Chúa Nhật XXII - Thường Niên - Năm B
“GIỚI RĂN THIÊN CHÚA” VÀ “TRUYỀN THỐNG LOÀI NGƯỜI”
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Từ sạch sẽ của đôi bàn tay đến trong sạch của tâm hồn

Maccô có chủ tâm khi đặt đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay trong “phần nói về bánh", giữa hai lần bánh hóa nhiều: lần thứ nhất tại vùng đất Do thái (6,35 và tiếp theo), và lần thứ hai tại vùng đất dân ngoại (8,1-9). Quả thật, đó là cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với những người biệt phái cùng ký lục về “sạch" và “ô uế, sâu xa hơn, về thái độ kỳ thị của người Do thái đối với dân ngoại. Họ cho rằng dân ngoại thì “ô uế", do đó không được đi lại với những người này.

- Tranh luận bắt đầu từ một phản ửng của biệt phái và ký lục từ Giêrusalem đến điều tra “xì căng đan" do các môn đệ Đức Giêsu gây ra: vài người trong các ông “dùng bữa (nghĩa đen: ăn bánh) với đôi bàn tay dơ, nghĩa là không rửa”.

Và Maccô kể cho những người dân ngoại đọc Tin Mừng của ông, một vài tập tục nhằm bảo vệ người Do thái khỏi bị lây nhiễm đúng tập tục ngoại lai và giữ cho dân Chúa được toàn vẹn về mặt xã hội cũng như tôn giáo. J. Potin viết: "Nhờ cả một mạng lưới những chịt những điều cấm bao trùm từng giây phút, từng tình huống trong đời sống hằng ngày mà dân Do thái vẫn giữ cẩn thận luật về trong sạch (pureté) mà một thành viên của dân Thiên Chúa phải có. Ví dụ, tư tế phải thanh tẩy hằng ngày trước khi bước qua tiền đường vào đền thờ. Những hy lễ đền tội dâng tiến trong các cuộc hành hương ở Giêrusalem, những lễ nghi rửa tay, sự chay tịnh, bố thí, những lời cầu nguyện đều nhằm tìm lại sự trong sạch (pureté). Đôi khi sự trong sạch này bị mất đi vì những “sinh hoạt" của cuộc sống hằng ngày như sinh đẻ, lỗi luật, tiếp xúc với xác chết hoặc với người ngoại, người cùi, ... Theo cách nói của các Rabbi (thầy dạy), luôn có một bức tường vây kín toàn bộ đời sống của người Do thái để bảo vệ họ. (Xem “Đức Giêsu, lịch sử đích thực Centurion, 192-193). J. Potin viết tiếp, những tập tục này tất nhiên đòi phải có: “Lối sống định canh định cư rất khác biệt với hoàn cảnh sống rầy đây mai đó của Đức Giêsu và các môn đệ. Hơn nữa, một số môn đệ là người bình dân nên dĩ nhiên không được chuẩn bị sẵn sàng để tôn trọng những thói tục của dân thành thị. (sách đã dẫn, tr. 193-194).

- Sau khi trả lời những người biệt phái và ký lục, Đức Giêsu nói với đám đông rồi mới nói với các môn đệ.

+ Chẳng những không tìm cách xin lỗi cho các môn đệ, Đức Giêsu còn cự lại những người chống đối và đánh giá họ là "những kẻ giả hình", khi dùng những lời tiên tri Isaia để nói về họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Chúng có thờ phụng Ta thì cũng vô ích; vì giáo lý chúng dạy là những giới luật phàm nhân" (Is. 7,6-7 và 29,13). Kế đó, để tiếp tục phản công, Ngài tố cáo những” truyền thống” do cha ông truyền lại (những “truyền thống" của loài người) thường cho phép thay đổi cả những giới răn của Thiên Chúa. Thậm chí Ngài đưa ra một ví dụ điển hình (sách bài đọc không nói đến) để lột mặt nạ tính giả dối của những kẻ hay soi mói: “Hãy thờ cha kính mẹ", đó là giới luật tuyệt đối Thiên Chúa đã truyền cho dân Ngài qua miệng Môisen; tuy nhiên, người biệt phái đoan chắc rằng nếu ai hứa dâng cúng của cải mình cho Ngân khố đền thờ thì được miễn nuôi dưỡng cha mẹ già (Họ nói rằng cái gì đã hứa cho Thiên Chúa thì không thể cho người khác được nữa!) J. Potin giải thích: “Đó rõ ràng là cách thay thế giá trị nền tảng của Thiên Chúa bằng sự thánh hiến tiền bạc giả danh tôn giáo. Đây là một trường hợp quá đáng nên chính những Kitô Do thái cũng chống lại vì họ rất gắn bó với gia đình. Đức Giêsu làm mọi người cảm nhận rõ ràng do đâu những truyền thống phát xuất từ cơ chế tôn giáo có thể làm biến chất chính căn bản nhất của nó và thậm chí cả hướng đi trong sáng nhất của nó nữa". (sách đã dẫn, tr.194)

+ Rồi Đức Giêsu quay sang nói với “đám đông". Sau khi đã vượt lên trên sự đối nghịch sạch, ô uế theo nghi lễ, Ngài đi ngược lên tận nguồn gốc của sự ô uế luân lý, nơi xuất phát mọi kết định của con người: đó là “lòng" họ. Chỉ có một sự ô uế thật sự mà con người mắc phải khi tự do quyết định: “Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm con người ra ô uế.

M. Quesnel khẳng định: “Chắc chắn đó là bài học chủ yếu của đoạn Tin Mừng này không có gì ở ngoài con người có thể làm họ trở nên dơ. Về điều này, Maccô là một nhà cách mạng đối với người Do thái thời ông; ông tỏ rõ rằng những người tin vào Đức Kitô và gia nhập Giáo hội không còn lệ thuộc vào sự tuân giữ những luật lệ của Israel về sạch, ô uế nữa: đụng một xác chết hay một người cùi ăn uống với người ngoại, uống máu những con vật, đối với người Do thái, tất cả những hành vi này gây ra sự ô uế về lễ nghi, nhưng đối với người tin vào Đức Kitô, thực sự chúng không còn chút khả năng nào để tách rời họ khỏi Thiên Chúa”. (Đọc Tin Mừng Thánh Máccô thế nào?, Seuil, p. 125)

+ Nhưng điều Đức Giêsu vừa nói với đám đông thì lập tức tiếp đó Ngài nói với các môn đệ “trong nhà". Sau khi đã kể ra một loạt những thói xấu và tội lỗi, Ngài kết luận: “Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm con người ra ô uế.

2. Từ phân biệt đến cởi mở và thông hiệp:

Chính Maccô giải thích: “Như vậy Đức Giêsu tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch”. Câu này (không có trong sách bài đọc) chắc chắn gây nên một cú sốc: “Ngay lập tức, Đức Giêsu tuyên bố những truyền thống nhằm chia xã hội thành hai khối: người tốt và kẻ xấu theo cách của đạo manichéisme (đạo thiện ác) là những truyền thống lạc hậu. Theo kiểu phân chia này, một bên là những người sạch, tức người biệt phái (nghĩa từ này là “những người được tách biệt ra") và bên kia là những người ô uế, nên tránh, tức những người tội lỗi. Như vậy, Đức Giêsu vừa thiết lập một xã hội mới. Phần Thiên Chúa, người thông hiệp với tất cả những ai là nạn nhân của sự phân biệt xã hội và tôn giáo do chủ trương của phái ‘những người sạch và khắc nghiệt’ tức những người biệt phái. Ngài ăn uống với những kẻ ô uế, “những kẻ bị loại trừ" (người thu thuế, đĩ điếm, lính Rôma, v.v.) Chính điều mới mẻ này sẽ xô đổ những ngăn cách tai hại vào thời Đức Giêsu. (J. Hervieux, "Tin Mừng thánh Maccô", Centurion, tr. 103)

- Một lời nói rõ ràng và có sức giải phóng dành cho những người đọc Tin Mừng Maccô ở một thời đại mà Giáo hội sơ khai đang trải qua những căng thẳng và xung đột giữa những Kitô hữu gốc Do thái và Dân ngoại. J. Potin nhận xét thêm: “Điều phê phán trên chứng tỏ rằng việc áp dụng giáo huấn này không dễ dàng, như sách Tông đồ Công vụ đã chứng minh: Phêrô đã phản đối: Trong đời tôi, không bao giờ tôi ăn những gì nhơ nhớp và ô uế, khi trong thấy một rổ những loài vật thiên thần mời ông ăn trong giấc mơ (10,14). Nhưng vì người Do thái và dân ngoại cùng hiện diện đồng bàn trong cộng đoàn Kitô hữu nên bắt buộc phải bãi bỏ những điều cấm về ẩm thực dành riêng cho người Do thái một khi chúng không có chiều kích luân lý”. (Sách đã dẫn, tr. 195–196) Qua việc công tố về sạch và ô uế, Đức Giêsu mở ra con đường của tự do Kitô giáo.

BÀI ĐỌC THÊM

1. Giới răn của Thiên Chúa và tập tục phàm nhân.

Một cộng đoàn Kitô trẻ trung gặp khó khăn trong đời sống trước những luật lệ phải bỏ và phải duy trì. Không phải chỉ thời Cựu ước và trong đạo Do thái người ta mới bị cám dỗ muốn ẩn trốn sau những tập tục và giới luật để được an tâm. Cũng không phải chỉ ở thời đại chúng ta Kitô giáo mới biết đến những cám dỗ như thế. Chính Giáo hội sơ khai cũng đã phải trải qua những cám dỗ này.

Thánh Phaolô chứng minh cho chúng ta thấy những luật lệ Do thái và sự trong sạch nệ luật gây ra những thái độ cần phải chỉnh đốn. Sách Tông đồ Công vụ, thư gởi tín hữu Galata, thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, thư gởi tín hữu Rôma đều lần lượt ám chỉ đến vấn đề này.

Thư gởi tín hữu Galata cho chúng ta thấy chính Phêrô cũng do dự trước tình hình nghiêm trọng do phản ứng mạnh của một số người. Ông dùng bữa chung với người ngoại giáo, nhưng khi một số người thân cận của Giacôbê từ Giêrusalem đến, ông lẩn tránh mà không dám tiếp xúc với người ngoại giáo nữa vì sợ những người đã cắt bì. Thấy vậy, một số người Do thái khác cũng bắt chước ông. Thánh Phaolô đã kịch liệt đả kích thái độ "ỡm ờ" này (Galata 2,11-14)

Chương 10 trong Tông đồ công vụ thuật lại: trong lúc Phêrô phải đương đầu với những khó khăn này thì một thị kiến đã dạy ông thái độ cần có và ông đã vào nhà viên bách quan dù theo luật như chính ông đã biết: người Do thái bị cấm vào nhà người ngoại giáo.

Một vấn đề khác, đó là việc cắt bì. Một số muốn dân ngoại khi trở lại phải chịu cắt bì (Ac 15). Chính Phêrô, thủ lãnh của Giáo hội, cũng cảm thấy khó mà quyết định về những vấn đề này; ông đã can đảm giải quyết nó nhưng không phải là không phân vân.

Thánh Phaolô cảm thấy cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng thứ yếu của những tập tục về thức ăn, nên ông viết: “ Thức ăn dành cho bụng và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ hủy diệt cả cái này lẫn cái kia”. (1 Cor. 6,13) Trong thư gởi tín hữu Rôma, về vấn đề này, ông đưa ra một phán đoán rất quân bình: “ Nước Thiên Chúa không phải chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần". (14,17)

Tuy nhiên, bằng cách khích lệ là cần phải làm đúng lúc vì “những người yếu đuối", Phaolô nói tiếp: “Đừng vì một thức ăn mà phá hủy công trình của Thiên Chúa" (14,20) Tất nhiên mọi thức ăn đều sạch, nhưng chúng sẽ trở nên sự dữ đối với người ăn chúng mà gây gương mù. Những sự kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của thánh Máccô dành cho các tín hữu của ông"

2. Truyền thống là gì?

"Những người biệt phái trách các môn đệ Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn", nghĩa là không trung thành với truyền thống. Nhưng truyền thống là gì?

Trong đạo Do thái, luật bắt buộc các tư tế phải rửa tay trước khi cử hành phụng vụ (Xh 30,17-21). Các Rabbi biến luật này thành phức tạp hơn khi thêm vào đó những chi tiết và những giải thích cho rõ ràng hơn.

Đàng khác, họ áp đặt lễ nghi này cho mọi người Do thái trước khi họ dùng bữa, “lấy cớ là tất cả các bữa ăn đều làm một hành vi tôn giáo và toàn thể Dân Israel là dân tư tế". Rồi, dựa vào một tiến trình mà ai cũng biết để biện minh cho những luật lệ này, họ nói rằng chúng có nguồn gốc từ thời ông Môisen, người đã giải phóng dân tộc. Nên đó là “Truyền thống".

Nhằm phá vỡ tính máy móc của sự khép kín này, cũng như nhằm tháo bỏ nó khỏi chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa nệ truyền thống khởi đi từ sự đối lập giữa sạch và ô uế, cái bên trong và ăn ngoài, Đức Giêsu lập luận: “Không có gì từ bên ngoài trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; chúng chính cái từ con người xuất ra mới là cái làm con người ra ô uế.

Khi bên ngoài lấn át bên trong, dáng vẻ bề ngoài lấn át con tim, lễ nghi lấn át ý nghĩa, trình diễn ngoạn mục lấn át nội tâm, tỉ lệ lấn át tinh thần; thì đó sẽ là điều đồi bại. Bản văn chính thức chúng ta đọc trong chúa nhật này đã bỏ đi một câu tố cáo sống sượng sự phản bội dưới vỏ bọc của một truyền thống sai lạc: “Bất cứ cái gì lừ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm con người ra ô uế được, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta rồi thải ra ngoài”.

Chỉ có một truyền thống đích thực, đó là dòng chảy từ con tim của Thiên Chúa đến con tim của con người. Nhưng để dòng chảy lưu thông thông suốt, đương nhiên cần có những ống dẫn. Những ống này càng mịn màng tinh tế càng ít cản trở dòng chảy".

3. Đức Giêsu giải phóng chúng ta

“Đức Giêsu là con người tự do. Ngài giải phóng. Ngài là người con say mê tìm vinh quang của Cha mình. Ngài bảo vệ các môn đệ chống lại các cuộc tấn công của những kẻ nệ luật; Ngài bảo vệ giới luật của Thiên Chúa không để chúng bị thay thế bởi những luật lệ loài người. Đức Giêsu mới gọi chúng ta đi đến tận “tâm điểm", tức tận trung tâm của con người mà từ đó phát xuất ra những gì là sạch và ô uế. Ngài kêu mời chúng ta phải lãnh trách nhiệm của chính mình. Ngài cũng kêu gọi hãy có sự trong sạch của tâm hồn, chứ không phải của đôi bàn tay. Chính khi làm thế chúng ta ở trong chân lý, không giả hình, không biện minh vụn vặt cho những chọn lựa nhỏ nhặt của mình, không kết án nhân danh những luật lệ chính chúng ta nặn ra. Đức Giêsu bắt người ta vừa phải đối diện với chính mình, với cái “tâm" của mình, vừa phải đối diện với “giới luật của Thiên Chúa". Đó chính là hai tiêu chuẩn để đo lường sự chính trực. Như vậy, Đức Giêsu đưa chúng ta trở về với điều cốt yếu nhất và giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của những điều vụn vặt, những hình thức bên ngoài...".