Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B
ĐỨC GIÊSU VỊ MỤC TỬ TỐT LÀNH
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Giữa cuộc luận chứng về căn tính.

Chúng ta đang trong bối cảnh lễ Lều, với 2 nghi lễ độc đáo: thắp sáng Đền Thờ và rước đuốc ban đêm; đoàn rước các tư tế tới múc nước ở giếng Siloê về đổ trên bàn thờ trong Đền Thờ.

Chính trong khung cảnh lễ này mà Đức Giêsu đã chọc giận các đối thủ đang tìm bắt Người, khi tự giới thiệu là người được Thiên Chúa sai đến thực hiện nơi bản thân điều mà nghi lễ loan báo: Khi lễ Lều kết thúc, Đức Giêsu đã tuyên bố: "Ai khát hãy đến cùng Ta và hãy uống" (7,37-38). Kế đó, Người nói với người Do Thái: "Ta là ánh sáng trần gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ được ánh sáng cho cuộc đời" (8,12).

Ra khỏi Đền Thờ, Đức Giêsu gặp trên đường một người mù từ mới sinh. Người truyền cho anh: "Hãy đi rửa ở suối Siloê”?

Người mù đi rửa và anh đã nhìn thấy. Bị những người Biệt phái làm khó dễ, nguyền rủa, sau cùng, bị trục xuất khỏi Hội đường, người mù đã sáng lại gặp Đức Giêsu, anh nhận ra Người là Con Người: "Lạy Thầy, tôi tin”. Anh quỳ xuống trước mặt Người mà tuyên xưng. Anh giống như con chiên đầu tiên của đoàn chiên mới được vị Mục Tử Tốt Lành qui tụ lại (9,35-38).

2. Đức Giêsu tự giới thiệu mình là vị Mục Tử cứu thế

Đức Giêsu vẫn đang nói với người Biệt phái. Người đã đối chiếu "trộm cướp”, chúng theo ngã khác leo vào chuồng chiên, với “vị mục tử đích thực”: theo cửa chính mà vào, gọi tên từng con và cho chúng ra ngoài (10,1-6). Đối với các thính giả tìm lương thực nơi Kinh Thánh, hình ảnh về người mục tử cứu thế được Thiên Chúa sai đến, dẫn đầu đoàn chiên trong cuộc Xuất hành mới thật là dễ hiểu.

Trước sự chậm hiểu của những người Biệt phái, Đức Giêsu tự nhận là "cửa chuồng chiên" (10,7-10) trước khi tuyên bố công khai: "Ta là mục tử tốt lành (người chăn chiên đích thực)!" không phải theo nghĩa nhẹ nhàng, bóng bẩy, mà theo nghĩa trọn vẹn của chức năng, thể hiện trọn vẹn sứ mệnh mục vụ.

- Người “chăn thuê”, chẳng khi nào chịu liều mình cho đoàn chiên vì chiên đâu phải của họ: vừa có biến là họ đào tẩu bỏ mặc đàn chiên không ai bảo vệ. Đức Giêsu, "vị mục tử tốt lành”, cũng giống như chàng mục tử Đavid nhỏ nhắn ngày xưa dám cống hiến cả mạng sống để bảo vệ đàn chiên của cha già Jessê (1Sam 17,31 ), không sợ "nguy nan" hay "thiệt mạng”.

Khác với người “chăn thuê”, Đức Giêsu, vị "mục tử tốt lành”, "biết chiên và chiên biết Người, như Cha biết Người và Người biết Cha”. Người gắn bó với họ bằng sợi dây yêu thương theo khuôn mẫu và khơi nguồn từ tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con.

3. Đến qui tụ đoàn chiên vượt qua mọi biên giới.

- Bỗng chốc chân trời mở rộng vượt khỏi những giới hạn chật hẹp của “chuồng chiên Do Thái, vươn tới những con chiên khác" mà Đức Giêsu phải dẫn đưa về, để chỉ còn "một đàn chiên và một chủ chiên".

A.Marchadour chú giải: lời Đức Giêsu phá vỡ hoàn cảnh lịch sử, bao gồm cả những tín hữu đến từ thế giới dân ngoại, nhờ các tông đồ mà tự nhận Người (17,20). Thời sau hết, mọi tín hữu sẽ qui tụ chung quanh Đức Giêsu và lời Người. Sự hiệp nhất đáng mong ước này được trao ban trong cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu (11,52); sự hiệp nhất ấy có nguồn gốc nơi sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đó là một cuộc chinh phục đầy gian nan mà Đức Giêsu đã quan tâm cầu khẩn trước khi Người về cùng Cha (17,21) (Tin Mừng theo thánh Gioan, Centurion, trang 144).

- Đoạn Tin Mừng kết thúc bằng một câu nói lên sự viên mãn đến lạ lùng, qua đó, dưới ánh sáng của mối thân tình giữa Người và Chúa Cha, Đức Giêsu bộc lộ ý nghĩa của đời sống và cái chết của Người. Khi trao ban mạng sống của Người, đúng hơn "phó thác mạng sống" trong một hành vi vừa tự do tuyệt đối ("Mạng sống Ta... không ai lấy được: chính Ta tự trao ban") vừa hoàn toàn vâng phục Chúa Cha ("Đây là lệnh truyền Ta đã nhận từ Cha"), Đức Giêsu, Chúa Con, bày tỏ ở mức hoàn hảo nhất tình yêu của Chúa Cha muốn cứu độ toàn thể nhân loại.

A. Marchadour nhận xét: "Được đặt ở khởi đầu và kết thúc, Chúa Cha xuất hiện như nguồn mạch và cùng đích cho mọi hoạt động của Đức Giêsu. tất cả đến từ Người: lệnh truyền chẳng gì khác hơn là sự bày tỏ tình yêu. Cái chết, dưới ngòi bút sống động của Gioan, được trình bày như một hành vi tuyệt đối tự do trong đó Đức Giêsu hoàn tất lệnh truyền yêu thương của Chúa Cha. Ngay cả trong cái chết, giờ phút mà con người thường bị truất quyền làm chủ mạng sống, Đức Giêsu vẫn làm chủ, vì Người hoàn tất điều mà Thiên Chúa, trong tình yêu, muốn để đem sự sống đến cho con người" (Sđd, trang 144-145).

BÀI ĐỌC THÊM

1) Dung mạo đích thực của Giáo Hội

"Ta còn những chiên khác chưa thuộc đàn này”.

Đó là dung mạo đích thực của Giáo Hội. Giáo Hội là truyền giáo. Nếu không Giáo Hội sẽ chẳng còn là Giáo Hội nữa. Hoặc sẽ là Giáo Hội của những Người được sai đi (Tông đồ) hoặc sẽ chẳng còn là Kitô hữu nữa. Chúng ta, bạn và tôi, hôm nay, phải thi hành điều mà các Tông đồ đã làm vào thời các ngài. Các ngài đã để Mầu Nhiệm Phục Sinh biến đổi mình. Các ngài đã hiểu rằng, nhờ Bí tích Thánh Thể và qua các ngài, nhân tính Chúa lại hiện diện nhiều hơn nữa. Các ngài đã hiểu rằng Người muốn nhờ các ngài đem đến cùng tận địa cầu, cũng như nhờ chúng ta đem đến tận cùng thời gian, ơn cứu độ mà trong 33 năm, Người đã đem tới cho những người sống cùng thời với Người. Từ nay, chính nhờ đôi mắt ta mà Đức Kitô có thể nhìn thấy những khổ đau của nhân loại, chính nhờ đôi chân ta mà Đức Kitô có thể đi đến gặp gỡ con người trong đau thương hay trong lầm lạc, chính nhờ trái tim ta mà Người có thể yêu thương thế giới hiện đại. Chính qua bản thân ta mà Đức Giêsu Cứu Thế muốn trao ban sự sống của Người, sự sống của ta. Như thế, trở về chuồng chiên không còn là cứ giữ nguyên lốt chiên, nhưng là trở nên, qua ơn gọi, chính Vị Mục Tử Tốt Lành đi tìm con chiên lạc đàn .

Nói về ơn gọi là nói về cuộc chuyển hoán, cuộc đổi đời quyết liệt của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Ơn gọi này đòi buộc ta phải giã từ thân phận của những kẻ tiêu thụ thuần tuý, chỉ biết đòi hỏi trong Giáo Hội. Ta phải trở nên thân thể Đức Kitô. Ta phải là bóng hình của Người. Mỗi người ở địa vị mình, đều được kêu gọi vào những công việc khác nhau, để thực sự trở thành những Mục tử Tốt lành cho con người thời nay".

2. "Tình yêu, con đường duy nhất để đến vơi thế giới bất tin" (Đức Hồng Y P.Poupard, tài liệu dành cho ngày ơn thiên triệu).

"Thánh nữ Têrêxa đã mở ra cho chúng ta con đường duy nhất để đến với thế giới những người không tin: đó là tình yêu. Không ai có thể sống thiếu tình yêu. Trước tấn thảm kịch của thuyết nhân bản vô thần, thảm kịch, vì do nhân danh một tư tưởng cao cả của nhân loại, mà con người đã khước từ Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu, mọi linh mục, mọi tu sĩ đều bồn chồn lo âu. (…) Thánh Phanxicô đệ Salê đã nói: "tất cả đều dành cho tình yêu đều ở trong tình yêu, đều vì tình yêu, và đều phát xuất từ tình yêu trong Giáo Hội”. Nhưng cái chân lý cao cả ấy hầu như đã bị lãng quên, đã bị thuyết Jansénisme khô cằn ngăn chặn. Chỉ có người nữ tu dòng kín trẻ trung thành Lisieux đã nhắc ta nhớ lại chân lý ấy trong nét tươi tắn của thái độ Ngài hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Hôn thê của Đấng chịu đóng đinh và đã vì yêu mà tự nộp mình cho ta, chính chị cũng dâng hiến cho Người tình yêu vì tình yêu, như vị hôn thê dâng hiến cho hôn phu. "Trong trái tim Giáo Hội, tôi sẽ là tình yêu”; thế là đã rõ, một xác quyết như thế đụng chạm tới tất cả mọi người ở thế kỷ XX của chúng ta vì chúng ta không biết yêu và được yêu trong chân lý (...).

Thánh nữ Têrêxa luôn luôn là, tôi dám nói, một âm vang đích thực của trái tim Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, cho mỗi người chúng ta. Dù ta là ai, ta đã được tạo thành để sống tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đã trao ban sự sống cho ta. Ta đến từ Thiên Chúa và ta lại trở về với Người, Người là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Công Đồng Vatican II đã mạnh mẽ nhắc lại điều này. Sử gia mai ngày có thể thắc mắc ''Giáo Hội thời Công Đồng đã làm gì? Đức Phaolô VI đã trả lời họ ngay từ ngày 14/9/1965: “Giáo Hội yêu, Giáo Hội yêu, yêu bằng trái tim mục tử, yêu bằng trái tim đã kêu, yêu bằng trái tim rộng mở đón nhận mọi người, kể cả những người bắt bớ Giáo Hội”. Ta nên tìm lại cái trực cảm quan trọng ấy của Đức Phaolô VI. Đó cũng là trực cảm của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: “Giáo Hội là Đức Kitô và Đức Kitô là tình yêu”. Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

Thánh nữ Têrêxa đã khơi gợi hàng ngàn, hàng ngàn ơn gọi làm linh mục trên khắp thế giới. Những linh mục ấy đã tìm thấy nơi thánh nữ một tình yêu tuyệt đối dành cho Đức Giêsu và tình yêu Giáo Hội, một ý nghĩa sâu xa trong kinh nguyện và trong sứ mệnh truyền giáo trên khắp hoàn cầu, một sự kết hợp bằng chiêm niệm và hoạt động, một mẫu gương dùng con đường tình yêu bé nhỏ và phó thác, đường nên thánh trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, thánh nữ Têrêxa vẫn tiếp tục làm phong phú tác vụ của các linh mục, đặc biệt là những linh mục trẻ bị cuốn hút bởi sứ điệp tình yêu giữa lòng Giáo Hội (...).

Tất cả hành trình đức tin thâu tóm trong đức cậy và đức ái. Niềm tin là niềm hy vọng của tình yêu, tin là hy vọng vào tình yêu. Phải chăng vai trò đã được quan phòng của sứ điệp của thánh nữ Têrêxa, ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ 3, chính là trả lại cho ta tình yêu và niềm hy vọng? Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu là để yêu thương. Trong lãnh vực tình yêu, thánh nữ Têrêxa là bậc thầy linh đạo. Trong tình yêu, không có dè dặt, không có tính toán, không có trung dung, không có quân bình vì con người chẳng bao giờ có thể yêu Thiên Chúa cho xứng với tình Người yêu ta (...).

Một nữ tu hỏi thánh nữ Têrêxa: "Chị nói gì với Đức Giêsu?” Chị thánh trả lời: "Em không nói gì hết, em yêu Người”? Chỉ tình yêu là quan trọng.

3. “Trong trái tim Giáo Hội, tôi sẽ là tình yêu”.

(Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, bản văn được trích dẫn trong tài liệu của Uỷ ban quốc gia về ơn thiên triệu)

"Sau cùng con đã tìm thấy an nghỉ... tìm trong thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội, con chẳng thấy mình trong bất cứ chi thể nào đã được thánh Phaolô miêu tả, đúng hơn con muốn có mặt trong tất cả những chi thể ấy... Đức ái đã cho con chìa khoá ơn gọi của con. Con hiểu rằng nếu Giáo Hội có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, chi thể quan yếu nhất, cao cả nhất không thể thiếu được, con hiểu đó là TRÁI TIM, và TRÁI TIM đó cháy đỏ TÌNH YÊU. Con hiểu rằng chỉ có Tình Yêu mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hoạt động, và nếu Tình Yêu vụt tắt, các Tông đồ sẽ thôi không loan báo Tin Mừng, các thánh tử đạo sẽ từ chối đổ máu... Con hiểu rằng TÌNH YÊU phủ trùm lên mọi ơn gọi, và tình yêu là tất cả, bao gồm mọi không gian và mọi thời gian... Tắt một lời, Tình Yêu là vĩnh cửu!

Thế là, trong niềm vui tột đỉnh, con kêu lên: "ôi Giêsu, Tình Yêu của con, ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là TÌNH YÊU.

Phải rồi, con đã tìm được vị trí của con trong Giáo hội. Chỗ ấy, Ôi lạy Chúa, chính Chúa đã ban cho con, trong trái tim Giáo Hội, thưa Mẹ, con sẽ là Tình Yêu, như thế con sẽ là tất cả, như thế giấc mơ của con đã thành hiện thực!”