Chúa Nhật Truyền Giáo
CÁC CON HÃY ĐI
             Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Hằng năm, Giáo hội dành một ngày gọi là ngày thế giới truyền giáo, để kêu gọi mọi tín hữu ý thức bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Điều này trong sắc lệnh truyền giáo đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại "Mỗi Kitô hữu phải là một tông đồ cho Chúa".

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Máccô kể lại sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ và nói:"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho mọi loài thọ tạo"(Mc 16,15).

Anh chị em để ý động từ đi. Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đi đến trần gian này để loan báo Tin mừng và cứu rỗi nhân loại. Rồi Chúa sai các tông đồ ra đi "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân...". Đến lượt các tông đồ tiếp tục sai những đấng kế vị, và tất cả mọi người tín hữu chúng ta.

Vì thế, sau mỗi Thánh lễ, linh mục chủ tế nói "Lễ xong chúc anh chị em đi bình an". Có nghĩa là lễ xong anh chị em hãy ra đi. Hãy ra đi loan báo Tin mừng mà anh chị em đã lãnh nhận từ nơi đây. Hãy ra đi loan báo niềm tin mà anh chị em mới vừa tuyên xưng trong Thánh lễ này.

Thế thì, chúng ta loan báo Tin mừng bằng cách nào? Thưa, Đức Giêsu đưa ra nhiều phương thế, nhưng ở đây xin đưa ra ba phương thế căn bản.

 1/ Cầu nguyện: Chúa nói "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa". Trước đây, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh nữ sống trong bốn bức tường Dòng Kín không đi ra ngoài, nhưng tâm hồn thánh nữ từng giây từng phút cầu nguyện cho các vị thừa sai, cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thánh nữ không chỉ cầu nguyện trong nhà thờ, nhưng còn dâng những hi sinh nho nhỏ trong đời sống tu trì để cầu cho việc truyền giáo.

Vậy, để cho việc truyền giáo mang lại kết quả cao, thì Chúa bảo trước hết phải cầu nguyện. Bởi Chúa khẳng định: "Không có ơn Ta các con không thể làm gì được". Như vậy, việc truyền giáo sẽ thất bại, lời nói trở nên trống rỗng, không có sức đánh động người nghe, nếu thiếu đời sống cầu nguyện.

2/ Sống chứng nhân: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau". Đạo chúng ta là đạo yêu thương. Tin Mừng mà chúng ta loan báo sẽ trở thành vô nghĩa nếu không thể hiện tình yêu thương.

Trong thư chung HĐGMVN năm 2003 đã nhắc nhở: "Những việc bác ái, là những lời rao giảng dễ đón nhận nhất, vì người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi các thầy dạy cũng là những chứng nhân".

 Chớ gì, người Công giáo hiện diện ở đâu thì hãy cố gắng sống hiền hòa, sống tình yêu thương để làm chứng cho đạo thánh Chúa của mình.

3/ Loan báo: Trong bài đọc II Thánh Phaolô nói:" Làm sao người ta kêu cầu danh Chúa nếu họ không tin vào Chúa; làm sao người ta tin được nếu họ không được nghe nói; làm sao người ta nghe nói nếu không có người rao giảng; làm sao có người rao giảng được nếu không có người sai đi" (Rm, 10,14-15).

Cho nên Chúa sai chúng ta đi là để nói, để rao giảng, để giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Nhiều khi chúng ta ngại nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.

Chúa sai chúng ta đi khắp mọi miền, để đem cơm cho người nghèo hèn, và tặng nước cho người còn khát.

 Chúa sai chúng ta tới những nhà, tặng thuốc thang cho người người bệnh tật, tặng chiếu chăn cho người lạnh co.

Chúa sai chúng ta đi tới những buôn làng, niềm vui trao những người buồn phiền, người lắng lo xin gửi bình an.

Thế thì, có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: tôi có trách nhiệm trong vấn đề này bao nhiêu phần trăm? Tôi có thao thức gì trong việc loan báo Tin mừng không?.

Nếu xem việc truyền giáo không phải là bổn phận của mình thì thật đáng trách. Vì như lời thánh Phaolô nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm".

Anh chị em thân mến,

Nếu nói truyền giáo là mang Chúa đến cho người khác, thì Mẹ Maria là vị truyền giáo đầu tiên mang Chúa Giêsu trong lòng đến thăm người chị họ Êlizabét.

Thế thì, mỗi lần tham dự bàn tiệc Thánh thể, chúng ta được rước lấy Chúa Giêsu vào lòng, nhưng đừng giữ lại cho riêng mình, mà hãy bắt chước Mẹ Maria là mau mắn mang Chúa đến cho người khác.

Xin Đức Mẹ Mân Côi, là mẫu gương truyền giáo đầu tiên trong việc mang Chúa đến cho người khác, giúp chúng ta ý thức bổn phận truyền giáo của mình. Hầu tích cực loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến. Amen.