Chúa Nhật XXIV - Thường Niên - Năm B
KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG
Chú giải của William Barclay

Xêdarê Philipphê hoàn toàn nằm ngoài ranh giới xứ Galilê, không thuộc lãnh thổ của Hêrôđê, nhưng là đất thuộc về Philipphê. Đây là một thành phố có một lịch sử ly kỳ. Từ thời xưa, nó được gọi là Balinas, vì nó từng là một trung tâm quan trọng cho việc thờ thần Baan. Ngày nay, nó hãy còn được gọi là banias, vốn là hình thức của chữ Panias. Sở dĩ nó có tên Panias bởi trên một sườn đồi tại đấy có một hang đá mà người ta bảo chỗ sinh ra của Pan, là Thượng Đế, là thần tạo dựng cõi thiên nhiên của dân Hy lạp. Hơn nữa, từ một hốc đá bên sườn đồi ấy lại xuất phát một dòng suối mà người ta cho rằng đó là nguồn phát sinh sông Giođan. Cao hơn trên sườn đồi, sừng sững một Đền Thờ sáng chói bằng đá trắng. Philipphê đã xây dựng Đền Thờ thần tính của Xêda, hoàng đế Roma, người đang trị vì thế giới thời ấy, người đuợc xem như một vị thần. Điều lạ lùng chính tại đây chứ không phải ở một nơi nào khác, Phêrô lại thấy một người thợ mộc không nhà, dân xứ Galilê, là con Thiên Chúa. Bầu không khí tôn giáo cổ xưa vốn bao trùm xứ Palestine, những kỷ niệm về Baan được nhìn thấy khắp nơi. Các thần của thế giới cổ Hy Lạp cũng ngự trị tại đó, người ta vẫn còn nghe tiếng sáo của thần Pan và còn thoáng thấy các nữ thần sống trong các khu rừng. Sông Giođan chắc gợi cho người ta nhớ lại từng giai đoạn trong lịch sử dân Israel và việc chinh phục xứ ấy. Và dưới ánh sáng của mặt trời từ Phương Đông, Đền Thờ bằng đá t rắng đang phản chiếu như nhắc nhở mọi người rằng Xêda là một vị thần. Ở đây, hơn bất cứ nơi nào khác, trong bối cảnh có đủ thứ tôn giáo và suốt dòng lịch sử, Phêrô lại khám phá vị giáo sư lưu động từ Nadarét, và đang tiến về hướng thập giá, là Con Thiên Chúa. Qua các sách Phúc Âm, thật không thể tìm được một câu chuyện nào khác bày tỏ sức mạnh cao cả nhân cách của Chúa Giêsu như trong trường hợp này.

 

Biến cố này xảy đến ngay ở giữa sách Phúc Âm Maccô và như đã có ý sắp xếp vậy, vì chuyện đã xảy ra đúng vào khoảnh khắc tuyệt đỉnh của Phúc Âm. Ít ra theo một phương diện, khoảnh khắc này là một băn khoăn của Chúa Giêsu, cho dù các môn đệ Ngài có nghĩ gì. Chúa Giêsu biết chắc chắn ở phía trước, sừng sững một thập giá chẳng thể tránh né, mọi sự không còn kéo dài bao lâu nữa. Thế lực chống đối đang tập trung lực lượng để tấn công. Vấn đề Chúa Giêsu phải đối đầu là: đời sống của Ngài đã gây được chút ảnh hưởng gì chưa? Ngài có thực hiện được gì? Hay nói cách khác, đã có người nào khám phá được Ngài thật sự là ai chưa? Nếu Ngài đã sống, đã giảng dạy, đã đi đây đó giữa loài người nhưng chẳng một ai thoáng thấy được Thiên Chúa nơi Ngài, thì tất cả công lao của Ngài đã bỏ ra chẳng đi đến đâu cả. Phương pháp duy nhất Ngài có thể để lại một thông điệp cho loài người, đó là viết nó vào lòng một số người, vì thế, trong thời gian này, Chúa Giêsu đã đem mọi sự đưa vào một trắc nghiệm. Ngài hỏi các môn đệ thiên hạ đang nói gì về Ngài, để Ngài nghe từ chính họ tiếng đồn và dư luận quần chúng. Tiếp theo là một khoảnh im lặng nghẹt thở. Ngài đặt một câu hỏi thật nhiều ý nghĩa: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Thình lình Phêrô nhận ra được điều ông vẫn biết từ nơi sâu thẳm của lòng mình. Đây là Đấng Mêsia, là Đức Kitô, Đấng được xức dầu, là Con Thiên Chúa. Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu biết Ngài không thất bại.

 

Nhưng giờ đây, chúng ta đến một vấn đề đã được nêu lên và đã giải đáp nửa phần trước đây, cần được giải đáp cách chi tiết, nếu không cả câu chuyện Phúc Âm sẽ không được thấu hiểu đầy đủ. Ngay sau khi Phêrô khám phá điều đó, Chúa Giêsu bảo ông không được nói điều này với ai. Tại sao? Trước nhất và trên hết, Chúa Giêsu phải dạy Phêrô và những người khác về sứ vụ Mêsia thực sự có nghĩa gì. Vậy, muốn hiểu rõ nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đang nắm trong tay, muốn hiểu được ý nghĩa đích thực sự cần yếu đó, chúng ta cần xem lại các ý niệm liên hệ đến Đấng Mêsia vào thời Chúa Giêsu thật sự là gì.

 

Các ý niệm về Đấng Mêsia của dân Do Thái.

Suốt quá trình tồn tại, người Do Thái chẳng khi nào quên họ là tuyển dân của Chúa theo một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Vì lý do ấy, họ trông mong được một địa vị đặc biệt trên thế giới. Vào thời xa xưa, họ trông đợi chiếm được một địa vị đó bằng điều mà chúng ta có thể gọi là các phương tiện tự nhiên. Họ luôn luôn xem những ngày trọng đại nhất trong lịch sử của họ như các ngày của Đavít, và họ mơ ước một ngày kia họ sẽ có một vua khác thuộc dòng dõi Đavít, một vua sẽ làm cho họ trở thành vĩ đại trong sự công chính và thế lực (Is 9,7; Gr 22,4; 23,5; 30,9). Nhưng thời gian trôi qua, sự vĩ đại mà họ mơ ước đó rõ ràng một cách đáng thương hại là sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện được bằng các phương tiện tự nhiên. Mười chi phái bị đày sang ASyri và đã vĩnh viễn thất lạc, người Babylon chinh phục Giêrusalem, bắt dân Do Thái đem về nước làm tù binh. Rồi đến người Ba Tư trở thành chủ nhân ông của họ, tiếp theo là người Hy Lạp, sau đó là người Roma. Thế là đã chẳng chinh phục, cai trị được ai, mà qua nhiều thế kỷ, dân Do Thái cũng chẳng biết đến tự do là gì nữa. Cho nên có một dòng tư tưởng khác nẩy sinh. Ý niệm về một nhà vua vĩ đại thuộc dòng Đavít vẫn chưa bao giờ tan biến hẳn, luôn luôn ở trong tư tưởng của họ dưới một hình thức nào đó, càng ngày họ càng mơ ước về một ngày khi Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử bằng những phương tiện siêu nhiên, sẽ thực hiện điều mà các phương tiện tự nhiên chẳng bao giờ thành tựu được. Họ trông mong quyền năng của Chúa sẽ làm cho họ những gì mà khả năng của con người phải bó tay.

 

Trong giai đoạn giữa Cựu và Tân Ước, đã có hàng loạt các sách về những giấc mơ, những dự báo về các thời đại mới đó và sự can thiệp của Thiên Chúa. Các sách ấy được xếp vào một loại được gọi là các sách Khải Huyền. Từ này có nghĩa là vén màn. Các sách này là phương tiện nhằm vén lên những bức màn đang che giấu tương lai. Chúng ta phải quay sang các sách ấy để tìm hiểu xem dân Do Thái thời Chúa Giêsu đã tin gì về Đấng Mêsia, về công tác của Ngài và về thời đại mới. Chúng ta phải đặt giấc mơ của Chúa Giêsu trong bối cảnh các giấc mơ của họ.

 

Trong các sách ấy, đã xuất hiện một số ý niệm căn bản. Ở đây chúng ta theo cách xếp loại các ý niệm ấy của Schurer, tác giả của “Lịch Sử Dân Do Thái Thời Chúa Giêsu”.

1.     Trước thời Đấng Mêsia đến, sẽ có một giai đoạn đại nạn. Đó là cơn quặn thắt Mêsia. Đó sẽ là cơn chuyển bụng của kỷ nguyên mới. Tất cả những gì khủng khiếp có thể quan niệm được sẽ bùng nổ trên đất, mọi tiêu chuẩn về vinh dự, về luân lý đạo đức đều bị đánh đổ, thế gian này sẽ trở thành một cảnh hỗn mang cả về phương diện thể chất luôn cả tinh thần.

“Và vinh hiển sẽ biến thành nhục

Và sức mạnh sẽ bị hạ bệ, bị khinh bỏ

Và sự chân thật bị tận diệt

Và đẹp đẽ trở thành xấu xí

Và tham lam sẽ dấy lên trong lòng

những kẻ chẳng hề nghĩ mình ra gì.

Và đam mê sẽ bắt lấy kẻ vốn an phận

Và nhiều người sẽ bị xách động để nổi giận,

gây tàn hại người khác.

Và thiên hạ sẽ dấy binh để gây đổ máu

Và cuối cùng, họ sẽ chết chung với nhau” (II Barúc 27)

Sẽ có: “nhiều cơn động đất, nhiều dân tộc náo loạn, nhiều quốc gia mưu đồ, nhiều lãnh tụ bối rối, nhiều vua chúa lo âu” (Xh 9,3).

 

“Sẽ có nhiều tiếng nói khủng khiếp từ trời vang xuống đất. Những tia chớp vừa to lớn, vừa sáng chói lóe lên giữa loài người và địa cầu, là mẹ của vũ trụ sẽ chuyển động, trong các ngày đó, bởi tay Đấng Vĩnh Cửu. Cả dưới biển, thú vật trên đất, vô số loài vật hay linh hồn người ta cùng biển cả sẽ run rẩy, kinh hoàng trước Đấng Vĩnh Cửu. Và những đỉnh núi, các đồi lớn sẽ bị xé ra và mọi người sẽ nhìn thấy các vực sâu, các thung lũng, trên các núi cao sẽ đầy dẫy xác người, những khối đá sẽ tuôn tràn máu và mọi thác sẽ đổ máu xuống làm tràn ngập các đồng bằng… Và Chúa sẽ phán xét mọi người bằng chiến tranh, bằng gươm, sẽ có diêm sinh từ trời xuống, phải, sẽ có đá, có mưa, có băng giá liên tục và trầm trọng. Sự chết sẽ giăng trên loài thú bốn chân… Phải, chính đất sẽ uống máu người chết, thú rừng sẽ ăn thịt họ” (Các sấm ký của Sybille 3,363).

 

Kinh Mishnah kể ra các dấu hiệu cho biết lúc Đấng Mêsia gần đến.

 

“Sự khoe khoang tăng thêm, tham vọng nảy sinh, cây nho ra trái và rượu nho được ưa chuộng. Các chính quyền biến thành tà giáo. Không còn có sự dạy dỗ nữa, các hội đường bị dành cho việc dâm đãng. Galilê bị tàn phá. Gabian bị hoang vu. Dân chúng của một khu vực đi từ thành phố này sang thành phố khác nhưng chẳng được ai thương xót. Sự khôn ngoan của người học thức bị thù ghét, kẻ tin kính bị khinh dể, chân lý vắng bóng. Con nít mắng chửi người già cả, người già phải chịu cho con trẻ xét xử. Con trai khinh cha, con gái chống đối mẹ, dâu nghịch cùng mẹ chồng. Kẻ thù của người ta là người nhà mình”.

 

Thời kỳ trước khi Đấng Mêsia đến là thời kỳ mà thế gian bị xé ra từng mảnh và mọi dây ràng buộc đều bị nới lỏng. Trật tự vật thể và tinh thần đều sụp đổ.

 

2.     Giữa cảnh hỗn mang đó. Êlia đến với tư cách sứ giả tiền trạm, báo trước việc Đấng Mêsia giáng lâm. Ông có nhiệm vụ hàn gắn các vết thương và lập lại trật tự cho cảnh hỗn mang để dọn đường cho Đấng Mêsia đến. Đặc biệt là ông phải dàn xếp những bất hòa, tranh chấp. Thật ra, luật truyền khẩu của Do Thái giáo có quy định rằng tất cả tiền bạc, tài sản đạng bị tranh chấp về chủ quyền hoặc bất cứ vật gì người ta không biết sở hữu chủ thì phải chờ đợi “cho tới khi nào Êlia đến”. Khi Êlia đến, thì Đấng Mêsia không còn bao xa nữa.

3.     Rồi Đấng Mêsia sẽ đến. Từ Messiah và từ Christ vốn đồng nghĩa, chỉ về Đấng được xức dầu (Messiah là chữ Do Thái, còn Christ là chữ Hy Lạp). Trước khi lên làm vua, nhà vua phải được xức dầu, Đấng Mêsia là nhà vua được Thiên Chúa xức dầu. Điều quan trọng cần nhớ là Christ không phải là tên mà là tước vị. Lắm lúc người ta nghĩ rằng Đấng Mêsia là nhà vua thuộc dòng dõi vua Đavít, nhưng thường hơn, người ta nghĩ về một nhân vật vĩ đại, một thần nhân, một siêu nhân, xuất hiện trong lịch sử để tái tạo thế giới và cuối cùng sẽ báo thù cho dân của Chúa.

4.     Các dân, các nước sẽ liên minh với nhau để chống nhà vô địch của Thiên Chúa.

 

“Các vua của các dân tộc sẽ xông vào đất này để tự thanh toán lấy nhau. Khi đã đến xứ này, họ sẽ tìm cách cướp phá Đền Thờ của Thiên Chúa quyền năng và những nhà quyền quý. Các nhà vua đáng nguyền rủa ấy cùng với đoàn dân vô đạo sẽ bao vậy thành phố và đặt ngai mình tại đó. Và rồi, bằng một tiếng phán lớn. Thiên Chúa sẽ nói với người vô kỷ luật đầu óc trống rỗng đó, và phán xét sẽ giáng trên chúng từ Thiên Chúa toàn năng, khiến tất cả đều chết dưới tay Đấng Vĩnh Cửu” (các sấm ký của Sybille 3, 363-372).

 

“Chuyện sẽ xảy ra là khi các dân nước nghe tiếng Ngài (Đấng Mêsia) mọi người sẽ rời bỏ xứ mình, ngưng chiến tranh chống lại nhau, vô số người không đếm xuể sẽ tụ họp, muốn chống lại Ngài” (Xh 13,33-35).

5.     Kết quả là các thế lực chống đối sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt, Philo bảo rằng Đấng Mêsia sẽ “ra trận đánh giặc và tiêu diệt các nước lớn và dân đông”.

Ngài sẽ trừng phạt chúng nó vì tội bất kính

Quở trách chúng vì sự bất chính

Trách mắng tận mắt chúng vì sự phản bội của chúng

Và khi quở trách chúng, Ngài sẽ tiêu diệt chúng (Xh 12,32-33)

 

“Và việc đã xảy ra trong những ngày đó, sẽ chẳng có một ai được cứu, hoặc là nhờ vàng hay bạc, sẽ chẳng một ai thoát thân được, và sẽ không có sắt cho chiến tranh, cũng chẳng có ai mặc áo giáp. Đồng sẽ thành vô dụng, thiếc sẽ không còn được ưa chuộng, sẽ không còn ai thích chì, mọi vật sẽ bị tiêu diệt khỏi mặt đất” (Hênóc 52,7-9).

 

Đấng Mêsia sẽ là nhà chinh phục gây nhiều tàn hại nhất trong lịch sử, đàn áp các kẻ thù Ngài cho đến khi chúng hoàn toàn bị tiêu diệt.

6.     Tiếp theo đó, thành Giêrusalem sẽ được làm mới lại. Đôi khi người ta nghĩ thành phố hiện có sẽ được thanh tẩy nhưng thông thường hơn thì nghĩ rằng thành Giêrusalem mới sẽ từ trời xuống. Ngôi nhà cũ sẽ được cuốn lại và đem đi chỗ khác, ngôi nhà mới được thế vào “tất cả cột trụ đều mới và đồ vật trang trí đều mới và đồ vật trang trí đều lớn hơn trong nhà cũ” (Hênóc 90,28-29).

7.     Dân Do Thái đã bị tản lạc khắp thế gian sẽ được gom về thành Giêrusalem mới. Nhằm hướng về ngày đó, bài cầu nguyện của người Do Thái mỗi ngày có lời khấn xin “Xin hãy giương lên một ngọn cờ để thu góp những kẻ tản lạc của chúng tôi khắp bốn phương trời lại”. Có một bức tranh cao quý về việc hồi hương đó: “Hãy thổi kèn trong Sion, để kêu gọi các thánh hãy làm cho người ta nghe trong Giêrusalem tiếng của kẻ mang Tin Mừng vì Thiên Chúa đã thương với dân Israel và thăm viếng họ. Hỡi Giêrusalem, hãy lên đỉnh núi cao mà nhìn xem con cái người, từ Đông sang Tây. Đức Chúa đang thu gom chúng lại, từ phương Bắc, chúng đến trong niềm vui của Chúa mình, từ các đảo xa, Chúa đã thu gom chúng lại, các núi cao hạ thấp xuống thành đồng bằng cho chúng, các đồi chạy trốn cho chúng đi vào, khi chúng đi qua, cây cối sẽ che chúng. Chúa khiến đủ thứ cây cối có hương thơm mọc lên vì chúng, để dân Israel có thể đi qua khi vinh quang của Chúa mời gọi chúng. Hỡi Giêrusalem, hãy mặc áo vinh quang, hãy chuẩn bị sẵn áo dài thánh thiện của ngươi; vì Chúa đã nói sự tốt đẹp cho Israel mãi mãi. Nguyện Đức Chúa thực hiện điều Ngài đã phán liên hệ với Israel và Giêrusalem. Nguyện Đức Chúa và lấy danh vinh quang Ngài thúc đẩy Israel. Nguyện lòng thương xót của Đức Chúa ngự trên Israel đời đời”.

Thật dễ thấy thế gian này sẽ được làm mới lại theo cách nào dưới mắt người Do Thái. Lòng yêu nước của họ bao giờ cũng là yếu tố nổi bật.

 

8.     Xứ Palestine sẽ là trung tâm thế giới, và cả thế gian sẽ quy phục nó. Tất cả mọi dân tộc sẽ bị đè bẹp, thỉnh thoảng người ta nghĩ đến điều này như một sự quy phục hòa bình “Và mọi cù lao, mọi thành phố sẽ nói: Chúa thương yêu dân ấy biết bao. Vì mọi sự đều hợp lại làm ích lợi và giúp đỡ họ… hãy đến, sấp mình xuống đất và cầu khẩn vua đời đời, là Chúa toàn năng và vĩnh cửu, hãy diễu hành đến Đền Thờ Ngài. Vì Ngài là Đấng Toàn Năng duy nhất” (các sấm ký của Sybille 3,690tt)/

Thương hơn nữa, số phận của các dân ngoại là bị tiêu diệt, do đó dân Israel sẽ được nhắc đến và vui mừng. “Và Ngài sẽ hiện ra để trừng phạt các dân ngoại, tiêu diệt các thần tượng của chúng, rồi ngươi, hỡi Israel, hãy vui mừng, ngươi sẽ cỡi lên cỏ, lên đôi cánh của chim phượng hoàng (nghĩa là Roma, con chim phượng hoàng-sẽ bị tiêu diệt), chúng sẽ bị tiêu diệt và Chúa sẽ tôn cao ngươi. Và từ trên cao ngươi sẽ nhìn xuống, thấy các kẻ thù mình trong địa ngục, ngươi sẽ nhận ra chúng và vui mừng” (Quyết Đoán của Môsê 10,8-10).

Thật là một bức tranh ảm đạm. Dân Israel sẽ vui mừng khi thấy các kẻ thù mình bị đập tan và ở trong hỏa ngục. Cả đến những người chết của dân Israel cũng sẽ được sống lại và dự phần vào thế giới mới.

 

9.     Cuối cùng một thời đại mới hòa bình và tốt đẹp sẽ đến và tồn tại mãi mãi.

 

Trên đây là các ý niệm về Đấng Mêsia vốn ở trong tâm trí người Do Thái lúc Chúa Giêsu đến thế gian này. Các ý niệm ấy vốn là tàn bạo, đầy tinh thần quốc gia cực đoan, gây tàn hại và báo thù. Thật ra chúng cũng được cho kết thúc bằng sự trị vì trọn vẹn của Thiên Chúa, nhưng muốn đạt đến đó, phải trải qua trận tắm máu và một sự nghiệp chinh phạt. Hãy nghĩ về Chúa Giêsu bị đặt trong một bối cảnh như vậy, cho nên chẳng có gì để ngạc nhiên nếu Ngài cần huấn luyện các môn đệ mình về ý nghĩa của Đấng Mêsia và chẳng có gì lạ nếu cuối cùng, chúng đã đóng đinh Ngài vào thập giá vì tội giảng tà giáo. Trong một bức tranh như thế, làm sao có chỗ cho một thập giá, cũng chẳng hề có một chỗ trống nào dầu thật nhỏ hẹp cho tình thương chịu khổ được.

 

KẺ CÁM DỖ LỢI DỤNG TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI BẠN THÂN (8,31-33)

Chúng ta phải đặt câu chuyện này trong bối cảnh vừa thấy về quan niệm thông thường liên hệ đến Đấng Mêsia. Khi Chúa Giêsu kết hợp chức vụ của Đấng Mêsia với đau khổ và sự chết là Ngài đang khẳng định với các môn đệ Ngài những điều khó tin, khó hiểu. Suốt đời họ vẫn quan niệm về một Đấng Mêsia bách chiến bách thắng, thế mà bây giờ họ lại được nghe một ý niệm họ phải choáng váng. Chính vì thế, nên Phêrô đã mạnh mẽ phản đối. Với ông toàn thể vấn đề không thể nào xảy ra như vậy được.

 

Tại sao Chúa Giêsu quở trách Phêrô quá nghiêm khắc như vậy? Vì lời ông nói ra cũng chính là cám dỗ đang tấn công Chúa Giêsu lúc đó, Chúa Giêsu không hề muốn chết, Ngài biết rằng Ngài có quyền năng để sử dụng cho việc chinh phục và chiến thắng. Lúc này cuộc chiến đấu với cám dỗ trong hoang địa đang tái diễn. Chính ma quỷ lại cám dỗ Ngài một lần nữa là hãy sấp mình xuống thờ lạy nó, hãy chấp nhận đường lối của nó thay vì đường lối của Thiên Chúa.

 

Việc kẻ cám dỗ nói với chúng ta bằng giọng nói của một người bạn thân thiết là điều hết sức kỳ lạ, lắm khi còn là khủng khiếp nữa. Có lẽ chúng ta đã quyết định tiến hành công việc phải lẽ mà không thể nào tránh được rắc rối, mất mát, bị chê bai và phải hy sinh. Thế rồi, đúng lúc đó, có thể có một người bạn thân thiết, đến với ý định tốt, để cố gắng can ngăn chúng ta. Tôi biết một người đã quyết tâm tiến hành một công việc hầu như chắc chắn sẽ đưa người ấy lâm cảnh rắc rối. Một người bạn đến và cố thuyết phục, can ngăn ông ta, người bạn nói “Hãy nhớ anh còn vợ và gia đình, anh không nên làm thế!”. Có thể một người vì rất yêu mến chúng ta đến nỗi người ấy muốn chúng ta tránh chuyện rắc rối để tìm kiếm một nếp sống an toàn.

 

Kẻ cám dỗ không thể tìm được cách tấn công nào khủng khiếp hơn là tấn công bằng tiếng nói của những người yêu thương chúng ta và những người chỉ nghĩ đến việc mưu tìm điều tốt đẹp cho chúng ta. Đó chính là chuyện đã xảy ra cho Chúa Giêsu ngày hôm ấy và cũng chính vì thế mà Ngài đã đáp lại thật nghiêm khắc. Cả đến tiếng van nài của tình thương cũng không thể lấn át tiếng nói cấp thiết của Thiên Chúa.