Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Chúa Kitô - Năm C
THÁNH THỂ, QUÀ TẶNG TÌNH YÊU
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thánh Thể, quà tặng tình yêu

Người Do Thái quý trọng hạt lúa miến như thế nào thì người Việt Nam chúng ta cũng quý trọng hạt gạo biết bao. Vì hạt gạo tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc và no ấm. Người Việt Nam còn coi hạt gạo, hạt cơm là “hạt ngọc” Trời cho để nuôi sống con người. Tuy nhiên, để có được hạt gạo con người cũng phải bỏ công sức với một nắng hai sương mà có. Trong bài thơ: “Hạt Gạo Làng Ta” của Trần Đăng Khoa viết năm 1968 khi nhà thơ vừa tròn 10 tuổi đã nói lên được một phần ý nghĩa đó:

“Hạt gạo làng ta /

Có vị phù sa /

Của sông Kinh Thầy /

Có hương sen thơm /

Trong hồ nước đầy /

Có lời mẹ hát /

Ngọt bùi hôm nay /

Hạt gạo làng ta /

Có bão tháng bảy /

Có mưa tháng ba /

Giọt mồ hôi sa /

Những trưa tháng sáu /

Nước như ai nấu/

Chết cả cá cờ /

Cua ngoi lên bờ /

Mẹ em xuống cấy.”

Ôi! Thật là một sự hy sinh, cần mẫn vượt lên trên cái nắng đổ lửa, gay gắt đến nỗi “Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ”, ấy thế mà: “Mẹ em xuống cấy”. . . Mẹ đâu quản nắng mưa, đầu tắt, mặt tối để kiếm bát cơm đầy cho con, cho gia đình ấm bụng. Cha đâu quản “một nắng hai sương” ,“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để vun trồng chờ ngày cho lúa trổ bông.

      Vì thế, có ai đó đã nói rằng:

Ôi hạt lúa

Ngậm nắng uống sương

Hạt hình cong tấm lưng người cày cấy

Cày cấy với biết bao mồ hôi, tần tảo hy sinh, nhưng để thành hạt gạo, hạt lúa lại còn bị thanh luyện một lần nữa để thành hạt gạo thơm ngon.

Ôi hạt lúa
rồi cũng thành hạt gạo
Đau đớn qua rồi
Gạo trắng tựa bông

Có lẽ Chúa Giê-su khi chọn tấm bánh làm nên từ hạt lúa miến là biểu tượng cho chính thân thể Ngài, Chúa Giê-su cũng muốn nhắc nhở con người phải trân quý Tấm Bánh Trời Ban, vì đây cũng là dấu chỉ của một tình yêu cao cả không phải của con người làm ra mà là của Thiên Chúa ân ban. Tấm bánh biểu lộ tình yêu tự hiến hy sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Tấm bánh là thành quả của mồ hôi, của công sức, của hy tế hiến dâng để trở nên của ăn của uống cho nhân trần.

Trong Thánh Kinh ghi lại: “Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giê-su cầm bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Tại sao không phải là một đêm thanh bình hay một ngày bình an để thiết lập bí tích Thánh Thể? Tại sao Chúa Giê-su lại chọn giữa lúc nguy nan trăm bề sợ hãi để trao ban Thánh Thể Mình cho các môn sinh? Có lẽ, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh yếu tố hy tế thập giá, là một hy tế tự hiến đầy hy sinh. Thánh Thể được làm nên trong hiến tế thập giá, trong máu và nước mắt của Chúa. Thiên Chúa đã làm tất cả điều đó vì yêu con người. Vì yêu mà Ngài chẳng màng những hy sinh, những đắng cay muôn phần. Cũng như một người mẹ chẳng quản ngại dầm mưa giãi nắng để gieo trồng hạt gạo thì Chúa Giê-su cũng đi vào cuộc thương khó để làm thánh tấm bánh hằng sống cho nhân trần. Nếu như cha ông ta đã từng đồng cảm với bao vất vả cực nhọc thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, chân lấm tay bùn và lên tiếng nhắc nhở mọi người: “Ai ơi bưng bát cơm đầy - Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Có lẽ Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng món quà Thánh Thể mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Một món quà vô giá vì được ban tặng trong hiến tế đẫm máu của Đức Ky-tô trên thập giá. Một món quà mà Thiên Chúa đã vun đắp với trọn tình yêu hy sinh chết cho người mình yêu.

 Hôm nay lễ Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta tạ ơn về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tình Ngài vẫn đong đầy cho chúng ta qua Thánh Thể Chúa. Tình Ngài vẫn chịu hiến tế vì chúng ta và qua đó trao ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời để: “Ai ăn bánh này sẽ không chết bao giờ”. Xin cho chúng ta luôn biết siêng năng đón nhận Thánh Thể Chúa là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết hiến tế đời mình kết hợp với hiến tế của Chúa để sinh ơn ích cho mình và cho muôn người.

Xin Mình Máu Thánh Chúa bổ dưỡng và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ xa lánh ơn lành của Chúa. Amen