Chúa Nhật IV Mùa Chay  - Năm C
NHÂN LÀNH
SƯU TẦM

Những người Pharisêu và kinh sư vốn khinh miệt những người mà họ coi là “phường tội lỗi”, và coi sự tiếp xúc với lớp người ấy là một việc làm cho mình ra dơ bẩn. Họ phê bình, bắt bẻ, hạch sách Chúa Giêsu vì thấy Ngài tiếp nhận những người tội lỗi và ngồi ăn uống với lớp người này. Để trả lời cho họ, Chúa Giêsu kể những dụ ngôn trình bày thái độ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi.

Thánh Luca đã thâu góp trong chương 15 ba dụ ngôn con chiên lạc mất lại tìm thấy, đồng bạc rơi mất lại tìm thấy, và đứa con hoang đàng trở về. Thái độ của người tìm thấy con chiên lạc, thái độ của người tìm thấy đồng bạc mất và thái độ của người cha gặp lại đứa con đi hoang… đều nhằm diễn tả niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa Giêsu đến để mạc khải cho loài người lòng nhân từ của Thiên Chúa, không phải chỉ bằng lời nói nhưng bằng chính cách cư xử của Ngài đối với người tội lỗi. Thái độ của Ngài đối với người tội lỗi chính là thái độ của Chúa Cha.

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng quen được gọi là dụ ngôn “Đứa con hoang đàng”. Nhưng cái tựa đề đó không phản ánh đúng nội dung và chủ đích của Chúa Giêsu, vì nó thường làm chúng ta chú ý tới đứa con hoang đàng mà quên đi hay ít quan tâm tới vai trò của người cha và người con cả. Nói rõ hơn, cả ba nhân vật trong dụ ngôn đều đáng chú ý. Chính vì thế mà dụ ngôn trở thành phong phú cho chúng ta, vì nó cho chúng ta nhìn ngắm hình ảnh lòng nhân lành của Thiên Chúa, thân phận bi đát của con người tội lỗi, con đường giải thoát là về với Cha. Đòi hỏi của Thiên Chúa là muốn làm con của Ngài thì cũng phải nhận những đứa con khác của Ngài là anh em của mình, phải học với Ngài mà sống thái độ nhân lành.

Chủ đích của Chúa Giêsu khi giảng dạy dụ ngôn này là mời gọi mọi người Do thái nói chung, nhất là giới lãnh đạo thay đổi quan niệm và thái độ của họ về Thiên Chúa, về người tội lỗi và về chính họ.

Trong khi mời gọi chúng ta thực hiện việc ăn năn sám hối, Giáo hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng này để mời gọi mỗi người chúng ta nhìn mình trong câu chuyện ấy. Mỗi người đều có thể đặt mình trước lòng nhân lành của Thiên Chúa để nhìn mình và nhìn anh em. Người ta chỉ dám nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi khi đứng trước mặt Thiên Chúa nhân lành sẵn sàng tha thứ. Bởi vì nhìn nhận mình tội lỗi tức là nhìn nhận mình thua kém, mình không xứng đáng là mình, nên nếu chỉ nhận ra mình là kẻ tội lỗi mà không có sự tha thứ nào để nâng mình chỗi dậy thì người ta sẽ tuyệt vọng. Bao nhiêu người hoá điên vì đã phạm tội ác rồi nhận ra mình là kẻ có tội mà không thấy ai có thể tha thứ cho mình.

Hình ảnh đứa con hoang đàng cho chúng ta thấy bản chất của tội lỗi, hậu quả bi đát của tội lỗi và thái độ phải có để có thể thoát ra khỏi tội lỗi. Lòng sám hối chính là nhận ra mình là kẻ tội lỗi, quyết tâm ra khỏi tội lỗi để quay về với cha và sống làm con người mới. Mỗi người đều có thể nhận ra mình trong hình ảnh đứa con hoang đàng. Vậy thì Chúa cũng mời gọi chúng ta cùng với đứa con hoang đàng chỗi dậy đi về nhà cha, cha đang chờ, tức là đến với Chúa, Chúa đang chờ để tha thứ cho chúng ta.

Hình ảnh người con cả cũng giúp chúng ta kiểm điểm thái độ của mình đối với anh em. Ai trong chúng ta cũng có một chút máu Pharisêu trong mình: muốn tự coi là công chính, khinh chê người khác, muốn loại người khác ra khỏi gia đình của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rằng: muốn làm con của Cha trên trời thì phải nhìn nhận những người khác là anh em và quan tâm tới phần rỗi của anh em. Phải từ bỏ thái độ Pharisêu.

Tóm lại, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn ngắm hình ảnh lòng nhân lành của Thiên Chúa, thân phận tội lỗi của mình, và con đường giải thoát là về với Cha. Đòi hỏi của Thiên Chúa là: muốn làm con của Ngài thì cũng phải nhận những đứa con khác của Ngài là anh em của mình, phải học với Ngài mà sống thái độ nhân lành.