Chúa Nhật V Mùa Chay  - Năm C
ĐỪNG KẾT TỘI

Lm, Gioan M. Nguyễn thiên Khải, CMC

 Thưa anh chị em,

Lịch sử cứu độ là một chuỗi dài vô tận về một Thiên Chúa bao dung tha thứ.

Đầu tiên, Thiên Chúa đã tha thứ cho ông bà nguyên tổ, tha thứ cho Vua Đavít ngoại tình, nhiều lần Chúa tha thứ cho dân Israel không trung thành với lời giao ước… đến thời Tân ước, Đức Giêsu bày tỏ dung mạo lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Ngài tha thứ cho cho Phêrô sau ba lần chối Chúa, tha thứ cho đám lý hình: "Lạy Cha! Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết, Chúa tha thứ cho người trộm lành: "Ta bảo thật ngươi, ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Chúa nhật tuần trước chúng ta chiêm ngắm lòng tha thứ của Thiên Chúa như người cha nhân hậu, dang rộng đôi tay chờ đón đứa con hư đốn trở về, để tha thứ và mở tiệc ăn mừng. Tuần này, Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục nhìn lên tấm lòng tha thứ của Chúa qua câu chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình.

Thánh sử Gioan trình bày câu chuyện này như một phiên toà. Bị cáo là người phụ nữ. Nguyên cáo gồm giới lãnh đạo Do thái. Xét xử về tội ngoại tình. Bản án tử hình là ném đá cho chết. Thực ra họ không cần đến Đức Giêsu làm quan toà. Họ có thể dựa vào luật Môisen để thi hành án. Thế nhưng, giới lãnh đạo Do thái muốn đặt câu hỏi với vị thẩm phán Giêsu, họ có ý gài bẫy Ngài: "Thưa Thầy! Thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisê thì hạng phụ nữ này phải ném đá cho chết, còn Thầy, Thầy dạy sao?". Và rồi họ chờ xem Đức Giêsu sẽ xét xử như thế nào. Nhìn thoáng qua là như thế.

 Thế nhưng, nếu chúng ta suy niệm sâu xa hơn, thì sẽ  thấy đây không chỉ là vụ án người phụ nữ bị xử về tội ngoại tình, mà đúng hơn là vụ án Giêsu. Tại sao vậy! Bởi vì bị cáo ở đây là chính là Đức Giêsu, khi giới lãnh đạo Do thái lập mưu bày kế đặt ra câu hỏi: Còn Thầy, Thầy dạy sao!  Ném đá hay là không ném đá?.

Giả như Đức Giêsu bảo cứ ném đá thì ngay lập tức, Tin mừng Đức Giêsu rao giảng về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ sụp đổ tan tành. Hình ảnh của một Giêsu có lòng từ tâm, nhân hậu, bao dung và tha thứ sẽ trở nên vô nghĩa. Còn ngược lại, nếu Chúa bảo không ném đá, thì họ cho rằng: Đức Giêsu phá bỏ luật Môisen. Trả lời cách nào cũng chết.

  Nhưng không ngờ câu trả lời của Đức Giêsu không còn là vụ án về người phụ nữ phạm tội ngoại tình, cũng không phải là vụ án Giêsu mà là trở thành vụ án lương tâm của mỗi người.

Khi Đức Giêsu lên tiếng rằng: "Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người này trước đi". Với câu nói này, Đức Giêsu biến tất cả những nguyên cáo trở thành những người bị cáo. Bởi vì nhìn lại lương tâm người nào cũng thấy mình có tội cả. Vua Đavít đã cảm nghiệm được điều này nên đã thưa lên cùng Chúa:

 "Lạy Chúa! Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai" (Tv 50,7).

Thánh sử Gioan ghi nhận từ người lớn tuổi cho đến người nhỏ tuổi từ từ rút lui hết. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì những người tố cáo này cứ tưởng là mình vô tội, cho nên trong tay họ cầm hòn đá sẵn sàng ném người khác, nhưng bây giờ khi được mời gọi nhìn lại chính mình, thấy tâm hồn mình đầy tội nhơ, thì bỏ hòn đá xuống không còn dám ném đá ai nữa. Vì nếu tôi ném đá người khác, cũng có nghĩa là tôi tự ném đá lương tâm tôi, tôi tự lên án chính mình tôi.

Bởi tất cả chúng ta đều là tội nhân, mà đã là tội nhân thì đâu có quyền lên án buộc tội ai. Tất cả chúng ta chỉ trông cậy vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa mà thôi. Giống như Chúa nói với người phụ nữ ngoại tình: "Ta không kết tội chị đâu …"(Ga 8, 11). Ngày nay, tình thương tha thứ của Chúa cũng nói với mỗi chúng ta như vậy, ước gì chúng ta hãy sống chứng nhân lòng thương xót và nói với nhau những lời tha thứ như thế.

Anh chị em thân mến,

Thánh Philipphê-Nêri ngày xưa, khi chứng kiến người ta dẫn một phạm nhân ra pháp trường xử tử, đang khi mọi người hò la lên án, thì Ngài cúi đầu xuống thầm thỉ với Chúa rằng: "Lạy Chúa! Giả như con ở trong hoàn cảnh như phạm nhân kia, chắc là con phạm tội gấp đôi".

Vì thế, chúng ta cần nhìn lại chính mình. Nếu tôi sinh ra trong một gia đình quá đỗi nghèo khó, hay trong một gia đình mà cha mẹ ly thân ly dị, và lớn lên trong gia đình thiếu giáo dục lành mạnh, thì ngày hôm nay liệu tôi có được như thế này không? Khi đặt cho mình câu hỏi như thế, thì có lẽ chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn, biết thông cảm và tha thứ cho nhau hơn.

 Qua câu chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình hôm nay, như một lời nhắc nhở chúng ta nhìn lại con người thật của mình trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân.

Như vậy, không ai trong chúng ta là người vô tội, cho nên xin đừng lên án, xin đừng buộc tội làm khổ cho nhau. Không ai trong chúng ta là người công chính, vì thế, xin cùng ăn năn, xin cùng thống hối lỗi lầm đã qua. Amen.