Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B
CHÚA GIÊSU HIỆN RA CHO CÁC SỨ ĐỒ
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

Họ còn đang nói: phần cuối này của Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu làm thế nào để giúp nhóm Mười Một hiểu được hoàn toàn sứ điệp Phục sinh: Nơi cc. 36-43, Chúa Giêsu chiến thắng sự cứng lòng tin của nhóm Mười Một bằng cách ban cho họ nhiều dấu chỉ về thực tại của việc Người Phục Sinh (x. Cv 1,3) ; nơi cc. 44-49, người mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh (x. cc. 25-27) và xác định bổn phận của họ là làm chứng nhân về việc sống lại của Người; nơi cc. 50-53, Luca kết thúc cuốn sách của ông bằng cách trình bày việc Chúa Giêsu tỏ uy quyền Chúa và được các môn đồ nhìn nhận.

Bình an cho các ngươi: Những chữ này được rất nhiều thủ bản sao xác nhận là có, tuy nhiên lại thiếu nơi một vài chính bản giá trị. Nhiều nhà phê bình cho rằng chúng được mượn từ Ga 20, 19.

Vì mừng quá mà họ vẫn còn không tin được: Luca tìm được một lời bào chữa cho sự cứng lòng tin của Nhóm mười một. "Họ dâng cho Người một miếng cá nướng": ở đây cũng như trong Cv 10,40, Đấng Phục sinh ăn uống. Viết như vậy, Luca muốn cho thấy thực tại thể lý của sự Phục sinh, nhưng điều này lại gây khó khăn cho độc giả Hy lạp của ông (x Cv 17,32; 1Cr 15,12).

Môisen, các Ngôn sứ cùng Thánh vịnh: Việc gọi tên Thánh Kinh như thế này thật là độc đáo vì dành một chỗ cho các Thánh Vịnh (so sánh 24,27). Truyền thống Tin mừng đã nhiều lần sử dụng các Thánh Vịnh như những lời loan báo về cuộc Khổ nạn, và trong Công Vụ, Luca sẽ thường xuyên trích dẫn Thánh Vịnh như những lời tiên tri về Mầu nhiệm Chúa Kitô.

Rồi Người nói với họ (c.46): Các câu 46-48 trình bày hết mọi chủ đề của lời rao giảng sứ đồ như thấy xuất hiện trong sách Cv: việc sử dụng Thánh Kinh (Cv 2,23-32; 4,10-11; 13,28.29.33.37; 26,22-23), rao giảng sự hối cải và ơn tha thứ (2, 38; 3,19; 5,31; 10,43; 15,38-39; 26,18); vai trò chứng nhân được trao cho nhóm Mười hai (1,8; 2,32; 3,15; 5,32; 10,41; 13,31).

KẾT LUẬN

Niềm tin vào Chúa Giêsu chính là công trình của Đấng Sống lại; việc hiểu Thánh Kinh cũng thế. Thánh Kinh Cựu ước chỉ dẫn đến chỗ nhận ra Chúa Giêsu, nhận ra Cứu Chúa của Israel và của thế giới, nếu được hiểu trong ánh sáng Phục sinh. Sau cuộc Phục sinh, không biết Thánh Kinh là có lỗi (Cv 3,17-26). Đối với người Do thái cứng tin, Kinh Thánh sẽ là một lời buộc tội; đối với Giáo hội, kẻ giải thích Thánh Kinh trong đức tin vào sự Phục sinh, thì Thánh Kinh là ơn cứu thoát.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Chúa Kitô chết trên thập giá đã sống lại thật, trong xương thịt đàng hoàng. Các sứ đồ đã tưởng là ma (điều này, một cách nào đó có lợi cho chúng ta): thành thử họ phải biết rõ thực hư về việc hiện ra này. Việc họ lúc đầu không tin là một bảo đảm cho sự vững chắc của đức tin chúng ta. Đức tin này không dựa trên chứng từ của những kẻ dễ tin, dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại tại, nhưng dựa trên đức tin của những con người thực tế, tầm thường biết đòi hỏi các dấu chỉ và bằng chứng. Do đó, chứng từ của họ càng trở nên mạnh mẽ hơn, vì đây không phải là chứng từ của mê tín, mà của lòng cứng tin biết phê bình nhưng đã được thắng vượt.

2) Nhiều người thời nay phải chăng không giản lược Chúa Kitô phục sinh vào một loại ma quái, một vật nào đó hơn là một cứu người, một huyền thoại hơn là một Ngôi vị đang sống? Theo họ, cùng lắm thì Chúa Kitô là một kiểu mẫu cho cả cho nhân loại, cống hiến cho mọi người một học thuyết nữa những tấm gương đáng khen, nhưng Người không còn sống nữa, không "ngồi bên hữu Chúa Cha" trên trời, cũng chẳng hiện diện trong bánh rượu thánh hiến.

3) Chung chung, ở đây không phải là vấn đề cảm giác hay kinh nghiệm chủ quan cá nhân, nhưng là vấn đề đức tin, tin hết mọi điều Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta, trên điểm này cũng như trên các điểm khác, qua Thánh Kinh và truyền thống sứ đồ, tin điều Giáo hội đã, đang và sẽ dạy khắp nơi, trong niềm tin vào Đấng sống lại. Cũng không có vấn đề những gì các nhà thông thái suy tưởng và phát minh ra, vì đây không phải là những suy luận thuần túy tự nhiên, nhưng là một nhận thức, là một sự chắc chắn thuộc một trật tự cao siêu, quý giá hơn mọi cái trên đời hiện hữu. Tin vào Đấng Phục sinh, chiùnh là đón nhận chứng từ của một nhóm sứ đồ và môn đồ của Chúa Giêsu, những kẻ đã lấy máu mình quả quyết trước thế gian và cho rằng họ đã thấy Thầy họ chết trên thập giá rồi Phục Sinh trong một thân xác vinh hiển, vượt thắng những điều kiện thông thường của thời gian và không gian.

4) Đức tin có thể gặp nhiều vấn nạn, nhiều hiểu lầm, nhiều trở ngại và ngay cả nhiều khổ đau tinh thần nữa: như xét bên ngoài, nhiều Kitô hữu, vì hèn nhát, tỏ ra ích kỷ hơn, hà tiện hơn, kiêu căng hơn, dâm ô hơn hơn một số người ngoại giáo. Nhưng mọi Kitô hữu đều biết rằng Chúa Kitô phục sinh muốn họ hối cải: Người muốn tha thứ tất cả và làm cho họ trở nên những sứ đồ của người theo chân các sứ đồ tiên khởi: “Chính các con là những chứng nhân về những điều đó”. Đức tin bắt buộc chúng ta dấn thân cho Chúa Giêsu Kitô như chứng nhân của Người trước mặt thế gian.