Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B
NGƯỜI MỤC TỬ HY SINH
TÍNH MẠNG VÌ ĐOÀN CHIÊN
Lm. Phêrô Lê văn Chính

Hình ảnh người mục tử là hình ảnh thân quen trong Thánh Kinh khi Thiên Chúa tự ví mình như mục tử của nhà Israel và ngược lại Israel là đoàn chiên của Thiên Chúa. Giờ đây, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa hình ảnh này khi người đứng trước cái chết mà người sẵn sàng hiến thân cho mọi người. Người cảm nghiệm những tâm tình yêu thương trào vọt từ trong lòng mình và nói lên những lời yêu thương này để mời gọi và thúc đẩy mọi người đón nhận tình yêu của người đổ ra trên thập giá như là máu của vị mục tử đích thực, dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên. Chúa nhật thứ tư Phục sinh vẫn được dùng để kính trọng thể Chúa Giêsu là mục tử và nhắc nhở mỗi người tới tình yêu của người mục tử đích thực này và mời gọi mỗi người đáp trả tiếng gọi đầy yêu thương của người đang chờ đợi dẫn chúng ta đến nguồn sự sống sung mãn vô tận.

Israel vẫn được hình dung cách đầy yêu thương như đoàn chiên của Thiên Chúa, đoàn chiên bơ vơ lầm lạc cần được bảo vệ và chăm sóc. Khi dùng hình ảnh Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu đã tự giới thiệu mình một cách cụ thể và sống động chính người là mục tử đích thực mà Israel là đoàn chiên. Người là mục tử tốt lành, thực tại trọn vẹn và cụ thể  mà những hình ảnh đã được báo trước bởi các tiên tri trong sách Cựu ước. Người mục tử đích thực này sống với đoàn chiên, biết các con chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Nhất là giữa người và các con chiên có một mối liên hệ thân mật sâu xa : người biết các chiên và các chiên biết người. Sự hiểu biết này có nền tảng sâu xa từ sự hiểu biết của Thiên Chúa. Như sự hiểu biết Chúa Cha dành cho người và sự hiểu biết thân mật người dành cho Chúa Cha thế nào thì giờ đây người cũng dành cho các con chiên như vậy, và người cũng muốn các con chiên hiểu biết người như thế. Sự hiểu biết chính là đời sống gần gũi, thân mật, tin tưởng và phó thác trọn vẹn. Sự hiểu biết có được là vì đặt trên tình yêu. Sự hiểu biết phát xuất từ tình yêu và sẽ dẫn đến tình yêu biểu lộ qua hành động. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử tốt lành này khi người đối diện với cái chết thập giá mà người sẽ sẵn sàng đón nhận. Đứng trước khổ hình thập giá, người muốn bày tỏ tình yêu và mời gọi mỗi người đón nhận tình yêu của người: Người không thể kềm giữ được những tâm tình trào vọt từ tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với người cũng như của người đối Thiên Chúa Cha và với mọi người mà người sẽ cụ thể hóa bằng cái chết mà người sẽ đón nhận. Như người vẫn hằng biết Cha, vì thế người làm theo thánh ý của Cha trong mọi sự, và cụ thể là người sẽ đổ máu trên thập giá để thi hành thánh ý của Cha, và người chắc chắn, khi đón nhận cái chết thập giá thì người đang chu toàn thánh ý Chúa Cha để đem lại sự sống cho mọi người là đoàn chiên.

Hình ảnh người mục tử mà thôi thì chưa đủ để diễn tả tình yêu của người dành cho đàn chiên, mà người còn nhấn mạnh bằng hình ảnh người mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành phân biệt với những người mục tử làm thuê ở chỗ quan trọng là người làm thuê chỉ làm việc để lãnh lương và không có bận tâm lo lắng gì đối với đoàn chiên, và khi sói rừng đến, họ sẽ bỏ rơi đoàn chiên để cứu lấy chính mạng sống của mình. Trong khi đó, người mục tử đích thực là chính người thì lo lắng cho đoàn chiên, sẵn sàng chiến đấu chống lại thú dữ để bảo vệ đoàn chiên như lời người vẫn nói : không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Hơn nữa, người mục tử chân thực này còn có một hoài bảo là qui tụ mọi chiên tản lạc về một đoàn chiên duy nhất : « Ta còn những con chiên khác không thuộc đàn này, những con chiên đó Ta cũng qui tụ cả về và chúng sẽ nghe tiếng Ta, để chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên ». Tâm tình của người mục tử dạt dào, người có một tình yêu nồng nàn và thao thức, dành cho các con chiên ở gần, ở trong đàn, và các con chiên còn ở xa, chưa thuộc về đàn. Những tâm tình này hướng về những người tín hữu khác thuộc thế giới dân ngoại sẽ tin tưởng vào Chúa Giêsu nhờ lời rao giảng của các môn đệ. Đây sẽ là sự qui tụ mọi tín hữu của mọi thời nhờ lòng tin vào lời rao giảng của các tông đồ. Sự qui tụ được báo trước này được thực hiện cụ thể và mạnh mẽ quyết định bằng cái chết cứu độ của người trên thập giá. Sự duy nhất này của một đoàn chiên được bắt nguồn sâu xa từ sự duy nhất giữa người và Chúa Cha. Đây cũng là một sự qui tụ khó khăn mà Chúa Giêsu hướng về trước cái chết của người. Chúa Giêsu diễn tả những tâm tình yêu thương dào dạt của người dành cho Chúa Cha cũng như dành cho mọi người mà đó cũng chính là những động lực mà người dành tất cả nghị lực của đời sống của mình để thực hiện cách cụ thể qua cái chết thập giá.

Chúa Cha như là khởi điểm và là cùng đích của mọi hoạt động của Chúa Giêsu. Mọi hoạt động của Chúa Giêsu đều phát xuất từ tình yêu và diễn tả tình yêu của người đối với Cha và đối với mọi người là đoàn chiên. Cái chết như là hành động cao cả và đầy tràn tình yêu, qua đó người chu toàn tình yêu đối với Cha và mọi người, và vì thế người đã diễn tả tình yêu này bằng hình ảnh của người mục tử hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Hình ảnh người mục tử nói lên trọng trách mà Chúa Giêsu đảm nhận là một trọng trách nghiêm chỉnh và nguy hiểm vì người đã đổ máu hy sinh chính mạng sống của mình. Nhưng điều người tha thiết mời gọi đoàn chiên là mỗi người hãy biết đón nhận tình yêu mà người đã bày tỏ qua cái chết thập giá một cách nghiêm chỉnh. Sự sống mà người dành dật và bảo vệ cho đoàn chiên là một sự sống quí giá vì thế mà mỗi người cần đón nhận trong sự hiểu biết và tin tưởng để rồi cố gắng nghe tiếng của người, đón nhận Lời của người và sống theo Lời của người truyền dạy bởi vì tình yêu của con chiên dành cho mục tử là biết lắng nghe và đi theo người mục tử để được dẫn đưa tới những nguồn sự sống dồi dào.