Chúa Nhật Truyền Giáo - Năm B
GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO
M. CAO HUY HOÀNG, 18.10.2012

Lệnh Chúa Giêsu truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 19 – 20 ).

Kinh Tân Phúc Âm Hóa có đoạn:

“Xin đổ Thần Trí của Cha, nhờ đó con được tăng thêm sức mạnh để ra đi và làm chứng nhân cho Tin Mừng mọi ngày trong đời sống của con, bằng lời nói và việc làm.

Trong những lúc hoang mang, xin nhắc con:

Nếu không là con, thì ai sẽ rao truyền Phúc Âm ?

Nếu không phải là lúc này, thì khi nào Phúc Âm sẽ được loan truyền ?

Nếu không phải là chân lý Phúc Âm, thì điều gì con sẽ công bố ?”

“Nếu không là con, thì ai sẽ rao truyền Phúc Âm”. Lời kinh mời gọi mỗi chúng ta khẳng định lại sứ vụ truyền giáo mà mỗi Kitô Hữu Công Giáo đã được nhận lãnh ngay trong Bí Tích Thánh Tẩy và phải thi hành sứ vụ ấy như một bổn phận.

Như thế là: không phải ai khác, nhưng chính tôi là người truyền giáo. Không phải lúc nào khác nhưng ngay bây giờ là lúc phải truyền giáo. Không điều kiện nào khác, nhưng chính trong điều kiện này là điều kiện mà tôi phải truyền giáo.

Thiết tưởng cần xóa ngay đi não trạng xưa cũ của một thời mà Giáo Dân và cả các Giáo Sĩ cũng xem việc truyền giáo là chuyện dành riêng của Giáo sĩ mà thôi, và Giáo Dân tự xem hoặc bị xem quá thấp kém, quá tầm thường, có khi là quá tội lỗi nữa, biết gì mà truyền giáo !?! Đúng là một não trạng tệ hại vô cùng !

Và còn tệ hơn nữa khi có Giáo Dân nào đó nhiệt thành quá một chút là có thể bị Giáo Sĩ kết án ngay là “phá hoại” Giáo Hội. Người phá hoại Giáo Hội là người sống không đúng ơn gọi của mình. Người sống đúng ơn gọi của mình không thể kể họ vào loại phá hoại được. Ơn gọi truyền giáo là ơn gọi của tất cả mọi người Kitô hữu Công Giáo, không phân biệt Giáo Sĩ hay Giáo Dân.

Trong điều kiện hết sức khó khăn của những Giáo Dân sống trong thời đại con người ta chỉ lo cơm áo gạo tiền, tôi đã thấy những gương chứng nhân Đức Tin thật đáng kể. Họ là những người Công Giáo tốt từ lúc ăn gạo chợ uống nước sông đến ngày có cơ ngơi vững chãi.

Có người truyền giáo bằng xe hơi vì họ đã có được chiếc xe 7 chỗ hẳn hoi, và họ gọi đó là chiếc xe “7 Hồng Ân”. Mừng cho họ là họ có ý thức tạ ơn và đã dùng xe hơi cho việc truyền giáo. Lại có anh hội viên Legio có xe đạp, truyền giáo bằng xe đạp. Mừng cho anh, tạ ơn Chúa với anh vì anh không chần chừ, không chờ đợi ước mong có xe hơi mới truyền giáo được. Có người có nhà cao cửa rộng họ sử dụng cái giàu có của họ cho việc truyền giáo, còn chị Lòng Chúa Thương Xót, chỉ có mỗi căn nhà lá, trống trước trống sau, làm chỗ học Giáo Lý cho đôi ba người dân tộc. Cảnh thiên đường đẹp quá !

Nhìn lại, những lần Đại Hội Loan Báo Tin Mừng với việc học hỏi các Văn Kiện lớn lao về Truyền Giáo, thành phần được mời tham dự toàn là những  người có chức, có quyền, có bằng cấp, có ăn có học, được coi là bậc vị vọng, hoặc ít ra cũng là những người đang có chức vụ trong Giáo Hội. Có ai lại đi mời bà bán cháo lòng, bán bánh canh, bán đậu hủ, bán vé số, người xa quê, kẻ làm thuê, người khuyết tật, kẻ hành khất, hạng nghèo hèn trong xã hội… tham dự đâu ? Có phải vì họ là cấp thấp bé trong Giáo Hội thì biết gì mà loan báo Tin Mừng chăng ? Thiết tưởng, bao lâu người Giáo Dân còn bị đánh giá là thành phần thấp bé hèn mọn dưới con mắt của Giáo Hội Địa Phương, thì bấy lâu, Giáo Hội tiếp tục phạm phải một sai lầm đáng kể.

Này nhé, tưởng là họ đi Lễ họ không chú ý nghe giảng sao ? Không phải thế đâu! Họ đã lắng nghe, nghe rất rõ, nghe rất kỹ đấy. Lại tội nghiệp cho người cố gắng lắng nghe mà nghe không được, bởi Nhà Thờ thì to đùng, xây dựng đủ thứ hạng mục công trình, sắm sửa đủ thứ xa xỉ mà âm thanh lại chẳng nghe được gì, đúng là chỉ để… xem lễ chứ có nghe được gì đâu ? Đáng tiếc mà cũng đáng trách !

Đừng lầm tưởng, hãy biết những Giáo Dân thấp bé kia, không chỉ nghe mà còn muốn nghe thật kỹ, thật rõ, và còn hơn thế nữa, nghe và đối chiếu điều người đã giảng với điều người đã sống. Cuối cùng, may quá, cách thể hiện đạo đức nhất của họ là làm theo những điều đã nghe, chứ không làm theo những điều đã thấy.

Tôi tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và hoạt động cách mạnh mẽ nhất, hữu hiệu nhất, ấn tượng nhất trong chính những con người thấp bé ấy. Nhờ ơn Thánh Thần, họ được sức mạnh can trường trong đau thương, họ được niềm vui sống công chính ngay trong “cái túi” của số phận, họ được vinh dự làm chứng cho một Đạo Công Giáo luôn có niềm tin mãnh liệt vào hạnh phúc đời sau, họ được diễm phúc có một hoàn cảnh thấp bé mà sứ vụ truyền giáo thì ngược lại, không nhỏ bé chút nào. Họ sống Tin Mừng cách thiết thực nhất ngay trong điều kiện kém cỏi và hoàn cảnh khó khăn của chính họ. Thật đáng quí công cuộc truyền giáo không tên tuổi, không ai quan tâm của những Giáo Dân mạt hạng, kém trình độ, nghèo khổ, thấp hèn !

Cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu ngày ấy, nào có phải là những thầy Kinh Sư và thầy Thông Luật đâu, chỉ toàn là những người đánh cá nhiều phần là mù chữ, là mấy tên thu thuế được xếp vào phường tội lỗi, là chị kia năm đời chồng đi kín nước, là cô kia làm nghề buôn son bán phấn, là người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cần phải lãnh án ném đá cho đến chết, là tên trộm bị trói trên giá ngay bên hữu Chúa, là một người Samari nhân hậu, là người đàn bà bị băng huyết kinh niên, là chú què được nhảy như nai, là cậu mù được sáng mắt, là anh phung cùi được sạch…

Thời nay không còn là thời điểm truyền giáo của những Giáo Dân mạt hạng ấy sao ? Hẳn không phải là thời buổi truyền giáo của những thầy Thông Luật mà lại chẳng giữ luật đấy chứ ?

Hãy đến “xem nơi Người ở, và ở lại với Người”, những con người thấp bé nhất trong xã hội, trong Giáo Hội, họ đang sống rất anh hùng giữa những đau thương của cuộc đời xoàng thường nhất trong thiên hạ, nhưng lại là những chứng nhân sống động nhất của Tin Mừng.

Để kết, xin mượn truyện rất ngắn của tác giả Ba Chuông có tựa đề “Truyền Giáo” tôi vừa mới đọc được trên baicamoi.com:

“Xóm trên, Cậu Út ở với cha mẹ già, đi làm thuê về, xe tông, gãy chân, gãy sườn. Có mấy người hàng xóm đến thăm.

Chị Tám bán bánh canh xóm dưới cũng lên thăm. Thấy chạnh lòng, chị rút tờ hai trăm ngàn dúi vào tay vợ cậu Út. Có người nhìn thấy. Người ấy không ai khác là bà Tư, chủ nợ của chị Tám. Bà Tư không phải người Công Giáo.

Chị Tám bán bánh canh, mượn đầu heo nấu cháo, vay bà Tư 3 triệu, hằng tháng trả lãi 7 phân.Cuối tháng, chị Tám đến bà Tư trả tiền lãi. Bà Tư lấy một nửa, cho lại chị một nửa. Còn khen: “Tui không ngờ chị lại có lòng thương người như vậy. Ít thấy được người Công Giáo như chị. Biết sẻ chia lúc hoạn nạn mới là người Công Giáo tốt”.

Lạy Chúa, xin cho mọi việc chúng con làm đều vì danh Cha cả sáng. Amen.”

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã và đang có những giáo dân thấp bé nhất nhiệt thành sống đức tin giữa hoàn cảnh bi thương nhất trong cuộc đời. Xin cho mỗi ngày một nhiều hơn những giáo dân biết tạ ơn Chúa vì ơn gọi truyền giáo và kiên trung sống đời sống Công Giáo công chính theo Tin Mừng, cho danh Chúa được cả sáng.

Amen.