Thứ Tư Lễ Tro - Năm C
"ĐẤNG THẤU SUỐT MỌI SỰ"...
Thánh GH Gioan Phaolo II

1. "Cha các con Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ ân thưởng cho các con" (Mát-thêu 6,4 và 6,18). 

Những lời của Chúa Kitô đây được gởi tới mỗi người chúng ta ngay từ buổi đầu của cuộc hành trình Mùa Chay. Chúng ta bắt đầu với việc Xức Tro, một cử chỉ thống hối giản dị, rất dễ thương đối với truyền thống Kitô giáo. Nó nhấn mạnh đến sự ý thức của con người về chính mình như một tội nhân trước vẻ uy nghi và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cùng lúc ấy, nó biểu lộ ước muốn đón nhận và chuyển đạt vào những lựa chọn cụ thể sự gắn liền của con người với Phúc Âm. 

Những công thức đi theo rất hùng hồn. Phần đầu, được rút ra từ Sách Sáng Thế: "Hãy nhớ rằng ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất" (xem 3,19), nhắc nhớ tình trạng con người hiện tại được đặt dưới dấu chỉ chóng qua và giới hạn. Phần hai được rút từ những lời tin mừng: "Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm" (Mát-cô 1,15), những lời kêu gọi khẩn thiết thay đổi cuộc sống. Cả hai công thức đều mời gọi chúng ta đi vào Mùa Chay với một thái độ lắng nghe và chân thành cải tà quy chánh. 

2. Phúc Âm nhấn mạnh rằng Chúa "thấy trong bí ẩn," có nghĩa là, ngài xem xét kỹ tâm hồn. Những cử chỉ thống hối bên ngoài có giá trị nếu nó là những sự bày tỏ của thái độ bên trong, nếu nó biểu thị sự xác quyết chắc chắn bỏ đàng tội lỗi và bước theo đàng lành. Đây là ý nghĩa thâm sâu của sự khổ hạnh Kitô giáo. 

"Khổ hạnh": chính từ ngữ này gợi cho thấy hình ảnh vươn lên tới những cùng đích cao cả. Điều này cần thiết đòi phải có hy sinh và từ bỏ. Thật ra, người ta phải làm cho túi hành lý nhẹ bớt đi đến độ chỉ cần những sự cốt yếu để khỏi bị trĩu nặng xuống trong cuộc hành trình; sẵn sàng đương đầu với bất cứ khó khăn nào và vượt qua mọi ngãng trở để đạt được mục đích mong muốn. Để trở thành những môn đệ tinh tuyền của Chúa Kitô, điều cần thiết là từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình hằng ngày, và theo ngài (xem Luca 9,23). Đó là con đường khó khăn gian khổ của sự thánh thiện mà mỗi người tín hữu được mời gọi để dõi theo. 

3. Giáo hội luôn chỉ định một vài phương thế hữu ích để tiến bước trên con đường này. Trước tiên, khiêm nhường và hiền lành gắn liền với ý Chúa kèm theo việc cầu nguyện liên lỉ, những hình thức thống hối quen thuộc của truyền thống Kitô giáo, như kiêng khem, ăn chay, hãm mình và từ bỏ mình ngay cả những điều tốt tự nó chính đáng; những cử chỉ cụ thể tiếp đón những người láng giềng, mà Phúc Âm hôm nay gợi lên với chữ "bố thí." Một lần nữa tất cả những điều này được đề nghị với một cường độ mạnh mẽ hơn trong suốt thời gian Mùa Chay này, biểu trưng một "thời kỳ mãnh liệt" của sự huấn luyện tinh thần và quảng đại phục vụ anh chị em. 

4. Tới đây, trong Sứ Điệp Mùa Chay Cha muốn kéo sự chú ý cách riêng đến những tình trạng khó khăn mà trong đó có rất nhiều trẻ em trên thế giới, nhắc nhớ những lời của Chúa Kitô: "Ai đón nhận một trẻ như thế vì danh thầy là đón nhận thầy" (Mát-thêu 18,5). Thật sự, thử hỏi còn ai cần được bảo vệ và chở che hơn một đứa trẻ bất lực và mỏng giòn yếu đuối? 

Những vấn nạn dồn dập vào thế giới của trẻ em rất nhiều và phức tạp. Cha rất hy vọng rằng những anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta đây, thường bị bỏ rơi, sẽ được trao ban một sự quan tâm thích đáng với họ. Đó là một cách cụ thể để chuyển đạt nỗ lực Mùa Chay của chúng ta.

Anh chị em thân mến, với những cảm nghĩ như thế chúng ta bắt đầu Mùa Chay, một cuộc hành trình của nguyện cầu, thống hối, và khổ hạnh Kitô giáo xác thực. Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, đồng hành với chúng ta. Nguyện xin tấm gương của mẹ và lời cầu bầu của mẹ giúp chúng con tiến bước đến Phục Sinh với niềm hân hoan.