Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B
NGƯỜI MỤC TỬ TỐT LÀNH
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Thí mạng sống mình vì chiên": nguyên ngữ: "để tâm hồn mình cho"; nên đối chiếu thành ngữ với công thức "thí mạng sống" của Mc 10,45 là tiếng xem ra phát xuất từ Is 53,12 (Bài ca Người Tôi tớ).

“Ta biết chiên Ta": Theo truyền thống Thánh kinh, sự hiểu biết giữa người với người bao hàm tình yêu. Sự hiểu biết liên kết Chúa Giêsu với thân thuộc Người bắt nguồn và tìm được sự sung mãn trong tình yêu nối kết Con với Cha.

"Ta còn những chiên khác không thuộc về ràn này”: Ràn này là ràn của Hội đường, của Israel, ám chỉ rõ ràng, đến tất cả dân ngoại sẽ tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu gọi họ là chiên của Người trước, vì họ đã thuộc về Người rồi do sự tiền định và do ý hướng tốt của tâm hồn họ. Vì thế, "họ sẽ nghe tiếng Người" khi Tin mừng được rao giảng cho họ.

“Ta thí mạng sống Ta": Ba lần (cc.11.15.17) Chúa Giêsu lặp lại công thức vừa nói (nguyên ngữ: Ta để hay gởi mạng sống Ta). Qua văn mạch ta thấy từ ngữ này, thuộc riêng về Gioan, tương đương với các từ ngữ gặp được trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 20,28; Mc lo,45). Ở đây Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tính cách bộc phát và tự do của việc Người hy sinh. Dù chết vì vâng lệnh Cha (c.18), Người vẫn hoàn toàn độc lập với những tác giả gây nên cái chết cho người. Giuđa, các thủ lãnh Hội đường, Philatô, các lý hình chỉ bắt buộc được điều Người muốn chịu và khi đến giờ của Người thôi (13,1).

"Đó là lệnh truyền Ta đã nhận nơi Cha Ta": Các thần học gia không đồng ý với nhau về bản chất thánh ý này của Chúa Cha, được biểu lộ ra cho Chúa Con xét như là người: phải chăng đó là một mệnh lệnh hay là một ý thích của Chúa Giêsu Kitô? Dù người ta bảo thế nào, thì rõ ràng thánh Phaolô, với những từ ngữ minh xác nhất, vẫn nói đến sự "vâng phục của Chúa Kitô" trong công cuộc cứu chuộc thế gian nhờ chết trên thập giá (Rm 5, 19; Pl 2,8; Dt 5,8).

"Và có quyền lấy lại": Quyền Phục sinh là quyền hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và vì thế đồng nhất trong Ba Ngôi. Bởi vậy Luca (Cv 2,24; 3,15; 4,10 v.v...) và Phaolô (2Cr 4,14 ...) gán nó cho Chúa Cha và cho cả Thánh Thần; còn Gioan ở đây lại gán cho Chúa Con.

KẾT LUẬN

Chỉ có vài trang Tin Mừng thôi mà Gioan cũng diễn tả một cách không kém mạnh dạn và đơn sơ cái hồng ân được có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, như là sự mặc khải về nguồn tình yêu, sự sung mãn của ơn cứu rỗi và cả trung tâm xuất phát ánh sáng cùng sự sống. Nơi con người của Chúa Giêsu, chủ đề Thánh Kinh cổ xưa về Thiên Chúa Mục tử xuất hiện cách trẻ trung kỳ lạ và được hoàn tất ngoài sức hy vọng của loài người.

Ý HUỚNG BÀI GIẢNG

1) Nền văn minh chúng ta không còn biết đến những đàn chiên nữa. Chỉ biết đến một loại đàn khác là đàn xe, đàn người vô danh đông đảo trong các thành phố lớn. Ngày nay, để nói với chúng ta, chắc rằng Chúa Giêsu cũng sẽ lấy những hình ảnh rút ra từ cuộc sống thành thị hiện đại, nhưng giáo huấn Người vẫn như xưa. Và điều Người dạy chúng ta, là Người vẫn luôn hiện diện giữa thế giới chúng ta hôm nay, cũng trà trộn vào thế giới chúng ta như xưa mục tử trà trộn với đoàn chiên mình. Một trong những đặc điểm của mục tử là tham dự vào cuộc sống của đàn chiên, hợp làm một với chúng. Ông không ở ngoài, nhưng đứng đầu đàn chiên qua sự so sánh này, Chúa Giêsu muốn dạy rằng Người hiện diện trong nhân loại và đứng đầu nhân loại. Không một ai trong thời đại nào thoát ra khỏi sự chăm sóc của Đấng muốn dẫn dắt mọi người đến nơi gặp được hạnh phúc đích thực cả. Chỉ cần một dữ kiện, là con người phải chấp nhận, nhất là nhờ đức tin, trở thành phần của "đàn chiên" mà Chúa Kitô là mục tử tốt.

2) "Ta biết chiên Ta... như Cha biết Ta”. Chúng ta đi vào một vùng của tâm hồn, nơi có nhu cầu sâu xa nhất của con người đấy. Thật vậy, con người đau khổ vì cái gì nhất? Thưa vì cảm thấy cô đơn. Không một cảm tình, một trực giác, một chú ý nào có thể tiến vào chốn thâm tâm của hữu thể chúng ta cả. Có một trung tâm của ý thức chúng ta mà không ai (ngay cả chúng ta) có khả năng vào được; và chính ở trung tâm ấy, chúng ta cảm thấy cô đơn. Các khoa học nhân văn, nhất là tâm lý học, cố gắng làm cho nổi lên trình diện tri thức khoa học những cấu tạo bí ẩn của vô thức. Dầu chúng ta thành công hay không, thì luôn luôn vẫn còn có một trung tâm bất khả giản lược, nơi con người cảm thấy cô đơn đối với chính mình, với các vấn đề và định mệnh của mình. Con người đau khổ vì không được ai biết rõ mình. Thế mà đây Chúa Giêsu lại nói Người biết rõ con người như Chúa Cha biết Chúa Con. "Như Cha biết Ta", điều này muốn bảo Chúa Giêsu biết con người với một tri thức trực tiếp đi đến tận đáy sâu của họ. Và tri thức này đầy tình yêu mến. Như thế Chúa Giêsu làm cho con người không còn cô đơn. Đấng đã biết rõ con người thì không kết án nó, nhưng ngược lại sẽ thương yêu nó với một tình yêu hoàn toàn và có tính cách cứu chuộc.

3) Chúng ta có nhạy cảm trước nỗi cô đơn của người anh em ở chung quanh ta không họ sẽ cảm thấy phần nào được chúng ta biết đến, và do đó phần nào được thoát khỏi nỗi cô đơn của họ nếu chúng ta cố gắng biết họ như Chúa Giêsu đã biết họ. Nghĩa là nếu chúng ta đặt mình trong cái nhìn đầy yêu mến của Chúa Giêsu đối với họ.

4) Dù là gì đi nữa: linh mục, giáo chức, cha mẹ hay chỉ là anh em của những người anh em, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về những kẻ chung quanh, và do đó là mục tử trong mức độ trách nhiệm của chúng ta. Và vì là mục tử, chúng ta phải yêu thương anh em chúng ta đến độ sẵn sàng hiến mạng sống mình cho họ theo gương Chúa Giêsu.

5) Hy tế Thánh lễ, việc tái diễn theo nghi thức hy tế thập giá, dẫn đưa chúng ta một cách hiện thực vào mầu nhiệm chết vì đàn chiên của Mục tử tốt. Việc gặp gỡ có tính cách cộng đồng và cá nhân giữa chúng ta với Người phải tăng thêm sự thân tình với Mục tử của chúng ta và dần dần biến đổi chúng ta thành những mục tử tốt, hoàn toàn hiến thân cho anh em Có như vậy, chúng ta mới tìm được hạnh phúc đích thực, hoàn toàn.