Chúa Nhật XXX - Thường Niên - Năm B
ĐẤNG CỨU THẾ CHỮA LÀNH BỆNH TẬT CỦA CHÚNG TA
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Mù lòa là một bất hạnh lớn trong cuộc đời. Do bởi tận nguyền, người mù không có đủ khả năng để phát triển bình thường và đầy đủ như những người khác. Câu chuyện của Tin mừng hôm nay nói đến người mù tên là Bartimê vốn ngồi ăn xin ở vệ đường. Dù phải chịu đựng một thân phận thấp kém hơn những người khác, sống nhờ vào lòng thương xót của bá tánh, nhưng người mù này đã có một sự hiểu biết hơn những người khác và trở nên như một nhân chứng của việc con người gặp gỡ Đấng cứu thế. Khi Đức Giêsu đi ra khỏi thành Giêrikhô cùng với các môn đệ và một đám đông dân chúng, người mù này đã lớn tiếng cầu xin Đức Giêsu chữa lành cho anh. Anh có một sự nhạy bén lạ thường vào một thời điểm quyết định là lúc Đức Giêsu đi qua nơi anh đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Tin mừng nói rõ là anh đã kêu lên: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Lời cầu xin của anh diễn tả thân phận đau khổ của anh cùng với lòng tin tưởng mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Trong thân phận mù lòa, anh không bị chôn chặt vào định mệnh khắc nghiệt oan trái của mình, nhưng đã biết vươn lên để có thể kêu xin lòng thương xót của Đức Giêsu. Điều đáng ngạc nhiên là tuy không có đầy đủ mọi điều kiện như những người bình thường khác, anh lại có sự hiểu biết chính xác về Đức Giêsu, anh gọi người là “Con vua Đavít”. Theo truyền thống Thánh kinh, Đấng cứu thế dân tộc do thái đang mong đợi là người con thuộc dòng tộc Đavít, chúng ta hãy nhớ lại lời tiên tri Nathan nói với vua Đavít trong sách 2 Samuel 7,14. Khi vua Đavít đã an vị, ông ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, ông nhớ lại hòm bia Thiên Chúa vẫn còn ở trong lều tạm, nên đã quyết định muốn xây dựng cho Chúa một căn nhà. Vì thế, Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan đến nói với vua Đavít: Không phải nhà vua sẽ xây dựng cho Chúa một căn nhà, nhưng chính Chúa sẽ xây dựng cho nhà vua một căn nhà. Căn nhà chính là triều đại của nhà Đavít được trường tồn, và qua đó Thiên Chúa cũng hứa ban một vị vua cứu thế xuất thân từ dòng tộc Đavít.

          Câu chuyện Tin mừng còn cho chúng ta biết thêm chi tiết là trong khi đám đông đi theo Đức Giêsu tìm cách để làm cho người mù phải câm miệng thì anh lại càng kêu to hơn. Người mù là hạng người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề cuộc sống xã hội, nên đám đông đi theo Đức Giêsu thấy rằng không nên để cho anh cản đường Đức Giêsu. Nhưng thái độ ngăn cản của đám đông không làm cho người nản chí, anh càng kêu to hơn: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Lời cầu xin thống thiết này sau cùng đã đến với Đức Giêsu, người dừng lại và truyền cho anh đến với người. Thái độ của Đức Giêsu thật khác thái độ của đám đông, người lắng nghe lời cầu xin của người mù, người động lòng trắc ẩn, người để người mù đến với mình và hỏi thăm anh cần gì. Thái độ của người mù thực đáng kinh ngạc và ý nghĩa khi được Chúa Giêsu cho phép anh đến với người, anh trỗi dậy, vất bỏ chiếc áo choàng anh vẫn mang trên mình và đến với Đức Giêsu. Thái độ của anh rõ ràng và dứt khoát. Theo Thánh kinh, chiếc áo choàng thực là ý nghĩa. Đây là vật bất ly thân của con người, là tài sản của người nghèo đồng thời nó cũng mặc ý nghĩa như là nhân cách của con người. Cử chỉ anh vất bỏ chiếc áo để chạy đến với Đức Giêsu muốn nói từ đây anh bỏ lại thân phận mù lòa bị loại trừ của mình để vui mừng đến với Đức Giêsu là Đấng mời gọi anh và ban tặng cho anh quà tặng cứu độ của Đấng cứu thế. Anh không chỉ đi mà là chạy và nhảy đến với Chúa Giêsu. Bước nhảy của anh là bước nhảy reo vui của người tin tưởng xác tín vào quyền năng chữa lành của Đấng cứu thế Con vua Đavít mà anh chờ đợi và tin tưởng. Một con người mà bệnh tật và những loại trừ của xã hội không thể nào ngăn cản anh cố gắng vượt qua hố ngăn cách. Đức Giêsu đã hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Câu hỏi của Đức Giêsu có thể gây ngạc nhiên, bởi vì chắc hẳn người đã biết anh mù này muốn xin người chữa cho anh được thấy. Thế nhưng, người vẫn luôn tôn trọng và chờ đợi sự tự do của anh. Chúa Giêsu muốn anh nói lên lời cầu xin của mình mặc dù người vốn biết điều người mù muốn xin với người. Người mù đã thẳng thắn và chân thành nói lên lời cầu xin của mình: xin cho tôi được thấy. Và Đức Giêsu đã nói với anh: “Hãy đi, đức tin của con đã chữa con”. Ơn chữa lành của Đức Giêsu đối với người mù không chỉ dừng lại ở việc chữa trị bệnh tật thế lý, mà còn xa hơn nữa, đây là ơn cứu độ để cứu chữa con người toàn vẹn. Người mù không chỉ xin để được sáng mắt, mà điều quan trọng hơn là anh đã tin vào người, anh đã gặp và trở nên môn đệ của người và đi theo người.  

          Câu chuyện người mù cho thấy thân phận bi đát của con người. Không những người mù mà tất cả mọi người đều đang ở trong tình trạng cần đến Thiên Chúa cứu độ giải thoát. Thân phận của dân Chúa phải ly hương, sống đau khổ nơi đất khách, làm thân nô lệ là những hình ảnh của một thân phận bi đát hơn nữa của con người là nô lệ tội lỗi và sự chết. Tiên tri Giêrêmia tiên báo giờ Thiên Chúa cứu độ sẽ đến để an ủi và giải thoát dân người để họ được đoàn tụ trong tình thương yêu chăm sóc và hạnh phúc của Thiên Chúa là Cha của mình. Thư Do thái trình bày cho chúng ta Đức Giêsu là vị thượng tế thông cảm và hay thương xót, bởi vì chính người cũng yếu đuối tư bề. Người vừa dâng lễ đền tội thay cho dân, người cũng dâng lễ cho chính mình. Người là vị thượng tế được tuyển chọn vì người chính là Con một của Chúa Cha đời đời. Như người mù trong câu chuyện, mỗi người cần mạnh mẽ khẩn cầu Chúa Giêsu thương xót thân phận của mình, cần nhận thấy tình trạng đau khổ bi đát của mình để van xin lòng thương xót của Đấng cứu thế chữa lành bệnh tật và tội lỗi của mình để được chữa lành và tiến bước trên con đường theo Chúa Giêsu.