Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C
MẦU NHIỆM
SƯU TẦM

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm thâm sâu, cao cả nhất, vì là chính đời sống nội tại của Thiên Chúa, và đây cũng là mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của các mầu nhiệm khác. Bởi vì các mầu nhiệm khác như Nhập Thể, Cứu Chuộc, Sống Lại, Lên Trời, Hiện Xuống đều đặt nền tảng trên mầu nhiệm này, hoặc chỉ hiểu được nhờ mầu nhiệm này. Nhìn vào lịch sử cứu chuộc, chúng ta thấy rõ ràng có Ba Ngôi hoạt động: Chúa Cha sai Con mình xuống trần cứu thế, Chúa Con sinh làm người thực hiện ý định cứu chuộc của Chúa Cha. Rồi Chúa Thánh Thần được cả Chúa Cha và Chúa Con gửi đến để trợ giúp và thánh hóa mọi người và mỗi người hoàn thành ơn cứu chuộc của mình.

Như vậy, khi dạy cho chúng ta biết công cuộc cứu chuộc của Ngài, Thiên Chúa đồng thời cũng dạy cho chúng ta biết về Ba Ngôi nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể biết được mầu nhiệm này nhờ Thiên Chúa trực tiếp mạc khải. Tuy nhiên, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu. Con số 1, 2, 3 là để đếm đo. Mà đã đếm đo thì phải là những gì hữu hình, có lượng, có chất thì mới đếm đo được. Thiên Chúa vô hình, thiêng liêng, không lệ thuộc vào không gian và thời gian như chúng ta, thì làm sao đo đếm được. Mặc dầu mầu nhiệm này đã được chính Chúa Giêsu dạy bảo qua ngôn ngữ của loài người, nhưng vẫn là chuyện khó hiểu. Tuy nhiên, khó hiểu mà không nghịch lý.

Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy có Ba Ngôi. Ba Ngôi thật sự phân biệt nhau, khác nhau, nhưng Ba Ngôi chỉ có một bản tính duy nhất là bản tính Thiên Chúa, nên chỉ có một Thiên Chúa thôi. Ngôi Cha và Ngôi Con là một: một bản tính, một quyền năng như Chúa Giêsu đã quả quyết: “Cha Ta và Ta là một”. “Cha Ta làm sao thì Ta làm y như vậy”, “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”. Ngôi Ba và Ngôi Hai cũng là một, như Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Thánh Thần sẽ đến từ Cha và Ta. Người chỉ nói những gì nghe biết bởi Chúa Kitô”, “Ai nói dối Chúa Thánh Thần thì cũng nói dối chính Thiên Chúa”. Những điều trên cho chúng ta biết: Ba Ngôi đồng bản tính với nhau, nếu không đồng bản tính thì không thể có sự liên hệ và lệ thuộc mật thiết giữa Ba Ngôi như vậy được.

Trong cuộc đời trần thế này, nơi chúng ta còn đang bước đi trong đức tin, chúng ta không thể hiểu được hết, được nhiều về một mầu nhiệm cao cả và thâm sâu như vậy. Chúng ta chỉ hiểu được phần nào trong giới hạn chật hẹp của trí tuệ con người và qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giới loài người, như hình tam giác đều, ba tài năng của con người: hiểu, nhớ và muốn. Ba giai đoạn của thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Điện có sức làm chuyển động, đốt nóng và soi sáng… Chúng ta dùng kiểu nói nào hay hình ảnh nào để diễn tả thì cũng chỉ là tương đối vậy thôi, vì ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết được, như có người đã nói: “Đố ai định nghĩa được tình yêu”, phương chi là nói tới Thiên Chúa Ba Ngôi.

Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, khi suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thánh Âu Tinh, trong một thị kiến, nhìn thấy mình đi bách bộ trên bãi biển. Bên bờ đại dương bao la, ngài nhìn thấy một em bé chơi một trò chơi kỳ lạ. Em đào một lỗ nhỏ giữa cát trắng, và dùng một cái vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ ấy. Cho đến bao giờ em mới múc được hết nước đại dương đổ vào cái lỗ nhỏ ấy? Không thể làm được. Thì ra đó là một thiên thần từ trời xuống dạy cho nhà tiến sĩ Âu Tinh một bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi: đừng hòng dùng lý trí để mà tìm hiểu bản thân của Thiên Chúa vô hình và siêu việt, người ta chỉ có thể dùng con tim để mà tiếp xúc và hiệp thông mà thôi.

Thế nên, chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho lòng chúng ta được khiêm tốn. Đừng bao giờ điên rồ đòi “giải quyết vấn đề Thiên Chúa”, đứng mất công bóp trán hòa hợp số 1 với số 3, vì Thiên Chúa không phải là một vấn đề hay một bài toán để chúng ta giải quyết. Nếu Thiên Chúa nằm trong sự giải quyết của con người thì không còn phải là Thiên Chúa nữa, mà chỉ là sản phẩm do trí óc chật hẹp của con người tạo ra. Nhưng đâu phải trí óc chúng ta tạo nên Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã tạo nên trí óc chúng ta.

Xin đề nghị một điều, hay đúng hơn là nhắc lại một điều, bởi vì điều này chúng ta đã và đang làm rồi, đó là làm dấu thánh giá. Mỗi lần làm dấu thánh giá là một lần chúng ta biểu lộ lòng tôn kính và tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Điều muốn nói ở đây là chúng ta hãy làm dấu thánh giá mỗi khi có thể và nhất là làm nghiêm trang, tôn kính, đúng vị trí từng ngôi trên trán, trên ngực và trên hai vai đàng hoàng, chứ đừng làm ẩu, vội vàng như đuổi ruồi muỗi hay vẽ bùa, vừa bất kính vừa không ích lợi gì. Ước mong từ nay, trước khi làm một việc gì, chúng ta hãy làm dấu thánh giá với tất cả ý thức và niềm tin: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.