Chúa Nhật XXX - Thường Niên - Năm B
XIN ƠN SÁNG MẮT SÁNG LÒNG ĐỂ ĐI THEO CHÚA
LM ĐAN VINH - HHTM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 10,46-52

(46) Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giêricô. khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. (49) Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy, mà đến gần Đức Giê-su. (51) Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. (52) Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

2. Ý CHÍNH:

Trên bước đường đi về Giêrusalem để chịu tử nạn và phục sinh, thì tại thành Giêricô, Đức Giê-su đã chữa cho một người mù tên là Báctimê, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, vì anh đã tin cậy nơi Người. Qua phép lạ mở mắt người mù này, Người muốn mở mắt đức tin cho các môn đệ, để họ thấy được ý nghĩa cao cả của sứ mạng cứu thế mà Người sắp thực hiện tại Giêrusalem là: “Qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 46: + thành Giêricô: Giêricô có nghĩa là “mặt trăng”, một thành ở thung lũng sông Gio-đan, cách biển Chết 5 cây số và cách Giêrusalem khoảng 25 cây số. Thời Xuất hành, Giêricô là thành đầu tiên mà con cháu Gia-cóp, dưới sự lãnh đạo của Giosuê tiến chiếm được (x. Gs 5,13tt). Dụ ngôn người Samari tốt lành cũng nhắc đến đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêricô (x. Lc 10,30). + có một người hành khất mù: Hành khất là người ăn xin. Đây là một người đói khổ về vật chất, đang cần được giúp đỡ. Anh ta còn bị mù, tượng trưng cho người đang đi trong tăm tối vì chưa nhận biết và tin Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su chữa một lúc hai người mù (x Mt 20,30), nhưng ở đây Mác-cô chỉ ghi lại một người và nêu rõ tên là Báctimê. + ở vệ đường: đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của ngươi mù. anh ta tượng trưng cho số phận đau khổ của “Người nghèo của Đức Giavê”, đối tượng được Đức Giê-su ưu tiên mời gia nhập vào Nước Trời của Người.    

- C 47-48: + Đức Giê-su Nadarét: Giê-su nghĩa là “Giavê cứu độ”. trong Thánh Kinh có một số người cũng tên là Giê-su (x.Hc 50,27; Lc 3,29; Cl 4,11). Để phân biệt, người ta thường thêm tên quê hương vào sau tên gọi. Giê-su nói đây chính là Đức Giê-su quê làng Nadarét. + Con Vua Đavít: Anh mù gọi Đức Giê-su kèm tước hiệu “Con Vua Đavít” cho thấy nhiều người Do thái đã tin Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai”, nhưng họ lại đang mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, đến giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma (x. Mt 22,42; Ga 7,42). + “Xin dủ lòng thương tôi”: Lời cầu xin này nói lên sự khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của anh mù vào quyền năng Đức Giê-su. Anh trông cậy Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6). + Nhiều người quát nạt bảo anh im đi: Một số người ở gần anh mù tỏ vẻ bực tức trước việc anh ta kêu la lớn tiếng. Họ bắt anh mù phải im lặng để họ nghe được lời Đức Giê-su lúc đó đang vừa đi đường vừa giảng dạy. + Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít! Xin dủ lòng thương tôi”: Vì tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su Thiên Sai, nên anh mù bất chấp mọi rào cản: Người ta càng cấm, thì anh lại càng kêu la thống thiết hơn: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.

- C 49-50: + Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy! Người gọi anh đấy”: Thái độ của đám đông đối với anh mù đã thay đổi: Từ khinh thường nạt nộ đến tôn trọng và nhỏ nhẹ hơn với anh. + Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su: Áo choàng là một vật thiết thân đối với khách bộ hành và người ăn xin. Nó thường được dùng làm dù che cơn nắng gắt ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Vậy mà khi nghe nói “Người gọi anh đấy”, anh ta liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà chạy mau về phía Đức Giê-su, như thể anh đã được sáng mắt rồi vậy.

- C 51-52: + “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”: Dù đã biết rõ anh mù muốn xin gì rồi, nhưng Đức Giê-su vẫn tạo cơ hội để anh ta biểu lộ đức tin. + “Xin cho tôi nhìn thấy được”: Anh mù không xin tiền bạc hay đồ ăn thức uống như mọi khi, mà chỉ xin được sáng mắt, được nhìn thấy mọi sự như bao người khác. + “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”: Điều kiện để được Đức Giê-su cứu chữa là phải có đức tin, như khi Người chữa lành cho hai người mù (x. Mt 9,29), khi chữa người phong cùi (x. Lc 17,9)... + Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù chỉ xin được sáng mắt thể xác, nhưng Đức Giê-su lại ban cho anh được sáng lòng, sáng cả mắt linh hồn, để anh có đức tin trọn vẹn, nhìn thấy được con đường Người sắp đi và can đảm bước theo Người đi lên Giêrusalem, trải qua mầu nhiệm “qua đau khổ vào vinh quang” để sau này được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

4. CÂU HỎI:

1) Thành Giêricô là thành nào? Sách Xuất hành đề cập tới tên thành này trong trường hợp nào? Đức Giê-su cũng nói tới tên thành này trong dụ ngôn nào?

2) Số người mù được Đức Giê-su chữa lành trong 2 Tin Mừng Mat-thêu và Mác-cô có giống nhau không? Tại sao?

3) “ngồi ở vệ đường” nói lên hòan cảnh của người mù này lúc đó ra sao?

4) Tên Giê-su nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su được người mù gọi là Giê-su Na-da-rét?

5) Qua việc kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu “Con Vua Đa-vít”, người mù biểu lộ đức tin về Người ra sao? Còn dân Do Thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai theo nghĩa nào?

6) Lời kêu xin của người mù cho thấy đức tin của anh vào Đức Giê-su ra sao?

7) Tại sao dân chúng cấm anh mù kêu lớn tiếng? Tại sao anh lại kêu la thống thiết hơn?

8) Anh mù đã làm gì với chiếc áo chòang thiết thân khi nghe Đức Giê-su cho gọi anh?

9) Tại sao Đức Giê-su lại hỏi anh mù xin gì, dù Người đã nghe rõ lời kêu xin của anh?

10) Trong Tin Mừng, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có điều kiện gì để được Người làm phép lạ?

11) Ngòai việc được sáng mắt thể xác, anh mù còn được Người ban ơn gì về tinh thần?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50):

2. CÂU CHUYỆN:

1) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI :

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói ngồi tán chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi như thế nào. Chợt nghe người ta nói đang có voi sắp đi ngang qua, năm thầy chung tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại ít phút để cho họ tìm hiểu về hình thù của nó. Được sự đồng ý của người quản voi, năm thầy bói liền đến gần để sờ. Thầy thì sờ thấy cái vòi, thầy thì sờ được cái tai, thầy thì lại sờ được chân, thầy thì sờ thấy cái đuôi. Rồi năm thầy ngồi lại đàm luận với nhau

Thầy sờ thấy cái vòi liền nhận xét: Tưởng con voi thế nào, hoá ra nó chỉ như một con đỉa lớn.

Thầy sờ thấy tai cãi lại: Đâu có ! Nó bè bè giống như một cái quạt nan lớn.

Thầy sờ thấy chân không đồng ý: Ai bảo? Nó to sừng sững như cây cột đình làng.

Thầy sờ vào thân mình voi phán: Không đúng. Con voi giống như một cái trống lớn.

Thầy sờ đuôi bảo: Các thầy đều nói sai cả. Nó giống như một cây chổi xể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng và không ai chịu thua ai. Từ đánh võ miệng biến thành đánh lộn dùng gậy đập nhau loạn xạ khiến cho kẻ thì bị bể đầu, người lại bị sứt trán.

Người ta thường hay tranh cãi nhau vì ai cũng nghĩ chỉ có mình đúng, còn người khác đều sai, đang khi thực ra mỗi người chỉ đúng trong cái nhìn phiến diện của mình. Chính thái độ cố chấp đã khiến năm anh thầy bói mù tranh cãi đánh lộn nhau để bảo vệ cho nhận thức sai trái của mình. Điều quan trọng là mỗi người cần khiêm tốn thừa nhận mặt hạn chế của mình để sẵn sàng tiếp thu sự góp ý của người khác. Có như vậy chúng ta mới hy vọng đạt tới được sự thật toàn vẹn.

2) TÌM ĐƯỢC MẸ RUỘT NHỜ CON MẮT TRÁI TIM:

Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Verona nước Italia, có khá đông dân chúng đang tập trung tại sân ga và náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: “Con ơi, mắt con đã bị mù như thế mà sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác và kêu lên như vậy?”. Anh lính trẻ liền đáp: “Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây và đang chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc tự nhiên linh tính mách bảo rằng mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp được mẹ như mẹ đã thấy đó”.

3) AI MỚI BỊ MÙ ?

Một anh mù kia đến nhà bạn chơi. Lâu rồi không gặp nên hai người nói chuyện lâu giờ quên cả thời gian. Khi trời đã tối mịt thì anh mù mới từ giã bạn ra về. Thấy đường làng tối thui, người bạn liền bảo: “Này anh bạn, hãy để tôi thắp cho anh một cây đèn dầu, vì bên ngoài trời đã tối quá rồi”. Anh mù nghĩ bạn muốn trêu đùa nên trả lời: “Anh nói gì vậy? Tôi bị mù thì cần gì đến cây đèn sáng mà anh định trao cho tôi ?”. Anh bạn kia liền nói: “Ý tôi là anh nên cầm đèn cháy sáng để người khác nhìn thấy ánh đèn sẽ không đụng vào anh”. Anh mù nghe ra liền cám ơn bạn và vui vẻ cầm đèn ra về. Nhưng mới đi được một đoạn đường thì bỗng anh mù bị một người đi ngược chiều đụng phải và bị té ngã. Quá tức giận, anh lồm cồm bò dậy chửi đổng: “Mù hay sao mà không thấy cây đèn ta đang cầm trên tay?”. Người kia liền đáp: “Mi mới bị mù thì có! Cây đèn trên tay mi đã bị tắt lâu rồi, mà sao mi lại dám trách mắng ta ?”.

4) VỊ ÂN NHÂN ĐÃ PHÁT MINH RA CHỮ NỔI CHO NGƯỜI MÙ :

LOUIS BRAILLE (1809 - 1852) sinh ra tại Coupvray, thị trấn nhỏ miền Đông nước Pháp. Ông được mệnh danh là “Người đem ánh sáng cho thế giới bóng tối” vì đã phát minh ra bảng hệ thống chữ nổi dành cho người mù khi ông mới 15 tuổi. Phát minh của ông được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của những người khiếm thị trên toàn thế giới.

Năm 3 tuổi, Braille đã bị mù cả hai mắt do bị nhiễm trùng sau một tai nạn. Cha mẹ đã cho Braille vào học ở trường dành cho người khiếm thị tại Paris. Thời điểm đó, những đứa trẻ mù được học đọc các ký tự in nổi nhưng không thể viết ra giấy các chữ nổi được. Nhận ra mặt hạn chế của hệ thống chữ này, dù mới được 12 tuổi nhưng Braille đã nghĩ ra một loại chữ viết mới mà người mù có thể cảm nhận được bằng ngón tay, gọi là chữ nổi Braille. Braille đã hoàn thiện nó khi được tròn 15 tuổi. Anh đã cải tiến hệ thống chữ cái 12 chấm xuống còn 6 chấm nhỏ gọn trên trang giấy. Từ 6 chấm này người ta có thể viết được tất cả các chữ cái, kể cả các ký hiệu trong toán học và nhạc lý. Năm 1829, Braille đã xuất bản cuốn sách chữ nổi đầu tiên mà đến nay vẫn đang tiếp tục được chính thức sử dụng dạy học trong các trường khiếm thị.

Về sau Louis Braille đã bị mắc bệnh lao phổi và qua đời khi mới được 43 tuổi. Phát minh của ông đã được cả thế giới thừa nhận là một phương tiện không thể thay thế trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị. Để tri ân ông, người ta đã đặt tượng ông trong Điện Panthéon, nơi muôn đời ghi ơn các bậc danh nhân công thần của nước Pháp và đã lấy tên ông đặt cho loại chữ nổi này.

3. THẢO LUẬN:

Khi gặp phải tai nạn hay điều rủi ro trái ý, bạn cần làm gì để đi theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Đức Giê-su?

4. SUY NIỆM:

1) Anh mù gặp Chúa đã được sáng mắt sáng lòng: 

- Tin mừng hôm nay ghi nhận câu chuyện về người mù thành Giê-ri-cô đã chạy đến với Đức Giê-su không phải nhờ con mắt thể xác nhưng nhờ con mắt đức tin. Tuy mắt anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính con mắt đức tin đã mách bảo và dẫn đường để anh chạy đến với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và ao ước gặp Người để xin Người chữa anh khỏi mù. Vì thế khi nghe thấy một đám đông đang đến gần chỗ anh đang ngồi ăn xin bên vệ đường và anh nghe có tiếng của một ráp-bi đang giảng trên đường, thì anh liền dò hỏi và được biết vị tôn sư kia chinh là Đức Giê-su Na-da-rét, người mà anh đã nghe danh và mong được gặp.

- Bấy giờ anh mù liền kêu to: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Dù bị nhiều người đi trước cấm la to, nhưng anh mù lại càng kêu to hơn với hy vọng lời kêu xin của anh thấu tới Đức Giê-su. Quả thật Đức Giê-su đã nghe và cho gọi anh đến gần. Nghe vậy anh mù liền quăng chiếc áo choàng đang khoác trên mình xuống đất, nhảy chồm dậy để chạy mau đến gặp Người giống như anh chưa bao giờ bị mù. Sau khi biết được lòng tin và mong ước của anh mù, Đức Giê-su liền tuyên bố: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lập tức anh mù được sáng mắt để thấy được đường đi, mà anh còn được sáng lòng để tin Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và cùng đi theo Người lên Giê-ru-sa-lem.

2) Xin Chúa mở con mắt đức tin cho chúng ta:

- Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh mù thể xác, và Người cũng chữa lành bệnh mù tâm hồn. Chính sự mù tối tâm hồn này còn tác hại hơn bệnh mù ngoài thể xác. Một người mù tâm hồn là người không chấp nhận sự thật, cố tình không muốn nhận tình thương và sự giúp đỡ của tha nhân. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm mỗi buổi tối trước khi đi ngủ: « Hiện giờ tôi có bị mù tâm hồn không? » Hãy cầu xin Chúa ban ơn chữa lành như sau: “Lạy Chúa. Xin hãy mở mắt linh hồn con ra để con thấy những kỳ công Chúa làm và dâng lời ngợi khen chúc tụng Chúa. Xin cho con luôn  biết nghĩ đến người khác để sẵn sàng cảm thông và chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ ».

- Trong giao tiếp xã hội, thay vì chỉ nhìn các khuyết điểm lỗi lầm của kẻ khác để chỉ trích lên án, chúng ta hãy nhìn vào mặt tích cực của họ. Cần ý thức rằng: Dù một kẻ tội lỗi xấu xa đến đâu thì trong lòng họ vẫn còn ít nhất 5 phần trăm tốt. Điều chúng ta cần làm là phải tìm ra 5 phần trăm tốt đó và nhân rộng ra để giúp họ loại trừ 95 phần trăm điều xấu tội lỗi còn lại trong mình.

3) Đừng ngăn cản tha nhân đến với Chúa:

- Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy thái độ không phù hợp của đám đông đi trước Đức Giê-su, khi họ quát nạt cấm anh mù không được la lớn tiếng. Họ giống như các đầu mục Do thái là rào cản không cho dân chúng đến được với Đức Giê-su, nên đã bị Người quở trách: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa Nước Trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt 23,13).

- Chúng ta cũng sẽ trở thành rào cản, khi ngăn chặn các tội nhân đến với Chúa bằng những câu nói nghi kỵ và khinh dể … Chẳng hạn: Khi thấy một người đã từng nghiện rượu, cờ bạc, hút sách, trộm cắp muốn hoàn lương… Lẽ ra phải động viên khích lệ họ, thì nhiều người trong chúng ta đã nói ra những lời nghi ngờ thiện chí muốn hoàn lương của họ. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ trở thành rào cản khi sống bê tha gian ác hơn người lương chung quanh. Nhiều anh em đang có thiện cảm và muốn theo đạo đã phải khựng lại khi chứng kiến thái độ độc ác bóc lột người nghèo của người công giáo, hoặc khi thấy một số mục tử bị đưa ra tòa án đời xét xử về những tội xấu xa…

4) Làm gì để được sáng mắt sáng lòng mà đi theo Chúa? : 

- Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn để nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong những kỳ công trong vũ trụ thiên nhiên, nơi bản thân mình và nơi tha nhân… rồi dâng lời ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa.

- Mỗi khi gặp tình huống khó giải quyết, mà không biết nên làm gì cho đúng, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa quan phòng và sẵn sàng chấp nhận con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Chúa khi xưa.

- Trong mọi giây phút cuộc đời, chúng ta hãy biết khiêm tốn chạy đến xin Chúa Giê-su mở mắt đức tin để thấy được sự thật toàn vẹn. Người sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đi theo con đường yêu thương phục vụ của Người, giúp chúng ta sẵn sàng bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Người. Chấp nhận cùng chết với Chúa hôm nay để được phục sinh với Người mai sau.

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con biết năng tâm sự với Chúa.

Xin mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.

Xin cho con nhìn thấy Chúa hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến dự lễ để nghe Lời Chúa giáo huấn và được kết hiệp mật thiết với Chúa khi lên rước lễ.

Xin cho con biết mở mắt đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ, tuyệt vọng và bị bỏ rơi… để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa…

Nhờ đó con sẽ nên chứng nhân cho tình thương của Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay. 

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.