Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B
TÌNH YÊU
SƯU TẦM

Có một người đàn ông rất gắn bó với cha mình, vốn là một người lao công trong suốt cả cuộc đời. Khi người cha qua đời, người con rất đau khổ. Trong lúc anh đứng yên nhìn vào cỗ quan tài mà người cha được đặt nằm tại đó, đôi bàn tay của cha anh làm cho đặc biệt xúc động. Ngay cả những điều thật nhỏ bé cũng có thể bộc lộ được nét chính yếu nơi cuộc đời của một con người. Sau này, anh nói:

“Tôi sẽ không bao giờ quên được đôi bàn tay già nua giãi dầu mưa nắng tuyệt vời đó. Chúng nói lên câu chuyện cuộc đời của một người nông dân, bằng loại ngôn ngữ hùng biện của những nếp nhăn, những mạch máu, những vết sẹo cũ và mới. Đôi bàn tay của cha tôi luôn luôn mang một số vết trầy xước hoặc vết cắt mới, giống như một loại đồ trang trí, do ông vừa mới vác một đống dây thép phế liệu, một ống sắt han rỉ, một bộ rễ cây cồng kềnh. Đến khi chết, đôi bàn tay của cha tôi vẫn không làm ai thất vọng, thậm chí ngay cả đối với những chi tiết nhỏ bé và có ích như vậy.

“Không phải chỉ những người con trai mới nhận biết tất cả mọi sự từ cha của họ. Nhưng trong trí nhớ của tôi, tôi đã từng nhìn thấy đôi bàn tay đó cung cấp chứng cứ về những nghĩa vụ mà cha tôi gánh vác, những giọt mồ hôi mà ông đổ ra, những việc làm đầy vinh dự mà ông đã thực hiện. Khi nhìn vào đôi bàn tay đó, bạn có thể đọc được một phần nào về tấm lòng của cụ già này”.

Đức Giêsu đã nói với các tông đồ “Hãy nhìn vào tay chân của Thầy… Cứ sờ tay vào Thầy và nhìn đi”. Rồi Người nói với Tôma “Hãy nhìn xem những vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn của Thầy. Đừng cứng lòng nữa, và hãy tin đi”.

Người ta có thể mong ước được nhìn thấy thân thể của Đức Giêsu sống lại trong sự toàn vẹn và không có một vết nhơ nào. Tuy nhiên, không những thân xác của Người vẫn còn dấu vết, mà chính nhờ những dấu vết đó, đã giúp cho các môn đệ nhận ra Người. Những dấu vết đó chính là những vết thương của Người cho các tông đồ. Tại sao lại là những vết thương của Người? Trước hết, những vết thương đó chứng tỏ rằng Đức Giêsu sống lại cũng chính là Đấng đã chịu đóng đinh. Thứ hai, những vết thương đó là bằng chứng về tình yêu của Người. Trong suốt cuộc sống của mình, những ai chăm sóc người khác, thì hay bị nhiều vết thương. Có lẽ đó không phải là những vết thương lớn, mà chỉ là một loạt những vết thương nhỏ – những vết trầy xước, vết nhăn, và vết sưng. Tuy nhiên, đó chỉ là những vết thương nhìn thấy được. Thế còn vô số những vết thương vô hình: những nếp nhăn để lại trong tâm trí và tâm hồn, do nỗi đau khổ, lo lắng và băn khoăn khắc khoải thì sao? Rồi còn những vết thương xuyên thấu, ảnh hưởng đến phần nhạy cảm nhất nơi con người chúng ta – trái tim – những vết thương lòng chẳng hạn như những nỗi thất vọng, vô ơn, phản bội. Nỗi đau tình cảm đánh vào tận tâm can bạn, và có thể còn khó giải quyết hơn, so với những vết thương về mặt thể lý. Nhưng những vết thương này không có gì khiến cho chúng ta phải xấu hổ cả. Chúng là bằng chứng về tình yêu của chúng ta. Liệu sẽ có người nào nhìn thấy những vết thương này, và tin tưởng vào tình yêu của chúng ta đối với họ không? Thậm chí nếu không ai nhìn thấy, thì Thiên Chúa nhìn thấy, và Người tự hào về chúng ta, bởi vì Người nhận thấy rằng chúng ta nên giống như Con của Người. Chúng ta không được chỉ nhìn vào thành tích của một người, mà còn phải nhìn vào những vết thương và vết sẹo trong tâm hồn của họ nữa.

Đức Giêsu không hề che giấu những vết thương của Người, bởi vì đó là bằng chứng về tình yêu của Người. Đó là những vết thương mà Chúa Chiên Lành đã chịu đựng, trong khi bảo vệ đàn chiên khỏi chó sói. Người mời gọi các tông đồ sờ tay vào những vết thương đó. Chính khi đụng chạm vào và được đụng chạm vào, mà họ được chữa lành khỏi bệnh cứng lòng tin của họ. Những vết thương của Người ban cho chúng ta niềm hy vọng trong những vết thương của chúng ta.

Đức Giêsu đã không trở nên cay đắng do những vết thương của Người. Chúng ta cũng nên giống như vậy. Sau khi đã mang lại bình an và chữa lành cho các tông đồ, Đức Giêsu giao phó cho họ sứ vụ ra đi và đem tin vui đến cho những người khác. Đức Giêsu mong muốn chúng ta trở nên những chứng nhân cho sự sống lại của Người. Một con người buồn bã, cay đắng là một chứng nhân nghèo nàn.