Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B
GẮN KẾT VỚI CHÚA
                                 Lm. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa quí ông bà và anh chị em,

Thời Cựu Ước, hình ảnh cây nho tượng trưng cho dân Israel. Dân này được Thiên Chúa tuyển chọn, vun trồng, che chở bao bọc như chủ vườn chăm sóc cây nho, thế nhưng dân Israel đã làm Thiên Chúa thất vọng vì họ không trung thành với lời Giao ước.

Vì thế qua miệng các ngôn sứ, Chúa khiển trách họ. Chẳng hạn như: Ngôn sứ Giêrêmia nói: “Ta trồng ngươi như cây nho quí, được tuyển chọn giống tốt. Sao ngươi lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2, 21).

Đến thời Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng, Ngài lại dùng hình ảnh cây nho, để nói lên mối tương quan gắn kết giữa chúng ta với Chúa: "Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều hoa trái" (Ga.15,5). Chúa Giêsu Phục sinh là cây nho đích thực, còn chúng ta là cành. Cây và cành có chung một dòng nhựa sống. Cành càng gắn kết với cây, thì càng sinh nhiều hoa trái.

Nhưng để sinh hoa kết trái, thì cành cần được cắt tỉa. Cũng như Chúa Giêsu trên cây thập giá, khi bị người đời cắt tỉa như một thân nho trơ trụi, thì từ cạnh sườn của Ngài bị đâm thâu lại phát sinh ra các Bí tích.

Đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ lớn lên và sinh hoa kết trái nếu chúng ta biết can đảm loại bỏ, cắt tỉa những gai góc, những chướng ngại làm cản trở sự gắn kết với Chúa.

Hơn nữa bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, nhưng có ít nhất năm lần Chúa Giêsu nhấn mạnh là "Hãy ở lại trong Thầy" vì "Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được" (Ga.1,5). Vậy thế nào là ở lại trong Thầy?

  lại trong Thầy là ý thức hơn trong việc tham dự thánh lễ và siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

  lại trong Thầy là chuyên chăm học hỏi và sống Lời Chúa. Chúng ta hãy đọc cho biết những lời Chúa nói và những việc Chúa làm. Vì không biết Thánh kinh là không biết Đức Kitô.

  lại trong Thầy là siêng năng cầu nguyện gắn kết với Chúa. Cành nho sinh hoa kết trái được là nhờ liên kết với thân nho, hút nhựa sống từ thân nho. Tương tự như thế, tự thân chúng ta không thể nào nên thánh được, nếu chúng ta không gắn kết với Chúa trong đời sống cầu nguyện.

  lại trong Thầy còn là sống tình liên đới với tha nhân. Chúng ta trao ban niềm vui, đồng hành chia sẻ với những người kém may mắn, và cảm thông tha thứ cho nhau... vì những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa.

Quí ông bà và anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu là thân nho ngập tràn nhựa sống Thần linh. Nhựa sống Thần linh ấy chính là Mình và Máu Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta là những cành nho cần được tiếp nhận nhựa sống Thần linh ấy để sinh nhiều hoa trái.

Muốn vậy, chúng ta hãy năng đến với Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể để kín múc nhựa sống Thần linh ấy; đồng thời hãy để cho Lời Chúa “cắt tỉa” và “rửa sạch” những gì là sum xuê, là tươi tốt của những cành nho không sinh lợi, đó là những đam mê, những dục vọng thấp hèn, những đố kỵ ghen tương… Cắt tỉa và rửa sạch những cành nho ấy, để rồi chúng ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Được như thế tâm hồn chúng ta dễ dàng gắn kết mật thiết với Chúa trong tình yêu.

Dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần xem lại cuộc sống đạo của mình. Là những cành nho đã được liên kết với Chúa Giêsu qua bí tích thánh tẩy, nhưng chúng ta đã hết lòng gắn kết với Chúa, và hiệp thông với Giáo hội một cách chặt chẽ không? Hay vẫn còn đó những cách sống đạo hình thức. Đi lễ đọc kinh cho qua lần chiếu lệ.

Chỉ khi nào chúng ta thật sự ở lại trong Chúa Kitô, là biết sống hết tình với Chúa và hết mình yêu thương nhau một cách chân tình, vô vị lợi, thì khi ấy, nhựa sống thần linh của Chúa Kitô sẽ chuyển thông và biến chúng ta thành những cành nho sinh hoa kết quả, như Đức Kitô cây nho của Thiên Chúa.  Amen.