Chúa Nhật XXVI - Thường Niên - Năm B
TRÁNH GƯƠNG XẤU VÀ DỊP TỘI
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP

         

          Chúa Giiêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ các Tông đồ. Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay ăn khớp với nhau. Cũng như ông Maisen khiển trách ông  Giôsuê ganh tị không cho hai người khác nói tiên tri chỉ vì họ không đến dự lễ tấn phong.  Chúa Giêsu cũng khuyên các Tông đồ đừng ganh tị với những người không thuộc Nhóm 12 mà vẫn nhân danh Chúa mà trừ quỉ, trái lại phải có tinh thần hợp tác. Sau đó, Chúa Giêsu hứa thưởng công bội hậu cho những ai giúp đỡ các môn đệ  của Ngài.

 

          Điều mà chúng ta muốn bàn đến trong bài chia sẻ hôm nay là gương xấu và dịp tội. Chúa Giêsu lên án cách mạnh mẽ và quyết liệt đối với những ai nêu gương xấu cho những kẻ bé mọn, tức là những người còn kém đức tin, yếu đuối, dốt nát, bị khinh bỉ :”Thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.

 

          Ngoài ra, Chúa Giêsu còn khuyên phải tránh các dịp đưa đến tội. Ngài dùng một kiểu nói cường điệu mà nói lên tính cách nặng nề của dịp tội :”Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi…”.  Thực ra, chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen câu nói của Ngài mà phải hiểu theo nghĩa tượng trưng, vì nếu tay, chân, mắt nên dịp tội thì phải chặt đi thì chắc mọi người phải chặt hết, và như vậy Hội thánh Chúa chỉ bao gồm toàn những người què cụt sao ?

 

          Vì thế, chúng ta phải quyết tâm loại trừ mọi gương xấu và dịp tội. Chúng ta phải chống lại các chước cám dỗ, lánh xa các dịp tội và tránh xa những dịp nguy hiểm có thể đưa đến tội , theo nguyên tắc :”Đào vi thượng sách” : lánh đi là tốt nhất. Nguyên tắc này cũng phù hợp với Lời Chúa :”Ai thích sự nguy hiểm sẽ rơi vào sự nguy hiểm”(Gv 3,27), ai yêu thích dịp tội thì sẽ dễ dàng sa ngã vào tội đó.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

 

          Bài đọc 1 : Ds 11,25-29.

 

          Để chia sẻ gánh nặng trong việc cai trị dân, ông Maisen đã chọn ra 70 vị kỳ mục , làm lễ tấn phong cho các ông, chuyển giao Thần Khí của mình cho các ông  để các ông nói tiên tri. Trong số đó có 2 vị không đến dự lễ tấn phong mà vẫn nói tiên tri.  Giosuê thấy thế rất khó chịu và bảo ông Maisen  cấm hai ông ấy nói. Nhưng ông Maisen chẳng những  không ngăn cấm mà còn nói :”Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí  trên toàn dân của Người để họ đều là tiên tri”.

 

          Bài đọc 2 : Gc 5,1-6.

 

          Bài đọc 2 này chỉ là chủ dề phụ. Như các tiên tri xưa, thánh Giacôbê cảnh cáo người giầu có một cách dữ dội. Sở dĩ thánh nhân phê phán nặng lời bởi vì :

- Họ tích trữ tiền của một cách phi pháp như không trả công cho thợ…

- Họ bóc lột người vô tội mà họ không ngại kết án.

- Họ dùng tài sản để thoả mãn khát vọng khoái lạc và làm hại người công chính.

 

Bài Tin Mừng : Mc 9,38-48.

 

          Bài Tin Mừng hôm nay được chia thành hai phần :

 

a) Tránh óc bè phái.

 

  Cũng giống như ông Giosuê và ông Maisen trong bài đọc 1, ông Gioan thấy có một số người không thuộc Nhóm 12 mà vẫn nhân danh Chúa mà trừ quỉ và ông xin Đức Giêsu ngăn cấm họ. Nhưng Ngài chẳng những không ngăn cấm mà lại còn cho một bài học :”Ai không chống Ta là ủng hộ Ta”. Ngài nói như thế là có ý dạy cho các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, mà còn phải hợp tác với những người thiện chí.

 

          b) Tránh gương mù, gương xấu.

 

          “Đừng làm gương xấu cho kẻ bé mọn”. Chúng ta không được hiểu kẻ bé mọn đây là trẻ con, ngây thơ, yếu đuối, nhưng còn phải hiểu nghĩa rộng hơn, đó là những kẻ còn kém đức tin. Nếu những người lãnh đạo mà làm cớ cho họ vấp phạm thì “phải buộc thớt cối xay vào cổ mà ném xuống biển còn hơn”.

 

          Ngoài ra, khi nói tới gương xấu hay dịp tội đến từ bản thân mình làm nên cớ vấp phạm thì Chúa khuyên : hãy chặt nó đi.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

           

          Gương xấu và dịp tội

 

          Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, thuật lại việc Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ. Trong bài này, Marcô kể lại câu chuyện  sau khi khiển trách Gioan về tội ganh tị, Chúa Giêsu hứa ban phần thưởng cho những ai tiếp đón các môn đệ Ngài; đồng thời , Ngài dạy không được làm gương mù gương xấu và còn phải tránh các dịp tội. Trong bài này, chúng ta chỉ bàn đến phần thứ ba là tránh gương xấu và dịp tội mà thôi.

 

I. TRÁNH GƯƠNG XẤU.

 

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu ra nhiều điểm rất quan trọng liên quan tới đời sống cộng đoàn. Mặc dù những điểm ấy lúc ban đầu nhằm gửi đến các người lãnh đạo trong cộng đoàn, nhưng cũng thích hợp với mọi môn đệ của Đức Giêsu.

 

          Trước tiên Ngài khuyên các Tông đồ hãy có tinh thần hợp tác đừng ngăn cản những ai  góp phần vào việc làm sáng danh Chúa. Tiếp đó Ngài chúc phúc cho những ai  giúp đỡ các ông và hứa phần thưởng bội hậu cho những người ấy.

 

          Sau đó, Đức Giêsu đề cập đến tội gây ra sự vấp ngã – làm cho người khác phạm tội.  Ngài tuyên bố lời cảnh báo nghiêm khắc chống lại những người  dẫn những kẻ bé mọn tin vào Ngài đi lạc lối. Ngài nói :”Ai làm cớ cho một  trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển thì hơn”(Mc 9,42)

 

          Thiên chức của người tông đồ cao quí như vậy nên Đức Giêsu dạy các Tông đồ không được làm gương xấu cho những kẻ bé mọn. Vậy “những kẻ bé mọn” đây là ai ?  Chúa muốn ám chỉ những người hèn kém, khờ dại, dốt nát, không được học hỏi những vấn đề luật pháp : Hạng ngươi này, trong Do thái giáo , có khuynh hướng khinh bỉ họ. Những kẻ bé mọn có lòng tin này là những người thuộc giai cấp bình dân có thiện chí muốn học hỏi Kinh Thánh, luật pháp, thường được các thầy thông luật giải thích Thánh Kinh, luật pháp, nhưng lại bị giải thích sai lạc vì những gương xấu.

 

          Vì thế, việc cảnh giác đề phòng làm gương xấu cho những “kẻ bé mọn” này, Chúa Giêsu muốn nhắm tới các thủ lãnh tôn giáo mà Ngài đã có lần tố cáo họ đã độc quyền chiếm đoạt sự giải thích Thánh Kinh và đóng cửa không cho kẻ muốn vào (Lc 6,39; Mt 15,14) và dụ ngôn về con chiên lạc (Lc 15,3-7; Mt 18,12-14).

 

          Chúa Giêsu đã răn đe rất nghiêm ngặt những ai gây gương mù gương xấu :”Thà buộc cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”. Lời răn đe rất thẳng thắn và quyết liệt.  Thớt cối xay nặng như thế mà kéo dìm một tội nhân dưới nước thì không thể nào ngóc đầu lên được : ý nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.

 

          Trong bức thư của Lentulô, tổng trấn Do thái gửi cho hoàng đế Tiberiô, để diễn tả chân dung Chúa Kitô, có câu này :”Khi ông (Chúa Kitô) quở trách sửa phạt, thật cả là một sự ghê sợ; nhưng khi khuyên bảo dạy dỗ ông lại rất hoà nhã đằm thắm, làm cho thiên hạ tin phục say mê”.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy lộ ra  hai tính cách đó : nửa trước Chúa khuyên bảo nhân từ dịu dàng; nửa sau Chúa rất nghiêm thẳng đối với hai vấn đề gương xấu và dịp tội.

 

Truyện : Cha Béc-na Vô-gan

 

          Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-na Vo-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục.  Ôâng ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khói trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả.  Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vo-gan thò đâu ra cửa xe gọi theo :”Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội lên toa, nhìn quanh và hỏi :”Quên cái gì đâu” ? Cha Vo-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn :”Ôâng để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay.

 

II. TRÁNH CÁC DỊP TỘI.

 

          Đối với dịp tội Chúa Giêsu nói tiếp :”Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục” (Mc 9, 43).

 

1. Phải hiểu Lời Chúa như thế nào ?

 

Chúng ta thấy Đức Giêsu nói một cách quyết liệt như thế, ta phải hiểu thế nào ?  Thực ra, Ngài dùng lối nói cường điệu của những nhà hùng biện như thế  là muốn cho chúng ta thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mọi người.

 

          Nếu chúng ta hiểu lời Chúa theo nghĩa đen thì chúng ta thấy Giáo hội sẽ ra làm sao ? Chắc chắn sẽ xẩy ra trong hai trường hợp :

a) Trường hợp 1  : Thế giới này sẽ có một Giáo hội bi đát, khủng khiếp và rùng rợn không thể tưởng tượng : một Giáo hội toàn là những người bị thương, bị tật, bị què, bị chột…, vì không ai là không phạm tội, và phạm tội rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.

 

          b) Trường hợp 2 : Giáo hội sẽ không tồn tại, vì không có người. Chắc chắn không ai dám gia nhập vào một Giáo hội tàn nhẫn như thế. Chẳng những không bao giờ thực hiện điều ấy, mà Giáo hội còn dạy  những điều ngược lại. Sách giáo lý Công giáo của Giáo hội  đòi phải “Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể”.  Sách giáo lý cho biết :”… Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe doạ đối phương, để trả thù, là điều nghịch với sự tôn trọng con ngườøi và phẩm giá con người. Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, huỷ hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý”(GLCG số 2297).

 

          Thực ra, những lời nói của Chúa Giêsu không thể được hiểu sống sượng theo nghĩa đen. Đường hướng mà Đức Giêsu muốn đưa ra là người ta phải tránh xa tội nặng bằng bất cứ giá nào.  Chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để loại trừ điều ác ra khỏi đời sống chúng ta. Mục đích của Ngài  là in sâu vào tâm trí chúng ta  không thể nào tẩy xoá được, rằng Nước Thiên Chúa đáng cho chúng ta hy sinh mọi thứ khác.

 

1.    Nói về dịp tội.

 

a) Nguyên nhân.

 

+ Thiên Chúa cho phép.

Không ai có thể phủ nhận được sự hiện hữu của dịp tội, của cám dỗ.  Chính ma quỉ đã cám dỗ để làm hư hoại loài người, dĩ nhiên là Thiên Chúa cho phép cám dỗ để thử thách lòng trung thành của con người.  Chúng đã cám dỗ ông Adong và bà Evà, và ông bà đã sa ngã, đã bất trung với Chúa. Ngay Chúa Giêsu cũng bị ma quỉ cám dỗ trong hoang địa nhưng đã chiến thắng một cách vẻ vang. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã dạy :”Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”(Mt 26,41; Mc 14,38; Lc 22,40).

 

          Nếu nói rằng Chúa cám dỗ chúng ta thì không đúng, không bao giờ Chúa cám dỗ chúng ta mà Ngài chỉ cho phép ma quỉ cám dỗ chúng ta trong mức độ chúng ta có thể chịu đựng được để thử thách chúng ta thôi, vì”lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức”. Như vậy, cám dỗ tự nó không xấu, nó chỉ là một sự thử thách và nó có lợi cho những ai cố gắng chiến thắng nó để vượt qua thử thách vì như người ta nói :”Vô hoạn nạn, bất anh hùng”.

 

          + Loài người gây ra.

          Con người sống trong xã hội có tương quan với nhau, do đó có ảnh hưởng tương tác, hoặc là ảnh hưởng tốt hoặc là ảnh hưởng xấu. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói :”Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã”(Mt 18,7). Và Chúa còn lên án mạnh mẽ hơn:”Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”(Mc 9,42; Mt 18,6).

 

          Ngày nay người ta sống gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Người ta có thể đi từ châu lục này đến châu lục kia trong vòng mấy giờ đồng hồ, cho nên ảnh hưởng giữa con người càng nhanh chóng và càng mạnh. Dù chúng ta có biết điều đó hay không, chúng ta vẫn là tảng đá gây vấp phạm hay tảng đá giúp cho người khác vượt qua trên con đường đến ơn cứu độ (x. Mt 21,42-44).

          Chúng ta có thể trở thành tảng đá vấp ngã hay tảng đá giúp cho người khác vượt qua là tuỳ ở cách sống của chúng ta : nếu chúng ta gây gương mù gương xấu thì chắc chắn đã trở thành tảng đá vấp ngã. Ngược lại, nếu chúng ta nêu gương sáng giúp người khác sống tốt hơn thì chúng ta trở thành tảng đá giúp người ta vượt qua :

 

                                      Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ

                                      Lại trở nên đá tảng góc tường.

                                      Đó chính là công trình của Chúa,

                                      Công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta (Tv 118,22-23).

 

          Dựa vào câu Thánh vịnh trên, Chúa Giêsu nói :”Bởi đó, Tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân làm cho nước ấy sinh hoa lợi. Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai sẽ làm người ấy nát thịt” (Mt 22,43-44).

 

b)   Phải chống trả chước cám dỗ.

 

Cám dỗ hiện diện khắp nơi mà không ai có thể thoát được. Chính Chúa Giêsu cũng bị ma quỉ cám dỗ. Chúa đã nhắc bảo các Tông đồ :”Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Như vậy công việc của chúng ta  là chỉ việc chống lại chước cám dỗ.  Cuộc chiến chống ba thù là một cuộc trường kỳ kháng chiến, không bao giờ kết thúc. Và trong cuộc chiến này phải phân thắng bại, không được thoả hiệp : một là thắng, hai là bại. Adong Evà đã để lại gương thất bại, còn Đức Giêsu đã nêu gương chiến thắng rực rỡ.

 

          Dĩ nhiên trong cuộc chiến một mất nột còn này đòi phải gian khổ, hy sinh, từ bỏ có khi ngay cả đến bản thân mình, không có từ bỏ không chiến thắng được.

 

Truyện : Đánh bẫy khỉ.

 

          Người ta đồn thổi rằng : Aên thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên người ta tìm cách đánh bẫy khỉ.

          Họ lấy trái dừa bổ làm đôi, nhét vào trong đó một trái cam thơm ngon, rồi khoét một lỗ nhỏ vừa bằng nắm tay khỉ, xong cột trái dừa lại như trước. Sau đó đem cột chặt trên cây.

          Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọt tay vào trái dừa, nắm chặt lấy trái cam mà lôi ra.

          Thọt tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được vì bàn thay khỉ bây giờ đã quá lớn so với lỗ dừa. Có một điều rất trớ trêu, là không bao giờ  khỉ chịu buông quả cam ra  để bàn tay được tự do. Đã nắm được của ăn rồi thì cứ khư khư giữ lấy. Biết mình bị mắc bẫy nhưng cứ nắm chặt quả cam, dẫy dụa, kêu la chí choé. Và người thợ săn cứ ung dung bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương (Thiên Phúc).

 

          Thế giới chung quanh ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội  khiến chúng ta lỗi luật Chúa. Chúa Giêsu nói hơi mạnh :”Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi” (Mc 9,43). Chúng ta phải hiểu rằng kiểu nói :”chặt tay, chặt chân, móc mắt” chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình.

 

          Nói tới cắt tỉa, chặt bỏ, từ bỏ là những động từ gợi lên cho chúng ta  sự đau đớn, nhưng như người ta nói :”Thuốc đắng đã tật”(Tục ngữ), đau đớn lại là một điều cần thiết cho sự lành mạnh, nó là một điều kiện” bất khả thiếu”.  Chính vì vậy, Ludovic Giraud đã viết :”Nỗi đau đớn với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cầy xới  nhưng để làm cho đất mầu mỡ, cũng như việc cắt tỉa cây cối : làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khoẻ và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao”.

 

          Xét ra Lời của Chúa cũng không xa thực tế lắm. Có người chỉ vì lòng tham lam của cải chứ không phải vì Nước Trời mà đã dám hy sinh một phần thân thể. Họ dám hy sinh cái nhỏ để chiếm được cái lớn. Đó là ông O Neil,  nhà thám hiểm đã tìm ra đất Aùi nhĩ lan. Khi nhóm thám hiểm đến gần phần đất mới, vị thuyền trưởng tuyên bố :”Hễ ai chạm tay trước hết vào phần đất trên bờ thì người ấy làm chủ phần đất ấy”. Ôâng O’Neil quyết tâm chiếm cho bằng được. Ôâng chèo chiếc thuyền nhỏ vào bờ. Nhận thấy có kẻ khác vượt lên trên mình, ông quyết định lấy rìu chặt đứt cánh tay trái và liệng vào bờ, chạm đất trước hết, thắng cuộc.

 

          Nhà thám hiểm cụt một tay để được một nước thế gian, thì trong việc chiếm lấy Nước Trời, Chúa dạy chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh  tất cả những gì thân thiết và quí mến.

 

c) Tránh dịp nguy hiểm.

 

          Người ta thường nói :”Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Ởû trong một môi trường tốt thì người ta dễ nên tốt, người ở trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu, đó là định luật tâm lý vì người ta hay bắt chước một cách vô ý thức.

 

          Kinh Thánh nói :”Ai thích sự nguy hiểm thì sẽ rơi vào sự nguy hiểm” (Gv 3,27) : chơi với lửa có ngày sẽ bỏng, chơi với dao có ngày đứt tay, chơi với bùn có ngày lấm áo... Đó là kinh nghiệm ngàn đời của dân gian. Nên người ta khuyên :

 

                                      Chim khôn tránh lưới tránh dò,

                                 Người khôn tránh chốn xô đồ mới khôn.

                                                (ca dao)

 

          Người xưa cũng khuyên :”Cá, giải chán vực sâu mà ra chỗ nông, cho nên mắc phải chài lưới. Chim, muông chán rừng rậm mà xuống đồng bằng, cho nên bị phải cạm bẫy” (Hàn Thi ngoại truyện).

          Chống lại chước cám dỗ là tốt, việc phải làm, nhưng cũng không nên gây ra dịp thuận tiện để cho cám dỗ ập tới. Tại sao không cố mà tránh cơ hội gây ra cám dỗ để khỏi bị mắc bẫy ?

 

                                      Chim ham mồi sa lưới,

                                      Cá ham thính mắc câu.

                                      Con người phải nghĩ cho sâu,

                             Đừng ham danh lợi, sắc hầu sa cơ.

                                      Tài danh là cạm giữa trời,

                             Hồng nhan là bả những người tài hoa.

                                             (ca dao)

 

          Người xưa cũng còn dạy :”Cẩn tắc vô ưu” : cẩn thận thì khỏi phải lo. Không ai dám nói được mình khôn ngoan, không bị sa vào cạm bẫy. Chúa Giêsu đã từng khuyên :”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41 ; Mc 14,38). Cẩn thận đề phòng là phương pháp tốt nhất để khỏi bị rơi vào cạm bẫy của ma quỉ đang giăng ra khắp nơi, như lời thánh Phêrô khuyên :”Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).

 

Truyện : Thuê tài xế lái xe.

 

          Có một người giầu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê một người tài xế chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó.

          Người giầu nói :”Tôi không muốn có một tai nạn nào xẩy ra trong khi các ông mang mẹ tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống”.

          Người tài xế thứ nhất tự nhủ :”Cái đó thì dễ ợt”. Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống đường, cách cái hào một tấc.

          Người thứ hai thầm bảo :”Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc”. Ông này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc.

          Trong khi đó, người thứ ba suy nghĩ rất hung, kết quả ông lái cách hào những một mét.

          Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giầu lại bảo bác tài xế thứ ba rằng :”Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá”.

                           (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 19-20)

 

          Hôm nay Chúa nói với chúng ta : nếu tay hay chân, hay mắt nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn chúng ta lánh xa dịp tội. Đừng bao giờ liều thân nhảy  vào dịp tội. Ngoài ra, chúng ta còn phải nỗ lực hy sinh nhiều để giữ lòng trong sạch và trung thành với Chúa. Thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.

 

          Chúng ta hãy kết thúc với những lời rút ra  từ bài hát cổ xưa mà Giáo hội thường sử dụng trong kinh Nhật tụng giờ Kinh chiều của một số ngày Chúa nhật trong năm phụng vu :

 

Nghe danh hiệu Giêsu, mọi gối phải quì xuống.

Mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ngài là vua vinh quang… Hãy để Ngài ngự trị tâm hồn bạn. Hãy để Ngài chinh phục những gì chưa thánh thiện, những gì chưa đúng. Ước gì bạn biết lên tiếng gọi Ngài trong cơn cám dỗ. Hãy để Ngài che phủ bạn bằng ánh sáng và quyền năng của Ngài.

 Anh  chị em thân mến, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang của Ngài, để ngự trị trên trái đất. Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Ngài là Đấng Kitô Chủ tể chúng ta”(M. Link).