Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B
ĐỨC TIN LÀ MỘT SỰ TĂNG TRƯỞNG
SƯU TẦM

Ký sự thuật lại lần xuất hiện thứ hai của Chúa tại phòng Tiệc ly, trong lúc có một môn đệ Tôma là người bản tính cứng tin. Ký sự đáng cho ta chú ý về hai điểm được nhấn mạnh. Trước hết là thực tại hữu thể trong sự Chúa sống lại, dù người ta đưa ra bất kỳ lý thuyết phỏng đoán về cơ thể hiển vinh của Chúa. Tiếp đến là tầm quan trọng và ưu thế của đức tin.

Trước khi nhấn mạnh vấn đề đức tin, chúng ta ghi sơ qua rằng rất có thể bài tường thuật muốn trả lời hai ý kiến phản kháng:

a/ Chúa Phục Sinh không phải làmột bóng ma, cũng chẳng phải là một ảo ảnh. Chúa phô bày những dấu vết về nhân dạng –về thực tại hữu thể của Người: đó là những thương tích của một người đóng đinh trên thập giá, Chúa cho Tôma tra tay vào những vết thương đó.

b/ Truyền thuyết mà người Do Thái tưởng tượng về việc thi hài Chúa bị mấy môn đệ lấy đi mất, là một chuyện dựng đứng, bởi lẽ một số đông môn đệ đã thấy Chúa, nhận đúng Chúa bằng xương bằng thịt.

Giả thuyết này, giả thuyết nọ cốt ý giải thích cái thực tại hữu thể, nhưng không thay đổi được gì trong việc kiểm chứng một sự kiện.

Đối với chúng ta, vấn đề hấp dẫn nhất liên quan đến đức tin:

1) Trước đây, Chúa đã phán: Các ngươi tin vào Thiên Chúa, vậy hãy tin vào Ta (Ga 14,1). Đáp lại lời đó của Thày, vang lên tiếng hô của Tôma: Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi. Khoảng giữa Lời Chúa và tiếng kêu kỳ diệu của Tôma, một quá trình dài đã được thực hiện. Có thể nói rằng một trong những mạch văn chứa đựng tính chất bi kịch trong toàn bộ Phúc Âm của thánh Gioan biểu lộ trong bước tiến chật vật từ cứng tin vươn tới đức tin. Người Do Thái sau này sẽ đứng tại chỗ với lòng cứng tin. Đức tin chỉ được vươn tới sau khi vượt thắng bao khó khăn trở ngại. Tôma thuộc hạng người ưa phản kháng, khó thuyết phục. Ta nhớ lại, ông đã từng xem việc Chúa đi thăm mộ Lagiarô như một việc liều lĩnh (Ga 11,16). Ông đã dám nói với Chúa rằng ông không biết cuộc phiêu lưu của Người rồi đây sẽ kết thúc ở đâu (Ga 14,5). Vậy mà chính ông đã tuyên xưng đức tin bằng một câu tuyệt vời nhất trong khắp Tân Ước. Đây là một kết quả cho thấy cùng một lúc lòng rộng rãi Chúa khi Người ban ơn đức tin, và lời đáp đơn sơ của một tâm hồn khó tính nhưng ngay thẳng.

Người ta sẽ nhận xét: Tôma dễ có được niềm tin vì may mắn được thấy Chúa. Phần chúng ta, chúng ta nhận định rằng các môn đệ khác cũng may mắn như Tôma. Tuy nhiên đã có một khoảnh khắc các ông nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhiều hơn là một người. Niềm tin của ông nằm trong quá trình các ông thừa nhận Đức Giêsu Thiên Chúa.

Chúng ta cũng vậy. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta vượt lên trên những gì chúng ta biết về con người Giêsu lịch sử, để vươn tới niềm tin vào Đức Giêsu Thiên Chúa.

2) Đức tin là một sự “trở nên” liên tục, một sự tiến tới không ngừng. Không bao giờ người ta đạt tới hoàn hảo trong đức tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta và là Thiên Chúa chúng ta. Một trong những bản dịch có thẩm quyền nhất về câu 27, viết: Ngươi đừng trở nên cứng tin, mà là người thành tín. Cứng tin hay thành tín không phải là trạng thái bất động của nội tâm. Từ chối không tin, là khiến cho đức tin càng thêm khó. Ngược lại, chấp nhận tin và làm cho đức tin càng dễ được chấp nhận và sống động. Người ta tiến hóa trong đức tin. Người ta trở nên cứng tin hơn hoặc thành tín hơn.

Sự kiện này có một hệ quả. Đức tin sống động thiết lập trong con người một sự tăng trưởng thiêng liêng. Sau một thời kỳ tăng trưởng, cơ thể bị hao mòn dần rồi chết. Đức tin là một thực tại thiêng liêng lớn lên và tăng trưởng theo mức độ chúng ta muốn sống trong đức tin. Đức tin không hao mòn, nhưng phát triển và nảy nở không ngừng. Tại sao? Vì lẽ đức tin nối chúng ta vào Thiên Chúa hằng sống, là nguồn mạch vô tận của sự sống. Tuy nhiên chúng ta có trở nên mỗi ngày một thành tín hơn hay không là tùy thuộc lòng ước muốn, thái độ ngay thẳng thực tiễn và cung cách chúng ta nghênh tiếp đức tin.