Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B
BÌNH AN CHO CÁC CON
                             Lm, Gioan M, Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Tin mừng thánh Gioan kể lại khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ngài hiện ra với các môn đệ và chúc bình an cho các ông, rồi Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài, các ông vui mừng vì xem thấy Chúa (Ga 20, 20).

 Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện đến với các ông, và lần này Chúa gọi riêng Tôma và bảo: " Tôma! Hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh, hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin" (Ga 20, 28). Hai lần thánh Gioan đều nhắc đến việc Chúa hiện ra cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài (Ga 20, 20).

Tại sao Chúa Giêsu không tỏ cho các ông thấy hào quang sáng chói của Đấng phục sinh mà lại tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Ngài?.

Nếu Chúa hiện ra mà tỏ cho các ông thấy hào quang sáng chói, thì e rằng các ông tưởng rằng là ma hay thần linh nào đấy, nhưng Chúa tỏ cho cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Chúa là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh. Khi Chúa nói với các ông: "Chính Thầy đây, Giêsu Nazarét đây! Thầy đã bị đóng đinh trên thập giá, đã bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn và nay Thầy sống lại đến với các con, chứ không phải ma đâu, các con đừng sợ!" (Lc 24, 39).

 Ngày hôm nay chúng ta tin vào Chúa Kitô phục sinh, không chỉ dựa vào ngôi mộ trống mà còn dựa vào lời chứng của các tông đồ. Lời chứng mà một nhà tư tưởng nói rằng: Những người đã dám sống dám chết cho điều họ rao giảng, thì mới là lời chứng xác thực. Thật vậy, các tông đồ hầu hết đã làm chứng cho Đức Kitô phục sinh bằng cái chết đẫm máu của mình.

 Tiếp đến, những thương tích nơi thân mình của Chúa phục sinh là bằng chứng của lòng Chúa thương xót nhân loại.

Chính vì lòng Chúa thương xót, mà Chúa đón nhận sự tính toán độc ác của giới lãnh đạo Do thái, đã vu khống cho Chúa những tội mà Chúa không hề có, để nộp Chúa cho Philatô xét xử.

 Chính vì lòng Chúa thương xót, mà Chúa đón nhận là sự hèn nhát của Philatô, dẫu biết rõ ông Giêsu này vô tội mà vẫn lên án tử vì ông sợ chiếc ghế của mình lung lay.

Chính vì lòng Chúa thương xót, mà Chúa đón nhận sự phản bội của Giuđa, dám dùng nụ hôn là dấu chỉ của tình yêu trở thành dấu chỉ phản bội nộp Thầy mình cho kẻ thù.

Chính vì lòng Chúa thương xót, mà Chúa đón nhận sự chối bỏ của Phêrô; sự trốn chạy của các môn đệ, cũng như sự thay lòng đổi dạ vô ơn của dân chúng.

Chính vì lòng thương xót mà Chúa lập nên Bí tích hòa giải, để mỗi khi chúng ta yếu đuối sa ngã phạm tội, chúng ta đi xưng thú, thì lòng Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta.

 Cho nên không phải tự nhiên mà Chúa mang thương tích trên mình, mà những thương tích ấy là chứng minh lòng Chúa thương xót nhận loại chúng ta.

Vậy mà khi Chúa sống lại và hiện ra với các môn đệ, không thấy Chúa hỏi gì cả, mà Ngài chỉ nói: "Bình an cho các con", Chúa tha thứ hết. Chúa quên tất cả lỗi lầm của chúng ta. Chính ở điểm này là bằng chứng lòng Chúa thương xót.

          Anh chị em thân mến,

Trong nhật ký của thánh nữ Faustina có một câu Chúa nói thế này: "Cùng với việc tôn vinh lòng thương xót của Ta, con hãy thực hiện của lòng thương xót phát xuất từ tình yêu con dành cho Ta; con đừng chạy trốn những công việc của lòng thương xót".

Có nghĩa là nếu chúng ta tôn vinh lòng Chúa thương xót, thì chúng ta biết chia sẻ lòng thương xót ấy cho những người kém may mắn hơn chúng ta, bắt đầu từ những gì nhỏ bé nhất.

Thử hỏi có bao giờ đi đường chúng ta thấy có người bị tai nạn, chúng ta có chạnh lòng thương mà cầu nguyện cho họ không? Có bao giờ đi làm giờ lòng thương xót, chúng ta có nhớ cầu nguyện cho một người bạn, người làng xóm hay một người đồng nghiệp đang gặp khó khăn không?.

Chúng ta cầu nguyện cho nhau để khi đón nhận lòng thương xót của Chúa, thì cũng biết chia sẻ lòng Chúa xót thương cho những người khác nữa.

Vì thế, hôm nay mừng lễ kính lòng Chúa thương xót, trước hết chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá là biểu tượng của tình yêu; đồng thời chúng ta hãy tin vào lòng thương xót của Chúa còn lớn hơn ngàn tội lỗi của chúng ta, để rồi chúng ta sống trong niềm vui ơn cứu độ và trong đời sống mới từ Đấng phục sinh.

Sứ điệp lòng Chúa thương xót là sứ điệp yêu thương. Thiên Chúa vẫn tiếp tục xót thương dân Ngài. Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở mà vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài. Lòng thương xót của Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an vì tội lỗi. Lòng thương ấy vẫn đang chữa lành cho những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn hay thể xác. Lòng thương ấy vẫn là căn tính của Thiên Chúa rất yêu thương và xót thương nhân loại.

Ước gì mỗi người chúng ta biết tín thác vào lòng Chúa thương xót, cho dẫu chúng ta còn mang đầy những vết thương của yếu đuối lỗi lầm. Hãy để cho lòng Chúa thương xót chữa lành những tật nguyền của chúng ta.

Ước gì khi chúng ta hưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa, thì cũng biết trao ban lòng thương xót ấy cho anh chị em chúng ta, đó là lòng thương cảm bao dung, sẵn sàng bỏ qua những thành kiến, những đố kỵ, ghen tương mà thay vào đó là sống yêu thương chia sẻ. Xin Chúa ban chúng ta trở thành một chứng nhân của lòng thương xót bằng tình yêu quan tâm nâng đỡ nhau trong đời sống. Amen.