Chúa Nhật III Mùa Chay  - Năm C
TRỪ PHI CÁC NGƯỜI HỐI CẢI
McCarthy

Suy Niệm 1. MỘT CƠ HỘI THỨ HAI

Người Pharisêu không có thì giờ dành cho người tội lỗi. Họ tin rằng những người đó chỉ là đồ bỏ đi. Đức Giêsu không đồng ý, và kể lại cho họ nghe một câu chuyện:

Vườn nho là một nơi rất đặc biệt, thường chỉ dành ra để trồng nho mà thôi. Tuy nhiên, trong dụ ngôn của mình, Đức Giêsu lại nói về một cây vả được trồng trong một vườn nho. Vào thời kỳ đó, điều này không phải là bất thường. Đất đai quá khan hiếm, đến nỗi người ta phải trồng cây ở bất cứ chỗ nào có thể được. Vậy chúng ta đang có một cây được trồng ở một nơi rất đặc biệt.

Thông thường, một cây vả phải mất ba năm mới trưởng thành. Nếu đến lúc đó, mà nó vẫn không trổ sinh hoa quả, thì chắc chắn nó sẽ không thể nào đơm hoa kết trái được. Đây là trường hợp thân cây mà Đức Giêsu đang nói đến. Sau ba năm, người chủ vườn đến xem, và nhận thấy thân cây này vẫn cứ cằn cỗi. Ông ta đã kết luận rằng đó là một thân cây vô dụng. Nó đã rút chất bổ dưỡng từ lòng đất, mà không hề trả lại gì cả, phải chặt nó đi thôi, vì nó chiếm mất khoảng không gian có giá trị. Thế là ông bảo người làm vườn chặt bỏ thân cây này.

Nhưng vốn là một người có nhiều hiểu biết về cây vả, và là một người rất kiên nhẫn, nên người làm vườn đã đáp lại: “Thưa ông xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm, nó có trái, nếu không, thì chúng ta sẽ chặt nó đi”.

Người chủ vườn đồng ý. Chúng ta không được nghe kể thêm điều gì sẽ xảy ra cho cây vả đó, nhưng không thành vấn đề. Đức Giêsu đã cho thấy quan điểm của Người: Tương tự như người làm vườn kiên nhẫn với cây vả, cũng vậy, Thiên Chúa rất kiên nhẫn với các tội nhân.

Bài Tin Mừng này gợi lên bài Tin Mừng về cơ hội thứ hai. Thiên Chúa rất kiên nhẫn. Lịch sử Giáo Hội đầy rẫy các ví dụ về những cây vả cằn cỗi, nhưng cuối cùng cũng đã trổ sinh hoa quả; nói cách khác, đó là các tội nhân đã hối cải và nên thánh.

Môsê, nhân vật trung tâm của Bài đọc 1, là một gương mẫu tốt đẹp. Khi còn trẻ, ông đã giết chết một người khác. Tuy nhiên Thiên Chúa không hề loại bỏ ông. Thật vậy, ông có tính tình nóng nảy. Nhưng nơi ông vẫn có điểm tốt. Ông là một ngài hiếm có –loại người không thể chấp nhận đứng yên, khi nhìn thấy xảy ra điều bất công hoặc tội ác. Chính nhờ tính cách này, mà Thiên Chúa đã chọn ông trong việc dẫn dắt dân của Người từ tình trạng nô lệ đến với tự do.

Người ta có thể cho rằng Einstein là người có trí tuệ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến năm lên 2 tuổi, ông vẫn chưa biết nói. Cha mẹ của ông rất lo lắng cho ông, đến nỗi họ đã đưa ông đi khám bác sĩ. Sau này, một trong những giáo viên của ông rất thất vọng về ông, đến nỗi đã nói rằng “Anh sẽ không bao giờ đáng giá một chút gì cả”, bởi vì chưa hề có dấu hiệu nào về sự vĩ đại của ông trong tương lai. Nhưng cha mẹ và thầy giáo của ông đã phán đoán về ông quá sớm. Một số người phát triển một cách từ từ và chậm trễ, nhưng điều đó lại càng tốt hơn.

Nhưng loại người này cần có một người nào đó tin tưởng nơi họ, một người nào đó kiên nhẫn đối với họ, nếu không, nhiều tài năng sẽ bị mai một dần. Chúng ta có khuynh hướng hay khắt khe với người khác, cho đến khi chính bản thân chúng ta cần có một cơ hội thứ hai. Chúng ta phải cởi mở tâm hồn với người khác, bằng tấm lòng nhẫn nại và khoan dung, mà chúng ta mong muốn cho bản thân mình.

Nhưng dụ ngôn này cũng cho thấy rõ ràng đây như một cơ hội cuối cùng. Nếu người ta khước từ hết cơ hội này đến cơ hội khác, thì khi ngày cuối cùng đến, không phải là Thiên Chúa không cho họ vào, nhưng là họ cố tình chọn loại trừ bản thân. Nhưng ai trong chúng ta muốn cho mình trở nên cằn cỗi, trong khi chúng ta có thể trổ sinh hoa quả?

Suy Niệm 2. LỜI KÊU GỌI THỐNG HỐI.

Cây vả trong câu chuyện của Đức Giêsu là một thân cây rất đặc biệt, bởi vì nó được trồng trong một vùng đất đặc biệt -vườn nho. Mặc dù được như vậy, nhưng thân cây này lại cằn cỗi. Tuy nhiên, nó vẫn được tạo cho một cơ hội khác. Cây vả tượng trưng cho dân Israel được trồng trong vườn nho của Chúa. Tình trạng cằn cỗi của nó tượng trưng cho tình trạng cằn cỗi của dân Israel trước mặt Thiên Chúa.

Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người bằng lời kêu gọi thống hối: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”. Ngày nay, thông qua tiếng nói của Giáo Hội, chúng ta cũng được kêu gọi cùng một lời kêu gọi đó. Lời kêu gọi sám hối ở ngay trung tâm của Tin Mừng. Đức Giêsu nói ra lời kêu gọi này, không chỉ cho những người tội lỗi, nhưng là cho những người tốt lành. Thật vậy, Người nói với tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Nhưng bạn có thể hỏi rằng: Điều này có thể diễn ra như thế nào –người tốt lành cần phải thống hối sao?

Trong trường hợp những người tốt lành, đối với họ, sự sa ngã hệ tại ở việc tốt lành mà họ đã không thực hiện. Đây là sự công kích chính yếu của dụ ngôn nói về cây vả cằn cỗi. Cây vả này bị coi như không đạt yêu cầu, không phải vì nó tạo ra những quả vả có chất độc, nhưng bởi vì nó không hề trổ sinh bất cứ hoa quả nào. Nếu nó không sinh quả, thì cây vả đó còn để làm gì?

Hiếm khi người Kitô hữu tự hỏi mình câu hỏi: Tôi đã thiếu sót không làm gì? Lời kêu gọi thống hối không chỉ là lời kêu gọi tránh xa sự dữ, mà còn là lời kêu gọi “trổ sinh hoa quả” của lối sống tốt đẹp. Đó là nguyên nhân tại sao lời kêu gọi này phù hợp cho tất cả mọi người.

Lời kêu gọi thống hối của Đức Giêsu làm cho chúng ta bối rối, mà chúng ta thì không thích bị gây rắc rối. Chúng ta muốn cho cuộc sống của mình được yên ổn, một cuộc sống có thể chứa đựng nhiều sự ích kỷ. Có thể chúng ta không phạm phải một tội trọng nào, tuy nhiên, chúng ta có thể rất ích kỷ, rất hay đòi hỏi, rất thiếu sự quan tâm. Nhưng chúng ta lại không muốn hay biết, ít nhiều chúng ta đã làm bất cứ điều gì, theo bản chất này của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi ra khỏi thói ích kỷ, để trở nên người biết quan tâm đến kẻ khác, và tập trung vào Thiên Chúa.

Chắc hẳn là hầu hết chúng ta đều không có bất cứ giây phút chuyển biến vĩ đại nào, giống như Môsê đã có. Hôm trước, ông mời đi chăn giữ đàn cừu của ông, ngày hôm sau, ông lại dẫn dắt một dân tộc bị áp bức đi tới tự do. Nhưng sự biến đổi là một điều thú vị. Đây là một tin vui, là một lời kêu gọi thoát khỏi tình trạng nô lệ của thói ích kỷ và tội lỗi, để đến với cuộc sống của tự do và ân sủng. Đây còn là một lời kêu gọi thoát khỏi cuộc sống cằn cỗi để đến với một cuộc sống mang lại kết quả. Đây chính là lời kêu gọi đi vào trong niềm vui của Nước Trời. Tuy nhiên, đây không phải là điều gì đó mà chúng ta có thể đạt được một lần cho tất cả, nhưng lôi kéo theo cả một quá trình lớn lên và phát triển. Cuộc sống Kitô hữu là một quá trình liên tục hoán cải.

Dụ ngôn của Đức Giêsu chứa đựng một lời cảnh báo và đe doạ. Mục đích của dụ ngôn này là để chỉ ra cho chúng ta rằng có thể chúng ta đang bỏ lỡ, hoặc thiếu sót, hầu cho chúng ta có được một cuộc sống sâu xa, phong phú và chính đáng hơn. Chúng ta hãy để cho những kẻ suy nghĩ rằng họ đang an toàn, biết sống có ý thức, để khỏi bị sa ngã. Không ai bị sa ngã nhiều cho bằng người cho rằng mình không thể được cứu độ.

NHỮNG CÁCH TIẾP CẬN KHÁC.

1. Điều mà chúng ta nhận thấy được trong sự kiện bụi gai đang bốc cháy, đó là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với dân Người.

Thiên Chúa đã nghe được tiếng kêu cứu của dân Người đang bị nô lệ, và Người đã sai Môsê đi giải phóng cho họ. Ngọn lửa là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa không hề bị suy giảm khi cho đi.

Điều gì nơi Môsê làm cho Thiên Chúa nhận thấy rằng ông đúng là người để dẫn dắt dân của Người từ tình trạng nô lệ đến với sự tự do? Kinh Thánh không nói nhiều với chúng ta về tính cách của người thanh niên Môsê. Kinh Thánh không nói rằng ông là người tốt lành hoặc sốt sắng. Nhưng Kinh Thánh kể lại cho chúng ta về ba giai đoạn trong cuộc đời của ông, trước khi có sự mặc khải trong bụi gai đang bốc cháy. Khi nhìn thấy một người Ai Cập đang tấn công một người Israel, ông đã can ngăn. Ông nhìn thấy những người chăn cứu dân Midianite ngăn cản các cô con gái của Jethro không được cho đàn gia súc uống nước, đã can thiệp.

Tất cả những sự kiện này đưa dẫn chúng ta đến cùng một kết luận. Chúng chỉ ra cho chúng ta rằng ông là loại người không thể chấp nhận đứng yên, khi nhìn thấy một điều bất công hoặc tội ác đang xảy ra. Vậy chúng ta có thể hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chọn ông, để dẫn dắt dân của Người từ tình trạng nô lệ đến với tự do.

Nhưng cảm nghiệm riêng tư về Thiên Chúa có thể làm cho người ta ích kỷ. Nhưng đây không phải là trường hợp của Môsê. Cảm nghiệm của ông về Thiên Chúa càng lôi kéo ông vào sứ vụ giải thoát dân tộc của ông.

2. “Vùng đất mà ngươi đang đứng là vùng đất thánh”.

Tất cả trái đất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đều là vùng đất thánh thiện, và xứng đáng được đối xử bằng sự kính trọng. Nhưng vùng đất thánh thiện nhất vượt lên trên tất cả thì lại ở trong tâm hồn chúng ta.

Trước hết, cơ thể con người mang tính cách thánh thiện. Cơ thể chúng ta là công trình của Thiên Chúa. Điều đó đủ lý do để kính trọng và săn sóc cơ thể. Nhưng Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta một lý do sâu xa hơn, để kính trọng cơ thể. Ngài nói: “Thân thể anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần”.

Tâm trí con người là thánh thiện. Nhiều người mỗi ngày đầu lấp đầy tâm trí họ bằng đủ mọi thứ rác rưởi từ T.V. radio, báo chí v.v… Theo lời của Thoreau “Người ta sẵn sàng chất chứa tâm trí mình bằng những thứ rác rưởi –họ cho phép những tin đồn vô căn cứ và những sự kiện tạp nham xâm nhập vào tâm trí mình, mà đáng lẽ nên dành để cho những suy nghĩ thánh thiện. Liệu tâm trí con người sẽ là một phạm vi công cộng, hoặc tự thân nó sẽ là một nơi thuộc về thiên đường?”. Chúng ta nên phấn đấu đi theo lời khuyên của Thánh Phaolô: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Plm 4,8).

Nhưng nơi thánh thiện nhất chính là tâm hồn con người. Trong thời đại của chúng ta, người ta bận tâm quá nhiều với vẻ sạch sẽ bề ngoài, và có nguy cơ coi thường sự thanh sạch bên trong, hoặc là sự thanh sạch của tâm hồn. Chính từ trong tâm hồn, mà tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta tuôn chảy, tựa như dòng nước đổ ra từ một con suối. Nếu con suối đó sạch sẽ, thì tất cả dòng nước chảy từ đó ra sẽ trong sạch. Như vậy, chúng ta phải cố gắng giữ sao cho tâm hồn mình luôn được thanh sạch và tinh tuyền. Đặc biệt là chúng ta sẽ được nhìn thấy và gặp gỡ Thiên Chúa ngay tại nơi thánh thiện này. Theo lời của Đức Giêsu: “Phúc cho những kẻ có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.