Chúa Nhật XXVIII - Thường Niên - Năm B
NGUY HIỂM CỦA SỰ GIÀU SANG
Chú giải của Fiches Dominicales

ĐỨC GIÊSU GẶP NGƯỜI THANH NIÊN GIÀU CÓ.

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Từ ánh mắt Đức Giêsu nhìn người thanh niên giàu có…

Bối cảnh của đoạn Tin Mừng này cũng giống như Chúa nhật trước, đó là cuộc hành trình lên Giêrusalem, đây là dịp hai lần, và còn lần thứ ba nữa, Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Khi Đức Giêsu vừa lên đường có một người chạy đến trước mặt Người. B.Standaert nhận xét: "Cuộc gặp gỡ với người thanh niên giàu có nêu lên một đề tài quan trọng trong giáo huấn đầu tiên của Kitô giáo: vấn đề giàu có. Thánh sử đạo diễn tấn kịch này hết sức cẩn thận. Từng nấc một, ông đã đưa người ta tiên dần đến điểm giới hạn tột cùng: "Như vậy thì ai có thể được cứu: Có thể nói sự giàu có là một vách đá vững chắc mà mỗi khi vỗ vào các đợt sóng cố gắng của con người đành phải vỡ vụn, cho đến khi Thiên Chúa can thiệp: "Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được" (10,27)

- Từ lúc đầu của cuộc gặp gỡ, mọi sự báo trước một kết thúc may mắn:

+ Dáng vội vã của người thanh niên "chạy đến" và "quỳ xuống" trước mặt Đức Giêsu, một cử chỉ trong nghi thức phụng vụ.

+ Thái độ sẵn sàng nội tâm ta có thể cảm nhận được qua câu hỏi anh đặt ra: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Trong câu trả lời của Đức Giêsu, Người đã tự xóa nhòa trước Thiên Chúa duy nhất, khi nói chỉ mình Thiên Chúa mới nhân lành, và dành ưu tiên cho mối tương quan với tha nhân, khi Người hướng dẫn người thanh niên về lề luật Thiên Chúa: "Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ”.

+ Lòng ngay thẳng và trung thực của anh được bộc lộ qua câu trả lời Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi tuân giữ từ thuở nhỏ” J.Potin nhận xét: "Đức Giêsu biết mình gặp được một người Do thái sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và luôn cố gắng tôn trọng tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Hẳn người này thuộc hạng người có phẩm chất tốt hơn những người giàu có khác mà Chúa thường gặp" ("Jésus, l'histoire vraie", Centurion, trang 233).

Bấy giờ Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh (lưu ý là trong vài câu thôi mà Máccô đã nói tới ba lần về điểm này) và Người mời anh. Lời mời gọi này là chóp đỉnh và khúc ngoặc quyết định vì cuộc gặp gỡ này.

+ Đức Giêsu "đưa mắt nhìn anh ta" và "đem lòng yêu mến”.

+ Một ánh mắt đầy âu yếm và quí trọng, được diễn tả ngay thành một lời mời gọi tha thiết: "Anh chỉ còn thiếu có 1 điều là hãy bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

Đức Giêsu đề nghị dẫn anh đi xa hơn nữa trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, con đường tuy gồ ghề, nhưng chỉ là nối tiếp đường anh đã đi từ thuở nhỏ để được sụ sống đời đời làm gia nghiệp; đó là: từ bỏ của cải để cho người nghèo.

Nhưng điều hoàn toàn mới nằm trong lời mời gọi ở câu kết "Rồi hãy đến theo tôi” Đức Giêsu mời gọi người Do thái trung thực này vượt lên khỏi đức tin của cha ông để gắn bó với Người, là trở nên môn đệ của Người.

“ Nghe lời đó”, cuộc gặp gỡ từ đầu đến đây đã diễn tiến đầy hứa hẹn, bỗng đột ngột chấm dứt: "Người thanh niên sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi”, thánh sử cho ta biết, bởi vì "anh ta có nhiều của cải”.

Trên đường đi theo Đức Giêsu, người thanh niên giàu có này gặp phải một chướng ngại, đó là lòng gắn bó với gia tài sản nghiệp. Của cải như tấm kính mờ đã che lấp ánh sáng, lúc ánh sáng muốn thâm nhập vào lòng anh. “Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi". Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến anh. Nếu niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng tới Thiên Chúa đã khơi dậy niềm vui to lớn thế nào thì giờ đây, thay vào đó, là một nỗi buồn sâu xa không kém. (Sđd, trang 234).

2. Đến mắt Chúa nhìn các môn đệ

- Người thanh niên giàu có vừa đi khỏi, Đức Giêsu liền đưa mắt nhìn các môn đệ đang "ở chung quanh Người”.

+ Người tuyên bố: "những người giàu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”. Người còn làm cho các môn đệ sững sờ hơn khi nhấn mạnh theo kiểu phương Đông: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.

+ J. Potin giải thích: "Các môn đệ càng cảm thấy sửng sốt hơn nữa vì theo cách giữ đạo thời đó, thì càng giàu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giàu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo Luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho người nghèo. Dường như có một thoả thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giàu. Như vậy, giàu có của cải không phải là dấu chỉ của người đẹp lòng Thiên Chúa đó sao?" (Sđd, trang 234).

Bởi đó mới có câu hỏi: Thế thì ai có thể được cứu rỗi? Nếu người giàu không được cứu rỗi, thì còn ai có thể được? J. Potin giải thích tiếp: "Nếu họ theo sát lối tư duy của đạo truyền thống, những người không thể có đủ tiền mua những lễ vật dồi dào, không mua được những bộ chén dĩa cần thiết để giữ luật lệ sạch sẽ; còn người giàu, họ có thể mà!" (Sđd, trang 235).

+ Nhìn các môn đệ một lần nữa, Đức Giêsu nói thêm: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Đây là lời tuyên xưng niềm tin cậy đã ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Kitô giáo ngay từ buổi đầu. Thiên thần đã chẳng tuyên bố với Apraham về việc Sara sẽ làm mẹ, dù bà hiếm muộn tuổi già: "Có phép lạ nào mà Chúa không thể thực hiện được?”. Thiên thần đã chẳng tuyên bố với Đức Maria về việc bà Êlisabét sắp sinh con trong lúc tuổi già: "Bởi vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được" đấy sao? Chúng ta không được cứu nhưng việc thực thi các lề luật, hoặc nhờ những của lễ sang quí giá, hay nhờ việc từ bỏ, hy sinh anh hùng; ơn cứu độ là ân huệ cần phải đón nhận, chính Thiên Chúa đưa ta vào Nước Trời, ân sủng cao cả của Người có thể làm nên những việc lạ lùng. Câu nói trên của Đức Giêsu là một lời cổ vũ làm cho cái khó của sứ điệp trước giảm nhẹ đi. Câu chuyện kết thúc khi Phêrô hỏi: “Thầy coi, chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy”? Đức Giêsu hé mở cho thấy niềm vui ‘trăm lần’ những gì đã từ bỏ, niềm vui ấy, bất cứ ai đã bỏ mọi sự vì Người và vì Tin Mừng sẽ cảm nghiệm được ở đời này và đời sau. Nhưng Người cũng không che giấu những cuộc bách hại đang chờ họ. J. Potin kết luận: "Người môn đệ phải tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng với Đức Giêsu. Nhưng cũng như Người, giữa niềm vui về những điều thiện hảo của Nước Chúa, họ phải chuẩn bị để chịu đựng những cuộc bách hại. Ngay từ buổi đầu Đức Giêsu đã đào tạo họ theo chiều hướng này! Phạm trù để phán xử đều bị đảo lộn, người giàu mà ta trông thấy đang ở chỗ nhất trong Nước Trời, nay bị đưa xuống chỗ rốt hết. Còn môn đệ và người nghèo được mời lên ngồi vào chỗ nhất, sau khi đã cùng Thầy mình trải qua thử thách của sự bách hại”. (Sđd, trang 235).

BÀI ĐỌC THÊM.

1. Con đường khó đi

Đức Giêsu lên đường. Ta sẽ biết con đường ấy dẫn đến đâu: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp…”. Ngay lúc ấy, có một người đến tìm Người. Anh ta đi tìm sự sống, sự sống đời đời. Anh ta đã nghiêm túc tìm kiếm bằng con đường tuân giữ các giới răn: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Anh ta cảm thấy cần phải tiến xa hơn, nên đến hỏi Chúa: "Tôi phải làm gì?”. Và Đức Giêsu đem lòng yêu mến anh. Người yêu mến sự tìm kiếm và lòng quảng đại của anh. Người chỉ đường cho anh: "Anh chỉ còn thiếu một điều: hãy đi bán những gì anh có…” Nhưng con đường này làm người thanh niên khiếp sợ bởi vì anh ta có nhiều của cải? Con đường này cũng khiến các môn đệ khiếp sợ vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa: "Như vậy thì ai có thể được cứu?” Bấy giờ, Đức Giêsu mời gọi nhìn vào cái vô hình. Người bảo đảm với người thanh niên: “Anh sẽ được kho tàng ở trên trời? Nói với Phêrô, Người hứa ban "gấp trăm lần" và mai sau được sống đời đời. Như Đức Giêsu, số phận của các môn đệ được sắp đặt trên nền tảng của sự vĩnh cửu. Vật đặt cược chính là sự sống đời đời. Và cái khó ở đây là phải ưu tiên cho cái vô hình trước cái hữu hình ta đang có. “Đối với loài người thì không thể được”. Đây là một cuộc Vượt qua của Đức Giêsu. Đức Giêsu sắp hy sinh mạng sống. Người mời gọi ta theo Người, từ bỏ mọi sự vì Người và vì Tin Mừng. Hy sinh mạng sống vì những điều này cũng đáng lắm, nhưng thực hiện cuộc vượt qua này trong đức tin và không có cái hữu hình lôi cuốn mình là điều không phải dễ. Chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện điều đó nơi ta: đối Thiên Chúa mọi sự đều có thể được? Nhưng còn cần ta để cho Người thực hiện.

2. Bước vào con đường khôn ngoan đích thực, khôn ngoan của Thiên Chúa.

Đức Kitô là Sự Khôn Ngoan Thiên Chúa nhập thể. Ai đặt tin tưởng vào Đức Kitô, thì từ nay sẽ không theo sự khôn ngoan nào ngoài Lời của Đức Kitô. Thư gởi tín hữu Do Thái dạy ta điều này rất rõ. Đối với người Kitô hữu, Đức Kitô, Lời chân thật của Thiên Chúa trở nên một tiêu chuẩn tối hậu để nhận biết sự khôn ngoan đích thực. Bởi vậy, lời của Đức Giêsu tuy có vẻ điên rồ trong cách suy luận của ta, nhưng vẫn là lời khôn ngoan hơn bất cứ danh ngôn phàm trần nào.

Chính điều đó đã thể hiện trong truyện người thanh niên giàu có theo Tin mừng Máccô. Anh chạy đến Đức Giêsu. Anh đi tìm sự khôn ngoan. Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? Đức Giêsu nói theo lương tâm đạo đức ngay thẳng của ngươi thời đó, Người nhắc nhở anh về những giới răn của luật Môsê. Nhưng tất cả các giới răn đó anh đã giữ cặn kẽ từ nhỏ. Nếu anh đến tìm Chúa, là vì anh khao khát điều gì khác, điều mà việc tuân giữ các giới răn đã không thoả mãn được.

Đức Giêsu chăm chú nhìn anh. Trước khát vọng của anh, Người ban cho anh một thời mới mẻ. Người mở ra trước mắt anh một con đường, mà dù có trung thành cặn kẽ mấy đi nữa, anh cũng không nghĩ ra. Người đề nghị với anh một điều có vẻ điên rồ trước mắt người đời: Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, rồi hãy đến theo Tôi.

Ta chỉ hiểu những lời này qua hệ luỵ chúng gây ra trong cuộc sống của ta thôi. Nào là bỏ tất cả, mất tất cả, bán tất cả, cho tất cả. Nhưng điều quan trọng không ở đó. Điều quan trọng nằm ở phần thứ hai của câu nói: Rồi hãy đến theo Tôi! Theo Đức Giêsu là theo Lời Thiên Chúa, là theo Sự Khôn Ngoan Thiên Chúa. Theo Đức Giêsu là muốn Sự Khôn Ngoan Thiên Chúa hơn tất cả mọi sự. Chỉ có lòng yêu mến như vậy, tuy không thấy, không nắm bắt được, mới biện minh cho hành vi từ bỏ tất cả mọi sự được. Khốn nỗi, việc mất đi mọi sự che lấp chân trời rộng mở, cản trở ta cảm nghiệm được Sụ Khôn Ngoan đích thực của Thiên Chúa. Theo Đức Giêsu là dám liều mất tất cả. Và đó là điều Chúa đòi hỏi. Bạn có đủ tin tưởng vào Tôi để nghe theo lời tôi khuyên nhủ không? Thực sự, bạn chỉ cảm nghiệm được giá trị của nó sau này thôi! Còn lúc này, bạn có thể tin tôi không, khi tôi nói rằng bạn sẽ được thoả lòng?

Thật ra, Đức Giêsu đặt người thanh niên vào đúng vị trí của ông Apraham. Cha của Người trong đức tin. Người đề nghị với anh hãy tin và hãy tín nhiệm vào Lời vừa đòi hỏi vừa hứa hẹn.

Tin Mừng thuật rằng: người thanh niên bỏ ra về, bởi vì anh có nhiều của cải. Và Tin Mừng cũng nói rõ thêm: Anh sa sầm nét mặt. Niềm vui đã tan biến. Khát vọng chân thật mà người thanh niên bộc lộ lúc ban đầu gặp Chúa, bây giờ tàn lụi, tắt ngấm. Nó không còn có thể làm nẩy sinh niềm vui đến từ lòng khát vọng sống động.

Trình thuật này được viết ra không phải để chúng ta buồn lòng về trường hợp người thanh niên ấy, nhưng để Lời Chúa đánh động tâm hồn ta. Lời Chúa cũng muốn vươn tới khát vọng chân thật của ta, cũng muốn khát dậy đức tin chân thật nơi ta, Người muốn đưa ta vào con đường khôn ngoan chân thật, là Khôn Ngoan của Thiên Chúa