Chúa Nhật XXVII - Thường Niên - Năm B
NƯỚC TRỜI THUỘC VỀ...
Chú giải mục vụ của William Barclay

DÙ SAU NÀY TỐT XẤU RA SAO (10,1-12)

Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đi về phía Nam, Ngài đã ra khỏi xứ Galilê và vào trong địa phận xứ Giuđê. Ngài chưa đến Giêrusalem nhưng từng bước từng giai đoạn, Ngài đang đến gần khung cảnh cuối cùng. Có vài người Pharisêu đến chất vấn Ngài về việc ly dị để thử Ngài. Có thể ẩn đàng sau câu hỏi này, còn có nhiều động cơ thúc đẩy khác nữa. Ly dị là một vấn đề nóng bỏng, một đề tài tranh luận của các Rabbi, và có thể họ thật lòng muốn biết ý kiến và nhận định của Chúa Giêsu trong vấn đề này. Cũng có thể họ muốn thử Ngài về phương diện giáo lý chính thống. Có lẽ Chúa Giêsu đã từng đề cập đến vấn đề này rồi. Trong Mt 5,31-32 chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đề cập hôn nhân và việc tái hôn, nên số người ấy mong Ngài tự mâu thuẫn với chính mình và sẽ gặp rắc rối vì chính những lời Ngài đã nói. Cũng có thể họ vốn biết Ngài sẽ trả lời như thế nào nên tìm cách đẩy Ngài vào chỗ thù địch với Hêrôđê, là người đã ly dị vợ để cưới vợ khác. Cũng có thể họ muốn được nghe Chúa Giêsu nói trái luật Môsê sẽ như Ngài đã từng làm, do đó, họ sẽ tố cáo Ngài là kẻ giảng tà giáo. Có một điều chắc chắn: vấn đề họ đặt ra không phải là vấn đề thuần lý, chỉ liên quan đến trường phái của các Rabbi mà thôi. Đó là một trong những đề tài tranh luận gay gắt trong thời Chúa Giêsu.

Về lý thuyết, không có gì cao hơn lý tưởng về hôn nhân trong Do Thái giáo. Trinh khiết vốn được xem như đức hạnh quan trọng nhất của mọi đức hạnh. “Chúng tôi nhận thấy rằng Thiên Chúa nhịn nhục đối với mọi tội, ngoại trừ tội không gìn giữ trinh khiết”. “Việc không giữ tiết hạnh khiến vinh quang Thiên Chúa quay đi”. “Mọi người Do Thái thà chết chứ không chịu phạm tội thờ ngẫu tượng, giết người hoặc tà dâm”. “Khi có ai ly dị vợ thuở thanh xuân của mình, thì cả đến bàn thờ cũng rơi nước mắt”. Lý tưởng đã nằm sẵn ở đó nhưng thực tế lại hụt hẫng quá xa.

Điểm cơ bản làm xáo trộn mọi sự ở đây là theo luật Do Thái, phụ nữ vốn bị xem như một đồ vật. Phụ nữ không có quyền lợi pháp định, hoàn toàn bị đặt dưới quyền sử dụng của người đàn ông làm chủ trong gia đình. Hậu quả là người đàn ông có thể ly dị vợ bất cứ vì lý do gì, trong khi hầu như có rất ít lý do để người phụ nữ được phép ly dị. Cùng lắm người vợ chỉ có thể xin chồng ly dị mình mà thôi. Phụ nữ bị chồng ly dị dù có thuận ý hay không, nhưng đàn ông có thể tự ý ly dị vợ. Lý do để một phụ nữ được quyền xin ly dị chồng là khi người chồng mắc bệnh phong, hoặc khi người ấy xâm phạm tiết hạnh một trinh nữ, hoặc khi người chồng cáo gian vợ phạm tội trước khi kết hôn với nhau.

Luật về ly dị của người Do Thái vốn bắt nguồn từ Đnl 24,1. Đoạn sách này là nền tảng của toàn thể vấn đề. Khi một người nam cưới vợ, nếu nàng chẳng làm đẹp lòng chồng, bởi thấy nơi nàng một điều gì chướng, thì chồng được viết một tờ ly dị vợ rất đơn giản. Nó được viết như sau: “Đây là tờ giấy tôi viết để ly dị, cho ra khỏi nhà và cho (nàng) được tự do, có thể lấy ai tùy ý”. Về sau tờ ly dị được viết kỹ hơn, trau chuốt hơn “Vào ngày… tuần… tháng…năm… trên thế gian, theo cách đang tính đang thịnh hành tại thành phố..., bên bờ sông…, tôi là X. con trai của Y và dưới bất kỳ tên nào tôi được gọi ở đây, có mặt hôm nay… nguyên quán tại thành phố…, tự ý, không bị ai ép buộc gì, có từ bỏ, cho về và đuổi nàng Z. con gái của V. hoặc dưới bất cứ tên nào được người ta gọi mà từ trước đến nay vốn là vợ tôi. Hôm nay tôi đuổi nàng là Z. con gái của V. để nàng được tự do và có thể lấy ai tùy ý, chẳng ai có quyền ngăn cản. Đây là tờ ly dị, giấy đuổi, chứng chỉ ly hôn và theo luật Môsê, của Israel”. Vào thời Tân Ước, chứng từ này phải do một Rabbi đặc trách thảo ra. Sau đó, nó còn phải được một hội đồng gồm ba Rabbi phê chuẩn, rồi được lưu trữ tại Tòa Công Luận, nhưng nói chung thì việc ly dị vợ hết sức dễ dàng và thường thuờng do ý muốn của người đàn ông.

Nhưng vấn đề then chốt thực sự là việc giải thích luật theo Đnl 24,1. Câu ấy quy định người đàn ông có thể ly dị vợ nếu thấy nơi nàng điều gì chướng (bản Anh văn dịch là ô uế). Vậy họ phải cắt nghĩa câu này như thế nào? Trong vấn đề này xuất hiện hai trường phái tư tưởng. Trường phái Shammai giải thích vấn đề hết sức khe khắt, điều chướng (ô uế) là ngoại tình và chỉ có nghĩa là ngoại tình (tà dâm) mà thôi. Cho dù người đàn bà ấy xấu xa gian ác như Giêsabên, nhưng nếu người ấy không ngoại tình, không thể có chuyện ly dị. Thứ hai là trường phái Hillel giải thích câu quan trọng này theo nghĩa rộng rãi nhất. Họ bảo người vợ làm hỏng một đĩa đồ ăn, la cà ngoài phố, trò chuyện với đàn ông lạ, nói hỗn với bà con bên chồng và nếu đó là người hay to tiếng (họ lại định nghĩa to tiếng là đã nói lớn đến nỗi nhà hàng xóm có thể nghe được) –đó là những điều chướng. Rabbi Akiba còn đi rất xa để giải thích câu “nếu nàng chẳng làm đẹp lòng chồng” là “nếu người đàn ông thấy có người đàn bà nào đẹp hơn vợ mình”.

Bản tính con người vốn vậy, hễ điều gì lỏng lẻo hơn thì luôn luôn thắng thế hơn. Hậu quả là các lý do để ly dị hoàn toàn là những lý do nhỏ nhặt, hay chẳng có lý do nào cả lại là chuyện phổ biến tai hại. Sự việc vẫn tiếp diễn như thế nên vào thời Chúa Giêsu, phụ nữ thường ngần ngại không chịu tiến đến hôn nhân, vì hôn nhân quá bấp bênh. Khi Chúa Giêsu phán các lời ấy, Ngài đang đề cập một vấn đề nóng bỏng, và Ngài đã quan tâm đến phụ nữ mà giáng một đòn sấm sét hầu vãn hồi địa vị thích đáng phải dành cho hôn nhân.

Chúng ta cần ghi nhận một số điểm sau đây: Chúa Giêsu đã trích dẫn một quy tắc của Môsê, và Ngài thêm rằng sở dĩ Môsê đã quy định như vậy là “vì lòng các người cứng cỏi”. Câu này có một trong hai nghĩa sau đây. Có nghĩa là sở dĩ Môsê quy định như thế vì đó là điều tốt đẹp nhất người ta có thể trông mong nơi dân mà ông phải ban bố luật cho. Hoặc nó có nghĩa là sở dĩ Môsê quy định như vậy vì ông muốn cố gắng kiểm soát một tình hình lúc bấy giờ đã thoái hóa trầm trọng, và điều đó thật ra không hề có chuyện cho phép người đàn ông ly dị vợ, nhưng từ ban đầu, nó chỉ là một nỗ lực nhằm kiểm soát việc ly dị vợ đưa nó vào trong phạm vi một thứ luật lệ, khiến việc ly dị vợ gặp phải nhiều khó khăn hơn mà thôi. Dù sao Chúa Giêsu cũng đã vạch rõ, Ngài chỉ xem Đnl 24,1 như một quy định do một hoàn cảnh chứ không là một sự ràng buộc vĩnh viễn. Những chứng liệu Ngài trích dẫn còn lui về những thời xa xưa hơn. Để thêm uy quyền, Ngài nêu chuyện sáng tạo trời đất như trong Sáng Thế 1,27; 2,24. Theo quan điểm của Ngài, ngay trong bản chất của sự việc, hôn nhân vốn có tính cách vĩnh viễn, là sự kết hợp bền vững giữa hai người bằng một phương cách mà không bao giờ luật lệ, quy điều của con người có thể phá vỡ, cắt đứt được sự ràng buộc đó. Chúa Giêsu tin, trong cơ cấu của vũ trụ, hôn nhân là một sự kết hợp tuyệt đối vĩnh viễn, bất khả phân ly, chẳng có một quy tắc nào của Môsê nhằm vào một hoàn cảnh tạm thời lại có thể thay đổi được nó.

Chỗ khó hiểu trong phần tường thuật của Matthêu lại có một điểm khác hẳn. Trong Maccô Chúa Giêsu tuyệt đối cấm việc ly dị vợ và tái hôn. Trong Mt 19,3-9 Ngài vẫn tuyệt đối cấm tái hôn, nhưng về ly dị, thì có một trường hợp duy nhất được cho phép, là nếu có ngoại tình (hiểu theo Tin Lành). Hầu như chúng ta có thể chắc chắn rằng phần tường thuật trong Matthêu là đúng và dĩ nhiên ý đó cũng có cả trong Maccô nữa. Chính luật Do Thái dạy rằng sự kiện ngoại tình bắt buộc phải đưa đến việc hủy bỏ hôn nhân. Thật ra thì chính tội ngoại tình, bất trung, cũng đã cắt đứt sợi dây buộc chặt đôi vợ chồng trong hôn nhân rồi. Một khi đã phạm tội ngoại tình, thì trong mọi trường hợp, sự hiệp nhất nên một đã bị tan vỡ, còn ly dị, chỉ là một sự kiện để chứng thực mà thôi. Bên Công Giáo hiểu được phép ly dị nếu là hôn nhân bất hợp pháp.

Yếu tính đích thực của đoạn sách này là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tình trạng lỏng lẻo của đạo đức về hôn nhân và tình dục vào thời của Ngài, cần phải được hàn gắn, sửa đổi. Những kẻ chỉ muốn kết hôn để tìm lạc thú rằng hôn nhân cũng là trách nhiệm. Những kẻ xem hôn nhân chỉ là một phương tiện nhằm thỏa mãn các đam mê xác thịt phải nhớ đó là một sự liên hiệp thuộc linh. Chúa Giêsu đang xây một thành lũy chung quanh gia đình.

NƯỚC TRỜI THUỘC VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÓ (10,13 -16)

Các bà mẹ Do Thái muốn một Rabbi danh tiếng, có uy tín, chúc phúc cho con cái họ. Đó là điều hết sức tự nhiên. Đặc biệt là nhằm ngày thôi nôi cho chúng. Theo thói quen đó họ đã đưa nhiều trẻ nhỏ đến Chúa Giêsu.

Chúng ta chỉ hiểu được trọn vẹn vẻ đẹp sâu sắc của đoạn sách này nếu nhớ rằng sự việc đã xảy ra lúc nào. Phải luôn nhớ là Chúa Giêsu đang trên đường dẫn đến thập giá và Ngài biết rõ điều đó. Lúc ấy, bóng khổ nạn không rời khỏi tâm trí Ngài. Thế nhưng, cũng chính lúc ấy, Ngài đã dành thì giờ cho trẻ nhỏ. Ngay khi tâm trí Ngài bị căng thẳng như vậy, Ngài vẫn dành thì giờ để ẵm bồng chúng vào lòng, vẫn có thể mỉm cười với chúng và có lẽ cũng còn nô đùa một lúc với chúng nữa. Cũng chính vì thế mà các môn đệ Chúa đã tìm cách ngăn cản đám trẻ nhỏ lại, không phải vì họ là những con người thô lỗ, vô tâm. Nhưng thực sự họ chỉ muốn bảo vệ Chúa Giêsu. Họ không biết chuyện gì xảy ra, nhưng biết rõ là tấm thảm kịch đang ở truớc mặt và thấy rõ Chúa Giêsu đang trong sự căng thẳng. Họ không muốn Ngài bị quấy rầy, cũng không thể nào hiểu nổi Ngài muốn có trẻ nhỏ bên cạnh trong một hoàn cảnh như thế. Nhưng cả trong một tình huống như vậy, Chúa Giêsu vẫn phán “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng’.

Một cách ngẫu nhiên việc này cho chúng ta biết rất nhiều điều về Chúa Giêsu. Nó cho chúng ta biết Ngài là Đấng hay chăm sóc trẻ nhỏ mà trẻ nhỏ cũng mến Ngài. Ngài không thể là một người nghiêm nghị, âu sầu, chẳng biết vui vẻ gì. Gương mặt nhân từ của Ngài rạng rỡ như mặt trời vây. Chắc Ngài rất dễ mỉm cười, cũng thường vui vẻ reo cười. George Macdonald, bảo rằng ông không tin vào Kitô giáo của một người nếu trẻ em không tìm được một chỗ để quây quần vui chơi trước cửa nhà người ấy. Biến cố nhỏ bé, quý báu này đã chiếu cả một luồng ánh sáng của Chúa Giêsu vào loài người.

Ngài tiếp “Vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. Trẻ nhỏ có gì mà Chúa Giêsu lại yêu thích và đánh giá cao như vậy”

1/ Có khiêm nhu như trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng cũng có vài đứa trẻ thích phô trương, nhưng trẻ như vậy rất hiếm và hầu như đó là kết quả sự hướng dẫn chúng cách sai lầm của người lớn. Thông thường trẻ nhỏ rất bối rối khi được đề cao, được đưa ra quảng cáo, nó chưa hề biết suy nghĩ bằng ngôn từ của địa vị, của tính kiêu ngạo, háo danh. Nó chưa được học hỏi để khám phá ra tầm quan trọng của chính nó.

2/ Có vâng phục như trẻ nhỏ. Thật ra trẻ nhỏ thường không chịu vâng lời, nhưng cũng thật nghịch lý là bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ lại vốn hay vâng phục. Trẻ nhỏ chưa học biết để kiêu ngạo, để muốn được độc lập giả tạo, là điều gây ngăn cách giữa một người với đồng bào, đồng loại.

3/ Có lòng tin cậy của trẻ nhỏ. Điều này được thấy rõ trong những trường hợp: (a) Trẻ nhỏ thừa nhận uy quyền. Vào một giai đoạn nào đó, nó nghĩ rằng cha nó biết hết mọi sự, và cha nó bao giờ cũng đúng, cũng phải cả. Nhưng điều đáng xấu hổ cho chúng ta là chẳng bao lâu nó thoát khỏi tuổi đó, nhưng do bản năng, nó vốn biết rõ sự ngu dốt, bất năng, bất lực của nó và tin cậy nơi người mà nó tưởng là hiểu biết. (b) Trẻ nhỏ có sự tin cậy đối với người khác. Chỉ có trẻ nhỏ mới không thấy người khác xấu. Nó sẵn sàng kết bạn với người xa lạ. Một vĩ nhân đã nói, lời khen tặng lớn lao nhất đời ông là lần kia một đứa trẻ hoàn toàn xa lạ đến nhờ ông cột dây giầy giúp nó. Trẻ nhỏ chưa biết hoài nghi về thế giới, nó tin rằng mọi người đều tốt. Có khi niềm tin cậy đó đưa nó vào chỗ nguy hiểm, vì có nhiều kẻ hoàn toàn không xứng đáng, sẽ lạm dụng nó, nhưng dầu sao thì lòng tin cậy đó cũng hết sức đẹp đẽ.

4/ Trẻ nhỏ vốn mau quên. Nó chưa biết lẩm bẩm và chất chứa điều cay đắng trong lòng. Cả khi bị đối xử bất công, mà ai trong chúng ta lại không có lần tỏ ra bất công với con cái, nó cũng quên ngay, quên đến nỗi chẳng còn gì để tha thứ nữa.

Thật vậy Nước Thiên Chúa thuộc về những người như vậy.