Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C
YÊU NHƯ THẦY
                           Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Đạo Đức Chúa Trời có 10 điều răn, nhưng tóm lại 2 điều: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Yêu người như mình ta vậy đó là điều răn cũ. Còn điều răn mới mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ trong đêm tiệc ly đó là: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con"(Ga. 13, 34). Vậy thế nào là yêu thương như Thầy?

1/ Yêu thương như Thầy là hạ mình

Đức Giêsu là Đức Chúa Trời quyền năng làm được mọi sự, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngài đã hạ mình xuống sống với chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn.

Ngài là Thiên Chúa giàu có, nhưng vì yêu thương nên hạ mình xuống sống nghèo khó. Sinh vô gia cư tử vô địa táng.

Ngài là Đấng thánh thiện, nhưng vì yêu thương nên hạ mình xuống sống với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài nói: "Thầy không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu"(Ga. 15, 15). Thế nhưng, Đức Giêsu còn hạ mình hơn là bạn hữu nữa, bằng chứng là Ngài hạ mình rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ.

Thánh Gioan tả lại trong bối cảnh bữa Tiệc ly: Đang khi ăn, Đức Giêsu chỗi dậy rời bàn tiệc, cởi áo choàng ra, nghĩa là Ngài cởi bỏ địa vị Thiên Chúa. Lấy khăn thắt lưng là đóng vai đầy tớ.

Tiếp đến, Ngài lấy nước đổ vào chậu, quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ. Ngài biết trước Giuđa sẽ phản bội; Phêrô sẽ chối bỏ, nhưng Ngài rửa hết tất cả những bàn chân còn vương lấm bụi trần. Ngài rửa hết những tính hư tật xấu, để các ông xứng đáng dự phần với Thầy.

Vậy để thực thi điều răn mới, muốn yêu thương như Chúa, thái độ đầu tiên hãy khiêm tốn hạ mình, hãy từ bỏ tính ích kỷ của mình. Hay nói cách khác là đừng nghĩ đến địa vị của mình, nhưng hãy quên mình phục vụ người khác theo gương Chúa.

2/ Yêu thương như Thầy là hiến mình

Ngày nay, Thánh giá không chỉ hiện diện trên tháp chuông nhà thờ, ở ngoài nghĩa trang Công giáo, nhưng Thánh giá còn hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau nữa. Riêng đối với người Kitô hữu, Thánh giá là phương thế Chúa Kitô dùng để hiến mình chịu chết đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Có thể nói cuộc đời Chúa Kitô gắn liền với Thánh giá, hướng về Thánh giá. Do đó, không thể nói về Đức Giêsu mà không nói đến Thánh giá. Cuộc đời của Ngài trải qua nhiều đau khổ, nhưng đỉnh cao là Thánh giá. Ngài không chỉ vác một lần lên núi Sọ, nhưng vác suốt cuộc đời để làm đẹp thánh ý Chúa Cha.

Là môn đệ Đức Kitô, muốn thi hành giới răn mới, chúng ta không đi con đường nào khác ngoài con đường Chúa đã đi qua, đó là con đường Thánh giá, nhưng nếu chúng ta biết liên kết Thánh giá đời mình với Thánh giá của Đức Kitô, thì đau khổ đó sẽ mang lại giá trị vĩnh cửu cho chúng ta.

Chúng ta không đi tìm Thánh giá, nhưng mỗi người một Thánh giá, mỗi ngày mỗi Thánh giá, nếu can đảm đón nhận Thánh giá, vì ý thức rằng: Thánh giá hằng ngày là phương thế Chúa dùng để thánh hoá chúng ta. Chính "Thánh giá sẽ làm chúng ta nên giống Chúa hơn" (Pl.3,18).

3/ Yêu thương như Thầy là hủy mình

Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng hạ mình xuống mặc lấy thân phận con người, nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, như vậy khiêm nhường lắm rồi.

Để minh chứng tình yêu, Ngài đã tự hiến mình chết trên cây Thánh giá, như một tội nhân, nhưng vẫn còn là con người. Vậy mà bây giờ Đức Giêsu lại huỷ mình ra không, ngự trong tấm bánh làm lương thực cho con người, thì không thể nào hiểu thấu được. Thật đúng là mầu nhiệm tình thương ngàn đời ai hiểu thấu.

Vì thế, khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể, Thánh Augustinô nói rằng: "Mặc dầu Đức Chúa Trời quyền phép vô cùng, làm được mọi sự, cũng không làm gì hơn nữa cho con người. Đức Chúa Trời khôn ngoan, thông biết mọi sự, cũng không nghĩ gì hơn nữa cho con người. Và Đức Chúa Trời giàu có vô cùng, cũng không biết lấy gì hơn nữa cho con người, bằng cách Ngài lập nên Bí tích Thánh thể, để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế". Cho nên, Bí tích Thánh Thể là giới hạn cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Đức Giêsu nói: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau"(Ga.13,35). Vậy người môn đệ của Chúa không phải là người thường làm phép lạ. Cũng không phải là người đi rao giảng Tin mừng. Càng không phải là người chữa lành nhiều bệnh nhân… Nhưng người môn đệ của Chúa là người có lòng yêu thương nhau.

Xin Chúa giúp chúng ta cố gắng thực thi giới răn mới theo gương Chúa trong mọi hoàn cảnh, đó là hạ mình, hiến mình và hủy mình vì tha nhân, hầu sớm trở thành những môn đệ đích thực của Chúa. Amen.