Thứ bảy tuần thánh - Năm A
NIỀM VUI PHỤC SINH
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

                

Thưa anh chị em,

Bước vào đêm canh thức vọng phục sinh, Giáo hội công bố tin mừng phục sinh qua bài Exsultet. Nội dung bài ca này được nhắc đi nhắc lại cụm từ “mừng vui lên” như một điệp khúc loan tin niềm vui vĩ đại cho cả triều thần thánh trên trời và cho mọi thành phần dân Chúa biết, đó là Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Alleluia. Alleluia.

 Đêm nay, những cây nến phục sinh được thắp lên trong các thánh đường tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô, chiếu sáng muôn dân, ánh sáng không bao giờ tàn lụi, ánh sáng xóa tan bóng tối sự chết. Còn hạnh phúc nào lớn hơn, khi Đức Kitô chiến thắng tử thần, đem lại cho nhân loại sự sống mới trong tư cách là con cái Thiên Chúa, mà xưa kia ông bà nguyên tổ đã đánh mất.

 Vì thế, Giáo hội trần thế đêm nay trào dâng niềm vui khôn tả, tất cả đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới “Mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần. Cùng vui lên hỡi những nhiệm mầu thánh này. Và vui lên, toàn trái đất vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh vui lên…” vì Chúa đã sống lại, đúng như lời Ngài đã tiên báo cho các môn đệ: “Này chúng ta đi lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp vào tay các thượng tế và luật sĩ. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mt 20,18-19).

Thế thì, dựa vào đâu làm bằng chứng Đức Kitô sống lại?

Thứ nhất: Dựa vào ngôi mộ trống. Ngay từ sáng sớm, bà Maria Mađalêna và một số bà khác ra thăm mộ Chúa. Các bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, các bà bước vào không thấy xác Chúa. Đang lúc các bà bối rối không biết chuyện gì xảy ra, thì có hai thiên thần mặc y phục trắng nói với các bà: “Chúa đã sống lại, Người không còn ở đây nữa”. Sau đó, các bà chạy về báo cho các tông đồ biết, Chúa đã sống lại rồi.

Thứ hai: Lời chứng của các tông đồ. Một nhà tư tưởng nói rằng: Những người dám sống dám chết cho điều họ rao giảng, thì đó mới là lời chứng xác thực. Thật vậy, các tông đồ đã làm chứng cho Đức Kitô phục sinh bằng cái chết đẫm máu của mình.

Tại nhà ông Cornêliô ở Xêdarê, thánh Phêrô tuyên bố: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 39-41).

Về phần Gioan, lời chứng của ông mang tính nội tâm và sâu sắc. Chính ông đã ghi lại lời chứng của mình một cách khách quan: “Bấy giờ người môn đệ kia, đã tới mộ trước, cũng đi vào mộ. Ông đã thấy và đã tin”. Việc chứng kiến ngôi mộ trống là bằng chứng xác thực, Chúa đã sống lại và ra khỏi mộ. Ngôi mộ trống giúp Gioan tin rằng Thầy mình đang sống. Nhìn thấy ngôi mộ trống làm ông nhớ lại lời Thầy mình đã báo trước cuộc tử nạn, nay xảy ra thật chính xác.

Thứ ba: Sự biến đổi nơi các tông đồ. Ơn Chúa phục sinh có sức biến đổi lạ lùng. Từ những người nhút nhát, đã trở nên can đảm phi thường. Từ những người dốt nát, nay trở nên thông thái, mạnh dạn nói về Đức Kitô Phục Sinh. Thánh Phêrô làm chứng rằng: “Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết, đã hiện ra tỏ tường với chúng tôi là những nhân chứng Người đã tuyển chọn từ trước. Chính chúng tôi là những kẻ đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng: Chính Ngài là Đấng Thiên Chúa đã đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết (Cv 10, 40-42).

Anh chị em thân mến,

Lễ Phục Sinh là lễ của niềm vui. Nào chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ, vì Chúa phục sinh là bảo chứng ơn cứu độ cho những ai tin vào Chúa, là nền tảng đức tin Kitô giáo.

Khi long trọng mừng lễ Phục Sinh, chúng ta được mời gọi sống lại thật về phần linh hồn”, có nghĩa là từ bỏ con người cũ với những đam mê tội lỗi, để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Bởi lẽ, Đức Kitô sống lại, Ngài không sống lại với con người cũ, nhưng với thân xác phục sinh vinh hiển. Mặc dù thân xác còn mang những thương tích trong cuộc thương khó, nhưng thân xác Ngài hoàn toàn biến đổi. Thân xác Chúa không còn bị giới hạn vào thời gian hay không gian.

Tất cả chúng ta khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được dìm vào cái chết và bước vào cõi sống cùng với Đức Kitô. Do đó, tuyên xưng Chúa sống lại không chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng còn được biến đổi với Đức Kitô. Ngài sống lại để đem đến cho nhân loại sự sống mới, Ngài muốn chúng ta đón nhận sự sống mới từ nơi Ngài.

Sống đời sống mới là chúng ta làm mới lại mối tương quan tình nghĩa giữa ta với Chúa. Nghĩa là từ nay, chúng ta sống gắn bó với Chúa nhiều hơn trong cầu nguyện và các việc đạo đức thường ngày theo bổn phận.

Đồng thời, chúng ta cũng làm mới lại mối tương quan với tha nhân, từ trong mái ấm gia đình, hãy tạo cho gia đình mình thêm niềm vui và nhiều hạnh phúc hơn. Khi gặp gỡ tha nhân với một gương mặt tươi mới hơn, sống bao dung và quảng đại hơn. Hãy làm cho mầu nhiệm Chúa Phục sinh lan tỏa và biến xã hội này nên tốt đẹp hơn. Amen.

                   trang suy niệm hằng tuần