Qua đó, gia đình Thánh Gia nêu gương cho các bậc cha mẹ bổn phận giáo dục đức tin cho con cái. Rất có thể Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh nhộn nhịp của thành Giêrusalem và bầu khí sốt sắng trong đền thờ nên Ngài ở lại, nhưng khi nhìn thấy cha mẹ vì mình mà phải lo lắng đi tìm, thì "Ngài liền đứng dậy trở về nhà vâng phục hai ông bà" (Lc 2,51).

Qua đó, chúng ta ghi nhận rằng: tinh thần vâng lời của Chúa Giêsu được hấp thụ từ trong mái ấm gia đình, nhờ lời dạy bảo của cha mẹ, chứ không phải từ học đường hay nơi trung tâm văn hoá nào khác.

Cho nên, nhân ngày quốc tế gia đình, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: " Tương lai của Giáo hội và xã hội hệ tại ở các gia đình". Tại sao Ngài không nói tương lai của Giáo hội và xã hội hệ tại ở các dòng tu hay các trường học, mà là ở các gia đình? Thưa, vì gia đình là trường học, là chủng viện đầu tiên giáo dục những con người tốt cho Giáo hội và cho xã hội.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắn nhủ những ai sống ơn gọi hôn nhân: “Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau" (Cl 3,12-13).

 Anh chị em thân mến,

Nhìn vào gia đình ngày nay, có những gia đình đang đối diện với những khó khăn. Lý do là vì không sống theo điều Chúa dạy, không trung thành với lời giao ước hôn nhân, mà đôi vợ chồng đã thề hứa trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh. Đồng thời, do môi trường xã hội có nhiều thứ hấp dẫn lôi kéo, làm cho vợ chồng khó trung thành chung thủy với nhau trong tình nghĩa vợ chồng, đi đến những mối tình vụn trộm, ông ăn chả, bà ăn nem.

Rồi vì hoàn cảnh làm ăn sinh sống, chồng làm một nơi, vợ làm một nẻo, con cái đi học thêm, cho nên hiếm khi có những bữa cơm chung hay những giờ kinh tối trong gia đình.

Cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền, lo toan kinh tế, cho nên một số cha mẹ không quan tâm đủ, không dành thời giờ cho con cái, nhất là những đứa con đi học hay đi làm ở xa gia đình, thiếu sự nhắc nhở của cha mẹ, nên con cái dễ bị hư hỏng.

Một số cha mẹ chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, làm sao kiếm được nhiều tiền, chứ ít quan tâm đến đời sống đạo đức giáo dục đức tin cho con cái.

Mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta cầu nguyện cho hết mọi gia đình trên toàn thế giới, biết noi theo mẫu gương gia đình Nazareth xưa, là luôn coi trọng tình nghĩa vợ chồng, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, biết chăm lo giáo dục đức tin cho con cái, nhất là đời sống đạo đức, và trong mọi sự luôn sống theo Thánh ý Chúa. Amen.