Thứ Tư Lễ Tro - Năm C
MÙA CHAY TRỞ VỀ
                   Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta bước vào hành trình "chiến đấu thiêng liêng", bằng việc canh tân cải thiện đời sống, để chúng ta cảm nghiệm sâu hơn tình Chúa yêu thương. Đây là thời gian hết sức đặc biệt, Thiên Chúa dang rộng đôi tay chờ đón chúng ta trở về, trở về để được Chúa yêu thương, trở về để được Ngài tha thứ.

 Cuộc hành trình nào ra đi cũng có ngày trở về: Người Do thái, sau bao nhiêu năm đi lưu đầy nơi đất khách quê người bên Aicập, rồi Chúa cũng dẫn đưa họ trở về miền đất Hứa.

Chúa Giêsu từ trời cao xuống đất thấp để cứu độ nhân loại, rồi sau khi hoàn tất chương trình cứu độ Ngài cũng trở về cùng Thiên Chúa Cha.

Người con hoang đàng sau khi bỏ nhà ra đi ăn chơi phung phí hết tiền của rồi cũng trở về nhà cha mình.

Tương tự như thế, đời sống đạo của chúng ta là một cuộc hành trình đức tin đang tiến về quê trời. Trong cuộc hành trình dài này, hằng năm Giáo Hội thiết lập Mùa Chay 40 với ngày, mục đích giúp các tín hữu sống tâm tình:

1/ Trở về với Chúa, bằng việc sám hối và cầu nguyện

2/ Trở về với chính mình, bằng việc ăn chay và xưng thú tội lỗi

3/ Trở về với tha nhân, bằng việc tha thứ và bố thí

Bước vào đầu Mùa Chay, Giáo hội cử hành việc xức tro và ăn chay kiêng thịt. Ở trong Thánh Kinh:

 Tro diễn tả thân phận mong manh mau qua của con người: " Hỡi người! Hãy nhớ mình là bụi tro, rồi mai ngày sẽ trở về đất bụi".  Có nhiều người thắc mắc ngày xưa người Do thái ăn chay rắc đầy tro trên đầu, ngồi cả trên đống tro, mà ngày nay chỉ xức có một chút ít tro thôi sao?.

Việc xức tro là để tỏ lòng  sám hối. Xức nhiều tro mà trong lòng không thật tình sám hối thì có ích gì? Vì thế, ngày nay Giáo Hội chỉ dùng một chút tro tượng trưng nhưng nhắc nhớ ta. Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn.

Hãy xức tro vào tâm hồn, để thấy tâm hồn ta hoen ố vì tội lỗi. Hãy xức tro vào tâm hồn, để thấy rõ ta đã bôi tro trát trấu vào khuôn mặt Thiên Chúa, làm lem luốc khuôn mặt Giáo hội, làm ô danh cho đạo Thánh Chúa, mỗi khi ta cố tình phạm tội trọng, làm gương mù gương xấu cho người khác.

Hãy xức tro vào tâm hồn, để thấy rõ ta đã làm cho mối quan hệ với tha nhân bị tổn thương, vì những tham vọng, ích kỷ, nhỏ nhen của ta.

Hãy xức tro vào tâm hồn, để khi làm bất cứ việc gì, hãy nhớ đến ngày tận cùng của đời ta.

Cũng có người khác lại thắc mắc, tại sao ngày xưa Giáo hội ăn chay trong 40 ngày, mà ngày nay chỉ còn có hai ngày là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh?.

Giáo hội giản lượt việc ăn chay vào hai ngày trong một năm, không có ý coi nhẹ, nhưng Giáo hội muốn tránh thái độ ăn chay theo hình thức, để tập trung vào việc ăn chay trong tâm hồn.

Mục đích ăn chay nhắc nhớ ta:

 Hãm dẹp những gì làm mất lòng Chúa và làm phiền lòng anh em.

Nhịn đói một bữa cơm không bằng nhịn nói một lời có thể làm buồn lòng người khác.

Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn đi một thói xấu của người bên cạnh.

Nhịn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, và làm hoà với nhau.

Kìm chế cơn đói không bằng kềm chế miệng lưỡi,  nói hành, nói xấu người khác.

Kìm chế cơn khát không bằng kiềm chế tính nóng nảy của mình.

Chính vì thế mà tiên tri Dô-el đã kêu gọi dân chúng thời Cựu Ước: "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo". Người Do thái có tục lệ khi ăn chay thì xé áo ra, đó là một hình thức sám hối. Nhưng điều quan trọng hơn là tâm hồn phải thực sự sám hối.

Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi những tham lam, ích kỷ, chỉ  biết lo vun đắp cho mình mà không biết chia cơm xẻ áo cho người khác.

Xé áo không bằng xé lòng ta khỏi tính lười biếng, khô khan, nguội lạnh, sống vô trách nhiệm.

Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi những giận hờn chia rẻ.

Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, chúng ta mới đến gần Chúa hơn, sống tình thân mật với Chúa. Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, chúng ta mới sống bác ái với tha nhân.

Người Do Thái thời Cựu Ước ăn chay rất nhiều, thế nhưng các ngôn sứ đã lên tiếng tố giác: một thứ ăn chay nặng hình thức, và ngay cả Chúa Giêsu cũng lên tiếng tố giác về một thứ ăn chay như thế. Cho nên, Chúa bảo chúng ta khi ăn chay, thì xức nước hoa lên đầu cho thơm, mặt mày thì tươi tắn lên, để người ta không biết mình ăn chay, nhưng có Chúa biết là đủ rồi.

Đó là một vài gợi ý của việc xức tro và chay tịnh. Giờ đây, chúng ta cùng nhau bước sang phần cử hành việc xức tro.